Cổ phiếu cần quan tâm ngày 22/2

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 22/2

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 22/2 của các công ty chứng khoán.

FPT: Khuyến nghị mua với giá mục tiêu 50.000 đồng/Cp

CTCK BIDV (BSC)

CTCP FPT (FPT – sàn HOSE) cho biết, năm 2015, doanh thu thuần đạt 40.002 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước; lợi nhuận trước thuế đạt 2.851 tỷ đồng, tăng 16%; lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 1.933 tỷ đồng, tăng 18% và EPS 2015 đạt 4.369 đồng, tăng 17% và hoàn thành 100% kế hoạch năm.

Lợi nhuận tăng trưởng trên hai chữ số của FPT được đóng góp chủ yếu bởi kết quả kinh doanh đột biến trong tháng 12 (khi lợi nhuận sau thuế 11 tháng đầu năm 2015 chỉ tăng 7% cùng kỳ). Chúng tôi cho rằng tăng trưởng đến từ cả 4 khối kinh doanh nhưng lớn nhất đến từ khối Công nghệ với tỷ trọng đóng góp lợi nhuận trước thuế cho toàn Tập đoàn tăng từ 29,77% (trong 11 tháng năm 2015) lên thành 32,48% (cả năm 2015).

Xu hướng hiện tại của FPT là xu hướng tăng. FPT đã break khỏi ngưỡng kháng cự quan trọng 47.6 với khối lượng lớn. Đà tăng nhiều khả năng sẽ tiếp tục được duy trì do chỉ báo MACD đang chuẩn bị cắt lên đường 0 để xác nhận xu hướng. Trạng thái kĩ thuật của FPT vẫn tích cực trừ khi cổ phiếu này giảm trở lại xuống dưới ngưỡng kháng cự 47,6.

Vì vậy, chúng tôi vẫn duy trì quan điểm Mua trung và dài hạn cổ phiếu FPT với giá mục tiêu 56.186 đồng như trong báo cáo Triển vọng Ngành 2016.

BIC: PE giao dịch ở mức 11,6 lần

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

Vào tháng 9/2015, Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC – sàn HOSE) đã xin phép UBCKNN giảm room ngoại về 21,5% để phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, sau khi đã phát hành thành công hơn 41 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược Fairfax Asia Limited, BIC đã đề nghị và nhận được sự chấp thuận của UBCK để nâng lại room khối ngoại lên 49%, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 19/2. Đây là động lực tăng giá cho cổ phiếu BIC trong hai phiên cuối tuần qua.

Hiện tại, Fairfax Asia Limited nắm giữ 35% cổ phần của BIC, dư địa 14% cho nhà đầu tư nước ngoài. BIDV vẫn là cổ đông lớn nhất nắm giữ 51%. Do vậy, việc BIC có được nới room lên 100% cho nhà đầu tư nước ngoài hay không phụ thuộc vào quyết định của ngân hàng mẹ.

BIC hiện là một điểm sáng trong ngành bảo hiểm với lợi nhuận riêng quý IV tăng gấp hơn hai lần so với cùng kỳ. BIC đạt hơn 1.000 tỷ đồng doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tăng 33% và 126 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế năm 2015, tăng 18% so với cùng kỳ, vượt kế hoạch cả năm.

Chúng tôi cho rằng với năng lực tài chính của BIC và việc hở room cho nhà đầu tư nước ngoài, cổ phiếu BIC có tiềm năng tăng giá tốt trong thời gian tới. Đóng cửa phiên 19/2, BIC đứng ở mức 18.000 đồng, tăng 6,51%, giao dịch tại P/E là 11,67 lần và P/B là 1,55 lần.

MBB: Sẽ tiếp tục tăng giá trong những phiên tới

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

Kết thúc năm 2015, Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB – sàn HOSE) cho biết, tổng cho vay khách hàng đạt 121.349 tỷ đồng, tăng 20,7% so với cùng kỳ. Cho vay dài hạn tăng mạnh 81% so với cùng kỳ, đạt 33.758 tỷ đồng, chiếm 28% tổng dư nợ cho vay.  

Khác với các ngân hàng khác, MBB tăng cường các hoạt động liên ngân hàng với tổng số dư tiền, vàng gửi tại các TCTD khác lên đến 17.784 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2015. Mặt khác, MBB co hẹp dần các hoạt động đầu tư trái phiếu và tín phiếu chính phủ khi các khoản đầu tư này giảm 23% so với cùng kỳ, xuống còn 40.804 tỷ đồng từ ngưỡng 53.110 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế năm 2015 của MBB đạt 3.221 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.512 tỷ đông, gần như không thay đổi so với năm 2014.

Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng đứng ở mức 1,61%, thấp hơn so với tỷ lệ của năm trước ở mức 2,73% và thấp hơn so với tỷ lệ trung bình toàn ngành là 2,72% tính đến hết 30/11/2015.

Gần đây, MBB được phép điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ 10% lên 20% tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Trước đó, MBB đã khóa 20% tổng số cổ phiếu đang lưu hành cho nhà cổ đông chiến lược. Tuy nhiên, kế hoạch này của ngân hàng vẫn chưa thành công, khiến ngân hàng cân nhắc thay đổi chiến lược. Chúng tôi cho rằng kế hoạch này hỗ trợ một ngân hàng trong nước thoái vốn tại MBB theo yêu cầu của NHNN về giới hạn tỷ lệ sở hữu chéo là 5%.

Hiện tại, MBB hở room 160 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài và số cổ phiếu này sẽ được bán thông qua giao dịch thỏa thuận và khớp lệnh trên sàn. Chúng tôi cho rằng đây sẽ là động lực tăng giá tốt cho MBB trong những phiên tới.

HVG: PE giao dịch tại mức 11,1 lần

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

CTCP Hùng Vương (HVG) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý IV/2015 cũng là quý I của niên độ tài chính 2016 (niên độ tài chính 2016 từ 1/10/2015 đến 30/9/2016). Theo đó, doanh thu thuần hợp nhất đạt 5.584 tỷ đồng, tăng 35,7% so với cùng kỳ và hoàn thành 23,3% chỉ tiêu kế hoạch niên độ tài chính 2016 của ban quản trị.

Lợi nhuận trước thuế trong quý IV/2015 đạt 68 tỷ đồng so với khoản lỗ 46 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước, và hoàn thành 13,7% kế hoạch niên độ tài chính 2016 của công ty. Lợi nhuận ròng của HVG trong kỳ được ghi nhận ở mức 40 tỷ đồng so với khoản lỗ 53 tỷ đồng vào quý IV/2014.

Đóng cửa phiên 19/2, HVG tăng trần lên mức 10.700 đồng/cổ phiếu, đang giao dịch tại P/E trượt là 11,1 lần và P/B là 0,7 lần.

Tin bài liên quan