Cổ phiếu cần quan tâm ngày 26/8

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 26/8

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 26/8 của các công ty chứng khoán.

ITA: Khuyến nghị MUA

CTCK Sài Gòn Hà Nội (SHS)

Cổ phiếu này có phiên bật tăng điểm khá mạnh mẽ trong ngày 22.08 vừa qua, tiến sát ngưỡng cản 8.5 với khối lượng giao dịch lên tới 17,8 triệu cổ phiếu - tăng gấp 4,5 lần so với lượng giao dịch bình quân 20 phiên gần nhất, cho thấy sức bật khá mạnh mẽ sau khoảng thời gian dài tích lũy với volume thấp quanh vùng 7.6 - 8.5.

Phiên giao dịch 25/8, cổ phiếu này tiếp tục cho thấy lượng cầu tiềm năng sẵn sàng mua giá cao hoạt động khá tích cực. Cùng với xu thế dòng tiền đang chảy mạnh vào các cổ phiếu có tính chất đầu cơ thuộc nhóm ngành bất động sản.

Chúng tôi khuyến nghị khách hàng có thể giải ngân vào mã này với giá kỳ vọng trong khoảng 9.5 - 10. Vùng giá hỗ trợ trong khoảng 8.3 - 8.5. Trong trường hợp ITA giảm lại vượt quá vùng giá này, nhà đầu tư có thể xem xét bán ra.

REE: Khả năng kết thúc tích lũy - MUA 

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

REE bước vào chu kỳ tăng giá tính từ tháng 5 đến nay. Dù vậy, nhịp tăng của đường giá không mạnh và thường xuất hiện các pha tích lũy đi kèm.

Sau đoạn tích lũy trong tháng 7 và nửa đầu tháng 8, đường giá có sự gia tăng mạnh hơn, vượt lên trên cạnh trên của mẫu hình tam giác tích lũy.

Nhiều khả năng pha tích lũy đã kết thúc và REE sẽ quay lại với xu hướng tăng trong thời gian tới.

Thanh khoản trong 2 tuần nay có cải thiện nhẹ, thường xuyên nằm ngang bằng hoặc cao hơn mức thanh khoản trung bình 50 ngày. 

MACD kiểm tra lại đường 0 thành công, vẫn tiếp tục nằm trên mức 0 đểủng hộkịch bản tích cực dành cho đường giá. 

Nhà đầu tư có thể xem xét mua vào REE trong các phiên tới với mức giá quanh 27.9 với giá mục tiêu gần nhất là 31.5 (+12,9%) và dừng lỗ là 26.0 (-6,8%).

KBC: Khuyến nghị THEO DÕI

CTCK Vietcombank (VCBS)

Quý II/2014, Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC) đạt 66,9 tỷ đồng doanh thu (-56% so với cùng kỳ) và 18,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (cùng kỳ năm ngoái chỉ lãi 1,3 tỷ đồng). Lũy kế 6 tháng 2014, KBC đạt 220,5 tỷ doanh thu (+16% so với cùng kỳ) và 25,9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (cùng kỳ năm ngoái lỗ 53,9 tỷ đồng).

Kết quả được cải thiện mạnh như vậy là do 2 nguyên nhân chính: (1) tình hình thu hút FDI vào các KCN của KBC tiếp tục được cải thiện đáng kể kể từ cuối năm ngoái và (2) trong quý II KBC đã thoái vốn thành công các khoản đầu tư tài chính vào CTCP Địa ốc Nam Việt, CTCP Thủy điện Sông Tranh 4 với lãi chuyển nhượng đạt 108 tỷ đồng.

6 tháng 2014, tỷ suất lợi nhuận gộp của toàn KBC hợp nhất đạt 49% (năm 2013 đạt 46%, năm 2012 chỉ đạt 38%).

6 tháng đầu năm nay, chi phí giá vốn chỉ tăng 4% so với cùng kỳ và chỉ chiếm 51% tỷ trọng doanh thu. Chi phí tài chính tăng nhẹ, tăng 7% so với cùng kỳ (trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay, đã tăng 5% so với cùng kỳ) và chiếm tới 74% tỷ trọng doanh thu thuần. Trong kỳ, KBC đã hoàn tất việc thoái vốn tại CTCP Địa ốc Nam Việt (2 triệu cổ phần) và Thuỷ điện Sông Tranh 4 (5,13 triệu cổ phần) với 108 tỷ đồng lợi nhuận.

Chi phí bán hàng và chi phí khác tiếp tục duy trì tỷ trọng nhỏ (chiếm lần lượt 3%; 0% tỷ trọng doanh thu) và tăng trưởng ít (lần lượt tăng 1% so với cùng kỳ và giảm 89% so với cùng kỳ). Đáng chú ý là chi phí quản lý đã tăng 101% so với cùng kỳ.

Nhìn chung trong nửa đầu năm 2014, doanh thu tăng chậm và hầu hết các đầu chi phí trong đó chi phí quản lý và chi phí tài chính cao hơn so với cùng kỳ, tuy nhiên lợi nhuận tài chính từ 2 thương vụ thoái vốn đã giúp cho KBC đạt 25,9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế – kết quả này tốt hơn so với kết quả lỗ 77,3 tỷ đồng nửa đầu năm ngoái.

Cuối quý II/2014, cơ cấu tài sản của KBC thay đổi không đáng kể so với thời điểm đầu năm. Hàng tồn kho của KBC vẫn tiếp tục duy trì trên 7.500 tỷ đồng (chiếm 60% tổng tài sản, xấp xỉ bằng số dư đầu năm. Trong đó, 2 dự án chiếm tỷ trọng lớn nhất là Dự án KCN và Khu đô thị Tràng Cát (3.081 tỷ đồng) và Dự án KCN Tân Phú Trung (2.647 tỷ đồng).

Hàng tồn kho lớn như vậy trong khi tiền và tương đương tiền của KBC chỉ đạt 107 tỷ (chiếm 1% tỷ trọng tổng tài sản) khiến cho khả năng thanh toán của KBC thấp. Khả năng thanh toán nhanh và khả năng thanh toán hiện thời của KBC chỉ đạt lần lượt 0,51 lần và 0,02 lần.

Hệ số nợ/TTS của KBC đạt 52,3%, số dư tổng nợ đã giảm khá từ 6.521 tỷ thời điểm đầu năm xuống chỉ còn 5.037 tỷ đồng vào cuối quý II/2014 (-23% ytd). Thêm vào đó cơ cấu nợ đang dần dịch chuyển từ vay ngắn hạn sang vay dài hạn, trong đó vay dài hạn tăng nhẹ, tăng 399 tỷ đồng (+72% ytd) và vay ngắn hạn giảm 605 tỷ đồng (-18% ytd), giảm nhiều hơn mức tăng của vay dài hạn. Điều này cho thấy sức khỏe tài chính của KBC đang dần tốt lên, doanh nghiệp đã có thể trả dần các khoản vay ngắn hạn.

Trong quý II/2014, KBC đã thương thảo thành công và tái đảo nợ đến năm 2017 khoản trái phiếu 600 tỷ của PVCombank. Các khoản trái phiếu sẽ đáo hạn từ đây đến cuối năm của KBC bao gồm trái phiếu phát hành cho các ngân hàng: PVCombank (2.000 tỷ), Nam Việt Bank (300 tỷ). Bên cạnh đó, cuối kỳ, tiền và tương đương tiền của KBC chỉ đạt 101 tỷ, chiếm 1%TTS. Do vậy, chúng tôi cho rằng thời gian tới KBC vẫn sẽ tiếp tục chịu áp lực trả nợ và trả lãi tương đối lớn và chúng tôi vẫn khá quan ngại về điều này.

Tại ĐHCĐ 2014, KBC đặt kế hoạch doanh thu 1.800 tỷ (+66% so với cùng kỳ) (bao gồm cả doanh thu thuần và doanh thu tài chính) và lợi nhuận sau thuế 160 tỷ (+100% so với cùng kỳ). KBC xây dựng kế hoạch này dựa trên căn cứ vào triển vọng về tình hình thu hút FDI tại Việt Nam, nhu cầu thuê, mua đất và nhà xưởng của các khách hàng tiềm năng đã và đang đàm phán của KBC và căn cứ vào các khoản mục đầu tư mà doanh nghiệp dự định thoái vốn.

Theo đó, với kỳ vọng về việc sẽ ký kết thành công hợp đồng thuê 100 ha của Wintek, triển vọng mở bán thành công 20 ha của dự án Phúc Ninh và kế hoạch thoái vốn các khoản đầu tư tại SGI-Lào và SGT trong năm 2014, VCBS cho rằng KBC có khả năng hoàn thành kế hoạch.

Với kết quả 6 tháng  đã công bố, KBC mới chỉ hoàn thành 20% kế hoạch doanh thu và 16% kế hoạch lợi nhuận sau thuế. Có thể thấy rằng sức khỏe tài chính của doanh nghiệp đã dần dần được cải thiện, tuy nhiên KBC vẫn đang trong quá trình hồi phục và chuẩn bị tăng tốc, khả năng hoàn thành kế hoạch doanh thu và lợi nhuận phụ thuộc nhiều vào dòng vốn FDI vào Việt Nam nói chung và vào khu vực Miền Bắc nói riêng.

Hiện tại, EPS trailing đạt 146 đồng. Tại mức giá 11.600 đồng/cổ phiếu ngày 22.08.2014, P/E trailing đạt 79,5x lần, P/B đạt 0,73 lần. EPS forward ước đạt 439 đồng, P/E forward ước đạt 26,4x lần – vẫn tương đối cao so với P/E trung bình ngành BĐS đang là 15,x. Chúng tôi khuyến nghị THEO DÕI đối với cổ phiếu KBC.

BMI: Khuyến nghị THEO DÕI

CTCK Vietcombank (VCBS)

Doanh thu phí bảo hiểm trong quý II/2014 của Tổng CTCP Bảo Minh (BMI) tăng trưởng tốt so với cùng kỳ 2013 và đạt 712,3 tỷ đồng (+13,3% so với cùng kỳ) nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng đột biến và đạt 42 tỷ (gấp 4,7 lần quý II/2013). Lũy kế 6 tháng 2014, doanh thu phí bảo hiểm đạt 1.341,9 tỷ đồng (+16,3% so với cùng kỳ, tương đương 48,9% kế hoạch) và lợi nhuận sau thuế đạt 74 tỷ đồng (+68,9% so với cùng kỳ, tương đương 67,4% kế hoạch). lợi nhuận sau thuế tăng chủ yếu là do chi phí dự phòng đầu tư chứng khoản giảm gần một nửa so với cùng kỳ 2013.

Về mảng kinh doanh bảo hiểm, doanh thu phí bảo hiểm thuần 6 tháng .2014 đạt 969,4 tỷ (+16,8% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, chi phí dự phòng nghiệp vụ tăng thêm 43,8 tỷ và chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm (chủ yếu gồm chi hoa hồng, phí đồng bảo hiểm và các chi phí quản lý doanh nghiệp liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm) tăng thêm 85,5 tỷ (+20,6% so với cùng kỳ) đã khiến lợi nhuận gộp 6 tháng 2014 giảm nhẹ so với cùng kỳ 2013 và đạt 78,4 tỷ (-11,7% so với cùng kỳ).

Doanh thu phí bảo hiểm thuần tăng trong khi chi phí bồi thường thuộc trách nhiệm giữ lại gần như không đổi so với cùng kỳ đã cải thiện đáng kể tỷ lệ bồi thường ròng trong 6 tháng .2014 (từ 46,1% xuống 38,8%), thấp hơn đôi chút so với mức phổ biến trong ngành (~40%).

Như vậy, công ty đã phần nào đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ bồi thường thuộc trách nhiệm giữ lại trong năm 2014, dù các chi phí ngoài bồi thường vẫn còn khá cao. (Các kết quả đều đã điều chỉnh theo Thông tư 232/2012/TT-BTC).

Về mảng đầu tư tài chính, doanh thu tài chính 6 tháng 2014 tăng nhẹ và đạt 109 tỷ (+1,5% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, cũng giống như quý trước, chi phí tài chính trong quý II/2014 tiếp tục chỉ bằng hơn 1 nửa so với cùng kỳ 2013, lũy kế 6 tháng 2014 đạt 48,8 tỷ (-44,4% so với cùng kỳ), chủ yếu là do giảm chi phí trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán so với cùng kỳ trong bối cảnh thị trường chứng khoán có dấu hiệu khởi sắc.

Tổng hợp lại, lợi nhuận tài chính 6 tháng 2014 đạt 60,2 tỷ (+204% so với cùng kỳ), tỷ suất sinh lời tổng hợp của tài sản tài chính tăng từ gần 1% lên 2,5%. Trong kỳ, công ty cũng tất toán một khoản trái phiếu ngắn hạn trị giá 82 tỷ, đồng thời, giảm bớt giá trị danh mục đầu tư vào cổ phiếu đi 62 tỷ (-19,3% so với cùng kỳ).

Nhìn từ biến động các khoản mục trong danh mục đầu tư, có thể thấy các khoản tiền này đã được chuyển sang tiền gửi tiết kiệm có cùng loại kỳ hạn (đầu tư ngắn hạn tương ứng chuyển sang tiền gửi ngắn hạn và đầu tư dài hạn tương ứng chuyển sang tiền gửi dài hạn).

Ngoài ra, tỷ trọng tiền gửi tiết kiệm dài hạn cũng có dấu hiệu tăng lên trong tổng danh mục đâu tư, từ 18,5% lên 26,2% tổng giá trị danh mục.

Có thể thấy, công ty đang có xu hướng lựa chọn các kênh đầu tư ít rủi ro hơn sau một năm 2013 mà hoạt động đầu tư tài chính có hiệu quả thấp.

Mặc dù công ty đã hoàn thành 67,4% kế hoạch lợi nhuận sau thuế nhưng do chi phí bồi thường thường có xu hướng tăng vào cuối năm vì đây là mùa mưa bão và BMI là một trong những nhà đồng bảo hiểm có tỷ lệ trách nhiệm chi trả lớn cho thiệt hại của dự án Formosa Hà Tĩnh bị công nhân đập phá vào giữa tháng 5/2014 nên trên quan điểm thận trọng, chúng tôi chỉ kỳ vọng công ty có thể hoàn thành 100% kế hoạch lợi nhuận năm 2014.

Theo đó, EPS forward đạt 1.454 đồng; P/E forward (tại 22/8/2014) là 10,8 lần, cao hơn trung bình ngành. Chúng tôi khuyến nghị THEO DÕI đối với BMI.

BTP: Sẽ tiếp tục chịu rủi ro tỷ giá

CTCK MB (MBS)

CTCP Nhiệt điện Bà Rịa (BTP) công bố kết quả sản xuất kinh doanh quý II/2014. Theo đó, doanh thu đạt 672,9 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, Công ty bất ngờ công bố lỗ 7,6 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá đồng KRM.

Nhìn chung, hoạt động sản xuất điện của Công ty là ổn định và có sự tăng trưởng đáng kể về sản lượng điện sản xuất trong quý 2 2014. Giá bán điện của Công ty trong năm 2014 đang trong quá trình đàm phán với EVN và đang tạm tính bằng mức giá 2013 (Giá bán điện hiện tại của BTP là 1.422,5 đồng/Kwh) trong hai quý đầu năm.

Trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận gộp của BTP tăng 30% so với cùng kỳ nhờ sản lượng điện tăng do EVN tích cực huy động nguồn điện khí. Tuy nhiên, lợi nhuận biên gộp giảm từ 9,6% còn 7,5% do giá khí đầu vào bị điều chỉnh tăng.

Trong quý II năm 2014, BTP ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá lên tới 38,8 tỷ đồng. Hiện tại, vay nợ bằng ngoại tệ của BTP bao gồm 35 tỷ won (KRW) và 4,6 triệu USD. Do đó, trong thời gian tới BTP sẽ tiếp tục chịu rủi ro tỷ giá nếu VND mất giá so với KRW và USD.

Trong 6 tháng cuối năm, sản lượng điện của BTP nhiều khả năng sẽ thấp hơn 6 tháng đầu năm do EVN sẽ ưu tiên huy động nguồn điện từ các nhà máy thủy điện có giá rẻ hơn khi sản xuất thuỷ điện ở miền Nam được dự báo sẽ tốt hơn (các tháng cuối năm là mùa mưa tại miền Nam).

Hiện tại, giá khí đầu vào cho sản xuất điện của BTP mới chỉ bằng 70% giá thị trường. Theo lộ trình được Chính phủ phê duyệt giá khí đầu vào cho BTP sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng trong các năm sau và bằng 100% giá thị trường trong năm 2015.

Tin bài liên quan