Cổ phiếu cần quan tâm ngày 29/9

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 29/9

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 29/9 của các công ty chứng khoán.

BMP: Khuyến nghị tích cực

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Chúng tôi dự báo CTCP Nhựa Bình Minh (mã BMP) có thể đạt 762 tỷ VNĐ doanh thu và 136 tỷ VNĐ lợi nhuận sau thuế trong quý III/2015, tăng 19% về doanh thu và 72% về lợi nhuận so với cùng kỳ 2014.

Chúng tôi ước tính trong quý III/2015 BMP có thể tiêu thụ được 18.150 tấn, tăng 19% so với quý III/2014 và đây sẽ là quý kỷ lục về sản lượng tiêu thụ của BMP.

Đầu tháng 9/2015 BMP đã điều chỉnh giá một vài mặt hàng phụ tùng ống PVC, tuy nhiên các loại này chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu sản phẩm của toàn Công ty, do đó nhìn chung giá các sản phẩm của BMP không thay đổi nhiều so với quý II/2015.

Giá hiện tại của PVC và HDPE đã giảm tương ứng 6,4% và 14,7% so với thời điểm đầu quý III/2015. Tuy nhiên, do chu kỳ dự trữ nguyên liệu bình quân khoảng 1,5-2 tháng, do đó nguyên liệu sử dụng trong quý III/2015 phần lớn được nhập từ tháng 5-6 là lúc giá nguyên liệu đang ở mức cao trong nửa đầu năm 2015, do đó biên lợi nhuận gộp trong quý III/2015 của BMP có thể sẽ giảm so với quý II/2015.

BVSC ước tính trong năm 2015, BMP sẽ đạt 2.781 tỷ VNĐ doanh thu và 534 tỷ VNĐ lợi nhuận sau thuế, tăng 15% về doanh thu và 41% về lợi nhuận so với năm 2014.

Chúng tôi đánh giá OUTPERFORM đối với cổ phiếu BMP với giá kỳ vọng 127.250 VNĐ/cổ phần. Với mức giá hiện tại, BMP đang được giao dịch với P/E 2015 ở mức 8,94 lần, là mức hấp dẫn đối với một cổ phiếu cơ bản có hoạt động kinh doanh tốt như BMP. Đồng thời, giá dầu năm 2016 có thể tiếp tục duy trì mặt bằng giá thấp như hiện nay sẽ hỗ trợ hoạt động kinh doanh năm 2016 của BMP. Ngoài ra, chúng tôi cũng đánh giá cao khả năng BMP sẽ xin ý kiến cổ đông về việc nới room khối ngoại trong ĐHCĐ thường niên 2016 sẽ là tiền đề để Nawaplastic thực hiện chào mua gia tăng tỷ lệ sở hữu tại BMP.

>> Tải báo cáo

GDT: Khuyến nghị thêm trong trung và dài hạn

CTCK FPT( FPTS)

Hoạt động sản xuất - kinh doanh GDT tập trung chủ yếu thị trường xuất khẩu và nội địa với phân khúc nhắm vào các sản phẩm chính là đồ gia dụng, đồ nhà bếp và đồ chơi trẻ em bằng gỗ. Mặc dù tập trung vào các phân khúc nhỏ nhưng đây là dòng sản phẩm có nhiều tiềm năng phát triển ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu. GDT có hoạt động kinh doanh rất ổn định, tăng trưởng doanh thu kép bình quân hằng năm vào khoảng 10,8%, với mức ROE ở năm 2014 là 27%.

Chúng tôi cho rằng hoạt động kinh doanh của GDT vẫn tiếp tục duy trì với kết quả kinh doanh năm 2015 đạt doanh thu là 300 tỷ, lợi nhuận sau thuế đạt 62 tỷ (chưa tính đến lợi nhuận từ khu đất Mỹ Phước 2) tương ứng với mức EPS là 5.000 đồng. Với mức P/E so sánh là 7,7x, mức giá kì vọng cho cổ phiếu GDT là 38.500 đồng/cổ phiếu, cao hơn 7% so với mức giá ngày 28/9/2015. Chúng tôi khuyến nghị THÊM cổ phiếu GDT trong trung và dài hạn.

Kết quả kinh doanh 6T/2015: Doanh thu đạt được 134 tỷ đồng, cao hơn 10,7% so với cùng kì năm trước, lợi nhuận đạt được tỷ 22,2 tỷ, giảm 2,6%. Nguyên nhân là do vấn đề về điều chỉnh thuế trong kết quả kinh doanh.

Hoạt động kinh doanh ổn định, bền vững, ít tiềm ẩn rủi ro. Do sản phẩm GDT phân phối tập trung vào sản phẩm tiêu dùng như đồ nhà bếp, đồ gia dụng và đồ chơi nên không bị ảnh hưởng nhiều từ thị trường. Mặt khác, đây là dòng sản phẩm mà GDT tập trung phát triển sâu nên Công ty có lợi thế cạnh tranh so với các nhà cung cấp khác về chất lượng, mẫu mã.

Triển vọng từ TPP và FTA. TPP và FTA đưa thuế suất của các mặt hàng đồ gỗ từ mức thuế 3%-7% về 0% ngay khi được kí kết. Tuy nhiên, đối với GDT các sản phẩm của Công ty vốn đã được xuất khẩu với thuế xuất 0% nên khi có các hiệp định quốc tế, Công ty có thể đẩy mạnh hoạt động kinh doanh ra các nước khác.

Cổ tức duy trì hằng năm ở mức cao. GDT luôn duy trì mức cổ tức cao (khoảng 20% trên mệnh giá) vì kết quả hoạt động sản xuất-kinh doanh hiện vẫn rất ổn định. Sắp tới GDT có kế hoạch chia cổ tức 50%, trong đó có thể bao gồm cả tiền mặt và/hoặc cổ phiếu.

STK: Khuyến nghị thêm đầu tư trung và dài hạn

CTCK FPT (FPTS)

Chúng tôi tiến hành định giá lần đầu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỉ (STK). Theo đó, bằng phương pháp định giá FCFF, chúng tôi ước lượng giá trị cổ phiếu STK trong 12 tháng tới là 34.000 đồng/cp, cao hơn 17,2% so với mức giá chào sàn.

Chúng tôi khuyến nghị THÊM cho mục tiêu đầu tư trung và dài hạn.

Yếu tố lớn nhất tác động đến hoạt động kinh doanh của STK là sự thay đổi giá nguyên liệu đầu vào PET chip, vốn chịu tác động của giá dầu thô trên thế giới.

Điểm nhấn trong hoạt động kinh doanh của Công ty đó là sự tăng trưởng ổn định dài hạn. Ngành sợi ở Việt Nam vẫn còn nhiều triển vọng phát triển khi nhu cầu của sợi nhân tạo vẫn còn rất lớn, trong khi nguồn cung trong nước cũng như thế giới vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng.

Chúng tôi ước tính kết quả kinh doanh của STK ở năm 2015 với doanh thu thuần đạt 1.335 tỷ (-8,4% so với năm ngoái), lợi nhuận sau thuế đạt 124 tỷ (+17% so với năm ngoái). Kết quả kinh doanh năm 2015 tăng trưởng không nhiều khi công suất hoạt động của công ty đã đạt mức tối đa. Yếu tố tác động chính đến STK là được hưởng lợi từ giá nguyên liệu đầu vào PET chip giảm (biên lãi gộp 6 tháng đầu năm 2015 tăng 26,2% so với cùng kì năm trước) do giá dầu giảm.

Xu hướng cạnh tranh ngành sợi ngày càng gay gắt khi Việt Nam đang là điểm đến đầu tư của các doanh nghiệp FDI. Ngày dệt may Việt Nam là một trong những ngành thu hút vốn đầu tư FDI mạnh mẽ (Trong 6T/2015 ngành sợi đã có các dự án lớn với mức đầu tư 1,12 tỷ USD) nhằm đón đầu các Hiệp định thương mại tự do FTA và TPP mà Việt Nam đang đàm phán.

Nhà máy Trảng Bàng 3 và 4, điểm nhấn cho sự tăng trưởng dài hạn của STK. Việc nâng công suất hoạt động của công ty từ nhà máy Trảng Bàng trong thời gian tới là nút thắt giải quyết khó khăn cho STK. Dự tính khi nhà máy Trảng Bàng 4 đi vào hoạt động năm 2017, tổng công suất thiết kế của STK đạt 60.000 tấn DTY và FDY (cao hơn 15,4% so với công suất hiện tại).

Cơ cấu tài chính vững mạnh nhưng sẽ có xu hướng gia tăng tỷ trọng nợ trong tương lai. STK hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn vốn chủ sở hữu. Tuy vậy trong thời gian tới khi Công ty mở rộng hoạt động bằng việc xây nhà máy mới, gánh nặng nợ sẽ tăng cao.

Xu hướng hoạt động kinh doanh ở mảng sợi, tập trung vào sợi nhân tạo. Theo báo cáo của The Fiber year năm 2014, sợi nhân tạo tăng trưởng 6% trong giai đoạn 2010- 2014, chiếm tỷ trọng 67% trong cơ cấu sợi trên thế giới. Sợi nhân tạo đang ngày càng được sử dụng rộng rãi và có tốc độc tăng trưởng cao do ưu thế về đặc tính sản phẩm.

Triển vọng đẩy mạnh hoạt động kinh doanh từ các hiệp định thương mại tự do. Sản phẩm của STK chủ yếu phục vụ cho mục đích xuất khẩu. Khi các Hiệp định tự do thương mại là TPP và FTA (FTA Việt Nam-Hàn Quốc, FTA Việt Nam-EU) được kí kết và có hiệu lực, triển vọng đẩy mạnh hoạt động kinh doanh và mở rộng ra các thị trường khác của STK sẽ tăng cao.

FMC: Khuyến nghị mua vào

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Chiều ngày 25/09/2015, FMC đã tổ chức ĐHCĐ bất thường thông qua 3 vấn đề nổi bật. Cụ thể:

ĐH đã phê duyệt tỷ lệ cổ tức tiền mặt 2015 là 50%, tăng so với mức 20% đã thông qua tại ĐHCĐ thường niên 2015. Như vậy, lợi suất cổ tức 2015 khoảng 14%. Trong tháng 8/15, công ty đã tạm ứng 1.500 đồng/cp cho cổ tức 2015.

Như vậy, FMC còn chi trả thêm 35% nữa, tương đương 3.500 đồng/cp, thời gian chi trả dự kiến vào quý IV/2015. Số tiền FMC cần để chi trả mức cổ tức 2015 còn lại là 70 tỷ. Với khoản tiền và tương đương tiền cuối quý II/2015 là 134 tỷ, đây là mức đảm bảo cho khả năng chi trả cổ tức của FMC.

Đồng thời, ĐH phê duyệt chuyển toàn bộ số tiền 71,5 tỷ từ Quỹ đầu tư phát triển sang lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Tính đến thời điểm 30/6/2015, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của FMC là 37 tỷ; và sẽ tăng thêm 71,5 tỷ sau khi chuyển từ Quỹ đầu tư phát triển sang, đủ nguồn vốn để chi trả cổ tức.

Cổ đông của FMC đã chấp thuận tờ trình của HĐQT tăng vốn lên 300 tỷ thông qua phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 2:1 với giá phát hành dự kiến 10.000 đồng/cp. Ước tính phát hành thành công, FMC sẽ thu được 100 tỷ với mục đích nhằm bổ sung vốn lưu động. Mặc dù KQKD 2014 của DN rất ấn tượng nhưng dòng tiền từ HĐKD 2014 âm 216 tỷ do tăng hàng tồn kho.

Đến thời điểm cuối quý II/2015, dòng tiền HĐKD đã cải thiện, dương 90 tỷ. Việc tăng vốn thêm nhằm mục đích hỗ trợ HĐKD của DN trong tương lai. Thời gian thực hiện sau khi UBCK cấp Giấy chứng nhận chào bán, ước tính quý I/2016.

Bổ nhiệm thành viên Ban Kiểm soát. ĐHCĐ bất thường đã thông qua việc miễn nhiệm ông Hoàng Thanh Vũ – thành viên ban Kiểm soát. Đồng thời đã bầu bổ sung ông Triệu Tương Long vào vị trí này cho nhiệm kỳ 2015-2020.

Hiện CTCP Hùng Vương (HVG) là cổ đông lớn nhất của FMC với tỷ lệ sở hữu là 53,5%. Với tỷ lệ chi trả cổ tức 50%, HVG dự kiến sẽ thu về tổng cộng 53,5 tỷ. Đến thời điểm chào bán tỷ lệ 2:1, HVG sẽ cần chi ra cũng đúng 53,5 tỷ đồng để thực hiện quyền (trong trường hợp HVG thực hiện toàn bộ quyền mua).

Cùng với kế hoạch trên, HĐQT cũng công bố ước tính KQKD 9 tháng 2015. Theo đó, doanh thu và lợi nhuận trước thuế 9 tháng 2015 lần lượt đạt 96 triệu USD, giảm 5% so với cùng kỳ và 80 tỷ, tăng 60% so với cùng kỳ.

Do giá bán tôm trung bình giảm khoảng 15% so với cùng kỳ nên doanh thu bị sụt giảm. Trong khi giá tôm nguyên liệu giảm nhiều hơn so với giá bán nên biên lợi nhuận gộp trung bình 9 tháng 2015 tăng tốt.

Công ty không công bố số liệu cụ thể về tỷ suất lợi nhuận gộp 9 tháng nhưng chúng tôi cho rằng đây là nguyên nhân chính giúp lợi nhuận trước thuế 9 tháng tăng mạnh. Như vậy, kết thúc 9 tháng 2015, FMC đã hoàn thành 58% và 80% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế cả năm.

Theo đó, mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2015 là hoàn toàn có khả năng đạt được. Ngày 7/9/2015, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng POR9 thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam giai đoạn từ 01/2/2013 đến 31/01/2014. Theo đó, thuế CBPG cho FMC ở mức 0% (xem nhận định).

Chúng tôi điều chỉnh dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế 2015 của FMC lần lượt đạt 2.755 tỷ, giảm 5% so với năm ngoái và 90 tỷ, tăng 57% so với năm ngoái. EPS 2015 khoảng 4.500 đồng/cp, tương đương PE 2015 là 5,5 lần thấp hơn trung bình ngành khoảng 8 lần. Tiếp tục khuyến nghị MUA với FMC.

Tin bài liên quan