Cổ phiếu cần quan tâm ngày 27/11

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 27/11

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 27/11 của các công ty chứng khoán.

STK: P/E khá thấp, ở mức 6,4x

CTCK Rồng Việt (VDSC)

Chúng tôi vừa tham dự buổi Roadshow của CTCP Sợi Thế Kỷ (STK) vào ngày 24/11/2014. Đánh giá chung về hoạt động kinh doanh cũng như triển vọng của Công ty, chuyên viên ngành cho biết STK có nền tảng cơ bản vững chắc và tiềm năng tăng trưởng tích cực. Ra đời từ năm 2000 khi nhu cầu sử dụng sợi nhân tạo dần thay thế nhu cầu sợi tự nhiên, sản phẩm sợi của STK đã từng bước được nhận diện tại các thị trường lớn tại khu vực châu Âu và châu Á nhờ chất lượng cao và khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Tốc độ tăng trưởng CAGR trung bình của doanh thu và LNST đạt mức cao lần lượt là 35% và 45% trong giai đoạn 2007-2013. Với cơ cấu doanh thu xuất khẩu chiếm đến ~80% tổng doanh thu, STK phụ thuộc lớn vào thị trường xuất khẩu nhưng đồng thời cũng có lợi thế về vay vốn bằng đồng USD với lãi suất thấp (3%/năm). Ngoài ra, với một công ty sản xuất và bán hàng trên diện rộng như STK, các tỷ số tài chính về khả năng thanh toán, vòng quay tài sản, cơ cấu nợ/VSH nhìn chung đều rất tích cực.

Tại buổi Roadshow, tiềm năng tăng trưởng của công ty được đánh giá dựa trên nhiều yếu tố gồm triển vọng ngành, hiệu quả hoạt động và đầu tư mở rộng công suất. Trong đó, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến tiềm năng đón đầu các cơ hội phát triển của ngành Dệt May Việt Nam. Theo chia sẻ của Công ty, STK là một trong số ít những doanh nghiệp đáp ứng được quy tắc xuất xứ “Từ sợi trở đi” của TPP. Với cơ cấu khách hàng hiện nay (chủ yếu xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ và Đài Loan), chúng tôi chưa kỳ vọng STK có thể được hưởng lợi trực tiếp sau khi TPP được ký kết.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng STK có thể hưởng lợi một cách gián tiếp thông qua việc bán hàng cho các doanh nghiệp FDI đang đầu tư xây dựng nhà máy dệt may ở Việt Nam. Do các nhà máy này đang trong giai đoạn đầu tư, vì vậy, lợi ích đạt được phần lớn đến sau năm 2015. Yếu tố này cũng lý giải cho việc STK đã bắt đầu đầu tư mở rộng Nhà máy Trảng Bảng từ tháng 5/2014 với dự định tăng thêm 40,5% công suất so với công suất hiện nay. Theo kế hoạch, tổng vốn đầu tư khoảng 729 tỷ đồng (trong đó 70% vay nợ), Q3/2015 sẽ đưa vào hoạt động ½ công suất và Q1/2016 sẽ hoạt động 100% công suất.

Bên cạnh những yếu tố tích cực trên, một yếu tố khiến chúng tôi quan ngại đối với STK chính là khả năng duy trì biên lơi nhuận gộp của Công ty. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đầu năm nay, giá sợi tự nhiên cao hơn sợi tổng hợp, tuy nhiên, đến cuối tháng 11, do xu hướng giảm mạnh của giá bông, giá sợi tự nhiên đã trở nên rẻ tương đối so với sợi tổng hợp. Chúng tôi coi chênh lệch về giá như là một yếu tố khiến cho giá sợi tự nhiên cạnh tranh hơn so với sợi tổng hợp và ảnh hưởng đến giá bán của Công ty. Bên cạnh đó, xu hướng giá dầu thô giảm trong thời gian qua kéo theo sự giảm giá của giá nguyên liệu sản xuất sợi (polyester chip). Như vậy, tốc độ giảm của giá bán so với tốc độ giảm của nguyên vật liệu là yếu tố cần theo dõi chặt chẽ để đánh giá triển vọng của STK trong năm sau.

Theo kế hoạch, cổ phiếu STK sẽ được chào bán mức giá khởi điểm là 18.000 đồng/cp, theo chúng tôi là một mức giá hấp dẫn với P/E chỉ khoảng 6,4x, thấp hơn mức P/E trung bình của ngành là 12x. Sau khi IPO, STK cũng có lộ trình cụ thể niêm yết trên sàn HOSE vào tháng 4-5/2015, do đó, chúng tôi kỳ vọng phiên đấu giá sắp tới (9/12/2014) sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.

BMP: Dự phóng lợi nhuận năm đạt 264 tỷ đồng

CTCK MB (MBS)

BMP vừa công bố kết quả hoạt động kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2014. Theo đó, doanh thu đạt mức 1796 tỷ VNĐ, tăng 13.2% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đat 274 tỷ VNĐ, giảm 3% so với cùng kỳ.

Tăng trưởng lợi nhuận của BMP đang cho thấy dấu chững lại trong vài quý gần đây sau một thời gian dài ổn định. Nguyên nhân chính đến từ các chi phí trung gian như giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng, chi phí quản lý gia tăng nhanh hơn doanh thu.

Áp lực cạnh tranh trên thị trường tăng cao khiến BMP không thể tăng giá sản phẩm để bù đắp sự gia tăng chi phí như trong quá khứ khiến biên lợi nhuận gộp thấp hơn. Chi phí quản lý gia tăng do BMP phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi hơn 12 tỷ VNĐ. Chi phí bán hàng gia tăng khi Công ty phải tăng chi phí quảng cáo, khuyến mại và chiết khấu cho các đại lý nhằm giữ thị phần.

Dự án xây dựng nhà máy thứ tư của BMP tại Long An đang được triển khai. Dự kiến khi dự án trên hoàn thành từ năm 2018 sẽ nâng tổng công suất thiết kế toàn công ty lên trên 200.000 tấn sản phẩm/năm.

Chúng tôi dự phóng, lợi nhuận sau thuế của BMP sẽ đạt mức 264 tỷ VNĐ trong năm 2014, tương ứng với mức EPS là 8,000 VNĐ/cp.

Tin bài liên quan