Cổ phiếu cần quan tâm ngày 8/7

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 8/7

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 8/7 của các công ty chứng khoán.

HDG: Khuyến nghị mua

CTCK Bảo Việt (BVSC)

CTCP Tập đoàn Hà Đô (mã HDG) là doanh nghiệp bất động sản - xây dựng, có hoạt động lành mạnh và ổn định trong nhiều năm qua. Năm 2016, với việc bắt đầu khai thác dự án Z756 Hà Đô Centrosa tại TP. HCM và hợp nhất mảng kinh doanh thủy điện, HDG bước vào giai đoạn tăng trưởng mới về quy mô hoạt động và kết quả kinh doanh.

Doanh thu và lợi nhuận 2016 ước đạt 2.307 tỷ và 201 tỷ, tăng trưởng lần lượt 56% và 63% so với năm trước, PE fw 2016 khoảng 10 lần.

HDG có lợi thế quỹ đất khá lớn tại khu vực nội đô TP. HCM và Hà Nội, danh mục dự án đa dạng bao gồm nhà liền kề, chung cư, văn phòng, khách sạn cho thuê, nhà máy thủy điện; nhiều dự án đã và sắp hoàn thành, sẵn sàng khai thác. Ngoài ra, so với hầu hết các doanh nghiệp bất động sản niêm yết, HDG ít chịu rủi ro pha loãng do công ty không có kế hoạch phát hành tăng vốn.

Dựa trên phương pháp NAV và các đánh giá thận trọng, chúng tôi định giá cổ phiếu HDG ở mức 37.718 đồng/cổ phần, cao hơn 43% so với thị giá hiện tại. Do đó chúng tôi khuyến nghị MUA với cổ phiếu HDG.

VKC: Khuyến nghị mua cho mục tiêu trung và dài hạn

CTCK Maritime (MSI)

Kết quả kinh doanh quý I/2016 của CTCP Cáp Nhựa Vĩnh Khánh (mã VKC) tăng trưởng tích cực với doanh thu 300 tỷ đồng, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận ròng tăng 120,4% so với cùng kỳ, đạt 10 tỷ đồng.

VKC hiện nay là doanh nghiệp sản xuất các loại cáp viễn thông hàng đầu tại Việt Nam cung cấp cho ba nhà mạng lớn là VNPT, FPT và Viettel. Theo cục Viễn thông, số lượng thuê bao cáp quang tăng mạnh từ năm 2015, và phần lớn do FPT đã hoàn thành dự án nâng cấp hệ thống cáp quang ở TP.HCM và Hà Nội. Đặc biệt, mảng xuất khẩu cáp đã đóng góp khoảng 3,5 triệu USD vào tông doanh thu.

Hiện Công ty đang có kế hoạch đầu tư cải tạo, sữa chữa xưởng cáp và xưởng nhựa nhằm nâng cấp công suất sản xuất cáp lên 30.000 km dây các loại/tháng và 500 tấn nhựa/tháng. VKC có kênh tiêu thụ tốt là các nhà mạng lớn tại Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển cáp quang nên doanh nghiệp mạnh dạn trong việc đầu tư sẽ có thể mang lại kết quả khá khả quan trong thời gian tới.

Kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn định trong những năm vừa qua và ước tính mức tăng trưởng bình quân 10% - 20%/năm trong giai đoạn 2016-2018.

Theo phương pháp định giá Chiết khấu dòng tiền, giá trị hợp lý của cổ phiếu VKC là 23.300 đồng/cp, cao hơn 30,2% so với giá thị trường hiện tại. Cổ phiếu VKC đang được giao dịch thấp hơn giá trị thực tế với mức P/B là 1,3x và P/E trailing là 7,8x, thấp hơn khá nhiều so với P/E thị trường 14,5x.

Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị MUA cổ phiếu VKC với giá mục tiêu là 23.300 đồng/cp cho mục tiêu trung và dài hạn.

CMG: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK Vietcombank (VCBS)

Năm 2015 (niên độ tài chính từ ngày 31/3/2015 đến 31/3/2016) của CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC (mã CMG) đạt kết quả kinh doanh ấn tượng. Doanh thu thuần hợp nhất đạt 3.694 tỷ, tăng 13% so với năm trước và vượt 19% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 160 tỷ, tăng 24% cùng kỳ và vượt 4% kế hoạch. Công ty quyết định trả cổ tức năm 2015 là 8%.

Mặc dù doanh thu thuần hợp nhất và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đều tăng mạnh nhưng lợi nhuận sau thuế thuộc về CMC chỉ đạt 107,5 tỷ, giảm 1% so với năm trước và đạt 98% kế hoạch. Nguyên nhân là do công ty bị chia sẻ lợi nhuận mảng viễn thông (chiếm 57% cơ cấu lợi nhuận trước thuế) với đối tác TIME dotcom và tăng thuế thu nhập doanh nghiệp sau khi công ty thoát lỗ lũy kế (từ giữa năm tài chính).

Năm 2016, CMG đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất năm 2016 là 3.800 tỷ đồng, tăng 3% so với năm trước; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 180 tỷ, tăng trưởng 12%; lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 115 tỷ, tăng trưởng 7%. Cổ tức dự kiến 2016 là 10%.

Lĩnh vực viễn thông là hoạt động mũi nhọn của công ty được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh khối khách hàng doanh nghiệp (khối FDI), dây cáp quang APG đi vào hoạt động từ tháng 7/2016 sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp. Mảng tích hợp hệ thống được dự báo tiếp tục tăng trưởng, mảng phần mềm sẽ đẩy mạnh gia công xuất khẩu, trong khi lĩnh vực sản xuất và phân phối đã được tái cơ cấu.

Chúng tôi cho rằng CMC hoàn toàn có thể vượt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất, tuy nhiên việc phải chia sẻ lợi nhuận mảng viễn thông khiến cho lợi nhuận sau thuế thuộc về CMG không tăng mạnh như kỳ vọng trong năm 2016. Kế hoạch lợi nhuận sau thuế thuộc về CMG đạt 115 tỷ, tăng trưởng 7%, tương ứng EPS forward là 1.670 đồng/CP. Với P/E của ngành công nghệ hiện này là 8,96, giá trị hợp lý của CMG là 15.000 đồng/CP. Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư có thể tiếp tục NẮM GIỮ cổ phiếu CMG trong trung và dài hạn.

Tin bài liên quan