Cổ phiếu tài chính còn cơ hội tăng

Cổ phiếu tài chính còn cơ hội tăng

(ĐTCK) Trong tuần qua, giới đầu tư toàn cầu tiếp tục chứng kiến sự đi lên mạnh mẽ của chỉ số chứng khoán Mỹ. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,1% và giao dịch tại mức cao nhất trong lịch sử. 

Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số này đã tăng 10,8%. Chỉ số công nghệ Nasdaq dẫn đầu với mức tăng 16,8% nhờ sự bùng nổ của xu hướng đầu tư vào các cổ phiếu công nghệ như Microsoft, Apple, Google, Facebook và Netflix. Chỉ số trung bình thị trường S&P500 có lợi suất kém hơn, ở mức 9,5%.

Giá chứng chỉ quỹ iShares MSCI EAFE đầu tư vào nhóm các thị trường phát triển tiếp tục tăng khoảng 1% và đạt lợi suất khá cao, 16%, từ đầu năm. Mức lợi suất của các thị trường chứng khoán mới nổi thể hiện qua chứng chỉ quỹ của iShares MSCI còn ấn tượng hơn, 23,6%. Các thị trường cận biên xếp thứ hai với mức lợi suất 16,61% kể từ đầu năm. Nhìn chung, dòng vốn ưa thích tài sản rủi ro là cổ phiếu và khẩu vị rủi ro của giới đầu tư là các nền kinh tế còn nhiều động lực tăng trưởng. Đây cũng là hệ quả của chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời gian dài của các ngân hàng trung ương, nhằm chống lại tình trạng giảm phát và suy thoái kinh tế. Dòng vốn rẻ luôn là điều kiện lý tưởng cho tài sản rủi ro tăng giá.

Thị trường hàng hóa cũng là lớp tài sản tiềm năng khi chính sách kinh tế đạt hiệu quả. Xu hướng giá hàng hóa trong 2 năm gần đây cho thấy kỳ vọng lạm phát đang trở nên thực tế. Kể từ đầu năm, giá hợp đồng tương lai vàng tăng 10%, tương đương với lợi suất của chỉ số trung bình S&P500. Trong số các nhóm hàng hóa, lương thực và vật liệu cơ bản giữ được xu hướng tăng giá tốt nhất, trong khi nhóm năng lượng chịu áp lực vì nguồn cung.

Sự dịch chuyển dòng vốn trong các nhóm ngành cũng thể hiện nền kinh tế đang đi đúng hướng các nhà điều hành mong muốn. Các nhóm ngành nhạy cảm với đà tăng trưởng của nền kinh tế như tài chính, xây dựng nhà ở, công nghệ, hàng tiêu dùng lâu bền, vật liệu cơ bản và chăm sóc sức khỏe đang là các ngành tăng trưởng và có lợi suất đầu tư tốt nhất thị trường.

Các nhóm ngành phòng thủ như hàng tiêu dùng thiết yếu và dịch vụ nhìn chung không được giới đầu tư ưa chuộng vì đặc thù của các nhóm này chỉ tăng giá tốt khi tâm lý thị trường bất ổn. Hiện tại, các số liệu kinh tế như việc làm và lạm phát vẫn đủ tin cậy để giới đầu tư tin vào sức khỏe nền kinh tế.

Trên thị trường Việt Nam, tâm lý của nhà đầu tư cũng thể hiện nét tương đồng với khu vực và thế giới. Chỉ số trung bình thị trường VN-Index tiếp tục lập mức cao mới kể từ đáy khủng hoảng 2009 nhờ sự bứt phát mạnh của cổ phiếu lĩnh vực tài chính. Trong đó, cổ phiếu ngân hàng có tác động mạnh nhất lên điểm số. Cổ phiếu chứng khoán và bất động sản cũng thu hút dòng tiền và có một tuần tăng giá.

Nhóm ngành thể hiện kém trong tuần qua là thép, cao su chế biến và đường. Cổ phiếu thép và cao su chế biến bị bán mạnh do kết quả kinh doanh suy giảm so với cùng kỳ, khiến tâm lý giới đầu tư bi quan. Sự phân hóa về kết quả lợi nhuận trong nhóm cổ phiếu blue-chip cho thấy thực tế rằng thị trường đã đi qua giai đoạn bùng nổ lợi nhuận trên diện rộng. Việc khó khăn là lựa chọn được những nhóm ngành vẫn đang tăng trưởng và giảm đầu tư ở những nhóm ngành bắt đầu suy yếu.

Chúng tôi đánh giá cổ phiếu tài chính đang là nhóm ngành có xu hướng tăng dựa trên nền tảng tăng trưởng thực chất của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, những nhóm ngành gắn với chu kỳ đi lên của giá cả hàng hóa trở thành các nhóm ngành cần nghiên cứu để đón đầu xu hướng đầu tư tiếp theo.

Tin bài liên quan