Cổ phiếu cần quan tâm ngày 25/7

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 25/7

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 25/7 của các công ty chứng khoán.

BTP: Khuyến nghị nắm giữ

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

CTCP Nhiệt điện Bà Rịa (BTP – HSX) vừa công bố Báo cáo tài chính quý II/2016. Theo đó, doanh thu 6 tháng đầu năm của BTP đạt 789 tỷ đồng, giảm nhẹ 7,4% so với cùng kỳ, do áp dụng giá bán trung bình của năm 2015. Sản lượng điện bán trong 6 tháng đầu năm 2016 ước tăng 20% so với cùng kì năm ngoái.

Trong nửa đầu năm 2016, doanh thu tài chính của BTP sụt giảm mạnh 48,1% xuống còn 43,2 tỷ đồng, do BTP chỉ ghi nhận lãi chênh lệch tỷ giá 25 tỷ đồng, giảm 61,7% so với cùng kì . Tuy nhiên chi phí tài chính của BTP cũng giảm mạnh 60,6% do không còn lỗ tỷ giá. Tính đến thời điểm 30/6/2016, BTP còn dư nợ 28,7 triệu won Hàn Quốc (tương đương với 573 tỷ đồng), trong khi tại thời điểm cuối quý II/2016 đồng won đã giảm giá 3,8% so với cuối quý I/2016.

Nhờ đó, kết thúc quý II/2016, BTP đạt mức lợi nhuận sau thuế 31 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2015 lỗ 45 tỷ đồng. Với mức lợi nhuận này, tính đến hết quý II/2016 công ty đã hoàn thành 52,2% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Chúng tôi duy trì dự phóng doanh thu 1.949 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 79 tỷ đồng cho cả năm 2016. BTP hôm nay đóng cửa giảm 0,7% tại 13.800 đồng/cổ phiếu. BTP hiện đang giao dịch với mức P/E 2016 là 10,5 lần dựa trên dự phóng của chúng tôi, tức là khá hợp lý. Do đó chúng tôi duy trì khuyến nghị NẮM GIỮ đối với cổ phiếu BTP.

VHC: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK Maritime (MSI)

Theo thống kê, giá trị xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2016 đạt 3,07 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ. Trong đó, theo VASEP, tính đến hết tháng 05/2016, giá trị xuất khẩu cá tra đạt 650,3 triệu USD, tăng 5,5% so với 5 tháng đầu năm 2016. Do vậy, thị trường xuất khẩu thủy hải sản năm 2016 được dự đoán là tăng cao hơn năm trước.

Các Hiệp định tự do thương mại (FTAs) mà Việt Nam đang là thành viên, và sắp tới là Hiệp định TPP khi Hiệp định này chính thức có hiệu lực, sẽ gỡ bỏ các hàng rào thuế nhập khẩu tại nhiều thị trường lớn, làm tăng sức cạnh tranh cho mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

Các sản phẩm của doanh nghiệp đều có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là đáp ứng được những yêu cầu khắt khe tại thị trường Mỹ và Châu Âu. Thị phần tại các thị trường khác như Trung Quốc, Canada, Nhật Bản, Úc, Mexico, Chile… đều tăng trưởng rất mạnh. Dự kiến trong thời gian tới, Công ty sẽ chú trọng phát triển, cải thiện đáng kể thị phần tại các nước Nam Âu như Tây Ban Nha, Ý...

Thuế chống bán phá giá cao và chương trình thanh tra cá da trơn là 2 rào cản có áp lực rất lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, Vĩnh Hoàn lại không chịu áp lực này khi Công ty hiện là 1 trong 2 doanh nghiệp duy nhất hưởng mức thuế 0%, và có hoạt động xuất khẩu cá tra sang Mỹ ổn định.

Hiện CTCP Vĩnh Hoàn (mã VHC) là Công ty trong nước duy nhất có thể sản xuất bột collagen và gelatin từ da cá (mảng kinh doanh này có biên lợi nhuận gộp rất cao, vào khoảng 30%). Đây là một thị trường có tiềm năng rất lớn, tuy nhiên sẽ cần thêm một thời gian nữa để chứng minh tính hiệu quả của lĩnh vực này.

Vĩnh Hoàn có hệ thống nuôi trồng, chế biến thành phẩm và phụ phẩm khép kín, giúp chủ động về nguồn nguyên liệu và tối ưu hóa lợi nhuận của các phân khúc giá trị khác nhau. Ngoài ra, Công ty còn áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc phù hợp và chính xác, đảm bảo sản phẩm cuối cùng có thể thực hiện truy ngược trở lại nguồn gốc nguyên liệu trong vòng 24 giờ, kèm theo các kết quả kiểm nghiệm và hồ sơ sản xuất có liên quan.

Cổ phiếu VHC đang được giao dịch với mức P/B là 2,0x và P/E trailing là 13,7x, thấp hơn một chút so với P/E thị trường 14,5x. Chúng tôi đánh giá mức giá thị trường hiện nay đang phản ánh giá trị hợp lý và tiềm năng của VHC.

Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị GIỮ cổ phiếu VHC với giá mục tiêu là 52.600 đồng/cp cho mục tiêu trung và dài hạn.

LAS: Bác bỏ tin đồn về việc Vinachem thoái vốn

CTCK FPT (FPST)

Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (mã LAS) cho rằng, quý II/2016, doanh thu thuần đạt 1.125 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 30,3 tỷ đồng; lần lượt giảm 20,4% và 68,63% so với cùng kỳ 2015. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu thuần LAS đạt 2.033,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 61 tỷ đồng, lần lượt giảm mạnh 26,23% và 64,84% so với cùng kỳ 2015.

Theo phía công ty cho biết, thị trường phân bón trong nước đang trong giai đoạn bão hòa, công tác tiêu thụ sản phẩm của công ty gặp nhiều khó khăn. Mặc dù giảm giá bán 5-10%, và giãn thời gian trả chậm cho khách hàng (phải thu khách hàng bằng 97% doanh thu), đẩy mạnh quảng cáo, tiếp thị (chi phí bán hàng tăng 50% so với cùng kì) nhưng tiêu thụ sản phẩm vẫn giảm mạnh (doanh thu quý II/2016 bằng 80% cùng kì).

Như vậy sau 6 tháng, LAS mới thực hiện được 14% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm (60 tỷ/436 tỷ), việc thực hiện được kế hoạch ĐHCĐ đề ra là bất khả thi. LAS đã bác bỏ tin đồn về việc Vinachem thoái vốn khỏi doanh nghiệp.

Tin bài liên quan