Cổ phiếu cần quan tâm ngày 5/8

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 5/8

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 5/8 của các công ty chứng khoán.

CSM: 6 tháng cuối năm tiếp tục khả quan

CTCK MB (MBS)

CSM công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm. Theo đó, doanh thu đạt mức 1954 tỷ VNĐ, tăng 32% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt mức 160 tỷ VNĐ, giảm nhẹ 5.5% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân khiến cho doanh thu của CSM tăng vọt đột biến là do Công ty hạch toán 401 tỷ doanh thu đến từ việc bán bất động sản đầu tư. Nếu loại trừ khoản doanh thu đột biến từ bất động sản thì doanh thu từ mảng xăm lốp của CSM vẫn tăng nhẹ 5.3% so với cùng kỳ do Công ty đã bắt đầu có doanh thu từ sản phẩm lốp radial toàn thép. Tuy nhiên có thể thấy sản phẩm lốp radial toàn thép của CSM được tiêu thụ chưa nhiều do đó chưa đem lại hiệu quả đáng kể cho CSM.

Trong khi đó, chi phí sản xuất của CSM đã tăng lên khi phải hạch toán chi phí khấu hao và chi phí lãi vay phát sinh từ dự án lốp radial. Cụ thể chi phí lãi vay tăng 8.5 tỷ, và chi phí khấu hao tăng 55 tỷ trong 6 tháng đầu năm.

Chúng tôi đánh giá hoạt động kinh doanh xăm lốp của CSM sẽ tiếp tục khả quan trong 6 tháng cuối năm nhờ giá cao su nguyên liệu tiếp tục đứng ở mức thấp và tiêu thụ sản phẩm lốp radial sẽ khả quan hơn.

FCN: Khuyến nghĩ nắm giữ

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

CTCP Kỹ thuật Nền móng và Công trình Ngầm FECON (FCN) tiếp tục được chọn trở thành nhà thầu thi công của các dự án gồm Samsung TP HCM (35 tỷ đồng), Samsung Bắc Ninh (88 tỷ đồng), Đường nối cầu Tân Vũ – Lạch Huyện (Hải Phòng) (40 tỷ đồng) và dự án thi công nền móng khác (56 tỷ đồng).

Những hợp đồng ký thêm này sẽ góp phần giúp cho FCN duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định trong năm 2016. Chúng tôi tiếp tục khuyến nghị Nắm Giữ đối với cổ phiếu này.

DMC: PE kỳ vọng thấp, chỉ khoảng hơn 7 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Lợi nhuận sau thuế quý II/2015 của công ty mẹ CTCP Xuất nhập khẩy y tế Domesco (mã DMC) tăng 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 37,7 tỷ đồng. Theo đó, biên lợi nhuận ròng quý II/2015 đạt 13,2%, so với mức 8,6% của quý II/2014. Tăng trưởng lãi ròng chủ yếu đến từ sự cải thiện đáng kể của biên lợi nhuận gộp, từ mức 27,4% trong quý II/2014 lên 34,8% trong quý II/2015.

Đây là kết quả của quá trình tái cấu trúc danh mục sản phẩm theo hướng: (1) gia tăng tỷ trọng của hàng sản xuất, trong quý II/2015, doanh thu từ hàng sản xuất đóng góp 83% tổng doanh thu của DMC, so với mức 71% của quý II/2014; và (2) tập trung vào các nhóm sản phẩm có hiệu quả khai thác cao.

Với hiện trạng sản xuất gần mức toàn dụng, trong khi dự án xây dựng nhà máy mới với công suất thiết kế dự kiến là 3 tỷ đơn vị sản phẩm/năm, gấp hơn 2 lần công suất của nhà máy Non-betalactam hiện tại, dự kiến đến 2017 mới hoàn thành, DMC định hướng chiến lược công ty theo hướng cải thiện hiệu quả hoạt động hơn là mục tiêu tăng trưởng về doanh số.

Do vậy, cùng xu hướng với quý I/2015, doanh thu quý II/2015 vẫn giảm khoảng 27,9% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 286,5 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu hàng sản xuất giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái và doanh thu từ mảng thương mại giảm 58% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lưu ý, nhờ cải tạo nhà máy gia tăng thêm 20% công suất, doanh thu mảng sản xuất của DMC tăng trưởng khá mạnh trong 6 tháng đầu năm 2014, khoảng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, việc tái cấu trúc mảng thương mại mới được tiến hành từ quý III/2014, do loại bỏ một số mảng phân phối có biên lợi nhuận thấp nhưng đóng góp doanh thu lớn nên dẫn đến sự sụt giảm đáng kể ở mảng này trong 6 tháng đầu năm 2015.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2015, công ty mẹ DMC đạt 545,7 tỷ doanh thu (-29,3% so với cùng kỳ năm ngoái) và 67,6 tỷ lợi nhuận sau thuế (+4,7% so với cùng kỳ năm ngoái), hoàn thành 34,4% và 48,3% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận 2015.

DMC đang giao dịch ở mức PE kỳ vọng thấp, chỉ khoảng hơn 7 lần, so với mức 11 lần bình quân ngành trong nước.

Thăng Long GTC: Tài sản có giá trị cao

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Thăng Long GTC là doanh nghiệp sở hữu nhiều tài sản có giá trị. Kết quả định giá theo phương pháp tài sản cho ra giá trị phần vốn chủ sở hữu của Thăng Long GTC vào khoảng 3.545 tỷ đồng, tương đương giá trị mỗi cổ phần 28.866 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, chúng tôi cũng xin lưu ý tới các nhà đầu tư hạn chế của phương pháp định giá tài sản là các tài sản khác nhau sẽ có tính thanh khoản khác nhau.

Do vậy, mỗi tài sản sau khi định giá xong có thể sẽ được thực hiện chiết khấu thêm để bù đắp cho sự giới hạn về mặt thanh khoản và mức chiết khấu cụ thể bao nhiêu sẽ tùy thuộc vào kỳ vọng/mức độ chấp nhận rủi ro của mỗi nhà đầu tư.

Quan điểm riêng của chúng tôi về các tài sản của Thăng Long GTC đều là những tài sản có giá trị cao, vị trí thuận tiện, các vấn đề pháp lý rõ ràng, không bị tranh chấp,.. nên có thể dễ dàng chuyển nhượng, đem góp vốn hay sử dụng cho các mục đích khác.

>> Tải báo cáo

Tin bài liên quan