Cổ phiếu cần quan tâm ngày 7/4

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 7/4

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 7/4 của các công ty chứng khoán.

PGS: Khuyến nghị tích cực

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Giá dầu Brent trung bình năm 2015 giảm 47,1% so với cùng kỳ, tác động mạnh đến kết quả kinh doanh của CTCP Kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam (mã PGS).

Với cơ chế giá bán LPG và CNG thả nổi theo giá dầu nên mặc dù sản lượng LPG chỉ giảm nhẹ 0,5% và CNG tăng mạnh 14,9% so với cùng kỳ, doanh thu 2015 đã giảm mạnh 20,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của PGS trong năm 2015 cũng ghi nhận giảm mạnh 19,7%.

Có 2 nguyên nhân chính đó là: (1) nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, chi phí bán hàng tăng 5,9% yoy và chiếm đến 12% tổng doanh thu, tăng mạnh so vơi tỷ lệ chỉ 9% so với cùng kỳ. (2) mặc dù biên lợi nhuận gộp tăng mạnh 3,6 điểm %, từ 15,3% lên 19%, tuy nhiên do doanh thu giảm mạnh đã làm cho giá trị tuyệt đối của lợi nhuận gộp giảm.

PGS đã thoái toàn bộ 14,9 triệu cổ phiếu cho Tổng Công Ty Khí Việt Nam (HSX: GAS). Giá trị khoản thoái vốn này khoảng 480 tỷ đồng. Với giá vốn khoản đầu tư vào CNG tính tới thời điểm cuối năm 2015 là 137,7 tỷ đồng thì PGS có thể ghi nhận khoảng 202 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Giá trị sổ sách của PGS năm 2016 tăng lên khoảng 4.055 đ/cp nhờ khoản lợi nhuận từ chuyển nhượng CNG này. Năm 2015, CNG đóng góp khoảng 62 tỷ đồng vào lợi nhuận của PGS, chiếm khoảng 55,2%.

Chúng tôi ước tính lợi nhuận năm 2016 đột biến từ thoái vốn CNG giúp lợi nhuận sau thuế của PGS tăng mạnh 135,5% đạt 262,4 tỷ đồng.

Theo đó, kết quả hoạt động kinh doanh của CNG sẽ không còn hợp nhất vào PGS. Dự báo doanh thu của PGS đạt 3.938 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế không bao gồm lợi nhuận bất thường từ thoái vốn CNG đạt 59,3 tỷ đồng, giảm lần lượt 33,9 % và 46,8% so với cùng kỳ.

Nếu tính riêng hoạt động kinh doanh của công ty mẹ PGS loại trừ yếu tố bất thường, sản lượng LPG dự báo tăng trưởng nhẹ 1,7%, sản lượng khí CNG riêng dự báo tăng trưởng 21,1% so với cùng kỳ nhờ dự án cung cấp cho Samsung. Mặc dù sản lượng tiêu thụ LPG và CNG đều tăng, tuy nhiên doanh thu dự báo vẫn giảm mạnh 21,3% do giá bán các mặt hàng đều giảm đáng kể dựa theo thực tế giá dầu thô hiện tại và dự báo của chúng tôi giá dầu Brent trung bình năm 2016 dao động quanh mức 40 USD/thùng. Lợi nhuận sau thuế tăng 29,3% chủ yếu đến từ tăng sản lượng bán CNG.

Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu PGS với giá hợp lý trong năm 2016 bằng với giá trị sổ sách cuối năm 2016 là 21.600 đ/cp.

TIE: Khuyến nghị mua vào

CTCK MB (MBS)

Chúng tôi khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu của Công ty Cổ phần TIE (TIE) với mức định giá trên cơ sở thận trọng 19.000 đồng/cp, với tiềm năng tăng giá khoảng 30% so với 14.600 đồng/cp ngày 5/04/2016 trên cở sở:

Khả năng hoạt động cải thiện sau khi cổ động nhà nước thoái vốn;

Tiềm năng tăng trưởng từ mảng phát triển dự án bất động sản;

TIE luôn duy trì tỷ lệ chia cổ tức cao bằng tiền mặt trong những năm gần đây;

TIE sở hữu cơ cấu tài chính lành mạnh, ổn định.

SVC: PE dự phóng 8,5 lần

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

CTCP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (mã SVC) hiện tại đang giao dịch ở mức P/E cao hơn trung bình ngành, tuy nhiên vẫn thấp hơn trung bình toàn thị trường.

Điểm đáng chú ý là cổ phiếu của các công ty trong ngành đều đã trải qua đợt điều chỉnh khá mạnh sau khi đạt đỉnh vào tháng 10/2015, thể hiện sự lo ngại của các nhà đầu tư về nhóm công ty này sau khi đã tăng trưởng khá nóng trong năm 2015.

Chúng tôi cho rằng hoạt động của SVC sẽ ổn định hơn nhóm công ty phân phối xe tải và nếu loại trừ biến động lợi nhuận bất thường từ các khoản lợi nhuận từ bất động sản thì mức giá hợp lý cho SVC là 34.600 đồng/cổ phiếu với P/E 2016F là 8,5 lần. Công ty dự kiến chia cổ tức cho năm 2015 với tỷ lệ 14%.

BTP: Mức giá mục tiêu trung và dài hạn 21.000 đồng/CP

CTCK MB (MBS)

Trong năm 2015, CTCP Nhiệt điện Bà Rịa (mã BTP) chịu nhiều ảnh hưởng từ biến động tỷ giá (được biết BTP đang vay nợ 32,5 triệu KWR).

Với diễn biến tăng giá của đồng won Hàn Quốc (KRW) và thay đổi cách hạch toán tỷ giá theo Thông tư 200 (đánh giá chênh lệch tỷ giá vốn vay có gốc ngoại tệ cuối quý theo tỷ giá bán ra của ngân hàng thương mại), làm chi phí tài chính tăng vọt từ mức 63 tỷ năm 2014 lên 151 tỷ năm 2015. Kết quả kinh doanh 2015 giảm nhẹ so với năm 2014, cụ thể doanh thu thuần (DTT) đạt 1.831 tỷ (- 13,5%) và lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt 115,58 tỷ (- 22%). Tuy nhiên, do kế hoạch Doanh thu và Lợi nhuận đặt ra ở mức thận trọng nên trong năm 2015, BTP vẫn hoàn thành vượt chỉ tiêu, DTT đạt 101% và LNST đạt 200%.  

Xây dựng nhà máy nhiệt điện gió với tổng công suất 50 MW: Hiện tại, BTP đã được UBND Bình Thuận chấp thuận và đang tiến hành khảo sát đo lượng gió (việc này có thể kéo dài từ 1-1,5 năm), nếu tốc độ gió đáp ứng đủ yêu cầu (với tốc độ gió 3-4 m/s thì cánh quạt đã có thể quay và phát điện) thì BTP sẽ bắt đầu tiến hành xây dựng nhà máy. Tuy nhiên, giá thành phát điện cho nhà máy điện gió cao hơn so với các nguồn điện khác nên cạnh tranh sẽ thấp hơn, hiện nay điện gió có giá khoảng hơn 1.000 VND/kWh.  

Nhà máy nhiệt điện than: BTP đang tìm kiếm cơ hội đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện than có công suất từ 600- 1.200 MW ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hoặc các tỉnh miền Nam khác.  

Tỷ giá đồng Won sẽ tác động trực tiếp tới kết quả kinh doanh của BTP: Ngoài hoạt động kinh doanh chính thì lợi nhuận của Công ty còn phụ thuộc rất lớn vào biến động tỷ giá KRW/VND. Từ đầu năm đến nay, tỷ giá đồng Won có tín hiệu ổn định trở lại giúp BTP không bị ảnh hưởng lỗ tỷ giá.  

Với những nhận định trên, chúng tôi cho rằng lợi nhuận sau thuế của BTP nhiều khả năng sẽ tăng trưởng ít nhất khoảng 15% trong năm nay, tương ứng 132,9 tỷ đồng tương đương với EPS forward đạt 2.197 đồng/cp. Như vậy, so với mức P/E hiện tại của BTP vào khoảng 9,37 lần, khá hấp dẫn so với trung bình ngành khoảng 10,3 lần. Chúng tôi dự phóng mức P/E hợp lý với BTP năm 2016 ở mức 9,5x lần, tương ứng mức định giá 21.000 đ/cp cho mục tiêu đầu tư trung và dài hạn.

Tin bài liên quan