Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

(ĐTCK) Tuần qua, cùng với trạng thái chung của thị trường, diễn biến các cổ phiếu được đưa ra khuyến nghị mua vào có diễn biến thiếu tích cực và rời xa các mức giá kỳ vọng được các công ty chứng khoán đưa ra. 

Theo Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua. 

* KIS khuyến nghị mua vào cổ phiếu ACB

Diễn biến điều chỉnh tích lũy ngắn hạn có thể xuất hiện khi ACB tiệm cận ngưỡng cản tâm lý 20. Vượt qua được ngưỡng cản này, khả năng quay trở lại xu hướng tăng của ACB sẽ rõ nét hơn. Vì vậy, nhà đầu tư có thể xem xét mua ACB khi điều chỉnh về vùng 18.5-19 với giá cắt lỗ là 18, vùng giá mục tiêu kỳ vọng là 23-23.5.

Tuần qua, ACB có 3 phiên giảm và 2 phiên tăng. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu ACB tăng 100 đồng/Cp (+0,52%) từ mức 19.300 đồng/Cp lên 19.400 đồng/Cp. Như vậy, mức giá cổ phiếu ACB trong tuần qua chỉ đạt 82-84% so với giá kỳ vọng KIS đưa ra. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư mua vào từ phiên cuối tuần trước và bán ra trong phiên 19/10 thì có thể thu lời 1,55%.

* VCSC khuyến nghị mua vào cổ phiếu SKG

Với mức giá đóng cửa 87.500 đồng, SKG đang giao dịch với P/E trượt 13,9 lần, dựa theo EPS trượt 6.280 đồng/CP. Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị MUA đối với SKG với giá mục tiêu 112.740 đồng (tổng mức sinh lời 30%). Chúng tôi sẽ công báo cáo cập nhật chi tiết SKG trong thời gian tới.

Dù được phân tích khá tích cực và VCSC khuyến nghị mua vào nhưng diễn biến cổ phiếu SKG trong tuần qua không được như kỳ vọng với những phiên tăng giảm xen kẽ nhau. Với 2 phiên giảm, 2 phiên tăng và 1 phiên đứng giá duy nhất vào cuối tuần ngày 21/10, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu SKG tăng 400 đồng/Cp (+0,46%) từ mức 86.400 đồng/Cp lên 86.800 đồng/Cp.

* VCSC khuyến nghị kém khả quan đối với PPC

Chúng tôi điều chỉnh giảm giá mục tiêu 12% và hạ khuyến nghị còn KÉM KHẢ QUAN từ KHẢ QUAN đối với CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC). Dù giá trị định giá hiện tại là không hợp lý, sản lượng mạnh mẽ từ các nhà máy thủy điện đã ảnh hưởng đến tăng trưởng lợi nhuận của PPC nhiều hơn chúng tôi dự kiến, cũng như đồng Yên (JPY) tăng giá có thể làm giảm khả năng chi trả cổ tức.

Đúng như khuyến nghị của VCSC, tuần qua, PPC có 3 phiên giảm, 1 phiên tăng vào đầu tuần ngày 17/10 và 1 phiên đứng giá ngày 19/10. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PPC giảm 100 đồng/Cp (-0,68%) từ mức 14.650 đồng/Cp xuống 14.550 đồng/Cp.

* MBS khuyến nghị mua vào UIC, kỳ vọng giá mục tiêu 40.000 đồng/cp

Với kết quả kinh doanh 9 tháng tích cực của UIC chúng tôi cho rằng EPS của công ty có thể đạt được hơn 4.500 đồng. Hiện tại, UIC đang giao dịch ở mức PE là 8,x lần thấp hơn nhiều so với P/E thị trường, đây là mức hấp dẫn đối với doanh nghiệp tăng trưởng ổn định như UIC. Mức PE forward năm 2016 khoảng 9 lần, giá hợp lý đối với cổ phiếu UIC trong năm 2016 khoảng 40.000 đồng/cp. Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư xem xét nắm giữ và tích lũy cổ phiếu tại vùng giá hiện tại với kỳ vọng tăng trưởng 38%.

Dù còn cách xa mức giá kỳ vọng nhưng với kết quả kinh doanh khả quan, diễn biến cổ phiếu UIC tuần qua cũng đón nhận những phiên khởi sắc. Với 3 phiên tăng giữa tuần, 1 phiên giảm vào cuối tuần ngày 21/10 và 1 phiên đứng giá vào đầu tuần, giá cổ phiếu UIC tăng 1.300 đồng/Cp (+4,73%) từ mức 27.500 đồng/Cp lên 28.800 đồng/Cp.

* VCSC khuyến nghị tích cực FPT, VNM và BVH

VCSC giữ khuyến nghị MUA đối với FPT (tổng mức sinh lời 43,3% bao gồm 4,6% lợi suất cổ tức) và KHẢ QUAN đối với VNM (tổng mức sinh lời 14,2% bao gồm 3,8% lợi suất cổ tức). Đồng thời, duy trì quan điểm tích cực đối với BVH, đặc biệt khi triển vọng tăng trưởng GDP vẫn ở mức cao.

Nhìn chung trong tuần qua, nhiều mã bluechip đã chịu áp lực chốt lời và quay đầu giảm điểm tuy không quá sâu những cũng đã tác động khá tiêu cực tới thị trường. Trong đó, FPT cũng không nằm ngoài khả năng trên và đón nhận 3 phiên giảm, 2 phiên tăng. Tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu FPT giảm 450 đồng/Cp (-1,03%) từ mức 43.850 đồng/Cp xuống 43.400 đồng/Cp.

Tương tự, BVH có 2 phiên giảm, trong đó phiên đầu tuần giảm sâu cùng 3 phiên tăng, tổng cộng cả tuần, BVH đã giảm 2.800 đồng/CP (-3,94%) từ mức 71.000 đồng/Cp xuống 68.200 đồng/Cp.

Tương tự, cũng giao dịch không mấy tích cực, “ông lớn” VNM đã trải qua 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, VNM chỉ tăng nhẹ 200 đồng (+0,14%) từ mức 144.000 đồng/Cp lên 144.200 đồng/Cp.

* MBS khuyến nghị mua và nắm giữ cổ phiếu GIL

Hiện tại, GIL đang giao dịch với P/E ở mức 8,44 lần, mức tương đối hấp dẫn so với mức P/E thị trường ( 16,x lần). Mức P/E forward năm 2016 ở mức 10 lần, giá hợp lý đối với cổ phiếu GIL năm 2016 là 78.000 đồng/cp. Chúng tôi khuyến nghị mua và nắm giữ cổ phiếu tại vùng giá hiện tại với tỷ lệ sinh lời trên 25%.

Phiên giảm điểm mạnh vào đầu tuần và cuối tuần khiến cổ phiếu GIL mất điểm và không đạt được kỳ vọng mà MBS đưa ra. Tổng cộng tuần qua, giá cổ phiếu GIL giảm 1.200 đồng/Cp (-1,92%) từ mức 62.500 đồng/Cp xuống 61.300 đồng/Cp. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư mua vào phiên cuối tuần trước ngày 14/10 và bán ra ngày 20/10 thì có thể thu lời 0,48%.

* BVSC khuyến nghị cân nhắc đầu tư PVS khi triển vọng ngành tích cực hơn

Định giá hiện tại của PVS cũng không thực sự rẻ. Nhà đầu tư có thể cân nhắc đầu tư PVS khi triển vọng ngành tích cực hơn. Mà cụ thể là khi giá dầu phục hồi lên vùng 60 USD/thùng, khi đó các dự án lớn sẽ được tái khởi động.

Thời gian gần đây, giá dầu thô đã hồi phục tích cực lên mốc 50 USD/thùng và hiện đang giao động nhẹ quanh vùng giá trên. Chính vì vậy, BVSC đã đưa ra khuyến nghị khá thận trọng và diễn biến thực tế cổ phiếu PVS vẫn chưa sáng lên. Tuần qua, PVS có 3 phiên giảm, 1 phiên tăng ngày 18/10 và 1 phiên đứng giá vào cuối tuần 21/10. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PVS giảm 900 đồng/Cp (-4,19%) từ mức 21.500 đồng/Cp xuống 20.600 đồng/Cp.

* BSC khuyến nghị mua vào cổ phiếu PHR, TRC và nắm giữ DPR

BSC ước tính lợi nhuận trước thuế của PHR có thể đạt 220 tỷ, giảm 15,7% so với cùng kỳ, chủ yếu do lợi nhuận từ cao su thanh lý chỉ đóng góp khoảng 120 tỷ trong 2016, so với mức 170 tỷ cùng kỳ. EPS 2016 của PHR có thể đạt 1,792 VND/cp, sau khi loại trừ 20% trích quỹ khen thưởng phúc lợi. Theo đó, cổ phiếu PHR tại ngày 12/10/2016 đang được giao dịch với mức P/E forward là 11.0x, hấp dẫn đối với ngành. Chúng tôi khuyến nghị MUA với PHR với giá khuyến nghị là 22.800 VND/cp, upside 15,2%

Trong khi đó, tại ngày 12/10/2016, cổ phiếu TRC đang giao dịch với mức P/E forward là 11.7x, tương đối tốt so với mặt bằng thị trường hiện tại. Chúng tôi duy trì khuyến nghị MUA cổ phiếu TRC với giá khuyến nghị là 27.800 VND/cp (upside 16%).

Cũng tại thời điểm trên, cổ phiếu DPR đang giao dịch ở mức giá 34,900 VND/cp, tương ứng với P/E forward là 17.6x, cao so với các doanh nghiệp trong ngành. Do vậy, chúng tôi khuyến nghị Nắm giữ cho DPR.

Với những phân tích khá sâu về những thuận lợi của ngành cao su trong quý III và kỳ vọng cao trong quý IV/2016, BSC đã đưa ra nhận định tích cực về diễn biến các cổ phiếu nhóm cao su đầu ngành sẽ tích cực trong tuần tới. Tuy nhiên, cùng với xu thế chung của thị trường, các mã trong nhóm này đã giao dịch thiếu tích cực và không đạt được kỳ vọng mà BSC đã đưa ra.

Cụ thể, tuần qua, PHR có 3 phiên giảm vào cuối tuần và 2 phiên tăng vào đầu tuần. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PHR giảm 700 đồng/Cp (-3,45%) từ mức 20.300 đồng/Cp xuống 19.600 đồng/Cp.

Trong khi đó, TRC với 2 phiên giảm cuối tuần, 2 phiên tăng đầu tuần và phiên đứng giá ngày 19/10, tổng cộng, giá cổ phiếu TRC tăng nhẹ 200 đồng/Cp (+0.83%) từ mức 24.000 đồng/Cp lên 24.200 đồng/Cp.

Tương tự, DPR cũng có 2 phiên giảm, 2 phiên tăng và 1 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DPR cũng có mức tăng nhẹ 500 đồng (+1,43%) từ mức 35.000 đồng/Cp lên 35.500 đồng/CP.

Tin bài liên quan