Ảnh: Dũng Minh

Ảnh: Dũng Minh

Cổ phiếu ngân hàng có thể sẽ tiếp tục khởi sắc

(ĐTCK) Tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam điều chỉnh giảm trong bối cảnh nhiều thị trường khác trên thế giới suy yếu. Thanh khoản thị trường và mức biến động giảm dần trong 2 phiên cuối tuần cho thấy, tâm lý nhà đầu tư tạm thời ổn định trở lại. Một số nhóm ngành vẫn thu hút dòng tiền.

Các thị trường chứng khoán mới nổi tiếp tục suy yếu trong tuần giao dịch vừa qua. Giá chứng chỉ quỹ iShares MSCI Emerging ETF (mã giao dịch: EEM) đầu tư vào các cổ phiếu lớn nhất trên các thị trường này mất giá khoảng 6% so với mức cao nhất 1 tháng. Lợi suất nắm giữ từ đầu năm của EEM đạt 28,17%, cao hơn mức trung bình 16,8% của thị trường chứng khoán Mỹ.

Mặc dù tăng giá mạnh trong năm nay, nhưng các thị trường mới nổi nhìn chung vẫn chưa định hình xu hướng tăng dài hạn, EEM chưa vượt qua mức cao nhất của 6 năm là 50 USD/chứng chỉ quỹ. Sự kém ổn định của thị trường chứng khoán Trung Quốc và Brazil là một trong những nguyên nhân chính. Chỉ số Shanghai Composite của thị trường Trung Quốc đang tụt lại đáng kể sau cú sốc năm 2015 - 2016. Trong khi đó, chỉ số Bovespa đại diện cho thị trường Brazil gần như đi ngang từ năm 2010 tới nay.

Điểm sáng trong nhóm thị trường mới nổi là Ấn Độ, chỉ số Nifty 50 của thị trường này đạt hiệu suất đầu tư 25,3%, theo sát mức tăng của EEM. Tăng trưởng của các thị trường mới nổi gắn với giá cả hàng hóa, đặc biệt là giá dầu thô, kim loại và quặng sắt.

Theo đánh giá của Goldman Sachs, thị trường mới nổi đang có định giá rẻ tương đối so với các thị trường phát triển. Sau 7 năm suy giảm, giá của các loại hàng hóa bắt đầu phục hồi theo nguyên lý quay về mức trung bình. Đây là một trong những cơ sở kỳ vọng tăng trưởng của các quốc gia mới nổi được thúc đẩy.

Nhóm các thị trường phát triển, ngoại trừ Mỹ, gặp khó khăn về tăng trưởng trong giai đoạn 2014 - 2015, nhưng có sự khởi sắc trong 2 năm trở lại đây. Giá chứng chỉ quỹ iShares MSCI EAFE ETF (EFA) đầu tư vào nhóm này duy trì xu hướng tăng chậm kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008. Lợi suất nắm giữ của EFA trong 1 năm trở lại đây tương đương với S&P 500, nhưng lại thụt lùi khá xa trong dài hạn. Đức và Nhật Bản là hai trong số các thị trường tăng trưởng mạnh nhất nhóm, trong khi Anh, Pháp, Thụy Sĩ và Úc tăng trưởng chậm.

Diễn biến các nhóm ngành dẫn dắt xu hướng tăng của thị trường Mỹ cho thấy, giới đầu tư có niềm tin vào nền kinh tế. Khảo sát giá của chứng chỉ quỹ ETF đầu tư vào các nhóm ngành, chúng tôi nhận thấy lĩnh vực công nghiệp (XLI), xây dựng (ITB), công nghệ (XLK), hàng tiêu dùng lâu bền (XLY) và tài chính (XLF) đang thể hiện tốt và là các nhóm ngành thích hợp để đầu tư theo xu hướng.

Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một tuần điều chỉnh sau khi tăng giá liên tục trong tháng 11, chỉ số VN-Index giảm 4% sau khi đã tăng khoảng 15%. Thanh khoản thị trường và mức biến động giảm dần trong 2 phiên cuối tuần cho thấy, tâm lý nhà đầu tư tạm thời ổn định trở lại.

Chúng tôi nhận thấy, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn thể hiện tốt trong giai đoạn điều chỉnh hiện tại và có thể sẽ tiếp tục khởi sắc khi thị trường quay trở lại xu hướng tăng. Bên cạnh đó, cổ phiếu của các công ty chứng khoán, bất động sản cũng là các nhóm ngành đang được dòng tiền ưa chuộng.

Tin bài liên quan