Cổ phiếu mất “nhiệt” vì tỷ giá

(ĐTCK) Ba phiên giao dịch vừa qua, TTCK Việt Nam giảm điểm trong bối cảnh một loạt đồng tiền trên thế giới giảm giá, sau khi Trung Quốc liên tiếp phá giá đồng nhân dân tệ. Những e ngại về biến động tỷ giá đã kích thích tâm lý bán ra tại nhiều nhóm cổ phiếu.
Cổ phiếu mất “nhiệt” vì tỷ giá

Biến động bất ngờ của tỷ giá

Trung Quốc liên tiếp phá giá đồng nhân dân tệ là tâm điểm thu hút mọi sự chú ý những ngày qua. Trong ba ngày 11 - 13/8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc điều chỉnh giảm giá đồng nội tệ tổng cộng 4,6%. Động thái bất ngờ này đã gây tác động không nhỏ lên thị trường tài chính quốc tế, bởi Trung Quốc là nước tiêu thụ hàng hóa cơ bản lớn nhất, đồng thời là công xưởng lớn của thế giới. Một loạt đồng tiền trong khu vực đã giảm giá so với đồng USD, trong đó có New Zealand, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore và Australia.

Phản ứng trước diễn biến này, Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam đã nới rộng biên độ tỷ giá USD/VND từ 1% lên 2% trong ngày 12/8. Đây là phản ứng kịp thời để giải tỏa áp lực thị trường, cho phép tỷ giá có thể tăng nhiều hơn trước đây, nhưng vẫn duy trì được tỷ giá hối đoái chính thức.

Tuy vậy, những e ngại về biến động tỷ giá đã kích thích tâm lý bán ra tại nhiều nhóm cổ phiếu. Nhiều cổ phiếu blue-chip mất “nhiệt”, kéo theo sự trượt dốc của các mã vừa và nhỏ vốn đã tăng giá mạnh trong thời gian vừa qua.

Lực đỡ yếu ớt của thị trường đến từ một số cổ phiếu lớn được hỗ trợ bởi thông tin từ hội thảo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) tổ chức sáng qua (13/8). UBCK cho biết, dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 60/2015/NĐ-CP liên quan tới việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài đã được trình lên lãnh đạo Bộ Tài chính và về cơ bản, lãnh đạo Bộ đồng ý với nội dung dự thảo. Dự kiến, Thông tư có thể được ban hành ngay trong tuần.

Dù thông tư hướng dẫn về nới room được cả doanh nghiệp và nhà đầu tư kỳ vọng, nhưng trong bối cảnh hiện tại, thông tin này này không đủ mạnh để kéo nhà đầu tư quay trở lại TTCK, lực cung tiếp tục lấn át và kiểm soát thị trường.

Một số chuyên gia kinh tế nhìn nhận, việc Trung Quốc phá giá đồng bản tệ sẽ không có nhiều ảnh hưởng đến Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước đã và đang có những biện pháp ứng phó kịp thời, nhưng rõ ràng nhà đầu tư trên thị trường không lạc quan như vậy.

Trong phiên hôm qua, VN-Index có lúc giảm tới 2,3%, về 590,44 điểm. Áp lực cung gia tăng trên diện rộng khiến chỉ số này để mất ngưỡng hỗ trợ tâm lý quan trọng 600 điểm khi đóng cửa phiên giao dịch. Chúng tôi cho rằng, VN-Index nhiều khả năng sẽ giảm về vùng hỗ trợ mạnh hơn.

VN-Index có thể giảm về vùng hỗ trợ 580 - 585 điểm

Sau một tuần đi ngang quanh vùng hỗ trợ 600 - 605 điểm của đường MA50, VN-Index đã không thể giữ vững ngưỡng này khi có sự xuất hiện của thông tin tiêu cực nêu trên. Thanh khoản tăng nhanh khi chỉ số lao dốc cho thấy lực cung vẫn không ngừng gia tăng trên thị trường, lấn át nỗ lực bắt đáy của bên mua. Các chỉ báo kỹ thuật đều phát đi tín hiệu không mấy khả quan khi RSI đã suy giảm về sát ngưỡng quá bán, trong khi đường MACD tiếp tục gia tăng khoảng cách bên dưới đường tín hiệu.

Lực cầu bắt đáy xuất hiện cuối phiên hôm qua khi VN-Index về gần ngưỡng hỗ trợ 590 điểm chỉ giúp thị trường lấy lại một phần số điểm đã mất. Chúng tôi cho rằng, ngưỡng hỗ trợ này khá yếu, chỉ có thể giúp đà giảm của chỉ số chậm lại trong một vài phiên. VN-Index có thể sẽ lùi về vùng hỗ trợ mạnh hơn tại 580 - 585 điểm, tạo bởi hai đường trung bình động dài hạn MA100 và MA200, để tìm được điểm cân bằng mà tại đó có thể thu hút lực cầu giải ngân mạnh hơn.

Tin bài liên quan