Cổ phiếu cần quan tâm ngày 28/11

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 28/11 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 28/11

APC: Sáp nhập với Công ty TNHH Thái Sơn sẽ có tác động đa chiều

CTCK Rồng Việt (VDSC)

Một trong các cổ phiếu nằm nhóm quan tâm của chúng tôi là CTCP An Phú (APC – sàn HOSE) vừa tổ chức ĐHCĐ bất thường. Điểm đáng chú ý nhất là thông tin về khả năng sát nhập giữa An Phú và công ty TNHH Thái Sơn.

Theo chia sẻ, tỷ lệ sở hữu của Thái Sơn tại An Phú hiện đã tăng từ hơn 19% lên đến 50%. Thành phần hội đồng quản trị, vì thế cũng được thay thế tương ứng với những thay đổi trong cơ cấu sở hữu thời gian vừa qua. Cụ thể, trong 5 thành viên hội đồng quản trị mới đã có 4 thành viên từ công ty TNHH Thái Sơn. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư tin rằng việc M&A sẽ xảy ra trong tương lai đối với hai doanh nghiệp này.

Theo quan điểm của chúng tôi, nếu kịch bản này trở thành hiện thực thì sẽ đem đến cho APC những tác động đa chiều. Về mặt tích cực, việc sát nhập này sẽ khiến thị phần chiếu xạ thủy sản tập trung về một đầu mối. Nhờ vậy, quyền định giá sẽ nghiêng về phía người cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, với tỷ lệ sở hữu khoảng 50% như hiện nay, cổ đông lớn cần đưa ra cam kết hoặc nguyên tắc điều hành đảm bảo không gây ra sự xung đột lợi ích với cổ đông nhỏ lẻ mới đảm bảo sự yên tâm cho nhà đầu tư. Do vậy, những động thái về quản lý trong thời gian sắp tới APC sẽ được chúng tôi theo dõi để cập nhật đến quý nhà đầu tư một cách kịp thời.

TRA: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

CTCP Traphaco vừa công bố thông tin về việc xử lý vi phạm về thuế theo kết quả thanh tra của Cục thuế Hà Nội cho giai đoạn 2009-2013 được thực hiện trong tháng 10/2014 vừa qua.

Theo đó, tổng số tiền thuế phải nộp bổ sung và tiền phạt là khoảng 6,2 tỷ đồng, tương đương gần 4% kế hoạch lợi nhuận sau thuế 2014 của TRA nên sẽ không ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh 2014 của TRA.

Tình hình hoạt động kinh doanh của TRA tuy đã có cải thiện đáng kể trong quý II và quý III/2014 nhưng vẫn còn khó khăn. Với kết quả 1.133,9 tỷ doanh thu (-11,2% so với cùng kỳ năm ngoái) và 103,2 tỷ lợi nhuận sau thuế (-14% so với cùng kỳ năm ngoái) ghi nhận trong 9 tháng đầu năm 2014, TRA chỉ mới đạt được 63% và 70,2% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận 2014. Do vậy, khi khoản truy thu thuế này phát sinh sẽ tạo ra nhiều áp lực hơn cho việc hoàn thành kế hoạch đặt ra.

Trên quan điểm thận trọng, chúng tôi dự báo doanh thu và lãi ròng của TRA sẽ đạt khoảng 1.598,2 tỷ (-5% so với năm ngoái) và 138,7 tỷ (-7,2% so với năm ngoái), thấp hơn khoảng 14% so với kế hoạch của công ty.

Tuy nhiên, với lợi thế dẫn đầu thị trường đông dược cả nước, cùng với hiệu quả của chính sách bán hàng mới, chúng tôi kỳ vọng kết quả kinh doanh của TRA sẽ tốt lên trong 2015.

Cổ phiếu TRA đang giao dịch ở mức 13 lần PE 2014, so với mức 12 lần bình quân ngành. Duy trì khuyến nghị nắm giữ với giá mục tiêu 78.000 đồng/cp.

VCG; Tái cơ cấu đang đem lại những chuyển biến tích cực

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Tổng CTCP xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (VCG) đã thông qua việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2014. Theo đó, doanh thu được điều chỉnh giảm xuống 3.376,5 tỷ so với 4.010 đặt ra vào đầu năm, tuy vậy kế hoạch lợi nhuận trước thuế được giữ nguyên 305 tỷ. Chúng tôi lưu ý đây là kế hoạch sản xuất kinh doanh của riêng công ty mẹ (chưa hợp nhất). Nhìn lại kết quả sản xuất kinh doanh trong 9 tháng 2014 vừa qua, doanh thu chưa hợp nhất đạt 2.290,6 tỷ, giảm 29,7% so với cùng kỳ trong khi lợi nhuận trước thuế đạt 258,1 tỷ, tăng 41,3% so với cùng kỳ.

Với kết quả sản xuất kinh doanh đạt được trong 9 tháng như vậy, việc điều chỉnh kế hoạch là điều dễ hiểu. So với kế hoạch đã điều chỉnh, công ty mẹ đã hoàn thành 68% kế hoạch doanh thu và 85% kế hoạch lợi nhuận.

Tương tự như kết quả kinh doanh của công ty mẹ, báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng đầu năm 2014 ghi nhận doanh thu giảm 29,9% đạt 5.908 tỷ trong khi lợi nhuận trước thuế tăng 35,7% đạt 301,4 tỷ. Sự sụt giảm doanh thu từ hoạt động xây lắp (-15,9%) và hoạt động sản xuất công nghiệp (-77%, do không còn hợp nhất kết quả kinh doanh của Xi măng Cẩm Phả sau khi thoái 70% vốn vào tháng 11/2013).

Như chúng tôi đã đề cập trong các báo cáo trước đây, việc thoái vốn tại CTCP Xi măng Cẩm Phả là cú hích giúp lợi nhuận của VCG tăng trưởng tích cực nhờ gánh nặng nợ vay và chi phí lãi vay giảm. Chi phí lãi vay trong 9 tháng đầu năm 2014 giảm 63,8% so với cùng kỳ, nhờ đó chi phí tài chính ròng giảm mạnh từ 368,4 tỷ trong 9 tháng đầu năm 2013 xuống 44,6 tỷ trong 9 tháng đầu năm 2014. Lợi nhuận trước thuế nhờ đó tăng 35,7% đạt 301,4 tỷ.

Hiện nay, VCG sở hữu 30 công ty con và 10 công ty liên doanh liên kết. Tổng hợp số liệu Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2014 của một số công ty thuộc VCG niêm yết trên TTCK, chúng tôi nhận thấy lợi nhuận của đa số công ty con có cải thiện so với cùng kỳ. điển hình như VC2, VC3, VC7, VCC, VMC ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận khá cao, trong khi V21, VCR vẫn ghi nhận lỗ, nhưng con số lỗ thấp hơn cùng kỳ.

Nhìn chung, việc thực hiện tái cơ cấu, nhất là gánh nặng nợ vay và chi phí lãi vay giảm, đang dần đem lại chuyển biến tích cực trong dài hạn đối với VCG. Chúng tôi đang điều chỉnh dự báo doanh thu và lợi nhuận hợp nhất năm 2014 và sẽ cập nhật trong thời gian sớm nhất.

SHP: Đánh giá cao triển vọng lợi nhuận

CTCK MB (MBS)

Chúng tôi đã có chuyến thăm doanh nghiệp đến SHP. Đại diện của Công ty cho biết kết quả kinh doanh dự kiến của SHP trong năm 2014 rất khả quan. Lợi nhuận sau thuế dự kiến trong năm 2014 đạt mức 209 tỷ VNĐ, tương đương với mức EPS là 2230 VNĐ/cp.

SHP dự kiến sẽ trả cổ tức năm 2014 là 12% cao hơn so với kế hoach là 8% nhờ mức lợi nhuận tăng trưởng vượt dự kiến.

Trong năm 2014, cả ba nhà máy thủy điện của SHP đều hoạt động hiệu quả và chạy vượt công suất thiết kế nhờ điều kiện thủy văn thuận lợi. Đặc biệt nhà máy Đa Mbri đi vào hoạt động đã khiến tổng sản lượng điện của toàn công ty tăng mạnh. Tính đến hết tháng 10 năm 2014, SHP sản xuất được 557,813 triệu Kwh điện.

Năm 2014, SHP đã tái cấu trúc nợ vay bằng cách kéo dài thời gian các khoản vay dài hạn thành 10 năm, so với hợp đồng vay trước kia là 6 năm. Điều này khiến áp lực tài chính của Công ty giảm, chi phí lãi vay giảm qua đó cải thiện dòng tiền của Công ty.

Chúng tôi vẫn duy trì đánh giá khả quan về triển vọng lợi nhuận của SHP trong các năm tới.

Tin bài liên quan