Cổ phiếu cần quan tâm ngày 8/5

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 8/5 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 8/5

C32: Phù hợp cho nhà đầu tư ưa thích cổ tức

CTCK Rồng Việt (VDSC)

Ngành vật liệu xây dựng vốn được chúng tôi đánh giá là có tiềm năng tăng trưởng mạnh nhờ vào sự hồi phục của thị trường xây dựng và BĐS cũng như các chính sách hỗ trợ với ngành.

Theo quan sát của chúng tôi, có tới 78% doanh nghiệp vật liệu xây dựng có lợi nhuận sau thuế năm 2014 tăng trưởng so với năm trước và 22/32 doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2015 có sự cải thiện so với cùng kỳ.

Trong số đó, C32 (CTCP Đầu tư xây dựng 3-2) - hoạt động chính trong lĩnh vực đá xây dựng và xây lắp (2 mảng chiếm hơn 70% doanh thu) cũng đang có những cải thiện tích cực.

Ở mảng xây lắp, các dự án C32 thực hiện chủ yếu là các công trình dân dụng, quy mô vừa và nhỏ (dưới 40 tỷ đồng) như dự án đường 747A, trường Hoa Hướng Dương, trường Phước Vĩnh, nhà văn hóa Dầu Tiếng.

Lợi thế của C32 là giá bỏ thầu khá cạnh tranh nhờ tận dụng được vật tư nội bộ cùng chất lượng thi công ổn định, tỷ lệ hạng mục thi công lỗi thấp.

Dù chưa có khả năng thi công ở các công trình yêu cầu chất lượng cao nhưng C32 cũng đang cố gắng nâng năng lực thi công ở các công trình với quy mô dưới 70 tỷ đồng trong năm 2015.

Với mảng đá xây dựng, C32 đã khai thác và kinh doanh khá hiệu quả mỏ đá Tân Đông Hiệp (Bình Dương). Tuy nhiên, vấn đề của C32 là thời gian khai thác còn lại khá ngắn, chỉ tới cuối năm 2015. C32 đang xin tỉnh Bình Dương gia hạn thời gian khai thác cũng như xuống độ sâu (từ cos -100m xuống cos -120m) ở mỏ Tân Đông Hiệp.

Dù chưa có văn bản chính thức nào về việc gia hạn cho mỏ của C32 nhưng thái độ tự tin của ban lãnh đạo trong buổi ĐHCĐ thường niên năm 2015 phần nào cho thấy khả năng doanh nghiệp xin được cấp phép là khá cao. Khi đó, C32 sẽ có thêm thời gian để tìm kiếm mỏ đá mới thay thế.

Trong trường hợp xấu nhất (rất thấp), C32 không được chấp thuận việc gia hạn thì Công ty sẽ phải cải tạo mỏ ngay trong năm 2016. Khi đó, C32 vẫn có thể tận thu lượng đá dự trữ còn lại đủ hoạt động cho năm sau.

Ngoài ra, các chi phí cải tạo mỏ là khá thấp (chỉ 4-5 tỷ đồng) và đã được doanh nghiệp trích trước trong thời hạn khai thác nên không tác động nên KQKD năm 2016.

Nhìn chung, C32 là doanh nghiệp hoạt động khá ổn định với doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng đều đặn hàng năm. Kết quả kinh doanh năm 2015 và 2016 có thể vẫn tăng trưởng tốt nhờ nhu cầu của thị trường BĐS và xây dựng, đặc biệt ở các tỉnh Bình Dương, Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Công ty cũng có lịch sử chi trả cổ tức đều và ổn định nên C32 có thể là cổ phiếu phù hợp với các nhà đầu tư giá trị, ưa thích cổ tức.

FMC: PE dự phóng khá thấp, ở mức 6,5 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) cho biết trong quý I/2015 công ty đã chế biến 1.860 tấn tôm thành phẩm các loại, tương đương cùng kỳ năm trước. Doanh số tiêu thụ của công ty đạt 23,5 triệu USD, giảm 9% n/n do giá tôm sụt giảm trong quý I.

Giá tôm trên thị trường thế giới từ đầu năm đến cuối tháng 3 đã giảm khoảng 10% n/n do nguồn cung tăng trong khi nhu cầu thấp hơn so với cùng kỳ. Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu tôm đứng đầu vào thị trường Mỹ và đứng thứ tư vào thị trường Nhật trong 2014, đang vào mùa vụ và giải phóng hàng tồn kho nên làm tăng cung trên thị trường.

Tuy nhiên, theo dự báo các doanh nghiệp xuất khẩu, sau khi lượng hàng tồn kho trên được tiêu thụ hết trong quý I/2015 thì tình trạng thiếu hụt nguồn cung sẽ trở lại. Hơn nữa, nhu cầu thủy sản quý I thường thấp nhất trong năm và sau đó tăng dần từ quý II đến cuối năm. Do vậy, chúng tôi kì vọng giá tôm sẽ tăng trở lại trong quý II.

Công ty đã tiến hành thả tôm nuôi từ trung tuần tháng 3. Dự kiến sẽ thả kín khoảng 100 ao từ nay đến hết tháng 5/2015. FMC lên KH LNTT 2015 kì vọng đạt 105 tỷ, tăng 40% so với năm ngoái dựa trên kì vọng giá tôm duy trì ở mức cao trong khi giá tồn kho thấp. EPS 2015 ước đạt 3.836 đồng, PE giao dịch dự phóng là 6,5 lần, thấp hơn trung bình ngành là 9 lần.

IMP: Khuyến nghị mua vào

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

CTCP Dược phẩm Imexpharm vừa công bố ngày 19/05/2015 tới sẽ là ngày đăng ký cuối cùng quyền nhận cổ tức tiền mặt 2014 mức 1.800 đồng/cp. Thời gian dự kiến chi trả là 05/06/2015. Với mức giá hiện tại là 47.000 đồng/cp, tỷ suất cổ tức tương ứng của cổ phiếu IMP đang ở mức khoảng 3,9%. Tỷ lệ cổ tức tiền mặt này đã được ĐHCĐ thường niên 2015, tổ chức hôm 27/04/2015 vừa qua nâng lên từ mức 1.500 đồng/cp như đề xuất trước đó. Thêm vào đó, đại hội kế hoạch cổ tức tiền mặt 2015 của IMP là 2.000 đồng/cp.

IMP cũng đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2015 tích cực với doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng 24,8% và 19,3% n/n, đạt lần lượt 218 và 25,8 tỷ đồng. Kết thúc quý I/2015, IMP đã hoàn thành 20,8% và 25,5% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế 2015.

Tốt hơn kỳ vọng của chúng tôi, kênh phân phối OTC (nhà thuốc,..) đạt mức tăng trưởng tới 41% so với cùng kỳ trong quý I/2015. Nhờ đó, tỷ lệ đóng góp doanh thu từ kênh này đã tăng lên mức 89%, so với mức 80% và 60% của năm 2014 và 2013. Nhắc lại, trước khó khăn của việc phân phối qua hệ điều trị (ETC) dưới hình thức đấu thầu do ảnh hưởng của TT 36/2013/TTLT-BYT-BTC (bổ sung cho TT01/2012/TTLT-BYT-BTC trước đó), IMP đã thay đổi chiến lược sang phát triển thị trường OTC.

Nhờ lợi thế sản phẩm có chất lượng tốt cùng với chiến lược bán hàng, tiếp thị phù hợp, doanh thu từ kênh OTC của IMP luôn duy trì mức tăng trưởng hơn 30%/năm trong 2013-2014. Chúng tôi vẫn duy trì đánh giá tích cực đối với tiềm năng của kênh này, đặc biệt là khi IMP có thêm đối tác chiến lược mới là CTCP Dược phẩm Pha No từ đầu năm 2015.

Phano là đơn vị sở hữu hệ thống khoảng 59 nhà thuốc đạt chuẩn GPP mang thương hiệu Phano Pharmacy tại Tp.HCM, Đà Nẵng và Hà Nội. Xét về số lượng, mạng lưới hoạt động của Phano đang là một ưu thế. IMP kỳ vọng, Phano sẽ đóng góp khoảng 5% tổng doanh thu của IMP trong 2015.

Theo dự báo của chúng tôi, doanh thu và lãi ròng của IMP sẽ đạt mức tăng trưởng lần lượt khoảng 14% và 21% trong 2015, lên 1.019 và 104 tỷ đồng. Theo đó, IMP đang giao dịch ở mức 12,8 lần PE 2015, so với mức 22 lần bình quân các thị trường dược mới nổi của Châu Á (Emerging Asia phamaceutical companies). Khuyến nghị MUA với giá mục tiêu 57.000 đồng (cao hơn mức giá hiệ tại khoảng 21%).

Về dài hạn, chúng tôi kỳ vọng IMP có thể hoàn thành việc nâng cấp tiêu chuẩn chất lượng cho 2 nhà máy Cephalosporin và Penicillin vào giữa năm 2016 như kế hoạch. Với tiêu chuẩn chất lượng mới, IMP sẽ gia tăng đáng kể cơ hội trúng thầu để lấy lại thị phần của hệ điều trị cũng như đẩy mạnh việc xuất khẩu và sản xuất nhượng quyền. Theo đó, công ty kỳ vọng mức tăng trưởng doanh thu bình quân cho giai đoạn 2016-2018 khoảng 20%/năm.

FPT: Khuyến nghị mua vào

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2015 FPT mới công bố, doanh thu tăng 25,1% so với cùng kỳ, đạt 8.641,5 tỷ (lưu ý đây là doanh thu đã trừ doanh thu nội bộ). Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tăng 17,5% đạt 424,7 tỷ.

Tăng trưởng doanh thu hợp nhất vẫn ghi nhận đóng góp lớn nhất từ mảng phân phối & bán lẻ, viễn thông, và phát triển phần mềm với tăng trưởng lần lượt đạt 35,2%, 27,6% và 50,1%. Mảng tích hợp hệ thống và dịch vụ tin học đã bắt đầu có dấu hiệu cải thiện với doanh thu tăng 16,9% và 30,4% so với cùng kỳ.

Doanh thu mảng nội dung số giảm 76,9% so với cùng kỳ do không còn mảng trò chơi trực tuyến. Việc tái cấu trúc mảng trò chơi trực tuyến , mặc dù kéo doanh thu mảng nội dung số giảm, nhưng lại có tác động tích cực đối với lợi nhuận của mảng này do trò chơi trực tuyến là mảng liên tục thua lỗ trong thời gian qua.

Chúng tôi nhận thấy tỷ suất lợi nhuận hợp nhất quý I/2015 vẫn giảm đôi chút so với cùng kỳ với tỷ suất lợi nhuận trước thuế đạt 7,6% so với 8,1% trong quý I/2014, chủ yếu do sự sụt giảm ở mảng viễn thông. Khoản đầu tư dự án quang hoá ở mảng viễn thông vẫn là yếu tố kéo tỷ suất lợi nhuận của mảng này xuống 19,7% so với 26,6% trong cùng kỳ (dự án bắt đầu thực hiện từ quý II/2014).

Ngược lại, tỷ suất lợi nhuận của mảng nội dung số được cải thiện đáng kể sau khi tái cấu trúc mảng trò chơi trực tuyến; tỷ suất lợi nhuận trước thuế của mảng này tăng lên 37,2% so với chỉ 6,3% trong cùng kỳ. Tỷ suất lợi nhuận của mảng phân phối và bán lẻ cũng cải thiện từ 2,6% trong quý I/2014 lên 3,1%.

Nhìn chung, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của FPT trong quý I/2015 là mức tăng trưởng theo quý cao nhất kể từ 2012, cho thấy tín hiệu lạc quan về triển vọng tăng trưởng cả năm 2015 sẽ quay lại mức hai con số như chúng tôi nhận định trong báo cáo ngày 11/3/2015. Chúng tôi giữ nguyên dự báo lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 2015 tăng 12,8% so với năm ngoái đạt 1.840,8 tỷ và duy trì khuyến nghị Mua với giá mục tiêu 59.000VND/cp dựa trên P/E 11x.

RAL: sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong dài hạn

CTCK BIDV (BSC)

Ngày 06/05/2015 chúng tôi đã tham dự Đại hội cổ đông của CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (RAL) và có những ghi nhận như sau:

Kế hoạch kinh doanh 2015: Quý 1/205, Công ty đạt 818 tỷ đồng doanh thu thuần (+17% cùng kỳ năm ngoái) và 20 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (+8,5% cùng kỳ năm ngoái). Công ty đặt mục tiêu DT đạt 2.678 tỷ đồng (+3% cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận trước thuế đạt tối thiểu 80 tỷ đồng, phấn đấu đạt 95 tỷ đồng (+7% cùng kỳ năm ngoái).

Cổ tức: Tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2014 được điều chỉnh tăng 5% lên mức 35% bằng tiền mặt (đã trả 30%). Cổ tức dự kiến 2015 là 35% bằng tiền mặt. Dự kiến, thời gian chi trả cổ tức được chia thành 2 đợt: Đợt 1 (tháng 9/2015): 15% cổ tức 2015 + 5% cổ tức 2014 tăng thêm; đợt 2 (tháng 4/2016) trả 20% cổ tức 2015.

Đề xuất thành lập DN công nghệ cao hoặc DN khoa học công nghệ để nhận được các ưu đãi của Nhà nước. Đối tượng DN này được áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu tiên, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 9 năm tiếp theo.

SCIC thoái vốn, công đoàn công ty đề xuất mua lại: Công đoàn công ty hiện nắm giữ 39,4% số lượng cổ phiếu lưu hành của RAL. Theo lộ trình, SCIC sẽ thoái toàn bộ vốn nhà nước tại RAL trong năm 2015 (tương đương 20,6%). Giả sử công đoàn công ty mua lại thành công số lượng cổ phiếu do SCIC thoái ra, khi đó, tỷ lệ sở hữu của công đoàn công ty là 60%.

Tuy nhiên, trong dài hạn, hoạt động sản xuất kinh doanh của RAL có thể sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.

1. Cạnh tranh tăng do (1) tác động mở cửa từ các hiệp định thương mại tự do FTA và (2) các doanh nghiệp mở rộng sản xuất đèn Led.

• Năm 2015, cộng đồng kinh tế Asean đã hình thành, nhiều hiệp định

thương mại tự do đã và đang được ký kết như ASEAN +1, ASEAN +3, ASEAN + Trung QUốc, FTA Việt Nam-Hàn Quốc, FTA Việt Nam- EU, RCEP, TPP... Hàng ràng thuế quan được dỡ bỏ, cạnh tranh với bóng đèn nhập khẩu đặc biệt là Trung Quốc, Thái Lan,… càng trở lên gay gắt.

• DQC tăng gần gấp đôi công suất sản xuất đèn LED đạt 20  triệu bóng/năm. Một số doanh nghiệp như Duhal, LEDsaigon bắt đầu tổ chức các dây chuyền sản xuất bóng và chip LED.

2. Lợi nhuận từ mảng bóng đèn tròn, huỳnh quang và compact có xu hướng giảm. (1) Tiêu thụ bóng đèn Compact đã bão hòa, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm bóng đèn tròn và đèn huỳnh quang suy giảm. (2) Công ty giảm giá, tăng chiết khấu cho khách hàng do thị trường cạnh tranh cao, sức mua giảm.

3. Dây chuyền sản xuất hiện tại khó chuyển sang sản xuất đèn Led. Do các dây chuyền sản xuất mang tính chuyên dụng cao. Điều này sẽ đặt ra thách thức về vốn đầu tư cho RAL khi muốn nâng cao công suất sản xuất đèn Led.

Tin bài liên quan