Cổ phiếu cần quan tâm ngày 24/7

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 24/7

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 24/7 của các công ty chứng khoán.

HT1: Kết quả kinh doanh sẽ tiếp tục cải thiện

CTCK MB (MBS)

HT1 công bố kết quả kinh doanh quý 2 2015 tương đối khả quan. Theo đó, công ty ghi nhận 2.063 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 19,46% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp đạt 433,5 tỷ đồng tăng 51,57% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2015, Công ty đạt 396.8 tỷ lợi nhuận sau thuế, tăng mạnh so với mức 13 tỷ của hai quý đầu năm năm 2014.

Mặc dù trong quý 2 2015, Công ty phải chịu khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá la 90 tỷ đồng do đồng EUR tăng giá 5% so với VND song Công ty vẫn đảm bảo kết quả kinh doanh khá tốt nhờ tiêu thụ sản phẩm xi măng tăng mạnh. Trong quý 2 2015, sản lượng xi măng tiêu thụ của HT1 vào khoảng 1,6 triệu tấn, tăng trên 20% so với cùng kỳ.

Hiện tại, HT1 vẫn còn khoản nợ 70 triệu eur do đó rủi ro biến động tỷ giá VND/EUR đối với Công ty vẫn còn khá cao. Chúng tôi dự phóng tỷ giá VND/EUR, nhiều khả năng sẽ giữ ổn định trong 6 tháng cuối năm do đó HT1 sẽ không thể có lợi nhuận đột biến như trong quý 1 2015.

Trên thực tế chi phí lãi vay chiếm một phần đáng kể trong cơ cấu chi phí của HT1 do đó Công ty hoạt động thiếu hiệu quả trong các năm trước do mặt bằng lãi suất cho vay cao và mức vay nợ lớn. Tuy nhiên, với dòng tiền từ hoạt động kinh doanh khá tốt, HT1 có khả năng giảm dần nợ vay qua đó giảm chi phí tài chính và rủi ro kinh doanh. Chúng tôi đánh giá kết quả kinh doanh của Công ty sẽ tiếp tục cải thiện trong thời gian tới.

PCE: Khuyến nghị theo dõi

CTCK FPT (FPTS)

PCE là đơn vị thành viên của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (HOSE: DPM), trong đó DPM sở hữu 75%. PCE đang phân phối các sản phẩm Phân bón Phú Mỹ tại 11 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên, khu vực này có nhu cầu tiêu thụ ure hằng năm khoảng 300 nghìn tấn. Ngoài kinh doanh phân ure Phú Mỹ, PCE còn phân phối các loại phân bón thường hiệu Phú Mỹ khác như NPK, SA, Kali và hóa chất tuy nhiên không đáng kể trong cơ cấu doanh thu (chưa đến 2% doanh thu). Do phân phối là chính nên biên lợi nhuận gộp của PCE giao động từ 3-4%.

Đây là khu vực thường xuyên chịu nhiều ảnh hưởng xấu bởi thời tiết khắc nghiệt. Tình trạng hạn hán kéo dài tại Tây Nguyên vào những năm gần đây làm thiệt hại nhiều diện tích cà phê. Còn Miền Trung lại liên tục phải đối phó với bão, lũ.

Thời tiết bất lợi làm ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất nông nghiệp, sản lượng thu hoạch giảm trong khi giá nhiều mặt hàng nông sản giảm thấp. Thị trường này chịu sự cạnh lớn từ các doanh nghiệp phân bón từ phía Bắc như Hà Bắc, Ninh Bình và cả Đạm Cà Mau hơn là khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long hay Đông Nam Bộ.

Kết quả kinh doanh năm 2014, doanh thu đạt 2.348 tỷ đồng (-7,6% so với năm trước), lợi nhuận sau thuế đạt 40,2 tỷ đồng (+10,5% so với năm trước), tương ứng mức EPS là 4.020 đồng/cp. Mặc dù tổng sản lượng tiêu thụ đạt 330 tấn (+3% yoy) nhưng giá phân bón ure Phú Mỹ giảm 12% đã làm doanh thu của PCE giảm so với cùng kỳ.

PCE đang duy trì thị phần ure tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên trên 70% trong những năm gần đây nhưng áp lực cung ure trong nước ở mức cao, do khu vực này chịu sự cạnh tranh từ nhiều doanh nghiệp khác như Đạm Ninh Bình (hoạt động 100% công suất trong năm nay) và Đạm Hà Bắc nâng công suất trong năm nay nên sẽ găp khó khăn trong việc tiếp tục giữ thị trường này.

Biên lợi nhuận của PCE giảm mạnh so với các năm trước do công ty tăng cường phân phối các sản phẩm NPK thương hiệu Phú Mỹ với biên lợi nhuận thấp hơn (do DPM mua từ bên ngoài). Dự kiến năm 2015, sản lượng này sẽ tiếp tục tăng thêm hơn 40%, trong đó duy trì tỷ trọng 55% - 60% sản lượng.

Chúng tôi dự phóng trong năm nay PCE sẽ đạt kế hoạch 2.186 tỷ đồng doanh thu thuần (-7% yoy) và 20,7 tỷ đồng LNST (-51% yoy), tương ứng mức EPS2015 đạt 2.070 đồng/cổ phiếu. Với mức PE bình quân của các doanh nghiệp trong ngành là 7.5 chúng tôi khuyến nghị THEO DÕI đối với PCE với giá mục tiêu là 15.500 đồng.

Về triển vọng từ 2017 trở đi, PCE là tập trung đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm NPK Phú Mỹ khi mà DPM đang triển khai dự án Nhà máy NPK Phú Mỹ có công suất 250.000 tấn/năm, khi phân phối các sản phẩm DPM tự sản xuất thì biên lợi nhuận của PCE kỳ vọng sẽ cải thiện đáng kể.

CSV: Lợi nhuận năm nay sẽ đạt 185 tỷ đồng

CTCK BIDV (BSC)

CTCP Hóa chất cơ bản miền Nam (CSV – HSX) cho biết, Kết quả kinh doanh quý 2/2015 kém khả quan hơn quý 1/2015: với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất wcs 45 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận trước thuế  của công ty mẹ khoảng 25 tỷ (chưa bao gồm 34 tỷ cổ tức được chia từ CTCP Phốt Pho Việt Nam) và lợi nhuận trước thuế của công ty con là CTCP Phốt Pho Việt Nam khoảng 20 tỷ. Trong 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp đã sản xuất được khoảng 16 ngàn tấn xút, đạt 50% kế hoạch năm.

Việc tăng giá điện từ tháng 3 đã ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp do chi phí điện chiếm đến 67% trong chi phí dịch vụ mua ngoài của doanh nghiệp –tương đương khoảng 16% tổng chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên so với cùng kỳ năm 2014, kết quả kinh doanh  nửa đầu năm 2015 đã tăng trưởng mạnh nhờ giá muối giảm khoảng 21% trong khi chi phí muối chiếm khoảng 17% chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Hiện tại doanh nghiệp đang chuẩn bị cho dự án đầu tư nhà máy sản xuất xút có công suất 30,000 tấn/năm trong giai đoạn 2018-2020 và sau đó di dời 1 dây chuyển có công suất 15,000 tấn/năm sang nhà máy mới.

Tổng vốn đầu tư cho dự án khoảng 1400 tỷ đồng. Như vậy, từ năm 2020 tổng công suất sản xuất xút có thể được 45,000 tấn/năm. Tuy nhiên, việc thực hiện dự án có phụ thuộc vào chủ trương di dời các nhà máy trong khu công nghiệp Biên Hòa của tỉnh Đồng Nai cũng như khả năng huy động vốn của doanh nghiệp.

Do sản lượng sản xuất của doanh nghiệp đã gần đạt mức tối đa (vượt công suất thiết kế khoảng 10%) nên việc tăng trưởng trong 5 năm tới chủ yếu phụ thuộc vào việc tiết giảm các chi phí đầu vào. Với kỳ vọng giá muối tiếp tục suy giảm do nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc yếu đi đồng thời chi phí khấu hao sẽ giảm mạnh từ 2017 do nhà máy Biên Hòa được khấu hao hết, chúng tôi kỳ vọng doanh nghiệp vẫn tiếp tục duy trì sự tăng trưởng về lợi nhuận đều đặn trong 5 năm tới trong khi doanh thu ở mức ổn định.

Doanh nghiệp dự kiến sau khi nhận được cổ tức từ công ty con là CTCP Phốt Pho Việt Nam sẽ tiến hành chia cổ tức cho cổ đông công ty mẹ với tỷ lệ 6-7%.

CSV sẽ tiếp tục duy trì kết quả kinh doanh ổn định trong n ửa cuối năm 2015: Với sản lượng sản xuất và tiêu thu đều đặn mỗi quý đồng thời giá muối được dự báo ổn định ở mức 32-35 USD/tấn trong 6 tháng cuối năm, doanh nghiệp dự kiến kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục duy trì ổn định so với 6 tháng đầu năm.

Chúng tôi dự báo năm 2015, doanh nghiệp sẽ ghi nhận khoảng 185 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương đương EPS 2015 đạt khoảng 3,597 đồng/cp.

HT1: Khuyến nghị mua trung và dài hạn

CTCK BIDV (BSC)

CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (HT1 – HSX) cho biết, lợi nhuận gộp trong quý II/2015 đạt 788,56 tỷ đồng (+25,63% so với cùng kỳ năm ngoái).Trong đó đóng góp chủ yếu bởi kết quả kinh doanh quý II với lợi nhuận gộp 433,48 tỷ đồng (+51,27% so với cùng kỳ năm ngoái); biên lợi nhuận gộp quý II đạt 21,01% tăng mạnh so với mức 16,59% của cùng kỳ 2014 (do năm 2014 dây chuyền sản xuất tại Bình Phước gặp trục trặc và phải dừng sản xuất để sửa chữa).

Nếu loại bỏ yếu tố tỷ giá, trong 6 tháng 2015, lợi nhuận trước thuế  từ hoạt động cốt đạt 416,92 tỷ đồng gấp khoảng 2,95 lần so với cùng kỳ 2014, nguyên nhân do 6 tháng đầu năm 2015: Doanh thu thuần đạt 3.662,77 tỷ đồng (+10,8% so với cùng kỳ năm ngoái).

Tổng sản lượng tiêu thụ đạt 2,69 triệu tấn (+18% so với cùng kỳ năm ngoái).- Biên lợi nhuận gộp cải thiện, đạt 21,53%, cùng kỳ 2014 là 18,99% - Chi phí lãi vay giảm 55,6 tỷ đồng, chiếm 6,04% doanh thu thuần (cùng kỳ 2014 chiếm 8,37% doanh thu thuần)-Chi phí bán hàng giảm 97,16 tỷ đồng, chiếm 1,06% doanh thu thuần (cùng kỳ2014 chiếm 4,12% doanh thu thuần)

Tổng sản lượng tiêu thụ trong 6 tháng đầu năm 2015 của HT1 đạt 2,69 triệu tấn (+18% so với cùng kỳ năm ngoái -mức tăng chung của cả thị trường Tây Nguyên và Nam Bộ là 15%), trong đó 290 nghìn tấn là clinker và đẩy mạnh tiêu thụ xi măng rời vào công trình.

Đây là con số cao nhất trong các năm của HT1. Nếu tình hình thuận lợi, HT1 ước tính sản lượng tiêu thụ cả năm có thể vượt 5 triệu tấn (ở điều kiện bình thường, năng lực nghiền xi măng của HT1 khoảng 6,5 triệu tấn). Thị phần hiện đạt 28,8% từ Đà Nẵng đến mũi Cà Mau (tăng 0,6% so với đầu năm 2015). Giá bán xi măng hiện vẫn giữ nguyên để chiếm thị phần.

Kế hoạch nhập khẩu than từ Indonesia hiện vẫn chưa có kế hoạch triển khai. Khu đất tại trạm nghiền Thủ Đức đang làm thủ tục xin chuyển đổi công năng sử dụng có thể thành khu đô thị,… (khu đất có diện tích 11,7 héc-ta, nằm trong khu quy hoạch dân cư và sát đường xuống của tuyến Metro).

Chúng tôi vẫn duy trì khuyến nghị Mua trung và dài hạn với cổ phiếu HT1 như trong báo cáo phân tích ngày 30/01/2015 với giá mục tiêu 24.939 đồng/cp. Ngày 22/07/2015, cổ phiếu HT1 đang được giao dịch với giá 22.000 đồng/cp, EPS 6 tháng đầu năm 201 5 đạt 1.248 đồng/cp; EPS 6 tháng đầu năm 2015 từ hoạt động cốt lõi (loại bỏ tác động của tỷ giá) đạt 1.023 đồng/cp.

BMP: Khuyến nghị mua vào

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Theo cuộc họp hằng quý của BMP và cổ đông, HĐQT đã báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2015. Theo đó, doanh thu 6 tháng đầu năm 2015 đạt 1.318 tỷ và lợi nhuận trước thuế đạt 348 tỷ, lần lượt tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái và 42% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mức tăng của doanh thu chủ yếu do sản lượng bán ra tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 31.000 tấn và tương đương 50% kế hoạch năm. Số lượng cửa hàng trong 6T đầu năm cũng tăng khả quan, đạt 1.422 cửa hàng và tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Do biến động giá dầu giảm dẫn đến việc giảm giá nguyên liệu đầu vào, biên lợi nhuận trước thuế tăng 4 điểm phần trăm (ppt) lên mức 26% và lợi nhuận trước thuế tăng mạnh.

Hiện công suất hiện tại của BMP đã khai thác khoản trên 90% nhưng chúng tôi kì vọng khi giai đoạn 1 của nhà máy thứ 4 đi vào hoạt động trong quý III/2015 sẽ giúp tăng công suất thêm 5.000 tấn/năm và nâng tổng công suất lên 65.000 tấn/năm, tăng 8% so với hiện nay. Lưu ý rằng giai đoạn 1, công ty sẽ xây dựng 10.000 m2 nhà xưởng, dự kiến khánh thành và đi vào hoạt động vào đầu quý III/2015.

Vốn đầu tư giai đoạn 1 là 160 tỷ đồng bằng nguồn vốn từ Quỹ đầu tư và phát triển. BMP cho biết tiến độ giải ngân cho các giai đoạn sau sẽ trải đều qua các năm và kì vọng năm 2018, toàn nhà máy sẽ đi vào hoạt động.

Với công suất thiết kế 3 giai đoạn 120.000 tấn/năm, tổng công suất của BMP sẽ nâng lên gấp ba lần hiện nay và đáp ứng được nhu cầu ống nhựa xây dựng tăng trở lại khi thị trường bất động sản khởi sắc.

Dựa trên kết quả 6 tháng đầu năm như trên, chúng tôi điều chỉnh dự báo lợi nhuận trước thuế 2015 của BMP lạc quan hơn. Theo đó, ước tính lợi nhuận 2015 của BMP có khả năng đạt 489 tỷ, tăng 30% so với năm ngoái.

Trong 6 tháng đầu năm 2015 công ty đã hoàn thành 72% kế hoạch lợi nhuận trước thuế mặc dù đây là những quý thấp điểm của năm. Ước EPS 2015 đạt 10.762 đồng/cp, PE 2015 giao dịch ở mức 8,3x, thấp hơn trung bình ngành là 10x. Duy trì khuyến nghị MUA với BMP.

SRC: PE tương đối thấp, ở mức 6,5 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

SRC vừa công bố KQKD quý II/2015 với doanh thu thuần tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ 2014, đạt 270,3 tỷ đồng. SRC chưa công bố chi tiết tình hình tiêu thụ lốp tuy nhiên chúng tôi dự đoán mức tăng trưởng đạt được chủ yếu là do sản lượng tăng.

Biên lợi nhuận gộp đạt 22,4% trong quý II/2015, tăng từ mức 19,4% trong quý II/2014 là do nguyên liệu đầu vào là mủ cao su bình quân giảm khoảng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu giảm nhẹ từ 8,8% trong 6/6 tháng đầu năm 2014 xuống 8,5% trong 6 tháng đầu năm 2015 trong khi Chi phí tài chính ròng giảm 163% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 2,6 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế quý II/2015 tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái lên 27 tỷ đồng.

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2015, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của SRC lần lượt đạt 477,4 tỷ đồng và 47,4 tỷ đồng, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với kết quả này, SRC hoàn thành 46,8% kế hoạch doanh thu và 53,8% kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2015. Với kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2015 như trên cộng với giá nguyên liệu cao su duy trì ở mức thấp, chúng tôi đánh giá cao khả năng SRC sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2015 đã được ĐHCĐ thông qua.

DRC đang được giao dịch tại P/E 2015 là 6,5 lần, tương đối thấp hơn trung bình ngành là 9,1 lần. SRC là công ty sản xuất săm lốp có vốn hóa nhỏ (dưới 500 tỷ đồng) chủ yếu tập trung vào thị trường miền Bắc. Hoạt động của SRC tương đối ổn định nhưng công ty chưa có kế hoạch đầu tư mở rộng cũng như phát triển sản phẩm mới.

DHG: PE thấp hơn trung bình ngành, ở mức 10,5 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Như đã đề cập trong các phân tích trước, DHG đăng ký mua lại 200-500 ngàn cổ phiếu quỹ, tương đương tỷ lệ 0,2-0,6% tổng số cổ phiếu đang lưu hành, với mức giá dự kiến không quá 80.000 đồng/cp. Thời gian thực hiện theo đăng ký là từ ngày 25/06 đến 24/07/2015.

Thanh khoản của DHG trong 1 tháng qua có sự gia tăng đáng kể, đạt hơn 80 ngàn cp/ngày, so với mức bình quân 1 tháng và 3 tháng dưới 20 ngàn cp/ngày của giai đoạn trước đó. Tuy nhiên, trong thời gian này, giá cổ phiếu DHG chỉ đi ngang trong biên độ 73-75 ngàn đồng/cp.

Do vậy, cùng với biến động mạnh về cả giá và khối lượng trong phiên giao dịch hôm nay, cách thời điểm hết hạn đăng ký mua cổ phiếu quỹ 1 ngày, chúng tôi cho rằng khả năng cao đây chính là phiên hành động chính của công ty. So với khối lượng tối đa đăng ký mua là 500 ngàn cp, theo chúng tôi, có thể kế hoạch mua cổ phiếu quỹ lần này cũng gần như đã được hoàn thành.

Công ty cũng đã công bố kết quả kinh doanh 6T/2015 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế giảm 13,9% và 3,9% n/n, đạt lần lượt 1.458 và 260,4 tỷ đồng, hoàn thành khoảng 36,4% và 43,2% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận 2015.

Với mức giá hiện tại, DHG đang giao dịch ở mức PE kỳ vọng 10,5 lần, thấp hơn cả bình quân ngành trong nước (11-12 lần) và khu vực (hơn 20 lần).

Tin bài liên quan