Cổ phiếu cần quan tâm ngày 28/8

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 28/8 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 28/8

CTG: Nới room khó có thể được thực hiện trong 1-2 năm tới

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (CTG – sàn HOSE) cho biết Ngân hàng đang có kế hoạch xin NHNN và Thủ tướng Chính phủ xem xét nới room ngoại, và nếu cần thiết sẽ đề xuất CTG là ngân hàng thí điểm đầu tiên tăng sở hữu vốn ngoại. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng điều này khó có thể được thực hiện trong vòng 1-2 năm tới khi việc nới room đối với ngành ngân hàng có tính nhạy cảm cao, có thể ảnh hưởng đến an ninh ngành.

CTG tái khẳng định kế hoạch tăng vốn điều lệ từ mức 37.234 tỷ VNĐ lên mức 49.209 tỷ VNĐ trong năm 2015. Việc tăng vốn điều lệ thêm khoảng 12.000 tỷ VNĐ này sẽ đến từ 2 nguồn: (1) 3.000 tỷ VNĐ từ việc sáp nhập với PGBank sẽ được hoàn tất tại 30/9/2015 và (2) 8.975 tỷ VNĐ từ nguồn thặng dư vốn cổ phần. Điều này sẽ khiến EPS của CTG giảm mạnh khoảng 32% trong 2015.

Lộ trình triển khai Basel II của CTG như sau: Hết 2015, CTG sẽ hoàn tất áp dụng tính toán vốn theo các tiêu chuẩn cơ bản và đến hết năm 2017, Ngân hàng sẽ áp dụng đầy đủ các tiêu chuẩn của Basel II trong quản trị và quản trị rủi ro. Hiện tại, CTG đã tính toán vốn theo tiêu chuẩn cơ bản của Basel II và điều này dự kiến sẽ làm giảm CAR khoảng 1%. Để khắc phục điều này, CTG dự kiến đa dạng hóa vốn tự có, trong đó tăng trái phiếu thứ cấp và giảm áp lực tăng vốn điều lệ. Năm 2015, CTG có kế hoạch phát hành 8.000 tỷ VNĐ trái phiếu thứ cấp và đã phát hành được 4.500 tỷ VNĐ tính đến 30/6/2015.

CTG hướng đến việc quản lý tổng số nợ xấu, bao gồm cả nợ từ Nhóm 3 đến Nhóm 5 và dư nợ đã bán cho VAMC, ở mức dưới 2%. Tính đến 30/6/2015, nợ từ Nhóm 3 đến Nhóm 5 của CTG là 6.977 tỷ VNĐ. Nợ mà CTG đã bán cho VAMC theo như BVSC ước tính là khoảng 7.500 tỷ VNĐ. Như vậy, tổng số nợ xấu của CTG hiện tại ở mức khoảng trên 3%. Do đó, chúng tôi cho rằng áp lực xử lý nợ xấu cũng như trích lập dự phòng của CTG trong năm tới vẫn còn khá lớn.

Theo CTG, để chuẩn bị cho việc Việt Nam tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015, Ngân hàng đã thực hiện việc rà soát lại danh sách khách hàng theo hướng ưu tiên đối với những khách hàng thuộc nhóm ngành được hưởng lợi từ AEC và giảm dần hạn mức đối với những khách hàng thuộc nhóm ngành không được hưởng lợi từ AEC. Ngoài ra, CTG cũng đã tiến hành chuyển đổi chi nhánh ngân hàng tại Lào thành NH con tại Lào nhằm chuẩn bị mở rộng mạng lưới tại Lào sau khi mở được ngân hàng con này.

>> Tải báo cáo

GAS: Khuyến nghị thêm cho ngắn hạn

CTCK FPT (FPTS)

Tổng Công ty Khí Việt Nam (HOSE:GAS): 1. Kinh doanh khí khô: Hoạt động này đóng góp lớn nhất chiếm 67% cơ cấu lợi nhuận gộp của GAS. Có đến 84% sản lượng khí bán cho các nhà máy điện. Trong đó, sản lượng khí trên bao tiêu chiếm khoảng 22% tổng sản lượng cung cấp cho nhà máy điện tại bể Nam Côn Sơn và chiếm khoảng 17% tổng sản lượng cung cấp cho nhà máy điện.

Theo lộ trình giá khí trên bao tiêu bán cho các nhà máy điện áp dụng từ 01/01/2014 thì lợi nhuận của GAS tăng lên đáng kể, tăng khoảng 10% về lợi nhuận, từ 5,39 USD/MMBTU (theo lộ trình cũ áp dụng từ 01/03/2014 đến 28/02/2015) lên bằng với giá thị trường tương ứng mức giá dầu khoảng 90-100 USD/thùng thì giá khí tương ứng đạt 8,16 USD/MMBTU. Hiện giá dầu Brent giảm còn khoảng 44 USD/thùng nên tác động từ chính sách mới đã làm giảm lợi nhuận của GAS.

Kinh doanh LPG: là mảng kinh doanh quan trọng thứ 2 của GAS đóng góp khoảng 15% lợi nhuận gộp chỉ đứng sau kinh doanh khí. Mảng hoạt động này chịu tác động trực tiếp theo giá LPG thế giới.

Chi phí mua khí để sản xuất ra LPG (Sản lượng 250.000-300.000 tấn/năm) là 301 USD/tấn, hiện giá bán LPG thế giới cũng đã giảm mạnh theo tương quan với giá dầu làm giảm lợi nhuận chung của GAS. Cụ thể giá CP bình quân tháng 8/2015 là 382 USD/tấn, giảm 408 USD/tấn (tháng 08/2014: 790 USD/tấn). Mức giá này đã giảm khoảng 53,41% so với cùng kỳ năm 2013 là 820 USD/tấn và giảm 28,21% với kế hoạch trong năm 2014 của GAS là 780 USD/tấn.

Ước tính với kịch bản thấp cho giá dầu trong năm 2015 ở mức 40 USD/thùng thì lợi nhuận của GAS giảm 36% so với năm 2014 và giá mục tiêu cho kịch bản thấp đạt 49.800 đồng/cp. Chúng tôi khuyến nghị THÊM cho mục tiêu đầu tư ngắn hạn đối với cổ phiếu GAS.

PVD: Khuyến nghị mua trong ngắn hạn

CTCK FPT (FPTS)

Giàn Jack-Up: Hiện giá thuê giàn khoan PVD I, II và III của Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (HOSE: PVD) giá thuê được thả nổi lũy tiến từng phần theo giá dầu Brent chốt vào cuối mỗi tháng.

Giàn PVD TAD V: Giá thuê giàn sẽ giảm từ đầu Q.3/2015 vào khoảng 195.000-200.000 USD/ngày so với lúc trước là 205.000 USD/ngày.

Số lượng giàn khoan thuê ngoài hiện tại khoảng 3 giàn, giảm một nửa so với năm 2014, giá thuê tương đương với các giàn tự nâng sở hữu.

Dịch vụ liên quan đến khoan: Chịu ảnh hưởng từ diễn biến tiêu cực của giá dầu, khối lượng công việc và giá thuê các dịch vụ đi kèm tiếp tục ghi nhận xu hướng giảm, trong đó khối lượng công việc giảm 10-30% và giá thuê giảm 5-20% so với cùng kỳ.

Các dự án đầu tư năm 2015: Hiện Giàn Tender Barge phục vụ cho dự án Lô B - Ô Môn có thể bị trì hoàn do tiến độ đầu tư dự án Lô B - Ô Môn triển khai chậm. Theo kế hoạch đầu tư ban đầu thì PVD sẽ tiến hành đầu tư giàn trong quý I/2016 để dự án bắt đầu First Gas từ năm 2017.

Với triển vọng không chắc chắn từ dự án Lô B - Ô Môn có thể bị trì hoãn và kéo dài thời gian triển khai cùng với tăng trưởng lợi nhuận âm trong năm 2015 do giá dầu ở mức thấp (~43 USD/thùng đối với Brent). Chúng tôi ước tính doanh thu và lợi nhuận của PVD trong năm 2015 là 14.300 tỷ đồng và 1.743 tỷ đồng, tương ứng EPS 2015F sẽ đạt 5.016 đồng/cp, giảm 37% về lợi nhuận dựa trên các kịch bản giá dầu thả nổi như trên.

Ước tính này dựa trên kịch bản thấp cho giá dầu trong năm 2015 ở mức 40 USD/thùng, cùng với giả định giá thuê giảm giảm 23% và đạt 120.000 USD/ngày, các dịch vụ liên quan đến khoan tăng trưởng âm khoảng 30% thì lợi nhuận của PVD giảm 37% và giá mục tiêu cho kịch bản thấp đạt 42.900 đồng/cp. Chúng tôi khuyến nghị MUA cho mục tiêu đầu tư ngắn hạn đối với cổ phiếu PVD.

PVS: Khuyến nghị theo dõi trong ngắn hạn

CTCK FPT (FPTS)

Phần lớn doanh thu và công việc của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) đều nằm trong phần công việc của Tập đoàn dầu khí (PVN) và một phần các công việc phục vụ cho các nhà thầu dầu khí nước ngoài liên doanh, liên kết với PVN nên doanh thu và lợi nhuận của PVS phụ thuộc rất nhiều vào kế hoạch sản xuất kinh doanh, phát triển, đầu tư mới các dịch vụ có liên quan chính trong báo cáo hoạt động khai thác thăm dò phát triển mỏ trong nước.

Dịch vụ tàu kỹ thuật dầu khí: đóng góp 20,4% về doanh thu, tỷ suất lợi nhuận gộp trung bình khoảng 14%. Hiện tại, PVS có 21 tàu sở hữu và còn thuê dài hạn 7 tàu trần và thuê thường xuyên ngắn hạn 40 tàu ngắn hạn khác để phục vụ cho nhu cầu dịch vụ dầu khí tại Việt Nam. Đặc điểm của mảng hoạt động này phụ thuộc vào nhu cầu thị trường và giá thuê tàu cạnh tranh.

Trong đó, nhu cầu thị trường không cố định về khối lượng công việc mà phụ thuộc công tác vận chuyển đối với hoạt động tàu kéo, thả neo và vận chuyển (AHTS), tàu định vị động học (DP), tàu hỗ trợ khảo sát, thăm dò dầu khí, tàu chống cháy, tàu trực mỏ, tàu bảo vệ… của các nhà thầu dầu khí. Do vậy, với tác động của giá dầu giảm thì giá cho thuê tàu và nhu cầu thuê tàu cũng được đàm phán linh hoạt linh hoạt cho cả 2 hình thức cho thuê tàu ngắn hạn và dài hạn.

Dịch vụ cung ứng tàu FSO/FPSO chiếm 3% doanh thu. Tỷ suất lợi nhuận gộp trung bình khoảng 6%-12% giai đoạn 2013-2014F. Hoạt đồng này ít chịu ảnh hưởng của diễn biến xấu của giá dầu thế giới khi mà hầu hết các hợp đồng được ký thông qua liên doanh đều có kỳ hạn 7 năm (có thể gia hạn thêm tùy thuộc tình hình khai thác tại các mỏ dầu khí) với giá thuê cố định, tuy nhiên với tình hình giá dầu thấp cũng không loại trừ khả năng PVS sẽ giảm giá thuê tầm 5- 10% cho khách hàng.

Dịch vụ cơ khí dầu khí: Dịch vụ M&C bao gồm các gói thầu thực hiện EPC (thiết kế, mua sắm, xây dựng) / EPCI (thiết kế, mua sắm, xây dựng, lắp đặt) / EPIC (thiết kế, mua sắm, lắp đặt và vận hành), đóng góp lớn nhất nhưng hoạt động này với khả năng sinh lợi thấp với biên lợi nhuận gộp của chỉ đạt 3-5%. Trong vài năm gần đây, PVS đã chuyển dần sang các dự án Onshore do khối lượng các công việc Offshore tại Việt Nam hiện nay không nhiều. Đa phần là các dự án Nhiệt điện như Thái Bình 2. Long Phú, Sông Hậu và dự án lọc dầu tại Nghi Sơn. Nên tỷ suất lợi nhuận gộp dự kiến sẽ sụt giảm so với mức trung bình 2-3% so với giai đoạn trước.

Dịch vụ Căn cứ Cảng: Có biên lợi nhuận gộp cao nhất. Dịch vụ này đang chưa chịu ảnh hưởng bởi giá dầu giảm. Hiện PVS đã tham gia đầu tư dự án Căn cứ dịch vụ dầu khí tại Phú Quốc, một trong những dự án khai thác khí trọng điểm của Tập đoàn nhằm đáp ứng nhu cầu dịch vụ căn cứ hậu cần cho các hoạt động dầu khí tại vùng biển Tây Nam và ĐBSCL. Việc xây dựng Căn cứ dịch vụ dầu khí tại Phú Quốc có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ dịch vụ cho ngành, đặc biệt là Dự án Khí Lô B - Ô Môn. Tuy nhiên, hiện dự án cũng đang bị chậm tiến độ triển khai.

Dịch vụ O&M: Mảng dịch vụ này dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2015 do doanh thu và lợi nhuận từ lĩnh vực dịch vụ này đã tăng mạnh trong năm 2014, là do phần lớn các dự án cơ khí dầu khí ngoài khơi lớn kết thúc trong năm 2013 nên các hạng mục công việc liên quan đến vận chuyển, lắp đặt, đấu nối ngoài khơi tăng mạnh và toàn bộ lợi nhuận từ thực hiện các dự án này trong thời gian qua được quyết toán đầy đủ trong 6 tháng đầu năm 2014, cụ thể là trong 6 tháng đầu năm 2014 doanh thu mảng dịch vụ này đạt 1.637 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Do vậy hoạt động trong năm 2015 dự kiến sẽ sụt giảm.

Khảo sát địa chấn, địa chất công trình: Mảng tàu khảo sát địa chấn cũng chịu ảnh hưởng lớn trong tình hình cạnh tranh gay gắt tại thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, việc giá dầu suy giảm cũng tác động đến việc giãn hoặc dừng triển khai công tác khảo sát theo kế hoạch dự kiến ban đầu của các nhà thầu dầu khí.

Triển vọng hoạt động kinh doanh trong năm 2015 của PVS dự báo sẽ có nhiều khó khăn do việc giá dầu suy giảm đã làm ảnh hưởng đến giá các dịch vụ dầu khí và khối lượng công việc. Do đó, chúng tôi ước tính đạt 24.121 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế dành cho cổ đông công ty mẹ 2015 đạt 1.466 tỷ đồng, theo đó EPS 2015 là 3.285 đ/cp giảm 19% so với cùng kỳ, P/E 2015F là 6 lần, ROE 2015F đạt 14,79%.

Về trung và dài hạn giai đoạn 2016-2020 chúng tôi rất kỳ vọng vào việc PVS tham gia vào các dự án dầu khí lớn trong nước do PVN là chủ đầu tư như Lô B - Ô Môn giúp mảng dịch vụ cơ khí, căn cứ Cảng và dịch vụ Hậu cần dầu khí sẽ có mức tăng trưởng khả quan. Tuy nhiên, hiện tiến độ dự án này đang gặp những khó khăn bước đầu do vậy chúng tôi cho rằng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến triển vọng của PVS trong giai đoạn kế tiếp.

Cùng với ước tính cho giá dầu trong kịch bản thấp trong năm 2015 ở mức 40 USD/thùng thì doanh thu và lợi nhuận trong năm 2016 của PVS sẽ giảm 15% và giá mục tiêu cho kịch bản thấp đạt 21.200 đồng/cp tương ứng với P/E 2016F là 8 lần. Chúng tôi khuyến nghị THEO DÕI cho mục tiêu đầu tư ngắn hạn đối với cổ phiếu PVS.

PNJ: Đánh giá cao quá trình tái cấu trúc

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Theo BCTC hợp nhất 6 tháng đầu năm 2015 đã kiểm toán của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), công ty đã trích dự phòng khoản đầu tư tài chính vào DAB là 141 tỷ. Điều này đã làm cho lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2015 sau soát xét của PNJ giảm 20% so với cùng kỳ, còn khoảng 111 tỷ.

Xét về giá trị sổ sách của khoản đầu tư này chỉ còn 254 tỷ. Hiện DAB đang bị Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) kiểm soát đặc biệt do có nhiều vi phạm pháp luật về quản lý tài chính, cấp tín dụng và HĐKD khác. Đồng thời, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đảm nhiệm một số vị trí lãnh đạo chủ chốt để thực hiện quản trị, điều hành, kiểm soát đối với ngân hàng này. Theo đó, 2 khả năng có thể xảy ra:  KN 1: NHNN sẽ tái cấu trúc DAB. KN 2: NHNN sẽ tái cấu trúc DAB và mua lại giá 0 đồng.

Hiện PNJ chưa có kế hoạch thoái vốn khỏi DAB. Tuy nhiên nếu tình huống xấu nhất xảy ra, là DAB bị NHNN mua lại với giá 0 đồng, phần vốn đầu tư của PNJ vào DAB sẽ là 0 đồng và PNJ phải trích dự phòng thêm 254 tỷ nữa. Ước tính lợi nhuận từ HĐKD chính 2015 của PNJ khoảng 621 tỷ, tăng 54% so với cùng kỳ nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiện tốt. Theo đó, nếu có trích lập thêm 254 tỷ nữa thì PNJ vẫn còn lợi nhuận sau thuế khoảng 122 tỷ, giảm 50% so với cùng kỳ. EPS 2015 trong trường hợp này còn 1.240 đồng/cp.

Chúng tôi đánh giá sự sụt giảm lợi nhuận sau thuế 2015 (nếu có) là đột biến do ảnh hưởng của hoạt động đầu tư tài chính. Đối với HĐKD cốt lõi của PNJ, chúng tôi vẫn đánh giá cao quá trình tái cấu trúc của PNJ đang có những kết quả tốt. Xét riêng KQKD 7 tháng đầu năm 2015, doanh thu ước đạt 5.188 tỷ và 625 tỷ lợi nhuận gộp, tăng lần lượt 7% và 40% so với cùng kỳ. Kết quả kinh doanh của PNJ sẽ hồi phục lại trạng thái bình thường vào năm 2016 với EPS 2016 của PNJ ước tính sẽ đạt 4.930 đ/cp.

Việc giá vàng tăng lên gần đây không ảnh hưởng đến giá thành vì giá thành nữ trang PNJ ngoài giá vàng còn có công chế tác cũng chiếm phần khá lớn (công ty chỉ điều chỉnh khi biên độ dao động tăng giảm 5%). Bên cạnh đó, giá bán cũng không điều chỉnh tăng lên do việc tăng/giảm của giá bán sản phẩm nữ trang là phù thuộc vào yếu tố cung cầu.

LIG: Khuyến nghị mua vào

CTCK MB (MBS)

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu Công ty Cổ phần Licogi 13 với mức định giá trên cơ sở thận trọng 16.300 đồng/cp, với tiềm năng tăng giá ~42% so với giá 11.500 đồng/cp ngày 26/08/2015. LIG sẽ là cổ phiếu tốt dành cho các nhà đầu tư trung và dài hạn.

Trong năm 2015, công ty đã trúng thầu thi công kết cấu phần thân Tòa nhà CT02 dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên bệnh viện 103. Tòa CT02 Học Viên Quân Y được thiết kế gồm 3 tầng hầm, 25 tầng nổi với diện tích sàn 2300 m2. Tổng giá trị thực hiện dự án là 123 tỷ đồng, thời gian thi công 1 năm. Việc trúng gói thầu này góp phần đảo bảo hoàn thành kế hoạch kinh doanh của công ty năm 2015.

LIG hiện đang sở hữu một lô đất rộng 1.8 ha tại khu công nghiệp Quang Minh, xã Quang Minh, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc. Thời hạn sử dụng đất đến 11/06/2053. Hạ tầng trên đất bao gồm: Nhà điều hành(1302 m2), nhà xưởng, hệ thống sân vườn, hệ thống đường giao thông nội bộ cùng với các công trình phụ trợ. Công ty dự kiến sẽ bán lô đất này trong năm 2015. Doanh thu dự kiến khoảng 27 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến là 12 tỷ đồng

Theo BCTC hợp nhất 6 tháng đầu năm, Doanh thu hợp nhất toàn công ty đạt 676,65 tỷ đồng tăng 8,92% so với cùng kì năm 2014 và bằng 49,51% kế hoạch năm. Trong đó, Công ty mẹ Licogi13 đạt 418 tỷ đồng, bằng 45,96% kế hoạch năm và tăng 6% so với cùng kỳ 2014.

Lợi nhuận trước thuế toàn công ty đạt 18,98 tỷ đồng tăng 3,41 lần so với cùng kỳ năm 2014 và bằng 39,5% so với kế hoạch năm. Trong đó Công ty Mẹ đạt 13,69 tỷ đồng gấp 3,99 lần so với cùng kỳ 2014. Kết quả lợi nhuận Công ty mẹ đạt được 6 tháng đầu năm 2015 nằm trong kế hoạch của công ty, trong kì công ty chưa hoạch toán lợi nhuận từ dự án Bất Động Sản Khu công nghiệp Quang Minh.

Năm 2015, LIG đặt ra kế hoạch kinh doanh với doanh thu 1367 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 48 tỷ đồng. Chúng tôi đánh giá LIG nhiều khả năng sẽ đạt kế hoạch đề ra nhờ hoạt động xây lắp ổn định và lợi nhuận từ việc bán lô đất tại KCN Quang Minh.

Tin bài liên quan