Cổ phiếu cần quan tâm ngày 21/6

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 21/6

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 21/6 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu THI

CTCK MB (MBS)

Ngày 15/6 vừa qua, 48,8 triệu cổ phiếu THI của CTCP Thiết bị điện (Thibidi) được niêm yết trên sàn HSX với giá tham chiếu là 48.000 đồng/cp. Ngay sau khi niêm yết, cổ phiếu tăng kịch trần đạt 49.900 đồng/cp.

Thibidi là doanh nghiệp sản xuất các loại máy biến áp (MBA) phân phối (cấp điện áp trung bình từ 220kV trở xuống) hàng đầu tại Việt Nam. Hiện tại thị trường chính và truyền thống của Thibidi vẫn là khu vực miền Trung và miền Nam. Xét trên khía cạnh doanh thu, Thibidi đang là doanh nghiệp sản xuất MBA lớn nhất tại Việt Nam. Thibidi có 2 kênh phân phối sản phẩm chính là (1) đấu thầu cung cấp MBA trực tiếp cho các Tổng Công ty điện lực vùng và Công ty điện lực địa phương, (2) cung cấp qua hệ thống đại lý bán lẻ.

Ở thị trường thầu (đấu thầu vào các Tổng công ty điện lực vùng), Thibidi gần như không có đối thủ khi nắm giữ đến 95% thị phần ở khu vực miền trung và 80% thị phần ở khu vực miền nam. Một trong những yếu tố giúp cho doanh nghiệp có thể tạo ra rào cản cạnh tranh với các nhà sản xuất khác ở thị trường này là bởi các Tổng Công ty điện lực Miền Trung (CPC) và Miền Nam (SPC)… có sử dụng những tiêu chuẩn cao và khắt khe hơn trong việc chọn lựa máy biến áp phân phối.

Đối với thị trường bán lẻ, Thibidi cũng nắm giữ 55% thị phần nhờ hệ thống phân phối hơn 100 đại lý. Theo đánh giá, hiện tại ở khu vực miền nam chỉ có 2 doanh nghiệp cạnh tranh trực tiếp với Thibidi là Shihlin (Đài Loan) và CTCP Cơ điện Thủ Đức (EMC).

Thibidi là doanh nghiệp có biên lợi nhuận gộp cao nhất trong các doanh nghiệp sản xuất máy biến áp tại Việt Nam, lên đến gần 25% trong năm 2015. Chi phí nguyên vật liệu chiếm đến 70 – 80% trong tổng chi phí sản xuất máy biến áp, trong đó cả 3 loại nguyên liệu chính là Tôn Silic (chiếm khoảng 36% giá thành), Đồng (khoảng 40%) và Dầu biến thế (khoảng 7%) đều phải nhập từ nước ngoài.

Những năm qua, sự suy giảm của giá nguyên vật liệu, đặc biệt là đồng, đã giúp cho lợi nhuận gộp bán MBA của Thibidi liên tục được cải thiện từ mức 19% năm 2012 lên trên 25% trong năm 2014. Năm 2015, biên lợi nhuận giảm nhẹ 0,28% so với 2014 chủ yếu do đóng góp của thị phần đấu thầu (vốn có biên lợi nhuận thấp hơn) vào doanh thu tăng cao từ khoảng 30-35% lên 60%.

Mặc dù khu công nghiệp Biên Hòa 1 chưa bắt Thibidi phải di dời nhà máy, tuy nhiên chúng tôi cũng nhận thấy mặt bằng hiện tại đã rất chật chội và có thể cản trở đến kế hoạch tăng trưởng của doanh nghiệp trong những năm tới.

Trong đợt tăng vốn gần nhất, Thibidi dự kiến sẽ sử dụng 250 tỷ đồng cho việc di dời nhà máy sang khu vực 78 nghìn m2 (tăng gấp đôi diện tích) ở khu công nghiệp Long Đức. Theo trao đổi với ban lãnh đạo Thibidi, việc di dời nhà máy sẽ được thực hiện từng phần và dự kiến hoàn thành 100% vào quý 03/2018 để không ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của công ty.

Việc chính thức trở thành một công ty con trong tập đoàn Gelex có thể hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động kinh doanh của Thibidi. Từ năm 2017, các nguyên vật liệu chính cho quá trình sản xuất của Thibidi sẽ được các công ty con của Gelex cung cấp với giá cố định, nhờ đó doanh nghiệp sẽ hạn chế được phần nào rủi ro tỷ giá và rủi ro biến động giá các loại nguyên vật liệu trên thế giới. Bên cạnh đó, Thibidi cũng được Gelex hỗ trợ nhiều hơn về tài chính cũng như quản trị chiến lược…

Tiếp tục những thành công nhờ dòng sản phẩm MBA Amorphous, Thibidi đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2017 đạt 280 tỷ đồng (tăng 8% so với năm trước). Chúng tôi đánh giá kế hoạch này là tương đối thận trọng trong điều kiện thị trường và các yếu tố khác vẫn đang hỗ trợ tích cực cho hoạt động của doanh nghiệp trong năm sau.

Với việc chính thức là thành viên của tập đoàn Gelex cùng với triển vọng sáng sủa của ngành sản xuất MBA phân phối, chúng tôi đánh giá KHẢ QUAN đối với hoạt động kinh doanh của Thibidi trong những năm tiếp theo. Mặt khác, những bước đi tiếp theo của Thibidi cũng sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ định hướng của GEX trong tương lai, đây là điều các nhà đầu tư nên cân nhắc trước khi quyết định đầu tư vào doanh nghiệp này.

Khuyến nghị tích cực đối với cổ phiếu DHA

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm 2017 của CTCP Hóa An (mã DHA) rất tích cực nhờ tình hình tiêu thụ diễn biến thuận lợi ở cả ba mỏ đá, đặc biệt là mỏ Tân Cang 3. Trong quý I/2017, tổng doanh thu thuần tăng 41% so với cùng kỳ năm trước, đạt 56,3 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng 65%, đạt 14,1 tỷ đồng.

Trong kỳ, đơn giá bán của mỏ Tân Cang 3 đã điều chỉnh tăng khoảng 5%, còn hai mỏ còn lại không thay đổi. Doanh thu của mỏ Núi Gió và Tân Cang 3 tăng trưởng mạnh chủ yếu là nhờ tỷ trọng tiêu thụ đá 1x2 nhiều hơn, chất lượng đá cải thiện dần qua thời gian khai thác, qua đó đem lại lợi nhuận lớn cho công ty.

Lợi nhuận trước thuế quý II/2017 của DHA có thể rơi vào khoảng 18-20 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái (quý II/2016 đạt 17,2 tỷ lợi nhuận trước thuế). Sản lượng tiêu thụ ở mỏ Tân Cang 3 và Núi Gió tiếp tục duy trì đà tăng trưởng như trong quý trước. Bên cạnh đó, đơn giá bán cũng có sự điều chỉnh, cụ thể, đơn giá bán ở mỏ Núi Gió tăng 10% từ tháng 5 và mỏ Tân Cang 3 tăng thêm 5% từ tháng 6 (như vậy giá đá Tân Cang 3 đã tăng 10% kể từ đầu năm).

Trước đây, hiệu quả kinh doanh của mỏ Tân Cang 3 thấp là do i) tỷ lệ khai thác đá vàng, với biên lợi nhuận thấp, còn cao, ii) cạnh tranh trong khu vực gay gắt và iii) điều kiện khai thác còn khó khăn.

Tuy nhiên, công ty đã đẩy mạnh tiêu thụ hết lượng đá vàng trong quý III/2016 và chuyển sang tiêu thụ đá xanh, có biên lợi nhuận cao hơn, và công ty cũng tiết kiệm được nhiều chi phí bốc đất tầng phủ hơn so với trước đây (chiếm khoảng 7,5% tổng chi phí khai thác đá).

Chất lượng đá ở mỏ Tân Cang được đánh giá cao, có thể đáp ứng yêu cầu thi công các công trình đòi hỏi về chất lượng như đường cao tốc, quốc lộ, cầu, tòa nhà cao tầng. Và mỏ đá Tân Cang nằm ở vị trí rất thuận lợi cho việc cung cấp sản phẩm cho dự án sân bay Long Thành, cũng như là các dự án hạ tầng khác đi kèm.

Thêm vào đó, Tân Cang có tiềm năng trở thành mỏ cung cấp đá chính cho TP.HCM nhờ lợi thế địa lý khi hai cụm mỏ Tân Đông Hiệp và Núi Nhỏ dừng khai thác (có thể vào năm 2019).

BVSC dự báo lợi nhuận trước thuế 2017 của DHA đạt khoảng 61 tỷ đồng, tuy đi ngang so với năm 2016, nhưng lợi nhuận từ core tăng trưởng hơn 30% (do năm 2016 có 16 tỷ lợi nhuận bất thường từ chuyển nhượng sân công nghiệp ở mỏ Thạnh Phú 2). Lợi nhuận tăng mạnh chủ yếu là nhờ hiệu quả kinh doanh của mỏ Tân Cang 3 có sự cải thiện, và đơn giá bán ở mỏ Núi Gió và Tân Cang 3 tăng khoảng 10% so với năm trước.

Hoạt động sản xuất kinh doanh đá của DHA đã và đang vào giai đoạn tăng trưởng nhanh, đặc biệt kể từ năm 2019 khi hai cụm mỏ Tân Đông Hiệp và Núi Nhỏ đóng cửa, và sau đó là sân bay Long Thành bắt đầu xây dựng. BVSC dự báo sản lượng tiêu thụ của mỏ Tân Cang 3 sẽ tăng nhanh với tốc độ trên 20% từ năm 2019 và có thể duy trì tốc độ này trên 3 năm, đối với mỏ Thạnh Phú 2 và Núi Gió dự báo tăng trưởng khoảng 8%/năm, tương đương bình quân ngành (riêng mỏ Núi Gió đang khai thác gần chạm mức công suất tối đa tháng nên công ty cũng đang xin nâng công suất khai thác để đảm bảo tăng trưởng).

Giá cổ phiếu DHA đã sụt giảm tương đối kể từ lần cập nhật trước của chúng tôi và đang ở vùng giá hấp dẫn hơn, cùng với những tín hiệu tích cực từ hoạt động kinh doanh chính, BVSC khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu DHA với mức giá hợp lý là 40.670 đồng/cp, cao hơn 33,3% so với giá thị trường.

Xem xét mở vị thế mua CVT khi giá về dưới 45

CTCK KIS Việt Nam (KIS)

CVT của CTCP CMC đang trong xu hướng tăng trung hạn với 2 biên của kênh xu hướng, tương ứng mức 40-50. Ngoài ra, khối lượng giao dịch cũng rất tích cực, vượt trung bình 20 ngày.

Chỉ báo Bollinger band mở rộng và hai đường trung bình EMA(10) và EMA(20) đang hướng lên, hỗ trợ xu hướng tăng ngắn hạn. Chỉ báo +DI đã cắt trên –DI và gia tăng khoảng cách đi với ADX (14) đang đi ngang, cho thấy dư địa tăng của CVT vẫn còn rất lớn và xu hướng tăng đang mạnh dần lên.

RSI(14) hướng lên và chạm vùng quá mua, xác nhận cho xu hướng hiện tại. Ngoài ra, chỉ báo Chaikin, OBV và MFI(14) hướng lên và gia tăng trong những tuần gần đây, cho thấy sự tốt lên của dòng tiền.

Trong giai đoạn tháng 3/2017, chúng tôi đã ra báo cáo CVT với mục tiêu 52-53, tuy nhiên do diễn biến giá không ủng hộ nên lệnh cắt lỗ đã được đặt ra khi CVT giảm trở lại. Tuy nhiên hiện tại, khi vượt qua vùng đỉnh cũ 45, khả năng CVT sẽ hướng về mục tiêu 52-53.

Nhà đầu tư có thể xem xét mở lại vị thế mua CVT khi giá dưới 45 với mục tiêu 52-53 và giá cắt lỗ là 40, tỉ suất sinh lời kì vọng 20,8%.

Tin bài liên quan