Cổ phiếu cần quan tâm ngày 22/4

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 22/4

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 22/4 của các công ty chứng khoán.

FPT: Xem xét mua cho mục tiêu ngắn hạn

CTCK KIS Việt Nam (KIS)

FPT Của CTCP FPT đã chớm rơi trở lại xuống dưới đường MA200 sau nhịp pullback (nhịp bật tăng trở lại, xuất hiện sau khi FPT rơi khỏi đường MA200 vào đầu tháng 4/2016).

Tín hiệu đảo chiều tăng vẫn chưa xuất hiện như giai đoạn đầu tháng 4/2016, mặc dù FPT chạm về vùng hỗ trợ mạnh. Do đó, nhiều khả năng đà giảm của FPT có thể sẽ tiếp diễn. Tuy nhiên, FPT có khả năng sẽ được hỗ trợ tương đối mạnh ở quanh ngưỡng 46, vùng có sự hiện diện của đường xu hướng tăng trung hạn từ 12/2014.

Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch cũng có sự chuyển biến tích cực hơn trong những phiên giảm hơn một tuần qua.

Vì vậy, đà giảm của FPT có thể sẽ hãm lại, và trong trường hợp tích cực, có thể có sự bật tăng trở lại khi giá FPT chạm về vùng quanh ngưỡng 46.

Nhà đầu tư có thể xem xét mua cho mục tiêu ngắn hạn khi giá FPT rơi về vùng quanh ngưỡng 46. Kỳ vọng có thể tăng lên test trở lại vùng kháng cự 47.6-48. Ngưỡng cắt lỗ được đặt tại 45.5.

INN: Khuyến nghị mua dài hạn

CTCK Vietcombank (VCBS)

CTCP Bao bì và In nông nghiệp (mã INN) là doanh nghiệp có thế mạnh về công nghệ và kinh nghiệm trên thị trường miền Bắc, nguồn khách hàng tốt và triển vọng kinh doanh tích cực khi nhà máy hiện tại đã hoạt động hết công suất; nhà máy mới nhà máy mới đi vào hoạt động từ năm 2017 và khấu hao tại nhà máy cũ sẽ hết từ năm 2018.

Năm 2015, INN ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực với 763 tỷ đồng doanh thu, tăng 21,4% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế 59 tỷ đồng, tăng 27,4%. Điều này là do (1) Kinh tế khả quan hơn, các khách hàng đặt hàng nhiều, (2) Năm 2014, INN đã thuê thêm 3.000 m2 nhà xưởng và mua thêm nhiều máy móc giúp tăng năng lực sản xuất, gia tăng sản lượng; (3) Giá nguyên vật liệu giảm trung bình ~3% trong khi giá đơn hàng hầu như không đổi; (4) INN cơ cấu lại hệ thống quản lý tại APP Hưng Yên giúp tiết giảm chi phí

Năm 2016, kết quả kinh doanh của INN có thể chững lại do (1) áp lực giảm giá do cạnh tranh và phải chuyển lợi thế giá nguyên liệu thấp (năm 2015) cho khách hàng, (2) 2 nhà máy hiện tại đã hoạt động hết công suất, nhà máy mới đang xây dựng.

Ước tính doanh thu 2016 đạt 823 tỷ đồng, tăng 7,9%, lợi nhuận sau thuế 65,4 tỷ đồng, tăng 10,8%. Với giá đóng cửa 47.900 đồng, INN đang được giao dịch với PE forward 8,3 lần.

Về dài hạn, với đóng góp từ nhà máy mới và việc hết khấu hao từ nhà máy cũ, doanh thu và lợi nhuận có nhiều động lực tăng trưởng. Giá trị hợp lý theo phương pháp chiết khấu dòng tiền và so sánh tương đối của INN là 55.750 đồng/cổ phiếu, cao hơn 16,4% so với giá hiện tại (47.900 đồng/cp). Vì vậy, VCBS khuyến nghị mua đối với INN cho mục tiêu dài hạn.

CLC: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK Vietcombank (VCBS)

Kết quả kinh doanh năm 2015 của CTCP Cát Lợi (mã CLC) tăng trưởng đột biến với 1.763 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 19,7% và 101,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 42,5%, với động lực từ giảm giá nguyên vật liệu đầu vào và việc gia tăng sản lượng của các nhà máy thuốc lá nửa cuối năm 2015.

Công ty đặt kế hoạch kinh doanh năm 2016 với 1.695 tỷ đồng doanh thu, giảm 3,86%; lợi nhuận trước thuế 80 tỷ đồng, giảm 20,79%. Tương đương với mức tỷ suất lợi nhuận trước thuế là 4,72% (trong khi năm 2015 là 6,87%).

Chúng tôi điều chỉnh lại dự phóng 2016 dựa trên một số cơ sở:

(1) Kế hoạch trên được xây dựng trên giả định VND/USD tăng 5%, trong khi quý I/2016 tỷ giá được duy trì tương đối ổn định và dự báo chỉ tăng khoảng 3,5% cho 2016.

(2) Giá nguyên liệu đầu vào được dự báo duy trì ở mức thấp, do giá dầu chưa có động lực phục hồi trong ngắn hạn.

(3) Quý I/2016, Công ty ước đạt 420 tỷ đồng doanh thu và 33 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành 24,85% kế hoạch doanh thu và 41,25% kế hoạch lợi nhuận trước thuế (Công ty đã khá thận trọng khi lên kế hoạch kinh doanh quý I do nhiều đơn hàng đã tập trung vào nửa cuối 2015).

(4) Từ năm 2016, công ty sẽ chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp 20% thay vì mức ưu đãi 15%, theo đó chi phí thuế doanh ước tính tăng

(5) Theo lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc là, tăng 5% từ 1/1/2016 và tiếp tục tăng 5% từ 1/1/2019, sản lượng nửa cuối năm 2016 nhiều khả năng sẽ không tăng trưởng mạnh tương tự năm 2015.

Do đó, chúng tôi dự phóng doanh thu năm 2016 ước đạt 1.707 tỷ đồng, giảm 3,45% và 98,16 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 3,44%. EPS forward ước đạt 7.491 đồng/cổ phần, tại mức giá 59.500 đồng ngày 15.4.2016, P/E ước đạt 7,9 lần – tương đương với các doanh nghiệp trong ngành. Do đó chúng tôi khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu CLC.

NT2: Khuyến nghị mua vào

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS0

CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2 – HSX) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2016. Sản lượng điện sản xuất trong quý đạt 1.335 triệu kWh, tăng nhẹ 2,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, doanh thu giảm 21,1% theo năm, đạt 1.387 tỷ đồng, hoàn thành 23,1% kế hoạch năm, do giá bán trung bình giảm 23% còn 1.039 đồng/kWh do giá khí đầu vào thấp. Điều này giúp công ty tiết giảm chi phí đầu vào, gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường điện, và giúp biên lợi nhuận gộp tăng lên 33,5%.

Do đồng EUR tăng giá gần 3% trong khi USD trượt giá chỉ 1% so với VND, khiến NT2 chịu khoản lỗ tỷ giá 58,6 tỷ đồng. Trong khi cùng kỳ năm ngoái công ty ghi nhận khoản lãi 314,3 tỷ đồng do EUR mất giá gần 12% so với VND. Ngoại trừ ảnh hưởng của tỷ giá, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh tăng 32% theo năm, đạt 45 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm 36,7% theo năm còn 318,6 tỷ đồng, hoàn thành 43,8% kế hoạch năm.

Tại thời điểm cuối quý, tổng dư nợ của NT2 đạt 4.860 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với đầu năm. Tiền và tương đương tiền đạt 1.182 tỷ đồng, tăng 63,3% so với đầu năm do tiền gửi ngắn hạn tăng 66%.

Chúng tôi duy trì khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu NT2 với giá mục tiêu 36.500 đồng/cổ phiếu do kết quả quý I/2016 phản ánh đúng kỳ vọng của chúng tôi với hoạt động sản xuất mạnh. Giá mục tiêu hiện tại được điều chỉnh thấp hơn mức mục tiêu 38.100 đồng/cổ phiếu chúng tôi đưa ra trước đó trong báo cáo quý 2/2016 vào ngày 15/4/2016, sau khi đợt phát hành cổ tức 4% bằng cổ phiếu làm tăng số lượng cổ phiếu lưu hành.

TTF: P/E cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp cùng ngành

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Kết quả kinh doanh 2015 của CTCP Gỗ Trường Thành (mã TTF) có sự chuyển biến tích cực sau quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ. Tổng doanh thu đạt 2.735 tỷ đồng, tăng trưởng 88% so với cùng kỳ; trong đó doanh thu bán sản phẩm tăng gấp 2 lần và doanh thu từ các hợp đồng thi công công trình tăng 23%. Lợi nhuận trước thuế của TTF đạt 94 tỷ đồng, tăng trưởng 10,6%.

TTF phát hành riêng lẻ 69,7 triệu cổ phiếu để chuyển đổi nợ vay thành vốn chủ sở hữu. Trong đó 42,5 triệu cổ phiếu giá 14.200 đồng/cp và 27,2 triệu cổ phiếu giá 22,000 đồng/cp sẽ được phát hành cho Tân Liên Phát, đây doanh nghiệp sở hữu 100% bởi Vingroup. Tổng số tiền dự kiến thu được và cấn trừ vào nợ vay dự kiến là 1.201,9 tỷ đồng.

Như vậy sau giao dịch trên, cùng với việc chuyển nhượng 79 triệu cổ phiếu của 12 cá nhân khác cho Tân Liên Phát, doanh nghiệp này sẽ nắm giữ quyền chi phối với 69% sở hữu tại TTF. Dự kiến việc phát hành sẽ diễn ra vào giữa tháng 5/2016 và số lượng cổ phiếu phát hành thêm sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm.

Chúng tôi kỳ vọng việc Vingroup trở thành cổ đông chiến lược sẽ mang lại khối lượng đơn hàng lớn và tăng trưởng ổn định cho TTF để phục vụ cho các dự án bất động sản trong nước của Vingroup.

Bên cạnh đó, Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng cao về mặt lợi nhuận trong năm 2016. với chỉ tiêu tổng doanh thu đạt 2.797 tỷ đồng, tương đương với năm 2015 và lợi nhuận sau thuế đạt 323 tỷ đồng, tăng trưởng 58%.

Quý I/2016, TTF ước doanh thu ước đạt 604,2 tỷ đồng, hoàn thành 21,6% kế hoạch và lợi nhuận sau thuế ước đạt 57,9 tỷ đồng, hoàn thành 18% kế hoạch. Biên lợi nhuận gộp ước đạt 23,2% và đang bám rất sát với kỳ vọng.

TTF đang có sự chuyển mình mạnh mẽ sau khi tái cơ cấu thành công và dần lấy lại vị thế và hình ảnh của một trong những công ty sản xuất đồ gỗ hàng đầu Việt Nam. Việc Vingroup trở thành cổ đông nắm quyền chi phối mang ý nghĩa chiến lược và có thể mở ra một giai đoạn phát triển mới của TTF. Tuy nhiên, BVSC cũng muốn nhấn mạnh rằng TTF đang được giao dịch ở mức P/E cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp cùng ngành nghề và rủi ro pha loãng cho các nhà đầu tư ở mức giá hiện tại là rất đáng kể.

Tin bài liên quan