Cổ phiếu cần quan tâm ngày 29/7

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 29/7 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 29/7

LSS: Khuyến nghị Trung lập

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Kết thúc quý I/2014, doanh thu của CTCP Mía đường Lam Sơn (mã LSS) giảm mạnh 26% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 427 tỷ đồng. Tuy nhiên do chi phí được quản lí tốt, lợi nhuận sau thuế của LSS chỉ giảm nhẹ 5%, đạt 14 tỷ.

Quý II/2014 chưa có nhiều cải thiện trong tiêu thụ đường. Đầu quý II, lượng hàng tồn kho của toàn ngành đường vẫn đang ở mức cao. Trong bối cảnh đó, tiêu thụ đường quý II của LSS cũng không có tăng trưởng đột biến. Dự kiến, LSS có thể tiêu thụ khoảng 22.000 tấn đường trong quý II. Doanh thu quý II/2014 lần lượt đạt 406 tỷ, giảm 18% so với cùng kỳ, lợi nhuận đạt 10,8 tỷ tăng 30% cùng kỳ.

Với tình hình thị trường đường có thể được cải thiện trong nửa cuối năm 2014, BVSC dự báo LSS có thể tiêu thụ khoảng 110.000 tấn đường trong năm 2014, tăng 5% so với năm 2013. Doanh thu ước tính đạt 1.726 tỷ, giảm 7% so với 2013, tuy nhiên lãi vay giảm và biên lợi nhuận gộp được cải thiện giúp cho lợi nhuận ước tính đạt 47,8 tỷ đồng (tăng 8% năm trước).

Bên cạnh đó, 200 tỷ trái phiếu của LSS sẽ được chuyển đổi thành 20 triệu cổ phiếu (bằng 40% lượng cổ phiếu hiện đang lưu hành) vào tháng 10/2014. Điều này sẽ góp phần giảm chi phí lãi vay của LSS nhưng lại gây ra nguy cơ pha loãng cổ phiếu.

Kết quả kinh doanh của LSS trong năm 2014 dự kiến sẽ cải thiện so với năm 2013 nhờ khâu quản lí chi phí được nâng cao, tuy nhiên hiệu quả hoạt động so với các doanh nghiệp mía đường niêm yết khác vẫn ở mức thấp. Cổ phiếu LSS sẽ bị pha loãng 40% vào cuối năm 2014 do trái phiếu chuyển đổi đáo hạn, làm EPS của LSS dự kiến giảm 15% xuống 684 đồng/cổ phần. Với mức EPS không hấp dẫn, chúng tôi khuyến nghị NEUTRAL với cổ phiếu LSS, với mức định giá 11.200 đồng/cổ phần.

>> Tải báo cáo

LM8: Khuyến nghị mua vào

CTCK Vietcombank (VCBS)

LM8 là một trong những đơn vị dẫn đầu của Tổng công ty Lilama với thế mạnh trong lĩnh vực lắp máy nhiệt điện và dầu khí. Sau 6 tháng đầu năm 2014, LM8 đã gần như hoàn thành kế hoạch cả năm 2014.

Doanh thu và lợi nhuận sau thuế lũy kế 6 tháng đầu năm 2014 của LM8 lần lượt đạt 636 tỷ đồng (-5,8% so với cùng kỳ năm ngoái; 79% kế hoạch) và 24.8 tỷ đồng (+8,8% so với cùng kỳ năm ngoái; 96,5% kế hoạch).

Hoạt động xây lắp đóng góp toàn bộ tổng doanh thu, với sự đóng góp nổi bật của một số dự án lớn như Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 (125 tỷ đồng), Nhà máy điện Mông Dương 2 (97 tỷ đồng), dự án Vũng Áng 1 (102 tỷ đồng).

Với kết quả kinh doanh khả quan trên, LM8 chắc chắn sẽ vượt kế hoạch năm trong nửa cuối năm 2014.

Ngoài ra, các hợp đồng xây lắp đã ký của LM8 đảm bảo công việc cho đến hết năm 2015. Với mức P/E TTM chỉ ở mức hơn 4 lần và lợi suất cổ tức ở mức 6,3%, chúng tôi khuyến nghị MUA cổ phiếu LM8.

CTG: Quan ngại về chất lượng tài sản

CTCK Vietcombank (VCBS)

Ngày 24/07/2014 Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTG) tổ chức đại hội cổ đông bất thường bầu bổ sung các thành viên HĐQT, đồng thời một số chỉ tiêu kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014 đã được công bố.

Theo đó, ba thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2014-2019 trúng cử là ông Micheal Knight Ipson, ông Phùng Khắc Kế (thành viên HĐQT độc lập) và bà Trần Thu Huyền (thành viên HĐQT chuyên trách vấn đề nhân sự). Micheal Knight Ipson là đại diện cho phần vốn góp của IFC ở CTG. Trước đó, do có vi phạm vấn đề sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài đối với tổ chức tín dụng nên đại diện này không được bầu vào HĐQT Viettinbank.

Về phía ông Ngô Đức Kế, tại thời điểm tổ chức ĐHCĐ trước đó, cá nhân này vẫn đang là thành viên HĐQT độc lập của VPBank. Để tránh vi phạm quy định một cá nhân không thể đồng thời là thành viên HĐQT của hai tổ chức tín dụng, ông Ngô Đức Kế đã có đơn từ nhiệm vị trí ở VPBank vào ngày 17/7/2014 và được HĐQT VPBank chấp thuận bằng văn bản.

Ông Ngô Đức Kế nguyên là Tổng giám đốc Viettinbank và nguyên Phó Thống đốc NHNN. Cá nhân còn lại, bà Trần Thu Huyền hiện đang giữ chức Trưởng phòng tổ chức cán bộ và đào tạo của Viettinbank.

Tại ĐHCĐ bất thường, CTG cũng công bố một số chỉ tiêu kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014. Đáng chú ý, Ngân hàng đạt 4.076,8 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (hoàn thành 55% kế hoạch năm).

Con số này tuy giảm nhẹ 1,4% so với cùng kỳ năm 2013, nhưng là khả quan xét trong tương quan tăng trưởng tín dụng đạt thấp so với mặt bằng chung của ngành (+2,8% theo năm). Theo suy đoán của chúng tôi, giống như thời gian trước, động lực thúc đẩy lợi nhuận nhiều khả năng tiếp tục đến từ việc cắt giảm chi phí hoạt động và chi phí dự phòng.

Nợ xấu tiếp tục tăng, chiếm 2,03% tổng dư nợ khi ngân hàng áp dụng Thông tư 09. Trong quý II/2014, theo thông tin từ VAMC, CTG đã bán khoảng 1.500 tỷ đồng nợ xấu, cho thấy điểm mới trong tiến trình cải thiện chất lượng tài sản của ngân hàng. Trước đây, CTG chủ trương xử lý nợ xấu bằng các nỗ lực tự thân.

Với kết quả khá tích cực trong 6 tháng đầu năm 2014, CTG nhiều khả năng sẽ hoàn thành mục tiêu lợi nhuận trước thuế 7.200 tỷ đồng cho năm 2014. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn có một số quan ngại đối với chất lượng tài sản của ngân hàng, đặc biệt là tỷ lệ dự phòng trích ở mức thấp so với tổng dư nợ. Chúng tôi sẽ có các đánh giá cụ thể hơn về CTG khi báo cáo tài chính của ngân hàng được công bố trong thời gian tới đây.

HT1: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK Vietcombank (VCBS)

HT1 là doanh nghiệp sản xuất xi măng lớn nhất Việt Nam với thị phần tại thị trường xi măng miền Nam đạt 30%.HT1 sở hữu vị thế thuận lợi khi có nguồn đá vôi hiếm hoi cũng như hệ thống các trạm nghiền tại khu vực phía Nam. Trong 03 năm gần nhất, tình hình tài chính của HT1 kém khả quan do chi phí lãi vay và lỗ chênh lệch tỷ giá quá lớn.

Mặc dù vậy, công ty đã có cải thiện đáng kể trong năm nay, cụ thể trong 6 tháng đầu năm 2014, doanh thu thuần của HT1 đạt 3.022 tỷ đồng (+9,40% so với cùng kỳ năm ngoái; 47% kế hoạch), và lợi nhuận trước thuế đạt 17 tỷ đồng (+670% so với cùng kỳ năm ngoái; 81% kế hoạch).

Lợi nhuận sau thuế của HT1 tăng mạnh chủ yếu nhờ việc tái cấu trúc các khoản nợ trong năm 2013 (1.200 tỷ đồng nợ VICEM được chuyển đổi thành cổ phiếu, và 47% số nợ dài hạn được gia hạn thêm từ 3-8 năm) giúp chi phí lãi vay giảm 35% so với cùng kỳ. Với quy mô và vị thế rất tốt của HT1, cùng với việc giảm chi phí lãi vay và lỗ do chênh lệch tỷ giá trong năm 2015 chúng tôi khuyến nghị tiếp tục NẮM GIỮ HT1.

FPT: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK Vietcombank (VCBS)

FPT vừa công bố thông tin kết quả kinh doanh với lợi nhuận trước thuế quý II cao hơn 18% so với quý I nhưng thấp hơn 5% cùng kỳ năm trước. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2014, doanh thu đạt 15.211 tỷ đồng (+22% so với cùng kỳ năm ngoái, 48% so với cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận trước thuế đạt 1.209 tỷ đồng (-4% so với cùng kỳ năm ngoái, 45% so với cùng kỳ năm ngoái ) và lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 1.040 tỷ đồng (-2%, 59% so với cùng kỳ năm ngoái).

Các hoạt động lớn như phân phối bán lẻ, viễn thông và xuất khẩu phần mềm đều có tăng trưởng mạnh về doanh thu và tăng trưởng dương về lợi nhuận trước thuế. Trong đó hoạt động phân phối bán lẻ và hoạt động thị trường nước ngoài (chủ yếu là hoạt động xuất khẩu phần mềm) là những điểm sáng nhất trong kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm.

Các hoạt động giải pháp phần mềm, tích hợp hệ thống và nội dung số tiếp tục có lợi nhuận sụt giảm, mức giảm lần lượt là 77% so với cùng kỳ năm ngoái, 61% so với cùng kỳ năm ngoái và 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, hoạt động dịch vụ tin học sau khi tăng trưởng khá trong năm 2013 thì 6 tháng đầu năm lợi nhuận trước thuế lại sụt giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá trị hợp đồng còn có thể ghi nhận sau tháng 6 (backlog) cho các lĩnh vực tích hợp hệ thống, giải pháp phần mềm và dịch vụ CNTT đạt 2.374 tỷ đồng (+42% so với cùng kỳ năm ngoái). Do đó 6 tháng cuối năm, chúng tôi kỳ vọng sự phục hồi từ các hoạt động này. Hoạt động phân phối và bán lẻ nhiều khả năng sẽ tiếp tục là điểm sáng.

Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu phần mềm và viễn thông có thể sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tốt tuy nhiên biên lợi nhuận có thể bị thu hẹp bởi chi phí di chuyển địa điểm, chi phí sắp xếp lại FPT Slovakia đối với hoạt động xuất khẩu phần mềm và chi phí đầu tư quang hóa hạ tầng cho các khách hàng đối với hoạt động viễn thông.

Với triển vọng các hoạt động như trên cùng việc FPT đã hoàn thành 48% kế hoạch doanh thu và 59% kế hoạch lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ, chúng tôi kỳ vọng FPT sẽ hoàn thành được kế hoạch đã đạt ra. Theo đó, PE forward đạt 10x, chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ đối với cổ phiếu FPT.

PVT: PE đang giao dịch ở mức 14x

CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT) vừa công bố kết quả kinh doanh công ty mẹ quý II/2014 với doanh thu giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 397 tỷ đồng, chủ yếu do doanh thu mảng vận tải giảm 30,4% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ còn đóng góp 55,7% tổng doanh thu, so với mức 69,6% của quý II/2013.

Ngoài việc PVT đưa tàu dầu thô vào sửa chữa định kỳ theo kế hoạch từ 22/03 đến 01/05/2014 thì nguyên nhân chính là do nhà máy lọc dầu Dung Quốc đã tạm ngưng hoạt động để bảo trì trong 2 tháng như kế hoạch. PVT hiện là công ty độc quyền vận chuyển 100% nguyên liệu dầu thô và 50% sản lượng đầu ra cho nhà máy này.

Tuy nhiên, mảng dịch vụ OFS/FPSO vẫn tăng trưởng tốt, với doanh thu tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp 37,7% tổng doanh thu, so với mức 23,7% cùng kỳ và biên lợi nhuận gộp cũng cải thiện đáng kể từ 10% trong quý II/2013 lên 24% trong quý II/2014.

Quý III và quý IV/2013, PVT đã đưa thêm 2 tàu mới là PVT Mercury (104.000 DWT) và tàu Oceanus 09 (4.900 m3) vào hoạt động làm chi phí khấu hao quý II/2014 tăng 167% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí khấu hao hiện chiếm hơn 10% tổng chi phí giá vốn của PVT.

Ngoài ra, chi phí nhân công cũng tăng mạnh so với cùng kỳ khiến biên lợi nhuận gộp của mảng vận tải giảm đáng kể từ 16,7% trong quý II/2013 xuống còn 7,7% trong quý II/2014. Do vậy, biên lợi nhuận gộp chung của PVT vẫn giảm 2 điểm phần trăm n/n, xuống còn 14% trong quý II/2014.

Chi phí tài chính quý II/2014 tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Thêm vào đó, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng từ 2 lên 14 tỷ trong quý II/2014.

Do vậy, lợi nhuận sau thuế quý II/2014 của PVT đã giảm 37,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 58,2 tỷ đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2014, doanh công ty mẹ tăng nhẹ khoảng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 940 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 87,3 tỷ đồng.

Được biết, trong tháng 5 vừa qua, PVT đã ký hợp đồng cung cấp dịch vụ vận chuyển đường bộ, đường biển và kho hàng cho sản phẩm phân bón của Công ty Lâm Thao từ kho nhà máy đi các thị trường tiêu thụ tại khu vực Miền Trung và Miền Nam.

Ngoài ra, PVTrans cũng đang thực hiện nhiều hợp đồng với Công ty CP Sản xuất Ống thép Dầu khí Việt Nam (PVPipe) — Đơn vị thành viên của Tổng Công ty Khí Việt Nam về cung cấp dịch vụ thông quan và vận chuyển cho khối lượng lớn thép tấm, ống thép từ cảng TP.HCM về Khu Công nghiệp Soài Rạp tại Tiền Giang nhằm phục vụ việc sản xuất ống dẫn khí cho các dự án Bạch Hổ, Sư Tử Nâu, Nam Côn Sơn 2… Tuy nhiên, giá trị các hợp đồng này vẫn chưa được công bố.

Cổ phiếu PVT đang giao dịch ở mức PE và PB khoảng 14x và 1,2x, so với bình quân ngành 12x và 0,7x.

SBA: PE giao dịch với PE dự phóng 7,8x

CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

CTCP Thuỷ điện Sông Ba (SBA) ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý II/2014 đạt 7,6 tỷ, cải thiện đáng kể so với số lỗ 14,9 tỷ trong cùng kỳ quý II/2013 mặc dù doanh thu giảm 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 26,3 tỷ.

Doanh thu quý II/2014 giảm là do sản lượng điện trong quý đạt 21,4 triệu kWh, giảm 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó sản lượng của nhà máy Khe Diên (công suất 9MW) vẫn tăng trưởng tốt 70,8% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 8,2 triệu kWh, trong khi sản lượng của nhà máy Krong Hnang (công suất 64MW) giảm 39,2% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 13,2 triệu kWh.

Về giá bán điện, giá bình quân quý II/2014 ước tính tăng khoảng 4% so với cùng kỳ.

Yếu tố giúp lợi nhuận quý II/2014 cải thiện đáng kể so với cùng kỳ là việc chi phí lãi vay giảm. SBA ghi nhận 10,5 tỷ lãi vay trong quý II/2014, giảm 69% so với cùng kỳ do nợ vay giảm, đồng thời nhận được 3,5 tỷ tiền hỗ trợ lãi suất sau đầu tư từ Ngân hàng phát triển Việt Nam so với mức hỗ trợ 1,5 tỷ trong cùng kỳ.

Tính 6 tháng đầu năm 2014, kết quả kinh doanh của SBA khá ấn tượng với doanh thu đạt 72,5 tỷ, tăng 50,2% n/n và lợi nhuận sau thuế đạt 16 tỷ, tăng đáng kể so với số lỗ 12,7 tỷ trong cùng kỳ. Về sản lượng, trong 6 tháng đầu năm 2014 công ty đã hoàn thành 25% kế hoạch, cao hơn so với mức 21% trong cùng kỳ.

Đặc thù trong SXKD của công ty là sản lượng điện cao nhất vào quý 4 của năm do vào mùa mưa, thường chiếm từ 40-50% sản lượng cả năm. Đồng thời với sản lượng cao hơn, tỷ suất lợi nhuận trong quý cuối năm cũng thường cao hơn các quý đầu năm, nên lợi nhuận quý cuối năm thường đóng góp rất nhiều vào lợi nhuận cả năm (bình quân xấp xỉ 80%).

Công ty đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 2014 đạt 78 tỷ, tăng 17% so với cùng kỳ; với kết quả kinh doanh tốt trong 6 tháng đầu năm, chúng tôi cho rằng mục tiêu lợi nhuận đặt ra có thể thực hiện được. Về định giá, cổ phiếu SBA giao dịch với PE dự phóng 7,8x, khá thấp so với trung bình ngành 9x.

Tình hình tài chính của công ty cũng ghi nhận một số điểm cải thiện do thời gian qua công ty đã tích cực thực hiện các biện pháp tái cấu trúc nợ vay và cũng nhận được hỗ trợ từ phía các ngân hàng. Tính đến cuối quý II/2014, tổng nợ vay là 743,3 tỷ, giảm 10% n/n; trong số đó chủ yếu là vay dài hạn để đầu tư xây dựng nhà máy Krong Hnang từ Ngân hàng phát triển Việt nam VDB với lãi suất từ 6,9%-8,4%/năm.

Ngoài ra, nhà máy thuỷ điện Khe Diên được Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB chi nhánh Quảng Nam) chấp thuận hỗ trợ sau đầu tư với số tiền 20,5 tỷ và 28.351US$ từ 2008 đến 2016. Đển hết năm 2013, công ty đã nhận được 10,88 tỷ và 20.234US$. Trong 6 tháng 2014, số tiền hỗ trợ lãi suất sau đầu tư công ty nhận được là 3,5 tỷ.

Theo chúng tôi được biết, từ nay đến cuối năm công ty còn nhận được khoảng 8 tỷ tiền hỗ trợ lãi suất sau đầu tư từ VDB.

Tin bài liên quan