Cổ phiếu cần quan tâm ngày 22/10

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 22/10 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 22/10

API: Khuyến nghị mua vào

CTCK APEC (APS)

Chúng tôi định giá mỗi cổ phiếu của API trị giá 32,654 đồng. Giá hiện tại là 13,300 đồng, do đó chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư dài hạn mua cổ phiếu của API với tầm nhìn đầu tư 2 năm.

Về ngắn hạn, nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã ổn định hơn nhờ vào những nỗ lực và chính sách của Chính phủ. Thị trường chứng khoán đang hồi phục nhanh chóng và chúng tôi kỳ vọng ngành bất động sản sẽ phát triển nhanh hơn thị trường trong thời gian tới.

* Điểm nổi bật:

API có chiến lược đầu tư bất động sản hợp lý với nhiều dự án tiềm năng. Công ty hiện đang sở hữu hơn 600ha đất sạch ở những vị trí đắc địa. Chiến lược của Công ty là tập trung phát triển phân khúc đất công nghiệp và khu đô thị để cung cấp cơ sở hạ tầng, nhà máy cũng như nhà ở, đáp ứng nhu cầu thực của các công ty nước ngoài và tầng lớp trung lưu trong nước. API đang áp dụng mô hình của Ecopark, dự án bất động sản thành công nhất ở Việt Nam, để phát triển các dự án của riêng mình. Trong năm 2014 và 2015, API sẽ cố gắng để hoàn thành 3 dự án có lợi nhuận cao: khu đô thị Greenlife tại Huế, khu đô thị Túc Duyên tại Thái Nguyên và khu công nghiệp Đa Hội tại Bắc Ninh.

API có tình hình tài chính an toàn và ổn định. Công ty không dựa vào vốn vay ngân hàng do đó đã tạo ra cơ cấu tài chính vững chắc bất chấp rất nhiều khó khăn trong lĩnh vực bất động sản thời gian qua. Đầu năm 2014, tổng số nợ của API là 9.5 tỷ đồng tương đương với chỉ 2% tổng tài sản. Điều này tạo ra lợi thế cho API bởi sự linh hoạt trong việc huy động các nguồn vốn tài trợ cho các dự án trong tương lai.

Triển vọng của API gắn liền với sự phục hồi của thị trường bất động sản. Các công ty trong lĩnh vực này đã phải trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn trong những năm gần đây. Tuy nhiên, trong năm 2014, ngành bất động sản đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, tạo ra nhiều cơ hội cho các công ty bất động sản như API. Do đó, triển vọng của Công ty là khá tốt, dựa trên sự phục hồi của nền kinh tế và thị trường bất động sản Việt Nam.

* Điểm hạn chế:

Thị trường bất động sản vẫn chưa quay trở lại đỉnh phát triển: hàng tồn kho vẫn ở mức cao, đặc biệt là ở phân khúc giá trung bình và cao. API phải đối mặt với sựcạnh tranh của các công ty trong cùng phân khúc, đặc biệt là trong phân khúc giá thấp.

>> Tải báo cáo

HAG: Triển vọng trong dài hạn

CTCK MaritimeBank (MSBS)

Kết quả kinh doanh quý III/2014: Doanh thu thuần đạt 777 tỷ, lợi nhuận sau thuế riêng quý III đạt 972 tỷ đồng, gấp rưỡi lợi nhuận của cả 6 tháng đầu năm. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2014, HAG đạt 2.400 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng trưởng 19% so với cùng kỳ; trong khi đó lợi nhuận sau thuế của cổ đông mẹ đạt 1.585 tỷ đồng, tăng trưởng 162% so với cùng kỳ và vượt 13% kế hoạch cả năm. Động lực chính mang lại tăng trưởng doanh thu thuần 20% đến từ lĩnh vực mía đường, bắp và xây dựng, cụ thể:

- Doanh thu từ mía đường tăng trưởng 50% so với cùng kỳ. Mía đường đã trở thành lĩnh vực đóng góp doanh thu thuần lớn nhất cho HAG, chiếm 40% tổng doanh thu thuần từ đầu năm.

- Doanh thu từ bắp đóng góp hơn 200 tỷ (8.3% doanh thu thuần), hoạt động này mới phát sinh doanh thu từ năm 2014. HAG đã thu được thành quả từ việc chuyển hướng sang giống cây ngắn ngày, có tỷ suất lợi nhuận gộp cao (63%).

- Doanh thu xây dựng tăng trưởng 67%, đóng góp 20.7% doanh thu thuần.

- Doanh thu từ mủ cao su, căn hộ đều giảm nhẹ so với cùng kỳ.

Lĩnh vực khoáng sản, thủy điện đã được HAG thoái vốn mạnh nên chỉ còn chiếm tỷ trọng doanh thu thuần rất nhỏ. Tuy nhiên, động lực chính mang lại tăng trưởng lợi nhuận đột biến trong quý III đến từ hoạt động tài chính, cụ thể HAG đã ghi nhận lợi nhuận từ việc bán cổ phần tại công ty con:

- Giảm tỷ lệ sở hữu tại HAGL Land: Chúng tôi đã cập nhật tại Báo cáo ngày 07/10/2014. Ước tính HAG đã ghi nhận khoảng 365 tỷ doanh thu tài chính từ việc này trong quý III. Phần còn lại sẽ được ghi nhận trong quý IV.

- Giảm tỷ lệ sở hữu tại CTCP Hoàng Anh Đăk Bia, Công ty TNHH Hoàng Anh Gia Lai Myanmar và Công ty TNHH Hoàng Anh Gia Lai –Bangkok.

- Tổng cộng HAG đã ghi nhận 925 tỷ đồng doanh thu tài chính (trong đó 756 tỷ từ bán cổ phần), gấp 3 lần cùng kỳ, khiến cho lợi nhuận sau thuế quý III có sự tăng trưởng đột biến.

Triển vọng quý IV và dài hạn: Nhiều cơ hội tăng trưởng

- Mía đường: Triển vọng doanh thu tiếp tục tăng trưởng từ việc mở rộng diện tích trồng từ 8.000ha hiện nay lên 10.000ha. Với việc trồng tập trung, áp dụng công nghệ hiện đại, HAG có năng suất trồng mía cao hơn và giá vốn thấp hơn hẳn so với tại Việt Nam.

- Bắp: Sau giai đoạn trồng thí điểm trên 5.000ha đã t hành công, dự kiến doanh thu từ bắp có thể tăng lên 400 tỷ/năm từ việc tăng số vụ thu hoạch lên 2-3 vụ/năm, mặc dù công ty cho biết có thể sẽ không tăng diện tích trồng.

- Động lực tăng trưởng doanh thu thuần từ 2015 lớn: HAG sẽ có thêm doanh thu từ việc dự án Myanmar Center đi vào hoạt động từ cuối quý I/2015, hơn 17.000 ha cọ dầu bắt đầu được thu hoạch từ tháng 2/2015, và 200.000 con bò thịt.

- Cao su: Duy trì diện tích trồng 44.500ha, giãn bớt tiến độ cạo mủ để dưỡng cây. Nhờ giá vốn đầu tư thấp, HAG vẫn có lãi từ hoạt động này mặc dù giá cao su đã giảm rất mạnh. Hiện nay, giá cao su đang tạo đáy và sẽ đem lại động lực tăng trưởng dài hạn cho HAG khi bước vào chu kỳ tăng giá trở lại.

- Quý IV/2014, kết quả kinh doanh sẽ tiếp tục ghi nhận đột biến. Dự kiến HAG sẽ hạch toán nốt hơn 1.600 tỷ doanh thu tài chính từ việc giảm tỷ lệ sở hữu tại HAGL Land. Tại giá 24.900đ, định giá P/E và P/B tương ứng là 10.5 và 1.35 lần.

>> Tải báo cáo

CVT: Lợi nhuận năm dự phóng đạt 42 tỷ đồng

CTCK MB (MBS)

CVT công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2014 khả quan. Theo đó, doanh thu thuần đạt mức 167.9 tỷ, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt mức 12.89 tỷ tăng mạnh so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, CVT đạt 33.6 tỷ lợi nhuận sau thuế, tăng hơn gấp 3 lần cùng kỳ.

CVT đạt được kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2014 nhờ nhà máy gạch ốp lát CMC2 mới đi vào hoạt động hiệu quả. Nhà máy gạch ốp lát CMC1 của Công ty sẽ khấu hao hết vào cuối năm nay.

Hiện tại, tổng công suất của hai nhà máy là hơn 10 triệu m2 gạch/năm. Nhà máy CMC2 đã chuyển sang sản xuất sản phẩm gạch granite có giá bán cao hơn qua đó cải thiện mạnh biên lợi nhuận của toàn Công ty. Tình hình tiêu thụ sản phẩm của CVT nhiều khả năng sẽ tiếp tục khả quan trong năm nay và năm sau nhờ chất lượng sản phẩm tốt và giá bán cạnh tranh.

Công ty đã lên kế hoạch đầu tư thêm một dây chuyền sản xuất gạch Granite có công suất 5 triệu m2/năm với tổng nguồn vốn đầu tư ước tính là 300 tỷ. Công ty sẽ tăng vốn bằng cách phát hành cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:1 để huy động vốn cho dự án này.

Chúng tôi dự phóng lợi nhuận sau thuế của CVT nhiều khả năng sẽ đạt mức 42 tỷ VNĐ trong năm 2014. EPS năm 2014 đạt mức 5250 VNĐ/cp.

BMP: PE 2014 giao dịch ở mức 8 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Theo cuộc họp hằng quý của BMP, HĐQT đã báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh 9 tháng đầu năm 2014. Theo đó, doanh thu 9 tháng đầu năm 2014 đạt 1.764 tỷ và lợi nhuận sau thuế đạt 299 tỷ. Mức tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái của doanh thu chủ yếu do BMP ký kết được thêm 1 số hợp đồng mới với sản lượng tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 40.074 tấn và tương đương 80% kế hoạch năm.

Qua trao đổi, chúng tôi được biết những hợp đồng mới chủ yếu là cung cấp sản phẩm cho các dự án thuộc ngân sách Nhà nước nên tỷ suất lợi nhuận rất thấp.

Do đó, lợi nhuận gộp tăng trưởng thấp hơn doanh thu. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển cũng đã tăng mạnh kể từ tháng 4 do ảnh hưởng của quy định mới về tải trọng. Tỷ lệ chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiêp/doanh thu cũng tăng do BMP phải trích lập dự phòng cho các khoản nợ khó đòi ước khoảng 12 tỷ trong 9 tháng đầu năm 2014, trong đó khoảng 10 tỷ là của Nhựa Đức Thành.

Trước áp lực chi phí hoạt động gia tăng, lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2014 tăng thấp hơn doanh thu ở mức 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, BMP đã hoàn thành 79% doanh thu và 76% lợi nhuận sau thuế so với kế hoạch năm. HĐQT cũng cho biết sẽ chi trả cổ tức đợt 1/2014 với tỷ lệ chi trả 10% trong tháng 12/2014

Do tình hình bất động sản chưa cải thiện nhiều và các dự án trúng thầu của BMP năm nay mang lại biên lợi nhuận thấp, chúng tôi ước tính doanh thu 2014 khoảng 2.472 tỷ, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên do chi phí kinh doanh tăng nên lợi nhuận trước thuế ước giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương đạt 485 tỷ. Mặc dù chưa có đột phá trong 2014 nhưng chúng tôi vẫn đánh giá cao BMP nhờ lợi thế thương hiệu cũng như ban lãnh đạo có tầm nhìn. EPS 2014 dự phóng đạt 8.318 đồng/cp; PE 2014 giao dịch ở mức 8 lần, thấp hơn mức trung bình lịch sử 5 năm là 10,2x.

Ngày 01/10/2014, BMP đã động thổ dự án nhà máy thứ 4 tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc 2, tỉnh Long An với tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 – 1.200 tỷ đồng. Trong giai đoạn 1, công ty sẽ xây dựng 10.000 m2 nhà xưởng, dự kiến khánh thành và đi vào hoạt động vào đầu quý III/2015. Vốn đầu tư giai đoạn 1 là 160 tỷ đồng bằng nguồn vốn chủ sở hữu (Quỹ đầu tư và phát triển). BMP cho biết tiến độ giải ngân cho các giai đoạn sau sẽ trải đều qua các năm và kì vọng năm 2018, toàn nhà máy sẽ đi vào hoạt động. Với công suất thiết kế 180.000 tấn/năm, tổng công suất của BMP sẽ nâng lên gấp ba lần hiện nay và đáp ứng được nhu cầu ống nhựa xây dựng tăng trở lại khi thị trường bất động sản khởi sắc.

SHP: P/E kỳ vọng 9,1x

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

CTCP Thuỷ điện Miền Nam (SHP) đã ghi nhận tăng trưởng vượt bậc trong quý 3/2014 vừa qua với doanh thu 219,7 tỷ và lợi nhuận sau thuế 101,7 tỷ, tăng lần lượt 291,8% so với cùng kỳ năm ngoái và 202,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế 9 tháng 2014, doanh thu tăng 214,6% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 419,7 tỷ nhờ đưa vào hoạt động nhà máy thuỷ điện Đa M’bri có công suất 75MW (tỉnh Lâm Đồng) từ đầu năm 2014.

Sản lượng điện sản xuất 9 tháng 2014 đạt 468,8 triệu kWh, tăng 158% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó riêng nhà máy mới Đa M’bri đóng góp 57% tổng sản lượng.

Ngoài ra, giá bán điện bình quân của nhà máy Đa M’bri cao hơn giá bán của hai nhà máy khác thuộc SHP là nhà máy Đa Siat (công suất 13,5MW) và nhà máy Đa Dâng 2 (công suất 34MW), giúp đẩy biên lợi nhuận gộp của SHP tăng từ 57,5% trong 9 tháng 2013 lên 63,4% trong 9 tháng 2014. Việc vận hành thêm nhà máy mới cũng không làm chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lên nhiều, do đó biên lợi nhuận hoạt động tăng lên 59,5% so với 50,8% trong cùng kỳ, theo đó lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh tăng 236,6% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 249,7 tỷ.

Lợi nhuận ròng đạt 162,3 tỷ, tăng cao 125,1% so với cùng kỳ năm ngoái tuy nhiên thấp hơn so với tăng trưởng doanh thu do khi nhà máy Đa M’bri đi vào hoạt động thì lãi vay liên quan không còn được vốn hoá như trong giai đoạn đầu tư xây dựng mà được hạch toán vào chi phí tài chính.

Do đó, chi phí lãi vay trong 9 tháng đầu năm 2014 là 88,5 tỷ, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ. Đến cuối quý III/2014, SHP còn dư nợ vay 1.543,2 tỷ, trong đó chủ yếu là nợ vay đầu tư xây dựng nhà máy Đa M’bri. Tỷ lệ nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu cuối quý III/2014 ở mức khá cao 125,4%. Chi phí lãi vay mỗi năm ước tính khoảng hơn 100 tỷ.

 Chúng tôi kỳ vọng sản lượng cả năm 2014 có thể đạt 600 triệu kWh, vượt kế hoạch 552 triệu mà công ty đặt ra. Doanh thu 2014 ước tính đạt 540 tỷ, tăng 178% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế đạt 186 tỷ, tăng 78% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, EPS 2014 ước tính đạt khoảng 1.982 đồng/cp. Với giá đóng cửa 18.100 đồng/cp, SHP giao dịch với P/E kỳ vọng 9,1x, so với P/E trung bình ngành khoảng 10,4x.

Tin bài liên quan