Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

(ĐTCK) Các công ty chứng khoán đã có một tuần thất bại khi hầu hết các cổ phiếu được khuyến nghị mua vào đều quay đầu giảm mạnh. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* IVS khuyến nghị tích cực đối với cổ phiếu CTI

Hiện giá CTI đã chạm đường biên trên của dải Bollinger Band cho khả năng điều chỉnh trong ngắn hạn cao dù phiên hôm nay đà tăng vẫn được duy trì, chúng tôi duy trì quan điểm tích cực đối với CTI trong dài hạn (như trong báo cáo khuyến nghị chốt lãi ngắn hạn CTI ra vào 7/4) và cho rằng các nhà đầu tư có thể theo dõi Mua vào tích lũy đối với CTI tại vùng giá 29.000-30.000 đồng/CP sau khi mã này điều chỉnh trong thời gian tới đây.

Dù kết quả kinh doanh quý II/2017 tăng trưởng khá tốt cùng thông tin tích cực trả cổ tức 13% bằng tiền mặt gồm cổ tức đợt cuối năm 2016 và tạm ứng cổ tức năm 2017, nhưng diễn biến cổ phiếu CTI tuần qua không mấy tích cực với những phiên tăng giảm xen kẽ. Thống kê, CTI có 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu CTI tăng nhẹ 300 đồng/Cp (+0,95) từ mức 31.500 đồng/Cp lên 31.800 đồng/Cp.

* KIS khuyến nghị nhà đầu tư có thể mua vào FCN

FCN có thể chịu áp lực bán tại vùng cản nói trên trên, do đó khả năng FCN sẽ tích lũy vài phiên và tạo đáy quanh vùng 22-23. Chúng tôi cho rằng đây là cơ hội tốt và nhà đầu tư có thể mua vào khi có sự tham gia tích cực của khối lượng giao dịch với mức mục tiêu là 29-30. Ngưỡng cắt lỗ đặt tại 21.

Trái với khuyến nghị của KIS, tuần qua cổ phiếu FCN giao dịch không mấy tích cực sau thông tin kết quả kinh doanh 6 tháng kém khả quan với lợi nhuận sau thuê đạt 54 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 27% kế hoạch cả năm. Thống kê, FCN có 3 phiên giảm khá mạnh và 2 phiên tăng nhẹ, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu FCN giảm 1.450 đồng/Cp (-6,04) từ mức 24.000 đồng/Cp xuống 22.550 đồng/Cp.

* VCSC khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu TCM

Kế hoạch chuyển nhượng đất bao gồm nhà máy số 3 trong năm nay, có thể mang lại 22 tỷ đồng lợi nhuận bất thường trước thuế, hiện chưa được đưa vào dự báo của chúng tôi. Sau khi tăng 135,5% từ đầu năm, giá cổ phiếu TCM đã giảm 19,4% trong các tuần qua. Định giá hấp dẫn tại mức P/E 2017 là 8,6 lần nhờ tăng trưởng.

Mặc dù được phân tích khá tích cực nhưng diễn biến cổ phiếu TCM tuần qua lại liên tiếp chịu áp lực bán khá lớn và quay đầu giảm điểm. Thống kê, TCM có tới 4 phiên giảm và duy nhất 1 phiên tăng ngày 10/8, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu TCM giảm 2.200 đồng/Cp (-7,21) từ mức 30.500 đồng/Cp xuống 28.300 đồng/Cp.

* IVS khuyến nghị theo dõi cổ phiếu PHR, BVSC khuyến nghị tích cực

Theo IVS, giá cổ phiếu PHR đã tăng gần 70% từ giữa tháng tư, đạt 40.000 đồng/cổ phiếu do đó cổ phiếu PHR có thể điều chỉnh giống như giai đoạn cuối quý I năm nay. Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư có thể chờ đợi khi cổ phiếu điều chỉnh mạnh rồi mua vào. Hiện tại, chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm theo dõi đối với cổ phiếu này.

Trong khi đó, BVSC nhận định, trên cơ sở định giá cổ phiếu PHR vào khoảng 51.250 đồng/cp, cao hơn mức giá thị trường 29%, BVSC khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu PHR.

Được mệnh danh là “cổ phiếu hoa hậu” với chuỗi ngày dài tăng giá trong gần 3 tháng qua, kể từ đầu tháng 5, tuy nhiên tuần qua cổ phiếu PHR đã khá giằng co. Thống kê, PHR có 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu PHR giảm 250 đồng/Cp (-0,63) từ mức 39.750 đồng/Cp xuống 39.500 đồng/Cp.

* KIS khuyến nghị mua cổ phiếu DIG

Trong ngắn hạn, do đã phá vỡ mẫu hình tam giác tích lũy nên DIG đã xuất hiện điểm mua mới. Chúng tôi cho rằng đây là cơ hội tốt và nhà đầu tư có thể mua vào khi giá điều chỉnh kĩ thuật vê vùng 15.5-16 và mục tiêu của nhịp tăng này là vùng 19-20. Ngưỡng cắt lỗ đặt dưới 15.

Dù phiên đầu tuần khá khởi sắc với giá tăng kịch trần cùng thanh khoản tăng vọt, tuy nhiên 2 phiên điều chỉnh tiếp theo đã lấy đi toàn bộ thành quả đã có được. Thống kê, DIG có 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, trong đó phiên đầu tuần 7/8 tăng trần, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu DIG chỉ tăng nhẹ 100 đồng/Cp (0,64) từ mức 15.600 đồng/Cp lên 15.700 đồng/Cp.

* IVS khuyến nghị mua cổ phiếu TDH

Tính chung 6 tháng đầu năm, TDH đạt tổng doanh thu 754 tỷ đồng, tăng 84,45% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 105 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ năm 2016. Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu TDH. Giá mục tiêu trong trung hạn là 22.500 đồng/CP, giá mục tiêu trong ngắn hạn là 19.300 đồng/CP. Giá cắt lỗ là 13.800 đồng/CP.

Trái với khuyến nghị của IVS, sau tuần đầu tháng 8 khởi sắc, cổ phiếu TDH đã đón nhận những phiên điều chỉnh trong tuần qua. Thống kê, TDH có 2 phiên giảm, duy nhất 1 phiên tăng ngày 7/8 và 2 phiên đứng giá, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu TDH giảm 600 đồng/Cp (-3,68) từ mức 16.300 đồng/Cp xuống 15.700 đồng/Cp.

* KIS khuyến nghị tận dụng các nhịp rung lắc để mở vị thế mua cổ phiếu DXG, MBS đưa ra giá hợp lý 21.700 đồng/CP

Theo KIS, mặc dù các chỉ báo kỹ thuật chưa cho nhiều tín hiệu tích cực nhưng cây nến tuần trên đồ thị DXG đã xác nhận tín hiệu đảo chiều. Nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp rung lắc trong phiên để mở vị thế mua mới với mức giá mục tiêu 1 là 22-22.5 và mục tiêu 2 là 25-26. Ngưỡng cắt lỗ là dưới 17. 

Trong khi đó MBS cho rằng, hiện tại cổ phiếu đang giao dịch ở mức P/E là 8,68 lần, thấp hơn P/E trung bình các doanh nghiệp cùng ngành và P/E thị trường. Mức P/E forward năm 2017 đạt 10 lần, giá hợp lý đối với cổ phiếu DXG là 21.700 đồng/cp.

Sau chuỗi ngày dài tăng nóng, nhóm cổ phiếu đầu cơ đã bị chốt lời khá mạnh trong tuần qua, trong đó DXG cũng không ngoại trừ. Thống kê, DXG có 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu DXG giảm 1.100 đồng/Cp (-5,7) từ mức 19.300 đồng/Cp xuống 18.200 đồng/Cp.

* BVSC khuyến nghị tích cực đối với cổ phiếu DRC

Về ngắn hạn, xét trên dự phóng kết quả kinh doanh 2017-2018, chúng tôi đề ra giá mục tiêu là 29.000 đồng/cp và nhà đầu tư có thể xem xét tích luỹ ở vùng giá 24-26.000 đồng/cp.

Trái với khuyến nghị của BVSC, sau công bố kết quả kinh doanh khá tiêu cực trong quý II với lợi nhuận giảm tới 68% so với cùng kỳ, cổ phiếu DRC đã liên tiếp giảm giá. Tuy nhiên, trong tuần qua, phiên tăng khá mạnh đầu tuần ngày 7/8 đã giúp DRC lấy lại cân bằng dù các phiên tiếp theo đó đều quay đầu giảm điểm. Thống kê cả tuần, giá cổ phiếu DRC không có biến động và vẫn giữ nguyên mức 25.750 đồng/Cp.

* BSC khuyến nghị mua cổ phiếu REE

Với danh mục đầu tư điện nước than lên tới trên 5.000 tỷ được kì vọng sẽ mang lại nguồn lợi nhuận cao và ổn định cho REE trong dài hạn, chúng tôi khuyến nghị MUA cổ phiếu REE với giá mục tiêu là 43.482 đồng/cp, tương ứng với upside 18%, dựa vào 2 phương pháp định giá là P/E và FCFF.

Cũng giống hầu hết các mã được đưa ra phân tích và khuyến nghị trên, cổ phiếu REE đã đón nhận 1 tuần giao dịch khá tiêu cực. Thống kê, REE có tới 4 phiên giảm và duy nhất 1 phiên tăng ngày 10/8, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu REE giảm 2.500 đồng/Cp (-6,51) từ mức 38.400 đồng/Cp xuống 35.900 đồng/Cp.

* MSI khuyến nghị mua cổ phiếu EIB

Chúng tôi sử dung phương pháp định giá P/B cho EIB theo đó EIB được định giá tại mức 1.4x (thấp hơn trung bình ngành 1.9x) . Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu EIB với giá mục tiêu là 15.500 đồng/cp.

Thị trường tuần qua khá tiêu cực khi liên tiếp đón nhận những phiên giảm điểm đẩy VN-Index lần lượt thủng các ngưỡng kháng cự thấp hơn. Trong đó, nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng là một trong những tác nhân tạo gánh nặng lớn cho thị trường. Bên cạnh các mã ngân hàng lớn giảm điểm, cổ phiếu tác động ít tới chỉ số chung của thị trường là EIB cũng không thoát khỏi vòng xoáy bị bán mạnh.

Thống kê, EIB có tới 5 phiên giảm liên tiếp, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu EIB giảm 550 đồng/Cp (-4,23) từ mức 13.000 đồng/Cp xuống 12.450 đồng/Cp. 

Tin bài liên quan