Cổ phiếu cần quan tâm ngày 21/10

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 21/10

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 21/10 của các công ty chứng khoán.

CHP: Khuyến nghị thêm vào

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Nửa đầu năm 2015, tổng lượng nước về các hồ thủy điện miền Bắc và miền Trung tương đối tốt. Nhà máy thủy điện A Lưới nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ cũng hưởng lợi từ điều này. 6 tháng đầu năm, nhà máy đã phát lên lưới điện quốc gia 267,6 triệu kWh điện, tăng đến 55% so với cùng kỳ năm 2014.

Nhờ lợi thế nghịch mùa, trong khi các nhà máy thủy điện ở miền Nam không có được lượng nước dồi dào để phát điện vào mùa khô, CHP đã tận dụng chào giá điện hợp lý trên thị trường phát điện cạnh tranh (VCGM) để gia tăng lợi nhuận. Giá bán điện bình quân của CHP trong 6 tháng đầu năm lên đến 1.103 đồng/kWh.

Từ các tháng cuối mùa khô và các tháng mùa lũ, do chịu ảnh hưởng của hiện tương El Nino, hầu hết các hồ thủy điện đều có lượng nước về rất ít so với trung bình nhiều năm, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên có diễn biến thủy văn khô cạn nhất. Trong khi đó, điều kiện thời tiết khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục diễn ra khá thuận lợi.

Do đó, không những có sự cải thiện về sản lượng, CHP vẫn duy trì được mức giá chào bán khá cao trên VCGM. Trong quý III, CHP đạt mức sản lượng 111,5 triệu kWh (+25,7% so với cùng kỳ năm ngoái), giá bán bình quân đạt 1.029 đồng/kWh.

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2015, CHP đã phát lên lưới điện Quốc gia 379,1 triệu kWh, hoàn thành đến 65% kế hoạch sản lượng cả năm trong khi quý 4 mới là cao điểm sản xuất của nhà máy thủy điện A Lưới (sản lượng quý IV chiếm khoảng 50% tổng sản lượng điện cả năm).

Doanh thu thuần 9 tháng đầu năm có sự tăng trưởng vượt trội, đạt 432 tỷ đồng (+54,2% yoy) do CHP vẫn ghi nhận theo giá bán điện cũ ở 03 quý đầu năm 2014. Trong khi đó, chi phí sản xuất điện của CHP chủ yếu là chi phí cố định (khoảng 70% là chi phí khấu hao) nên không có sự thay đổi nhiều so với cùng kỳ (tăng 17 tỷ lên mức 173,9 tỷ). Vì vậy, phần doanh thu tăng thêm trong năm nay hầu hết được chuyển vào lợi nhuận gộp đạt 258 tỷ đồng (+108% yoy).

Ngày 27/07/2015, CHP đã ký phụ lục hợp đồng tín dụng điều chỉnh giảm lãi suất vay vốn tín dụng đầu tư của thủy điện A Lưới. Theo đó, từ ngày 01/08/2015, lãi suất đã giảm từ 9,6%/năm xuống chỉ còn 7,9%/năm. Chi phí lãi vay 9 tháng đầu năm vì thế đã giảm 17,5% xuống chỉ còn 101,4 tỷ đồng.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, CHP đạt 149 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong khi ở cùng kỳ năm trước vẫn còn lỗ 2,7 tỷ đồng.

Theo quan sát của chúng tôi tại trang thông tin các hồ chứa thủy điện của EVN, lưu lượng nước về hồ thủy điện A Lưới vẫn đang rất tốt; sản lượng điện trong 18 ngày đầu tháng 10/2015 đã đạt 58,45 triệu kWh, tương đương 68% sản lượng ở cùng kỳ. Chúng tôi dự báo mức sản lượng cao sẽ tiếp tục được duy trì bởi quý 04 hàng năm là mùa mưa ở khu vực này, cũng là giai đoạn cao điểm sản xuất điện của nhà máy thủy điện A Lưới.

Theo đó, sản lượng điện thương phẩm quý IV ước đạt khoảng 300 triệu kWh, doanh thu thuần 285 tỷ đồng (- 17,7% yoy do cùng kỳ CHP có ghi nhận khoản doanh thu hồi tố sau khi ký kết thành công hợp đồng mua bán điện).

Doanh thu thuần năm 2015 của CHP ước đạt 717 tỷ đồng (+14,5% yoy). Lợi nhuận sau thuế ước đạt 338 tỷ đồng, tương đương EPS (2015F) đạt 2.680 đồng/cp.

Khuyến nghị: Cổ phiếu CHP hiện đang giao dịch ở mức giá 20.200 đồng/cp, tương đương P/E (Forward 2015) là 7,5x, thấp hơn 13,3% so với mức P/E bình quân của các doanh nghiệp thủy điện niêm yết trên 02 sàn HOSE và HNX là 8,5x. Chúng tôi đưa ra khuyến nghị THÊM cổ phiếu CHP với giá mục tiêu 2015 là 22.800 đồng/cp.”

VIS: Kết quả kinh doanh quý IV tiếp tục cải thiện

CTCK MB (MBS)

VIS công bố kết quả kinh doanh quý III/2015 khởi sắc. Theo đó, doanh thu đạt mức 746 tỷ VNĐ, giảm 16.8% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt mức 10.8 tỷ VNĐ, tăng 182% so với cùng kỳ.

Trong 9 tháng đầu năm, giá thép xây dựng đã giảm rất mạnh và hiện tại đang giao động quanh mức 10 triệu VNĐ/tấn. Chúng tôi đánh giá đây là nguyên nhân chính khiến doanh thu của VIS giảm so với cùng kỳ.

Chi phí tài chính và chi phí bán hàng giảm mạnh đã đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh khởi sắc của VIS trong quý III. Chí phí bán hàng đạt mức 11.3 tỷ VNĐ, giảm 35% so với cùng kỳ. Chi phí tài chính đạt mức 19 tỷ VNĐ, giảm 22% so với cùng kỳ. Hàng tồn kho giảm 26% so với đầu năm, chỉ còn hơn 624 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là thành phẩm và nguyên vật liệu chiếm 94%.

Trong năm 2015, VIS đã chủ động giảm hàng tồn kho và các khoản phải thu, tăng vòng quay hoạt động qua đó khiến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh dồi dào hơn để giảm dư nợ vay. Dư nợ vay 9 tháng đã giảm mạnh so với đầu năm qua đó giúp chi phí lãi vay giảm.

Mặc dù đã có tín hiệu khả quan trong quý 3, song VIS vẫn lỗ lũy kế hơn 25 tỷ VNĐ trong 9 tháng đầu năm. Chúng tôi đánh giá, kết quả kinh doanh quý IV của VIS sẽ tiếp tục cải thiện nhờ triển vọng tiêu thụ thép xây dựng sẽ khả quan hơn trong quý IV.

NCT: PE giao dịch ở mức 7,4 lần

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vương (VPBS)

CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (NCT) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2015: doanh thu thuần đạt 189,0 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ, và lợi nhuận ròng tăng 7,2% lên mức 74,1 tỷ đồng. Với các kết quả này, NCT ghi nhận 599,3 tỷ đồng doanh thu thuần trong 9T2015, tăng 22,6% so với cùng kỳ và hoàn thành 82,0% kế hoạch năm 2015; lợi nhuận ròng đạt 254 tỷ đồng, tăng 20,3% và hoàn thành 92,9% kế hoạch năm.

NCT đạt kết quả kinh doanh khả quan trong 9T2015 chủ yếu nhờ sự tăng trưởng hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Các loại hàng hóa do NCT vận chuyển có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt mức cao trong 9T2015: thiết bị điện tử (tăng 52,8% so với cùng kỳ), điện thoại và linh kiện (tăng 34,3%), và sản phẩm may mặc (tăng 10,6%).

Trong tương lai, các hiệp định thương mại tự do FTA sẽ tăng cường dòng chảy thương mại và trở thành động lực tăng trưởng cho mảng dịch vụ chuyên chở hàng hóa bằng đường hàng không.

Hôm nay, giá cổ phiếu NCT giảm 0,7%, đóng cửa ở mức 136.000 đồng/cổ phiếu, đang giao dịch ở mức P/E là 7,4 lần và P/B là 7,8 lần.

Tin bài liên quan