Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

(ĐTCK) Các công ty chứng khoán có thêm một tuần nhận định thành công khi tất cả những mã lớn được khuyến nghị mua tiếp tục tăng tốc mạnh, là các trụ đỡ giúp thị trường lần lượt phá bỏ những ngưỡng kháng cự cao. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* MBS khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu VJC

Bằng phương pháp chiết khấu dòng tiền với các giả định cụ thể được trình bày theo bảng dưới đây, chúng tôi đưa ra mức định giá hợp lý của VJC là 144.200 đồng/CP. Chúng tôi khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu ở vùng giá hiện tại.

Tháng 11 được đánh giá là tháng giao dịch của các cổ phiếu lớn khi nhiều mã đua nhau tăng mạnh và lập mức giá kỷ lục, trong đó VJC cũng không nằm ngoại lệ. Tuần qua, cổ phiếu VJC đã giao dịch khởi sắc khi liên tiếp tăng 4 phiên đầu tuần và chỉ điều chỉnh nhẹ 1 phiên duy nhất ngày cuối tuần 24/11.

Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VJC tăng 9.000 đồng/Cp (+7,47%) từ mức 120.500 đồng/Cp lên 129.500 đồng/Cp. Tuy nhiên, so với mức giá mục tiêu là 144.200 đồng/CP, giá hiện tại của VJC còn thấp hơn 11,35%.

* Theo BVSC, cuộc chiến về giá vẫn là điểm rủi ro của DQC

Việc giá cổ phiếu DQC đã tăng 23% kể từ cuối tháng 10/2017 có thể đã phản ánh phần lớn tin DQC sẽ mua cổ phiếu quỹ. Do đó, chúng tôi cũng khuyến cáo nhà đầu tư cần cẩn trọng nếu tham gia tích luỹ DQC ở vùng giá này mà chỉ kỳ vọng vào tin tức ngắn hạn trên.

Đúng như nhận định lo ngại về rủi ro cuộc chiến về giá, diễn biến cổ phiếu DQC tuần qua tiếp tục duy trì trạng thái giao dịch thiếu tích cực. Cụ thể, với 3 phiên giảm và 2 phiên hồi phục, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DQC giảm 1.300 đồng/Cp (-3,17%) từ mức 41.000 đồng/Cp xuống 39.700 đồng/Cp.

* MSI và BSC cùng khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu VCG

Với mức P/E hợp lý của VCG là 16,28X, EPS 2017F là 1.742 thì giá mục tiêu của VCG là 28.350 đồng/CP. MSI đưa ra khuyến nghị nắm giữ đối với VCG dựa trên những yếu tố cơ bản như kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm khá ấn tượng; nhiều dự án đang được triển khai, mở bán; tiếp tục thoái vốn, ngừng hoạt động hoặc giải thể các đơn vị kinh doanh thua lỗ, tạo cấu trúc cô đọng, tập trung vào lĩnh vực chính là xây lắp, kinh doanh bất động sản.

Tương tự, BSC cũng đưa ra khuyến nghị nắm giữ VCG trong thời gian tới. Nhà đầu tư có thể cân nhắc điểm mua trong vùng giá 25- 26 nếu thanh khoản cổ phiếu duy trì đà tăng. Với lực nâng mạnh, có thể đưa giá cổ phiếu lên 29.

Cùng với kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt, triển vọng trong tương lai với nhiều dự án đang được triển khai, mở bán và thông tin thoái vốn, tiếp tục giúp sức cho cổ phiếu VCG khởi sắc. Với duy nhất 1 phiên giảm vào đầu tuần ngày 20/11 và có tới 4 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VCG tăng 1.500 đồng/Cp (+5,95%) từ mức 25.200 đồng/Cp lên 26.700 đồng/Cp.

* KIS khuyến nghị canh mua cổ phiếu ACB

Hiện tại, giá đang trong quá trình tiệm cận đường cận trên của kênh giá do đó những áp lực điều chỉnh trong ngắn hạn sẽ xuất hiện. Tuy nhiên, xu thế tăng nhiều khả năng sẽ tiếp tục được duy trì. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị canh mua cổ phiếu ACB khi giá xuất hiện những nhịp điều chỉnh về 32.000 đồng/CP.

Đúng như khuyến nghị của KIS, ngay sau phiên điều chỉnh đầu tuần ngày 20/11, cổ phiếu ACB đã lấy lại cân bằng và khởi sắc. Cụ thể, với 3 phiên tăng, 1 phiên giảm và 1 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu ACB tăng 1.000 đồng/Cp (+3,02%) từ mức 33.100 đồng/Cp lên 34.100 đồng/Cp.

* KIS khuyến nghị canh mua cổ phiếu VPB

Giá phản ứng của VPB rất tốt ngay tại đường trung bình 50 phiên MA(50), tương đương 38.000 đồng/CP, được kì vọng là ngưỡng hỗ trợ quan trọng. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị canh mua khi xuất hiện những nhịp tăng mạnh và bứt phá qua ngưỡng 40.000 đồng/CP, tương đương MA(20).

Diễn biến cổ phiếu VPB biến động khá cân bằng. Sau khi trải qua 2 phiên điều chỉnh giảm vào đầu tuần, VPB đã hồi phục trong 2 phiên tiếp theo đó và đứng giá tham chiếu trong ngày cuối tuần 24/11. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VPB tăng nhẹ 500 đồng/Cp (+1,27%) từ mức 39.500 đồng/Cp lên 40.000 đồng/Cp.

* VCSC và BSC khuyến nghị mua đối với cổ phiếu FPT

VCSC giữ khuyến nghị mua dành cho FPT, đồng thời điều chỉnh tăng giá mục tiêu thêm 15% nhờ cập nhật chu kỳ chiết khấu dòng tiền và WACC giảm 1,7 điểm %.

Bên cạnh đó, BSC khuyến nghị nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp chỉnh tại ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn quanh 53.1 để gia tăng thêm tỷ trọng. Giá mục tiêu 61.7, giá cut loss nếu thủng ngưỡng hỗ trợ trung hạn 49.8.

Tuần qua, FPT đã công bố kết quả kinh doanh 10 tháng năm 2017 với doanh thu hợp nhất đạt 34.966 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016; lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt đạt 2.645 và 2.226 tỷ đồng, tăng trưởng 14% và 11%. Thông tin này tiếp tục góp sức giúp cổ phiếu FPT duy trì đà tăng trong tuần qua mặc dù áp lực bán chốt lời có phần gia tăng.

Cụ thể, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm xen kẽ nhau, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu FPT tăng 1.200 đồng/Cp (+2,12%) từ mức 56.700 đồng/Cp lên 57.900 đồng/Cp.

* BVSC khuyến nghị xem xét tích lũy cổ phiếu LCG

Với kết quả lợi nhuận dự kiến trong 2017 và 2018, mức giá mục tiêu cho LCG 11.400 đồng/cp, tương ứng PE 10x. Cổ tức năm 2017 theo kế hoạch là 7% tiền mặt. Theo đó, nhà đầu tư có thể xem xét tích lũy đối với cổ phiếu LCG tại mức giá quanh 9.000 đồng/cp. Đây là mức giá mà chúng tôi cho rằng phù hợp và an toàn để nhà đầu tư xem xét giải ngân.

Tuần qua, cổ phiếu LCG tiếp tục duy trì trạng thái rung lắc nhẹ. Với 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu LCG giảm nhẹ 20 đồng/Cp (-0,2%) từ mức 9.920 đồng/Cp xuống 9.900 đồng/Cp.

* PHS khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu DCM

Kết hơp 2 phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền tự do dành cho doanh nghiệp FCFF (tỉ trọng 30%) và P/E (tỉ trọng 70%). Mức giá hợp lý đổi với cổ phiếu DCM là 14.700 đồng/CP. Đồng thời, chúng tôi đưa ra khuyến nghị tăng tỉ trọng đối với DCM với mức sinh lời 19,8%.

Cổ phiếu DCM đã đón nhận 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá vào giữa tuần ngày 22/11, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DCM tăng 300 đồng/Cp (+2,43%) từ mức 12.350 đồng/Cp lên 12.650 đồng/Cp.

* BSC khuyến nghị theo dõi và cân nhắc mở vị thế cổ phiếu BHN

Cổ phiếu BHN đang tích lũy ngang trong vùng Fibonacci 23.6 và 38.2 sau khi không đủ lực phá ngưỡng 50. Nền giá ngắn hạn của BHN đang dần xuất hiện với thân nến nhỏ và đều nhau, Bollinger thu hẹp lại. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư có thể theo dõi và cân nhắc mở vị thế BHN trong thời gian tới.

Tuần qua, thị trường đã chứng kiến sự bứt phá mạnh của cặp đôi lớn cổ phiếu họ bia. Bên cạnh SAB tăng ròng rã 5 phiên và thiết lập thị giá cao kỷ lục nhất của lịch sử chứng khoán Việt, cổ phiếu BHN cũng khởi sắc không kém với 5 phiên tăng liên tiếp, trong đó phiên giữa tuần 22/11 đã tăng trần. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu BHN tăng 19.900 đồng/Cp (+16,58%) từ mức 120.000 đồng/Cp lên 139.900 đồng/Cp. 

Tin bài liên quan