Cổ phiếu cần quan tâm ngày 3/9

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 3/9

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 3/9 của các công ty chứng khoán

HCC: Khuyến nghị tích cực

CTCK Bảo Việt (BVSC)

6 tháng đầu năm 2015, HCC có kết quả kinh doanh khá khả quan, doanh thu đạt 133 tỷ đồng tăng trưởng 72% yoy và hoàn thành 62% kế hoạch năm 2015. Biên lợi nhuận gộp được cái thiện đáng kể từ mức 8.7% năm 2014 lên 12,7% năm 2015. Nguyên nhân chính là do:

(1) Chi phí nguyên liệu chính xi măng, cát, đá chiếm 65% giá vốn hàng bán, giảm so với cùng kỳ năm trước;

(2) Chi phí nhiên liệu chiếm 5% giá vốn hàng bán, giảm so với cùng kỳ;

(3) Sản lượng tiêu thụ tăng giúp công ty tăng lợi nhuận biên từ các dự án trộn với khối lượng lớn. Trong đó chủ yếu là dự án tại Đà Nẵng chiếm 68%;

(4) Chủ động được nguồn nguyên vật liệu đá từ mỏ Chu Lai. Bê tong tại Chu Lai chiếm 32% trong năm 2015 so với mức 41% của năm 2014. Lợi nhuận sau thuế đạt 9,2 tỷ tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ và hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2015.

Công ty có 4 trạm trộn bê tong đang hoạt động, trong đó có 2 trạm trộn tại Hòa Cầm – Đà Nẵng với công suất 120m3/h và 75 m3/h, một trạm trộn lưu động công suất 90 m3/h và 1 trạm trộn tại Chu Lai – Quảng Nam. Trong năm 2015, nhu cầu tiêu thụ betong tại khu vực Đà Nẵng gia tăng, đặc biệt dự án cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, công ty đầu tư mới thêm 1 trạm trộn bê tong 90 m3/h. Hiện tại,các trạm trộn của HCC hoạt động 90% công suất.

Công ty đang mở rộng và đón đầu thị trường Quảng Ngãi trong cuối năm 2015 và 2016 với 2 dự án chính là cao tốc Bắc Nam đoạn qua miền Trung và Khu kinh tế Dung Quốc, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore tại tỉnh Quảng Ngãi. Trong đó, công ty đang tiến hành thuê đất lắp đặt trạm trộn tại KCN Phong Thử- Quảng Ngãi với giá trị 7 tỷ đồng.

Trên thị trường sản xuất betong thương phẩm tại Đà Nẵng và Quảng Nam, chỉ có 5 doanh nghiệp betong quy mô lớn là Hòa Cầm, Đăng Hải, Phước Yên, Pacific Dinco và Pha Đin.

Hoạt động sản xuất bê tong tại Đà Nẵng và Quảng Nam trong năm 2015 và dự báo năm 2016-2017 khá tích cực với các dự án lớn như Mở rộng sân bay quốc tế Đà Nẵng với vốn đầu tư 3.200 tỷ đồng trong đó vốn đầu tư xây dựng 2.000 tỷ, dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, VSIP Quảng Ngãi giai đoạn 2, tổ hợp khách sạn Mường Thanh – Sông Hàn.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, mục tiêu phát triển công nghiệp – xây dựng trong giai đoạn 2016 – 2020 là 12.3%, đây là tiền đề cho sự phát triển ngành bê tong – đầu vào cho xây dựng trong tương lai tại Đà Nẵng .

Chúng tôi cho rằng cổ phiếu HCC là 1 cơ hội đầu tư hấp dẫn trong năm 2015 khi mà nhu cầu ngành tăng trưởng tích cực, đối thủ cạnh tranh ở thị trường Đà Nẵng – Quảng Nam khá ít chỉ 5 công ty, chủ động nguồn nguyên liệu đá từ mỏ đá Chu Lai, hưởng lợi từ chi phí nguyên vật liệu giảm và khả năng mở rộng sang thị trường tiềm năng Quảng Ngãi trong dự án VSIP và dự án cao tốc Bắc – Nam. Lợi nhuận dự báo trong năm 2015 vào khoảng 18 tỷ đồng, tương đương EPS đạt 4.922 đồng/CP, P/E đạt 4.67x.

Đồng thời cổ tức/ thị giá 8.6% khá thích hợp đối với các nhà đầu tư giá trị. Tuy nhiên, chúng tôi cũng quan ngại về tính thanh khoản của cổ phiếu khi CTCP Intimex Việt Nam nắm giữ 51.48%. BVSC khuyến nghị OUTPERFORM với cổ phiếu HCC với mức giá kỳ vọng là 34.600 đồng/CP theo phương pháp định giá P/E.

DHG: Xem xét đầu tư cho mục tiêu dài hạn

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

DHG công bố nghị quyết HĐQT ngày 25/08/2015 về việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh là sản xuất và bán buôn, bán lẻ nước tinh khiết đóng chai. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 09/09/2015 và thời gian thực hiện dự kiến là từ 25/09 đến 12/10/2015.

Thực tế, ngành nghề sản xuất và kinh doanh nước tinh khiết đóng chai này trước đây do công ty con của DHG (sở hữu 100%) là công ty TNHH MTV Dược liệu DHG (DHG Nature) đảm nhiệm. Tuy nhiên, HĐQT DHG đã thông qua chủ trương giải thể công ty con này trong tháng 6/2015 vừa qua. Máy móc thiết bị và dây chuyền sản xuất của DHG Nature sau khi giải thể được chuyển về DHG để tiếp tục sản xuất.

Do danh mục các ngành nghề kinh doanh của DHG hiện tại chưa bao gồm các hoạt động liên quan đến mảng nước tinh khiết đóng chai nên việc công ty xin ý kiến cổ đông để bổ sung là việc cần thiết. Ngoài ra, việc tinh gọn bộ máy hoạt động sẽ giúp hiệu quả hoạt động của DHG gia tăng.

DHG đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2015 sau kiểm toán với doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 1.468 tỷ đồng (-13,3% so với cùng kỳ) và 260,7 tỷ đồng (-3,8% so với cùng kỳ).

Chúng tôi kỳ vọng kết quả 6 tháng cuối năm của DHG sẽ tích cực hơn với doanh thu và lợi nhuận sau thuế 6 tháng cuối năm 2015 tăng lần lượt 3,1% và 33% so với cùng kỳ, lên mức 2.289 và 349 tỷ đồng.

Điều này là nhờ DHG đã tiến hành tái cơ cấu lại chính sách và đội ngũ bán hàng. Công ty cho biết doanh số đã tăng trưởng dương trở lại trong tháng 7/2015 vừa qua và khá tự tin về khả năng cải thiện kết quả kinh doanh trong 6 tháng cuối năm nay.

Chúng tôi cho rằng kỳ vọng này là khá hợp lý do giai đoạn cuối năm vốn là mùa cao điểm của thị trường OTC, kênh phân phối chính, đóng góp đến 90% doanh thu của DHG và việc tái cơ cấu khả năng sẽ đạt được hiệu quả từ quý III/2015.

DHG đang giao dịch ở mức PE kỳ vọng khoảng 10 lần, hấp dẫn so với mức bình quân hơn 20 lần của các thị trường dược phẩm mới nổi tại Châu Á (Emerging Asia). Theo đó, chúng tôi cho rằng DHG nên được xem xét cho mục tiêu đầu tư dài hạn.

HBC: Không hấp dẫn, PE dự phóng 10,2x

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Theo báo cáo hợp nhất kiểm toán giữa niên độ mới công bố của CTCP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hoà Bình (HBC), lợi nhuận ròng sau kiểm toán trong 6 tháng đầu năm 2015 của HBC đạt 44,8 tỷ, giảm 11 tỷ so với kết quả trước kiểm toán.

Sau kiểm toán, doanh thu hợp nhất 6 tháng đầu năm 2015 được điều chỉnh giảm 15,1 tỷ, tuy nhiên các khoản giảm trừ cũng được điều chỉnh giảm tương ứng nên công ty vẫn ghi nhận doanh thu thuần 2.340,1 tỷ đồng, tăng 66,3% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận ròng sau kiểm toán điều chỉnh giảm 11,1 tỷ so với trước kiểm toán chủ yếu là do: (1) chi phí bán hàng tăng 1,5 tỷ; (2) thuế TNDN tăng 7,6 tỷ; và (3) phân bổ lỗ sau thuế của cổ đông thiểu số giảm 1,3 tỷ. Mặc dù điều chỉnh giảm, lợi nhuận ròng sau kiểm toán vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ với mức tăng 365,2%.

Khoản phải thu khách hàng được điều chỉnh giảm so với số liệu trước kiểm toán, tuy nhiên vẫn ở mức cao. Khoản phải thu khách hàng và phải thu theo tiến độ cuối quý II/2015 là 2.986 tỷ đồng, chiếm 41,2% tổng tài sản. Lưu ý, cuối quý II/2015 công ty ghi nhận 354,8 tỷ đồng phải thu về cho vay ngắn hạn, là khoản cho bên khác vay ngắn hạn; tuy nhiên không có thông tin cụ thể về bên vay trong phần thuyết minh báo cáo tài chính.

Chúng tôi vẫn giữ nguyên dự báo lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 2015 đạt 112,8 tỷ, tăng 59% so với năm trước. EPS 2015 ước tính đạt 1.557 đồng/cp. Cổ phiếu HBC giao dịch với P/E dự phóng 10,2x, không hấp dẫn so với một số công ty cùng ngành.

DMC: Khuyến nghị mua vào

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Ngày 11/09/2015 sẽ là ngày đăng ký cuối cùng quyền nhận cổ tức tiền mặt 1.000 đồng/cp còn lại của năm 2014. Dự kiến thời gian thực hiện là 25/09/2015. Nhắc lại, tổng mức cổ tức tiền mặt chi trả cho 2014 được ĐHCĐ thông qua là 1.800 đồng/cp, tương đương với tỷ suất cổ tức khoảng 4,4%. Công ty dự kiến duy trì tỷ lệ này cho năm 2015.

Lợi nhuận sau thuế quý II/2015 tăng 15,2% so với cùng kỳ, đạt 39,7 tỷ đồng, giúp biên lợi nhuận ròng quý II/2015 đạt 13,8%, so với mức 8,7% cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng lãi ròng chủ yếu đến từ sự cải thiện đáng kể của biên lợi nhuận gộp, từ mức 27,5% trong quý II/2014 lên 34,8% trong quý II/2015.

Đây là kết quả của quá trình tái cấu trúc danh mục sản phẩm theo hướng: (1)gia tăng tỷ trọng của hàng sản xuất, trong quý II/2015, doanh thu từ hàng sản xuất đóng góp 83% tổng doanh thu của DMC, so với mức 72% của quý II/2014; và (2)tập trung vào các nhóm sản phẩm có hiệu quả khai thác cao.

Với hiện trạng sản xuất gần mức toàn dụng, trong khi dự án xây dựng nhà máy mới với công suất thiết kế dự kiến là 3 tỷ đơn vị sản phẩm/năm, gấp hơn 2 lần công suất của nhà máy Non-betalactam hiện tại, dự kiến đến 2017 mới hoàn thành, DMC định hướng chiến lược công ty theo hướng cải thiện hiệu quả hoạt động hơn là mục tiêu tăng trưởng về doanh số. Do vậy, cùng xu hướng với quý I/2015, doanh thu quý II/2015 vẫn giảm khoảng 27,8% n/n, còn 287,1 tỷ đồng.

Trong đó, doanh thu hàng sản xuất giảm 15% n/n và doanh thu từ mảng thương mại giảm 57% n/n. Lưu ý, nhờ cải tạo nhà máy gia tăng thêm 20% công suất, doanh thu mảng sản xuất của DMC tăng trưởng khá mạnh trong 6 tháng đầu năm 2014, khoảng 21% n/n. Ngoài ra, việc tái cấu trúc mảng thương mại mới được tiến hành từ quý III/2014, do loại bỏ một số mảng phân phối có biên lợi nhuận thấp nhưng đóng góp doanh thu lớn nên dẫn đến sự sụt giảm đáng kể ở mảng này trong 6 tháng đầu năm 2015.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2015, DMC đạt 546,6 tỷ doanh thu (-29,2% so với cùng kỳ) và 67,3 tỷ lợi nhuận sau thuế (+4,2% so với cùng kỳ), hoàn thành 33,6% và 45,1% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận 2015. Chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo doanh thu cả năm 2015 của DMC từ mức tăng 1.627 xuống còn 1.382 tỷ đồng (-7% n/n), thấp hơn 13% so với kế hoạch của công ty.

Ở chiều ngược lại, biên lợi nhuận gộp 2015 kỳ vọng cải thiện lên mức 30,5%, so với mức 29,5% của dự báo trước. Theo đó, lợi nhuận sau thuế 2015 ước đạt 141,3 tỷ đồng (+6,8% so với năm ngoái), xấp xỉ mức kế hoạch của công ty (140 tỷ đồng).

DMC đang giao dịch ở mức PE kỳ vọng thấp, chỉ khoảng 7,7 lần, so với mức 11 lần bình quân ngành trong nước. Duy trì khuyến nghị MUA với giá mục tiêu 51.500 đồng/cp.

KHP: Lợi suất cổ tức khá cao, khoảng 8%

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

CTCP Điện lực Khánh Hoà (KHP) mới công bố Quyết định của Tổng Công ty Điện lực Miền Trung về điều chỉnh giá bán điện cho CTCP Điện lực Khánh Hoà ban hành ngày 25/8/2015. Trong đó có một số thông tin đáng lưu ý.

Giá bán điện giữa Tổng Công ty Điện lực Miền Trung và CTCP Điện lực Khánh Hoà (là giá mua đầu vào đối với KHP) đư ợc điều chỉnh với giá bình quân 2015 là 1.367,9 đồng/kWh, tăng 10% so với giá bình quân 2015 dự kiến hồi đầu năm, và tăng 11% so với giá bình quân năm 2014. Như vậy, việc điều chỉnh này sẽ khiến chi phí SXKD 2015 tăng lên.

Trong khi đó, giá bán điện thương phẩm bình quân 2015 chỉ được điều chỉnh tăng khoảng 6% so với năm trước, thấp hơn mức tăng giá mua vào. Điều này sẽ tác động làm giảm tỷ suất lợi nhuận của công ty.

Ngoài ra, theo Quyết định của Tổng Công ty Điện lực Miền Trung, mức giá điều chỉnh này được áp dụng từ ngày 01/01/2015. Với việc áp dụng hồi tố từ đầu năm 2015, chúng tôi cho rằng KQKD 6 tháng đầu năm 2015 sẽ cần điều chỉnh hồi tố theo mức giá mới phê duyệt. Mức lợi nhuận định mức theo Quyết định mới công bố cũng ở mức thấp, 1% lợi nhuận sau thuế/Vốn điều lệ.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, KHP ghi nhận doanh thu đạt 1.416 tỷ, tăng 11,5% so với cùng kỳ nhờ sản lượng điện phân phối tăng. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế ghi nhận 53,6 tỷ, tăng tới 81% so với cùng kỳ. Lưu ý, KQKD ghi nhận trong báo cáo 6 tháng 2015 vẫn được tính theo giá chưa điều chỉnh. Nếu áp dụng hồi tố từ đầu năm thì lợi nhuận đạt được trong 6 tháng 2015 sẽ không đạt được mức tăng như vậy.

Cổ phiếu KHP giao dịch với P/B 0,9x. Với tỷ lệ cổ tức tiền mặt 2015 dự kiến 10%/mệnh giá, lợi suất cổ tức đạt mức khá cao, khoảng 8%.

VCB: Khuyến nghị mua vào

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

* Nhận định của MBKE

VCB bước vào pha điều chỉnh từ cuối tháng 6, sau khi đã tăng rất mạnh từ đầu năm 2015.

Quá trình điều chỉnh được biểu hiện rất rõ qua việc đường giá liên tục tạo ra những mức đỉnh đáy liền sau thấp hơn trên đồ thị (thể hiện qua đường zic-zag).

Kết quả bật tăng mạnh xuất hiện khi đường giá chạm khu vực Fibo 61.8%. Quan trọng hơn, đường giá sau đó đã lần đầu tiên thành công tạo ra mức đỉnh liền sau cao hơn, tạo ra điều kiện cần cho việc tái thiết trở lại xu hướng tăng.

Để xu hướng tăng được tái lập, VCB cũng cần không tạo ra đáy liền sau thấp hơn trong các phiên tới. Chúng tôi tin vào khả năng này do hỗ trợ tại Fibo 61.8% khá vững chắc

Thanh khoản tốt. KLGD liên tục duy trì thành công phía trên mức MA 50 ngày trong một tháng qua, cho thấy dòng tiền vẫn giữ mức hoạt động cao tại VCB và không có dấu hiệu rút ra.

Chỉ báo cải thiện. MACD đã chính thức cắt lên trên đường tín hiệu trong hôm nay, ủng hộ kịch bản tích cực cho đường giá.

* Chiến lược đầu tư: NĐT có thể mua vào VCB quanh mức giá hiện tại 42.5; Mục tiêu đầu tiên tại: 49.0 (+15,3%); Dừng lỗ tại: 38.4 (-9,6%).

HPG: Khuyến nghị mua vào

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

* Nhận định của MBKE:

HPG là cổ phiếu ưa thích trong khuyến nghị của chúng tôi với tỷ suất sinh lợi trong lần gọi mua về mặt TA trước đó đạt 16,0% (đóng khuyến nghị vào ngày 29/7).

Trong tháng 8, HPG đối mặt với một pha giảm giá rất mạnh và đột ngột, một phần quan trọng do ảnh hưởng chung của thị trường. Đường giá có một phiên xâm phạm khu vực MA trung hạn nhưng đã rất mau chóng hồi phục ngay phiên liền sau để xóa bỏ sự xâm phạm này.

Cho đến hiện tại sự ổn định đã quay trở lại và HPG đang di chuyển gần bên trên MA trung hạn, một vị trí khiến khả năng giảm sau của HPG khó xảy ra. Ở chiều ngược lại, đư ờng giá hoàn toàn có khả năng hồi phục lên khu vực các đỉnh ngắn hạn quanh 35 – 36

Thanh khoản khoảng một tuần gần đây cho thấy sự chủ động thuộc về bên mua với Chỉ báo cải thiện dần. MACD đang tăng trở lại và có khả năng đồng thời vượt lên trên đường 0 cũng như đường tín hiệu để xóa bỏ nhìn nhận tiêu cực đưa ra trước đó.

* Chiến lược đầu tư: NĐT có thể mua vào HPG quanh mức giá hiện tại 31.1; Mục tiêu đầu tiên tại: 36.0 (+15.8%). Dừng lỗ tại: 28.3 (-9.0%).

Tin bài liên quan