Cổ phiếu cần quan tâm ngày 6/7

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 6/7

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 6/7 của các công ty chứng khoán.

DPM: Khuyến nghị mua vào

CTCK MaritimeBank (MSBS)

Điểm nhấn cơ bản:

Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí – CTCP DPM là doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, chính thức đi vào hoạt động từ năm 2004. Năm 2015 là năm thứ 3 liên tiếp DPM được tạp chí Forbes Việt Nam công bố nằm trong Top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam.

Năm 2014, DPM đạt 9.549 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 1.096 tỷ đồng. Tuy cả hai chỉ tiêu đều vượt kế hoạch nhưng lại giảm lần lượt 8% và gần 50% so với thực hiện năm 2013 trước đó.

Theo thông tin của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), trong 6 tháng đầu năm, DPM đã đạt 4.945 tỷ đồng tổng doanh thu, tức 53% kế hoạch năm và lợi nhuận trước thuế đạt 810 tỉ đồng, bằng 63% kế hoạch.

DPM đặt kế hoạch 2015 với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 1.293 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.047 tỷ đồng so với kế hoạch trước đó. Các chỉ tiêu này đều tăng so với kế hoạch ban đầu do tình hình giá khí thấp hơn. Cổ tức vẫn ở mức cao, năm 2015 dự kiến 25% bằng tiền mặt (năm 2014 là 30% bằng tiền).

Dự án NH3-NPK và Dự án xưởng hóa chất UFC85 sẽ đóng góp 700 tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm. Ngày 7/6, DPM đã chính thức ký kết hợp đồng EPC của Tổ hợp NH3 (mở rộng). Dự kiến sau khi hoàn thành vào quý II/2017, công ty sẽ có thêm 90 ngàn tấn NH3 và 250 ngàn tấn NPK. Các sản phẩm mới sẽ đóng góp thêm khoảng 600 - 700 tỷ lợi nhuận mỗi năm.

Phân tích kỹ thuật:

Cổ phiếu cơ bản tốt thích hợp với phong cách đầu tư giá trị. DPM đang có dấu hiệu tạo mẫu hình tăng giá “Three bottoms” phản ánh xu hướng tăng giá trong ngắn hạn.

Các tín hiệu MA20 và MA50 đang cho tín hiệu mua vào. Vùng giá tích lũy mốc 29.000 – 30.000 VNĐ/cp khá mạnh với KLGD hỗ trợ. Phân tích sóng Elliot, DPM còn có nhịp tăng giá mạnh sau giai đoạn tích lũy này. Các tín hiệu MACD, Ichimoku, PSAR đang cho tín hiệu tăng điểm trong ngắn hạn.

DIG: Khuyến nghị mua cho mục tiêu trung và dài hạn

CTCK MaritimeBank (MSBS)

Điểm nhấn đầu tư:

- DIG có quỹ đất lớn ở các khu đô thị cấp II và liên quan nhiều các vùng gắn với phát triển bất động sản du lịch hoặc vùng phát triển khu công nghiệp như Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Phú Quốc, Vĩnh Phúc, Đà Lạt… Hiện tại, quỹ đất mà DIG được giao để phát triển các khu đô thị mới trong cả nước lên đến hơn 3.158 ha đất. Đây là một lợi thế vượt trội của DIG mà không phải công ty nào cũng có được.

- Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã chính thức được Quốc hội đồng ý thông qua ngày 25/06. Dự án này đã tác động mạnh tới thị trường Bất động sản Đồng Nai, đặc biệt với các doanh nghiệp có quỹ đất và dự án ở Đồng Nai như DIG, thông tin này sẽ hỗ trợ tích cực vào kết quả kinh doanh của Công ty. Hiện tại, DIG đang có dự án Hiệp Phước rộng 22 ha nằm trong bán kính 10 ha và dự án Đại Phước rộng 465 ha bán kính 30ha gần sân bay Long Thành.

- Nguồn thu sẽ tăng từ năm 2015: Dự án Cao ốc Thủy Tiên đã bắt đầu bàn giao căn hộ và có doanh thu từ năm 2013. Vì thu tiền thành nhiều đợt, doanh thu từ Dự án Thủy Tiên chủ yếu được DIG ghi nhận trong năm 2015. Các dự án Nam Vĩnh Yên và Khu biệt thự đồi An Sơn cũng được DIG tập trung đẩy nhanh tiến độ bán hàng, đây là các dự án tạo nguồn tiền chính cho Công ty trong năm 2015. Bên cạnh đó, các dự án được tập trung đầu tư trong năm 2015 như Tổ hợp Phoenix 1, 2; KĐT sinh thái Đại Phước, KĐT mới Nam Vĩnh Yên; Dự án KĐT An Thới, Phú Quốc sẽ là nguồn thu chính cho DIG trong các năm tới.

- DIG sẽ phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu và 20 triệu cổ phiếu riêng lẻ để đầu tư vào Khu đô thị An Thới – Phú Quốc, ngoài ra, DIG cũng phát hành 15,9 triệu cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 8%. Tổng cộng DIG dự kiến tăng vốn điều lệ lên 2.146 tỷ đồng. Qua đó, công ty sẽ có nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu đầu tư và thanh toán các khoản vay ngân hàng, giảm gánh nặng nợ vay trong cơ cấu vốn.

Kết luận: Với những triển vọng từ các dự án cho nguồn thu lớn trong các năm tới và thông tin tích cực từ dự án sân bay Long Thành chính thức được thông qua thì tiềm năng tăng trưởng của DIG vẫn rất tốt, chúng tôi ước tính doanh thu của Công ty mẹ năm 2015 khoảng 574 tỷ đồng, cao hơn 11% so với kế hoạch. Theo phương pháp giá trị tài sản ròng, giá trị cổ phiếu DIG được chúng tôi xác định vào khoảng 18.800 đồng/cp, vì vậy chúng tôi khuyến nghị Mua với cổ phiếu DIG cho mục tiêu nắm giữ trung và dài hạn.

Doanh nghiệp ô tô: Tiêu thị tăng cao

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Theo đại diện của Ủy ban An Toàn giao thông Quốc gia, trong sáu tháng đầu năm 2015, cả nước có 89.428 xe ôtô được đăng ký mới, tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo thống kê mới nhất của VAMA, lũy kế 5 tháng đầu năm 2015, các thành viên của VAMA đã tiêu thụ được 74.428 xe, tăng 70% so với cùng năm ngoái. Trong đó, xe ôtô du lịch tăng 88% so với cùng năm ngoái; xe thương mại tăng 103% so với cùng năm ngoái và xe chuyên dụng tăng 116% so với cùng năm ngoái.

Chúng tôi cho rằng nhu cầu tiêu thụ ô tô tăng lên vì nhiều lý do trong đó: 1) quy định siết chặt tải trọng xe năm 2014 khiến các doanh nghiệp đầu tư thêm ô tô để đảm bảo khả năng vận chuyển hàng hóa; 2) kinh tế (đặc biệt nhóm sản xuất công nghiệp) có dấu hiệu hồi phục khả quan làm cho nhu cầu vận chuyển tăng; 3) thuế trước bạ giảm; 4) lãi suất duy trì ở mức thấp cũng là nguyên nhân tiêu dùng và đầu tư được đẩy mạnh.

Tiêu thụ ô tô tăng cao là nguyên nhân lý giải kết quả kinh doanh đột biến của các doanh nghiệp trong ngành ô tô. Đón đầu tăng trưởng tiêu thụ xe ô tô, các doanh nghiệp trong ngành đặt kế hoạch kinh doanh 2015 ấn tượng. Các doanh nghiệp ô tô công bố KQKD tốt:

HHS đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ quý II/2015 khả quan. HHS chuyên phân phối Ô tô tập trung vào phân khúc xe tải nặng và xe đầu kéo. Doanh thu hợp nhất và lợi nhuận sau thuế quý II/2015 lần lượt đạt 1.446 tỷ đồng và 152,4 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2015, tổng doanh thu hợp nhất và lợi nhuận sau thuế của HHS lần lượt đạt 2.039 tỷ đồng và 343.8 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp chưa công bố sản lượng tiêu thụ trong kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, HHS đã hoàn thành 45,3% kế hoạch doanh thu (kế hoạch 4.500 tỷ đồng) và 62% kế hoạch lợi nhuận (kế hoạch 550 tỷ đồng) năm 2015 đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Nếu không có gì đột biến, chúng tôi cho rằng nhiều khả năng HHS sẽ đạt kế hoạch lợi nhuận cho năm 2015. Theo đó, HHS đang giao dịch tại P/E 4,3 lần.

TMT: lợi nhuận sau thuế quý I/2015 tăng 4,3 lần cùng kỳ. TMT chuyên phân phối xe đầu kéo tải trọng lớn, tải thùng tải trọng lớn và xe chuyên dùng lớn. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý I/2015 đạt 781 tỷ đồng 41.6 tỷ đồng, gấp lần lượt 3.4 lần và 4.3 lần so với cùng kỳ 2014, đạt 20,5% và 27,7% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế cả năm 2015. TMT chưa công bố kết quả kinh doanh quý II/2015 tuy nhiên chúng tôi ước tính lợi nhuận sau thuế quý II/2015 của TMT có thể đạt khoảng 60 tỷ đồng, tăng 6 lần so với cùng kỳ.

TMT đặt kế hoạch kinh doanh 2015 khá tham vọng với doanh thu và lợi nhuận sau thuế cả năm 2015 ở mức 3.804 tỷ đồng và 150 tỷ đồng, lần lượt tăng 2,9 lần và 2,4 lần so với 2014. Trong đó đặt mục tiêu tiêu thụ 7.892 chiếc xe, tăng 2,7 lần. Theo đó, TMT đang giao dịch tại P/E 8 lần.

HTL: Đặt kế hoạch lợi nhuận 2015 giảm. HTL là nhà phân phối chính thức sản phẩm của Hino Việt Nam, hoạt động chủ yếu tại khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long. Kết thúc quý I/2015, HTL ghi nhận Doanh thu 253,4 tỷ đồng, tăng 129% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế 18,7 tỷ đồng, tăng 58,2% so với cùng kỳ năm ngoái. HTL đặt kế hoạch kinh doanh 2015 với doanh thu và lợi nhuận ở mức 1.490 và 59 tỷ đồng, tăng 41,5% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, HTL đang giao dịch tại P/E 12,2 lần.

SBA: P/E giao dịch ở mức 8,4x

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

CTCP Thuỷ điện Sông Ba (SBA) đã sản xuất được 22,7 triệu kWh trong quý II/2015, trong đó chủ yếu là sản lượng của nhà máy Khe Diên. Cụ thể, sản lượng của nhà máy Khe Diên (công suất 9MW) đạt 19,2 triệu kWh, tăng tới 134,6% so với cùng kỳ, còn nhà máy Krong Hnang (công suất 64MW) trong quý II vừa qua chủ yếu thực hiện tích nước nên sản lượng đạt thấp, chỉ 3,5 triệu kWh, giảm 73,8%.

Với diễn biến thuỷ văn khá bất thường, cuối quý 1 đầu quý II/2015, khu vực tỉnh Quảng Nam trên địa bàn hoạt động của nhà máy Khe Diên đã xảy ra lũ trái mùa, bổ sung cho hồ chứa nhà máy Khe Diên lượng nước lớn. Nhờ đó sản lượng của nhà máy Khe Diên tăng cao, bù đắp cho sản lượng từ nhà máy Krong Hnang. Với tổng sản lượng điện 22,7 triệu kWh, sản lượng điện quý II/2015 của SBA đã tăng 6,1% so với cùng kỳ.

Chúng tôi ước tính doanh thu quý II/2015 tăng 6% so với cùng năm ngoái đạt 27,9 tỷ đồng với giả định giá bán bình quân không thay đổi so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ước tính giảm khoảng 8% n/n đạt 7 tỷ đồng do chi phí tài chính ròng có thể cao hơn đôi chút so với cùng kỳ sau khi cơ cấu lại khoản nợ vay dài hạn vào cuối quý I vừa qua.

Ngày 26/3/2015, SBA đã ký hợp đồng vay dài hạn với Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) về khoản vay hạn mức 620 tỷ và thời hạn vay 10 năm. Khoản vay mới này được dùng để cơ cấu lại khoản nợ vay tại Ngân hàng phát triển Việt Nam – chi nhánh Phú Yên.

Lãi suất vay của khoản vay mới từ OCB bằng lãi suất huy động VND kỳ hạn 12 tháng cộng biên độ 2,4%/năm, theo đó lãi suất hiện tại khoảng 8,3%, nhỉnh hơn đôi chút so với lãi suất của khoản vay VDB trước đây là từ 6,9%-8,4%.

Điểm tích cực của việc tái cơ cấu khoản vay dài hạn này là giúp kéo dài thời hạn vay: 10 năm với khoản vay OCB so với 4 năm với khoản vay VDB (khoản vay VDB vay từ 2006-2008 và đến hạn vào 2018), nhờ đó giúp SBA giảm bớt khó khăn về cân đối dòng tiền để trả gốc và lãi vay.

Chúng tôi dự báo doanh thu 2015 tăng nhẹ 2% so với năm ngoái đạt 215 tỷ với kỳ vọng tình hình SXKD của nhà máy Krong Hnang sẽ khả quan hơn trong 6 tháng cuối năm. Lợi nhuận sau thuế dự báo đạt 71 tỷ, tăng khoảng 9% so với năm ngoái. EPS 2015 ước tính đạt 1.185 đồng/cp. Cổ phiếu SBA giao dịch với P/E 8,4x. Với tỷ lệ cổ tức tiền mặt duy trì ở mức 10%, SBA là cổ phiếu có tỷ suất cổ tức cao.

Tin bài liên quan