Cổ phiếu cần quan tâm ngày 3/8

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 3/8

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 3/8 của các công ty chứng khoán.

BTP: Khuyến nghị khả quan

CTCK Vietcombank (VCBS)

Doanh thu quý II/2016 của CTCP Nhiệt điện Bà Rịa (mã BTP) đạt 399,3 tỷ đồng, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 20% kế hoạch năm. Mặc dù doanh thu có mức sụt giảm nhẹ nhưng nhờ giá vốn hàng bán giảm mạnh hơn 13,3%, do mặt bằng giá khí đầu vào thấp nên quý II/2016, BTP ghi nhận mức lợi nhuận gộp tăng vọt, đạt hơn 30 tỷ đồng, tăng 4,3 lần so với quý II/2015. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế đạt 50 tỷ đồng, giảm 35,7% so với cùng kỳ và hoàn thành 83,2% kế hoạch năm.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2016, BTP đạt được 788,8 tỷ đồng doanh thu, giảm 7,3% cùng kỳ và hoàn thành 39,4% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế đạt 31,4 tỷ đồng so với mức lỗ 45 tỷ đồng của cùng kỳ 2015, hoàn thành 52% kế hoạch năm.

Chúng tôi đánh giá khả năng thanh khoản của BTP ở mức tốt khi công ty vẫn duy trì lượng tiền mặt lớn (375 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ). Lưu chuyển tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý II/2016 cũng ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ 2015 và đạt 172 tỷ đồng. Theo đó, chúng tôi đánh giá BTP không chịu áp lực lớn về việc thanh toán các khoản nợ vay của mình

Với kết quả kinh doanh quý II, hiện BTP đang giao dịch với EPS trailing là 3.170 đồng/cổ phiếu, P/E trailing 4.32, khá thấp do với các doanh nghiệp cùng ngành. Tại ĐHCĐ 2015, BTP cũng thông qua mức cổ tức dự kiến 2016 là 8%. Chúng tôi khuyến nghị KHẢ QUAN cho cổ phiếu BTP.

DHG: Dự báo lợi nhuận cả năm đạt 646 tỷ đồng

CTCK BIDV (BSC)

Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (DHG - sàn HOSE) công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2016 với doanh thu thuần đạt 1.690 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 299 tỷ đồng, cùng tăng trưởng 15%.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, sản lượng tiêu thụ cả 3 nhãn hàng chiến lược của DHG là Hapacaol, NattoEnzym và Naturenz tăng trưởng tốt, với mức tăng lần lượt là 25%, 84% và 170% so với cùng kỳ năm trước. Lưu ý, quý II/2016, chi phí makerting và nhân công tăng cao (do trong năm 2015, công ty đã chủ động cắt giảm chi phí khi tiêu thụ sản phẩm khó khăn) khiến lợi nhuận sau thuế giảm 1%. Chúng tôi cho rằng, từ năm 2016, các chi phí trên sẽ tăng trở lại mức thông thường (trước năm 2015) khi tiêu thụ sản phẩm được đẩy mạnh.

Chúng tôi dự báo doanh thu thuần của công ty đạt 3.797 tỷ đồng vào năm 2016, tăng 5% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 646 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước nhờ công ty cơ cấu lại danh mục sản phẩm và hệ thống bán hàng. EPS 2016 tương đương là 6.691 đồng/cp.

VCB: Khuyến nghị trung lập

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (mã VCB) cho biết, thu nhập lãi thuần đã tăng lên mức 9.150 tỷ đồng, tăng hơn 2.000 tỷ đồng, tương ứng tăng 30% so với năm trước. Tỷ lệ NIM được cải thiện qua từng quý và đạt 0,74% trong quý II/2016, cao hơn nhiều so với mức NIM 0,67% trong quý II/2015 và chỉ cao hơn đôi chút so với mức NIM 0,72% trong quý I/2016.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng cao hơn của chi phí lãi là một tín hiệu cho thấy chi phí huy động vốn đã chạm đáy và có thể sẽ tăng nhẹ. Chi phí hoạt động đã tăng từ mức 3.247 tỷ trong nửa đầu năm 2015 lên 4.998 tỷ trong nửa đầu năm 2016, tương ứng tăng 53% do chi phí hoạt động quản lý gần như đã tăng gấp 3 lần từ 646.701 triệu đồng lên 1.702.970 triệu đồng chỉ trong 1 năm.

Tổng dự phòng trích lập trong 6 tháng đầu năm là 3.000 tỷ đồng, bằng phân nửa mức dự phòng mục tiêu cả năm. Nhờ chiến lược trích dự phòng mạnh trong các quý vừa qua, tỷ lệ NPL đã giảm nhanh và hiện đang ở mức 1,75%. Cho đến thời điểm hiện tại VAMC chưa mua thêm khoản nợ xấu nào trong năm 2016.

Với các mức tăng trưởng hiện tại cho thấy ngân hàng sẽ hoàn thành vượt mức mục tiêu lợi nhuận năm là 7.500 tỷ đồng. Hiện VCB đã hoàn thành 57% kế hoạch mục tiêu trong khi những quý cao điểm đang sắp đến.

Dự kiến, VCB sẽ mở thêm 6 chi nhánh mới trong năm 2016. Việc chú trọng hơn vào cho vay cá nhân và khả năng huy động vốn với chi phí thấp giúp VCB có thể đạt được một mức NIM cao hơn hoặc ít nhất là ổn định trong năm tới. Hơn nữa, VCB còn có tỷ lệ tiền gửi ngắn hạn cho vay dài hạn thấp (~26%). Tỷ lệ này cùng với tỷ lệ cho vay trên tiền gửi thấp (79%) sẽ tạo điều kiện cho VCB đẩy mạnh nhoạt động cho vay mà không ảnh hưởng quá lớn đến NIM.

Theo như được công bố vào đầu năm, ngân hàng sẽ nâng vốn điều lệ từ 26.650 tỷ đồng lên 39.575 tỷ đồng. Lượng vốn tăng thêm sẽ đến từ thặng dư vốn cổ phần và lợi nhuận giữ lại (khoảng 9.327 tỷ đồng) và phát hành riêng lẻ (phần 3.598 tỷ còn lại). Hiện tại, ngân hàng có 5.725 tỷ thặng dư vốn cổ phần và 10.894 tỷ lợi nhuận giữ lại. Hơn nữa, VCB có lẽ sẽ cải thiện vị thế tài chính của mình thông qua vốn thứ cấp bằng cách phát hành nợ thứ cấp.

Các cổ phiếu ngân hàng Việt Nam khác đang giao dịch ở mức P/B quanh 0.7 đến 1.4, trong khi VCB dao động quanh 2.1 trong các quý gần nhất. Dù có so sánh với các ngân hàng trong khu vực thì đây vẫn là một kết quả khá khác biệt (Thái Lan 1.1, Malaysia 1.26, và Indonesia 1.81).

Theo mô hình lợi nhuận thặng dư của chúng tôi thì mức giá mục tiêu cho VCB không vượt quá 40.000 đồng. Nhưng chúng tôi tin rằng với rủi ro tín dụng được kiểm soát tốt, tỷ lệ cho vay trên tiền gửi tương đối thấp (79%), còn dư địa cho tăng trưởng và mức NIM tốt (NIM trong 4 quý vừa qua là 2.82%),VCB sẽ có thể tránh dc rủi ro giảm giá trong dài hạn. Do đó, chúng tôi khuyến nghị NEUTRAL cho cổ phiếu VCB.

Tin bài liên quan