Có thể mua thăm dò đáy

Có thể mua thăm dò đáy

(ĐTCK) Ông Nguyễn Thế Minh, phụ trách mảng phân tích thị trường, CTCK Bản Việt (VCSC) cho rằng, trên quan điểm mạo hiểm thì các NĐT có thể mua thăm dò đáy với tỷ trọng thấp vào các nhóm cổ phiếu ngân hàng, bảo hiểm, logistics, bất động sản… 

Phiên giao dịch 18/1, VN-Index "bay hơi” gần 17 điểm, thậm chí trong phiên có thời điểm thị trường giảm hơn 20 điểm, theo ông đâu là nguyên nhân?

Chỉ số VN-Index giảm mạnh và giảm về vùng hỗ trợ 525 - 530 điểm, nguyên nhân chính cho phiên giảm mạnh này là TTCK Mỹ và giá dầu Brent tiếp tục lao dốc, tác động tâm lý tiêu cực lên giới đầu tư. Đặc biệt, giá dầu Brent đang giảm mạnh về gần mức chi phí vốn sản xuất tại Việt Nam là 27 USD/thùng; TTCK Trung Quốc tiếp tục đà giảm mạnh...

Ngoài ra, thị trường xuất hiện một số tin đồn, gây ảnh hưởng tâm lý bi quan thái quá của NĐT nhỏ lẻ. Đồng thời, hoạt động giải chấp diễn ra mạnh do nhiều cổ phiếu giảm giá sâu, trong khi không có thông tin hỗ trợ đủ mạnh trong ngắn hạn, khiến giới đầu tư không còn nhiều kỳ vọng vào triển vọng của thị trường.

Cộng hưởng các thông tin tiêu cực đã khiến cho giới đầu tư biểu hiện tâm lý thái quá và dẫn đến hành động bán tháo cổ phiếu trên cả hai sàn. 

Giá dầu liên tục giảm sẽ tác động như thế nào đến TTCK nói chung và nhóm cổ phiếu ngành này nói riêng, theo ông?

Giá dầu lao dốc có tác động tiêu cực lên nhóm cổ phiếu dầu khí nói riêng và TTCK nói chung. Đáng lo ngại là các khoản đầu tư về sản phẩm dầu khí sẽ bị cắt giảm. Tuy nhiên, giá dầu Brent đang giảm quá đà và nhiều quốc gia hiện cố gắng đưa ra các giải pháp nhằm kìm hãm đà giảm này, đặc biệt nhiều khả năng Mỹ sẽ sớm cắt giảm sản lượng dầu trong thời gian tới.

Nguyên nhân chính cho việc giá dầu Brent giảm mạnh là do nguồn cung dư thừa nhiều, mà cầu tiêu thụ không tăng, cho nên khả năng hồi phục của giá dầu gặp khó khăn. Dự báo, năm 2016 vẫn là năm khó khăn của nhóm cổ phiếu dầu khí.

Tôi kỳ vọng đà giảm của giá dầu sẽ sớm dừng lại khi mức giá đang ở dưới chi phí sản xuất dầu của nhiều quốc gia. 

Chỉ số chứng khoán đã điều chỉnh khá sâu, thị trường kỳ vọng sẽ thu hút được dòng tiền của khối ngoại, nhưng khối này bán ròng 18,12 tỷ đồng trên toàn thị trường trong phiên 18/1. Ông có dự báo gì về diễn biến dòng vốn ngoại trong thời gian tới?

Động thái bán ròng của các NĐT nước ngoài trong thời gian qua có thể đến từ một lý do khách quan là chứng chỉ của các quỹ ETF được giao dịch ở mức chiết khấu lớn, cho nên các quỹ đang bị NĐT rút vốn và họ buộc phải bán ra cổ phiếu trên TTCK Việt Nam. Lượng bán ròng của khối ngoại còn bao gồm các cổ phiếu được chuyển đổi từ trái phiếu khi đến ngày đáo hạn của các doanh nghiệp lớn như VIC, MSN.

Có thể mua thăm dò đáy ảnh 1

Ông Nguyễn Thế Minh

Tuy nhiên, quan sát thời gian gần đây, khối ngoại có động thái mua vào nhóm cổ phiếu dầu khí và nhiều cổ phiếu vốn hóa trung bình. Động thái này cho thấy, họ đang gia tăng tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu khi giá giảm mạnh nhằm bình quân giá, hoặc giá cổ phiếu đã về vùng hợp lý theo đánh giá của họ.

Có một điểm mà tôi muốn lưu ý là Fed có thể sẽ không tăng lãi suất, hoặc tăng nhẹ trong năm 2016, khi sức khỏe của nền kinh tế thế giới đang có chiều hướng xấu đi. Do đó, dòng tiền đầu tư tại thị trường mới nổi và thị trường cận biên có thể sẽ ở lại và luân chuyển vào các quốc gia có tốc độ tăng trưởng tốt như Pakistan, Việt Nam…

Hiện tại, nhiều NĐT rơi vào tình trạng mất phương hướng, dù thị trường tăng điểm trong phiên hôm qua, VN-Index đóng cửa tại 535,77 điểm. Ở góc độ đầu tư, đây có phải là thời điểm thích hợp để giải ngân, theo ông?

Quan sát trên TTCK Mỹ, các chỉ số S&P 500, DowJones… đều giảm về vùng đáy vào đầu tháng 9/2015, điều này cũng khá tương đồng với chỉ số VN-Index đang giao dịch quanh vùng đáy vào cuối tháng 8/2015.

Ngoài ra, tôi đánh giá nhiều khả năng Fed sẽ không tăng lãi suất trong kỳ họp tháng 1/2016 do lo ngại về bất ổn của nền kinh tế thế giới. Theo đó, khả năng rút tiền mạnh ra khỏi nhóm thị trường mới nổi và thị trường cận biên sẽ không còn như giai đoạn trước.

Nhìn lại lịch sử trong 2 năm trở lại đây, VN-Index chưa giảm dưới vùng 525 - 530 điểm, mặc dù xảy ra nhiều biến cố như “sự kiện Biển Đông”, giá dầu lao dốc, tỷ giá biến động mạnh. Đồng thời, tâm lý nhiều NĐT đang rơi vào trạng thái chán nản và thường có biểu hiện thái quá mỗi khi thị trường giảm mạnh. Do đó, tôi đánh giá, thị trường sẽ sớm xác lập đáy tại vùng giá này và trên quan điểm mạo hiểm thì các NĐT có thể mua thăm dò đáy với tỷ trọng thấp vào các nhóm cổ phiếu ngân hàng, bảo hiểm, logistics, bất động sản…

Ở góc nhìn rộng hơn và trên quan điểm thận trọng, dự báo chỉ số VN-Index sẽ có diễn biến tích cực trong ngắn hạn khi vượt lên trên mốc 540 điểm và các NĐT có thể tham gia giải ngân.

Tin bài liên quan