Cổ phiếu cần quan tâm ngày 30/9

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 30/9

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 30/9 của các công ty chứng khoán.

SBA: Khuyến nghị khả quan

CTCK MB (MBS)

Là doanh nghiệp chuyên về vận hành các nhà máy thủy điện và thiết kế, giám sát xây dựng, bảo trì bảo dưỡng, quản lý các công trình thủy điện vừa và nhỏ, CTCP Sông Ba (mã SBA) có vị thế vững mạnh so với các doanh nghiệp cùng ngành. Quản lý vận hành sản xuất các nhà máy đạt hiệu quả. Hoàn thiện các công tác, giải pháp để tăng sản lượng điện, doanh thu.

Bên cạnh đó, chu kỳ El Nino cực đại trong lịch sử (2015-2016) kết thúc trong năm 2016 trong khi La Nina sẽ là hiện tượng thời tiết chi phối trong chu kỳ kinh doanh tới là cơ hội để ngành thủy điện đạt kết quả kinh doanh tích cực.

Một trong những lợi thế khác là hoạt động đầu tư sẽ mang lại dòng tiền cho SBA. SBA dự tính triển khai nhà máy thủy điện Krông H’năng 2 từ cuối năm 2016 giúp tăng công suất lên 18%. Ngoài ra, SBA thu được dòng tiền khấu hao 37 tỷ đ/năm từ các nhà máy thủy điện hiện tại có thể sử dụng để trả nợ vay hoặc tài trợ cho dự án mở rộng này.

Triển vọng kinh doanh của SBA khá tích cực trong niên độ 2015 – 2016. Do El Nino tiếp tục mạnh trong nửa đầu năm 2016, SBA chỉ đặt kế hoạch sản lượng 175 tr. kwh cho năm 2016. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng với sự trở lại của La Nina, SBA có thể đạt vượt kế hoạch sản lượng trung bình trên trong năm 2017. Với ước tính sản lượng của SBA tăng 30% so với năm 2015 và đạt khoảng 200 - 210 tr. kwh, với giá bán điện cũ, SBA sẽ có thể đạt doanh thu 237 - 254 tỷ đồng cho năm 2017 và EPS khoảng 1.346 đồng – 1.440 đồng/CP.

Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị Khả Quan đối với cổ phiếu SBA với mức định giá 12.000 đồng/cp.

HPG: Thức ăn chăn nuôi sẽ hòa vốn trong năm 2016

CTCK Bản Việt (VCSC)

Lĩnh vực thức ăn chăn nuôi của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) hiện cơ cấu như sau: 75% thức ăn cho heo và 25% thức ăn cho gia cầm, với hai thương hiệu là Bigboss và HP Feed. HPG chủ yếu nhắm vào các nông trại “chuyên nghiệp và được trang bị tốt”, thay vì các nông trại quy mô nhỏ.

Chiến lược tiếp thị của HPG được thực hiện chủ yếu thông qua ba hình thức gồm đại lý bán lẻ, hội thảo tại các địa phương để tiếp xúc với nông dân, và quảng cáo trên truyền hình. Hiện công ty có 200 đại lý bán lẻ và phân phối từ Lào Cai đến Huế.

HPG nhập khẩu 80% nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi từ Mỹ, Argentina, và Brazil, trong đó, bắp chiếm tỷ trọng cao nhất với 35%-40%. Biên lợi nhuận gộp thức ăn chăn nuôi của HPG khoảng 12%-13%, thấp hơn so với con số khoảng 20% của Proconco và Anco nhưng tương tự Dabaco (13,2%) và cao hơn nhiều so với Hùng Vương (8%) và Việt Thắng (6,6%). Tuy nhiên, biên lợi nhuận ròng từ thức ăn chăn nuôi của HPG vào khoảng 5%.

Một điểm đáng quan tâm khác trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi là HPG chỉ đưa ra mục tiêu khiêm tốn là hòa vốn trong năm 2016. Các sản phẩm thức ăn chăn nuôi của công ty chỉ mới được tung ra thịtrường hồi tháng sáu, và sản lượng bán ra bước đầu đạt khoảng 6.000 tấn/tháng, nhưng đến tháng chín đã tăng lên khoảng 9.000 tấn/tháng. Công ty dự kiến nhà máy thức ăn chăn nuôi đầu tiên, với công suất 25.000 tấn/tháng, sẽ hoạt động với khoảng 30%-40% công suất tính chung cả năm và có thể hòa vốn trong năm nay. Thị phần của HPG hiện không đáng kể và thị trường còn rất phân tán nhiều vì theo HPG, ngay cả hai doanh nghiệp lớn nhất, CP Vietnam và Masan thị phần chỉ hơn 10%.

HPG cho biết hiện Việt Nam có khoảng 260 doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi và nhu cầu thị trường khoảng 15,5 triệu tấn/năm, tốc độ tăng trưởng 15%-20%/năm. Công ty cho rằng đến năm 2020, tổng nhu cầu thị trường sẽ lên đến 20 triệu tấn/năm. Tại thời điểm đó, HPG cho rằng công ty sẽ cung cấp được 1 triệu tấn thức ăn chăn nuôi, chiếm thị phần 5%. Công ty tự tin với mục tiêu này với ba lợi thế cạnh tranh: kinh nghiệm và khả năng quản lý, tiềm lực tài chính, và đội ngũ bán hàng giàu kinh nghiệm.

Tin bài liên quan