Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

(ĐTCK) Tuần qua, thị trường tiếp tục mất điểm khiến nhiều cổ phiếu được đưa ra khuyến nghị mua hoặc nắm giữ có diễn biến thiếu tích cực. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* VCSC khuyến nghị phù hợp thị trường đối với TCM

Với mức giá đóng cửa 17.700 đồng, TCM đang giao dịch với P/E trượt 10,6 lần, dựa theo EPS trượt 2.264 đồng/CP. Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG đối với TCM. 

Trái với kỳ vọng của VCSC, diễn biến cổ phiếu TCM tuần qua chủ yếu đi ngang với 3 phiên đứng giá vào cuối tuần, 1 phiên tăng nhẹ và 1 phiên giảm nhẹ vào đầu tuần. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TCM không có biến động và vẫn giữ nguyên ở mức 17.700 đồng/Cp.

* KIS khuyến nghị mua vào PDR

Trong ngắn hạn, PDR sẽ hướng về mục tiêu 15,5-15,7. Nếu vượt qua được ngưỡng cản này, PDR sẽ trở lại xu hướng tăng trung hạn. Nhà đầu tư có thể xem xét mua PDR khi điều chỉnh về vùng 13,5 với giá cắt lỗ là 13.

Với kết quả kinh doanh 9 tháng không mấy khả quan khi lợi nhuận ròng đạt 68,15 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 28,4% kế hoạch năm, diễn biến giá cổ phiếu PDR không có nhiều biến động lớn, ngoại trừ phiên giảm khá sâu vào đầu tuần, khiến giá cổ phiếu đã không đạt được như kỳ vọng của KIS. Tuần qua, PDR có 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PDR giảm 500 đồng/Cp (-3,62%) từ mức 13.800 đồng/Cp xuống 13.300 đồng/Cp.

* VCBS khuyến nghị theo dõi cổ phiếu BID, nắm giữ cổ phiếu VCB

Với giá đóng cửa 17.700 đồng/cp, BID đang được giao dịch với PB forward 1,3 lần, cao hơn 15% so với trung bình ngành. Mặc dù giá cổ phiếu đã giảm 14% từ đầu năm, P/B thấp hơn đáng kể so với 1 Ngân hàng TMCP nhà nước khác là VCB, VCBS vẫn không đánh giá cao triển vọng của BID và đưa ra khuyến nghị THEO DÕI.

Trong khi đó, VCBS đánh giá cao VCB là số ít ngân hàng quyết liệt trong giải quyết nợ quá khứ, chất lượng tài sản tốt và triển vọng tăng trưởng cao khi đẩy mạnh cho vay bán lẻ và giảm dự phòng trong vài năm tới. Tuy nhiên, dựa trên mức giá cao hiện tại và rủi ro tăng cung (35%) từ cổ phiếu thưởng sắp được niêm yết, chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ đối với VCB.

Diễn biến chung của các cổ phiếu ngân hàng không mấy tích cực, trong đó, 2 mã đầu ngành là BID và VCB cũng không nằm ngoài vòng xoáy khi đều mất giá trong tuần cuối tháng 10.

Cụ thể, thống kê cả qua, BID có 3 phiên giảm vào giữa tuần và 2 phiên tăng, tính chung, giá cổ phiếu BID giảm 500 đồng/Cp (-2,84%) từ mức 17.600 đồng/Cp xuống 17.100 đồng/Cp.

Trong khi đó, VCB có 3 phiên giảm, 1 phiên tăng và 1 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VCB giảm 400 đồng/Cp (-1,09%) từ mức 36.700 đồng/Cp xuống 36.300 đồng/Cp.

* BSC khuyến nghị mua cổ phiếu CAV

CAV nhiều khả năng đang ở giai đoạn cuối của nhịp điều chỉnh ngắn hạn, chuẩn bị thoát khỏi đường trendline giảm giá. Các chỉ báo kỹ thuật cũng đang ủng hộ một đợt tăng điểm của CAV. BSC đưa ra khuyến nghị mua CAV khi CAV bứt phá khỏi mức giá 99.5 với thanh khoản cao. Giá mục tiêu 114, giá cut loss 90.

Mặc dù tuần qua, CAV có tới 4 phiên giảm nhưng đà giảm khá hạn chế, trong khi phiên 25/10 tăng mạnh đã giúp cổ phiếu này tăng trưởng tốt. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu CAV tăng 3.000 đồng/Cp (+3,18%) từ mức 94.400 đồng/Cp lên 97.400 đồng/Cp. Tuy nhiên, so với mức giá mục tiêu mà BSC đặt ra, giá hiện tại của cổ phiếu CAV còn thấp hơn 17%.

* MBS khuyến nghị mua cổ phiếu GIL

GIL đang giao dịch với P/E ở mức 8,44 lần, mức tương đối hấp dẫn so với mức P/E thị trường ( 16,x lần). Mức P/E forward năm 2016 ở mức 10 lần, giá hợp lý đối với cổ phiếu GIL năm 2016 là 78.000 đồng/cp. Chúng tôi khuyến nghị mua và nắm giữ cổ phiếu tại vùng giá hiện tại với tỷ lệ sinh lời trên 25%.

Trái với nhận định của MBS, tuần qua, giá cổ phiếu GIL đã giảm 300 đồng (-0,49%), chốt tuần ở mức giá 61.000 đồng khi trải qua 3 phiên giảm và 2 phiên tăng. Như vậy, so với mức giá kỳ vọng của năm, giá hiện tại của cổ phiếu GIL còn thấp hơn 27,87%.

* BVSC khuyến nghị mua cổ phiếu DPR và PHR

Kết quả định giá cổ phiếu DPR và cổ phiếu PHR tương ứng lần lượt 42.450 đồng/cp và 25.700 đồng/cp, cao hơn 26,7% và 42,8% so với các mức giá hiện tại, do đó BVSC khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu ngành cao su.

Với phân tích diễn biến giá cao su sẽ tăng, BVSC đã đưa ra các khuyến nghị có xác suất đúng khá cao về việc mua vào cổ phiếu DPR và PHR.

Trong tuần qua, PHR đã có 4 phiên tăng và 1 phiên đứng giá duy nhất vào giữa tuần ngày 26/10, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PHR tăng 2.900 đồng/Cp (+14,8%) từ mức 19.600 đồng/Cp lên 22.500 đồng/Cp.

Bên cạnh đó, DPR có duy nhất 1 phiên giảm nhẹ vào giữa tuần, 3 phiên tăng và 1 phiên đứng giá ngày 25/10. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DPR tăng 2.500 đồng/Cp (+7,04%) từ mức 35.500 đồng/Cp lên 38.000 đồng/Cp.

* VCSC khuyến nghị cổ phiếu SSI, DHG, CTD phù hợp thị trường

VCSC khuyến nghị CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) phù hợp thị trường, nhưng nâng giá mục tiêu lên 22.300 đồng, do lợi nhuận trước thuế  6 tháng 2016 cao hơn dự báo của chúng tôi, chủ yếu nhờ gia tăng hoạt động đầu tư tích cực. Tuy nhiên, chi phí mảng môi giới cao ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng lợi nhuận.

Bên cạnh đó, VCSC giữ khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho CTCP Dược Hậu Giang (DHG) vì kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2016 củng cố dự báo của chúng tôi là tăng trưởng doanh số của công ty đang chuẩn hóa trở lại. Chúng tôi vẫn theo dõi các diễn biến liên quan đến hợp tác với Taisho. Ưu đãi thuế cho các nhà máy mới hỗ trợ lợi nhuận, trong bối cảnh chi phí quảng cáo và khuyến mãi tăng, với việc đưa vào hoạt động nhà máy Betalactam trong tháng 10/2016. Vì vậy, chúng tôi điều chỉnh nâng giá mục tiêu thêm 5%.

Tương tự, đối với cổ phiếu CTD, VCSC duy trì khuyến nghị phù hợp thị trường. Giá trị hợp đồng đã ký và chưa thực hiện đang ở mức cao cùng với biên lợi nhuận tốt sẽ tiếp tục hỗ trợ kết quả kinh doanh khả quan, nhưng giá cổ phiếu đã phản ánh giá trị của công ty dựa trên dự báo EPS năm 2017 sẽ sụt giảm do đợt phát hành riêng lẻ sắp tới.

Trong thời gian vừa qua, nhóm cổ phiếu chứng khoán khá mờ nhạt với những phiên tăng giảm nhẹ và ở tuần cuối cùng của tháng 10 cũng không nằm ngoài xu hướng trên. Cụ thể, thống kê trong tuần qua, SSI có 2 phiên giảm, 1 phiên tăng nhẹ ngày 25/10 và 2 phiên đứng giá. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu SSI giảm 750 đồng/Cp (-3,48%) từ mức 21.550 đồng/Cp xuống 20.800 đồng/Cp. Như vậy, so với giá mục tiêu mà VCSC đưa ra, giá hiện tại của SSI vẫn còn thấp hơn 7,2%.

Mặc dù tuần qua, DHG chỉ có duy nhất 1 phiên giảm mạnh và 4 phiên tăng sau đó, tuy nhiên, đà phục hồi khá hạn chế khiến cổ phiếu này chưa lấy lại được những gì đã mất trong ngày đầu tuần. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DHG giảm 1.100 đồng/Cp (-1,09%) từ mức 101.000 đồng/Cp xuống 99.900 đồng/Cp.

Trong khi đó, khuyến nghị của VCSC đối với cổ phiếu CTD khá chuẩn xác khi tuần qua, cổ phiếu này đã có 4 phiên tăng và duy nhất 1 phiên giảm vào đầu tuần ngày 24/10. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu CTD tăng 10.000 đồng/Cp (+5,68%) từ mức 176.000 đồng/Cp lên 186.000 đồng/Cp.

* BSC khuyến nghị theo dõi cổ phiếu VNR, MBS khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu BMI

VNR được nhà đầu tư chú ý với thông tin về SCIC thoái vốn, với kỳ vọng thay đổi bộ máy lãnh đạo sẽ giúp cải thiện tình hình kinh doanh của công ty. Vì vậy, BSC duy trì khuyến nghị Theo dõi VNR như trong báo cáo ngành quý III.

Trong khi đó, với kết quả kinh doanh khởi sắc và triển vọng khả quan của công ty trong thời gian tới, MBS dự phóng giá hợp lý trong năm 2016 của BMI ở mức 31.000 đồng/cổ phiếu và khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu tại vùng giá hiện tại với mức sinh lời kỳ vọng 15%.

Không khác với diễn biến ở các cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng, các cổ phiếu vừa và nhỏ ở nhóm bảo hiểm cũng giao dịch thiếu tích cực trong tuần qua.

Cụ thể, với 3 phiên đứng giá giữa tuần, 1 phiên tăng và 1 phiên giảm, giá cổ phiếu VNR giảm 200 đồng/Cp (-1%) từ mức 20.200 đồng/Cp xuống 20.000 đồng/Cp.

Trong khi BMI có tới 4 phiên giảm và 1 phiên đứng giá duy nhất ngày 27/10, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu BMI giảm 800 đồng/Cp (-3%) từ mức 26.800 đồng/Cp xuống 26.000 đồng/Cp.

* BVSC và BSC cùng khuyến nghị mua cổ phiếu DHC

Nhìn chung, ngành giấy bao bì vẫn còn những cơ hội để Công ty có thể tăng trưởng sản lượng tiêu thụ, mở rộng thị phần do đó BVSC vẫn đưa ra khuyến nghị OUTPERFORM cho cổ phiếu DHC trong dài hạn.

Bên cạnh đó, BSC khuyến nghị Mua cổ phiếu DHC với giá kỳ vọng là 46.500 đồng/cp trong 12 tháng tới (upside 18%). Ngày 7/10/2016, cổ phiếu DHC được giao dịch tại mức giá 39.500 đồng/cp, tương đương P/E FW là 11,21x và P/B là 2,03x.

Trái với nhận định và khuyến nghị tích cực của BVSC và BSC, tuần qua, DHC có 1 phiên giảm vào đầu tuần, 2 phiên tăng và 2 phiên đứng giá cuối tuần. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DHC giảm 400 đồng/Cp (-1%) từ mức 39.900 đồng/Cp xuống 39.500 đồng/Cp. Như vậy, so với mức giá kỳ vọng mà BSC đặt ra, giá cổ phiếu DHC còn cách hơn 17,7%. 

Tin bài liên quan