Cổ phiếu cần quan tâm ngày 21/10

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 21/10 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 21/10

NT2: Khuyến nghị mua vào

CTCK FPT (FPTS)

Quy mô nhà máy lớn trong khu vực và so với các doanh nghiệp niêm yết: Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 2 là một trong những nhà máy nhiệt điện khí có quy mô lớn nhất vùngNam Bộ. So với các doanh nghiệp niêm yết trên sàn, quy mô của nhà máy này chỉ sau PPC, tổng vốn đầu tư 700 triệu USD.

Sản lượng luôn đạt cao kể từ khi đi vào hoạt động. Sản lượng điện trong 2 năm đầu phát điện luôn vượt công suất thiết kế. Trong 9 tháng đầu năm, sản lượng đã đạt trên 85% kế hoạch năm, dự kiến sản lượng năm 2014 sẽ vượt kế hoạch 4 tỷ kWh, và đạt mức xấp xỉ hai năm trước.

Dự báo kết quả kinh doanh năm 2014: Được hưởng lợi từ giảm tỷ giá đồng EUR, NT2 sẽ ghi nhận doanh thu từ hoạt động tài chính trước thuế khoảng trên 260 tỷ đồng và ước tính lợi nhuận sau thuế từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính khoảng 431 tỷ đồng. Chúng tôi ước tính lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp khoảng trên 630 tỷ, tương ứng với EPS đạt 2.500 đồng/cổ phiếu.

Áp lực trả nợ gây khó khăn cho doanh nghiệp về thanh khoản: Với khoản nợ gốc trên 9 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 3,5 lần so với vốn góp chủ sở hữu, NT2 phải chiụ trả nợ gốc khoảng trên 1,1 nghìn tỷ đồng hàng năm tương đương với gần một nửa vốn góp của doanh nghiệp. Do đó, tính thanh khoản của doanh nghiệp thấp.

Khuyến nghị: Với hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và ngày càng được cải thiện khi áp lực trả nợ gốc và lãi suất giảm sẽ tạo đà tăng trưởng về lợi nhuận cho doanh nghiệp trong dài hạn. Ngoài ra, với xu thế giảm giá đồng EUR trong 3 năm tới, sẽ giúp NT2 được hưởng lợi từ việc ghi nhận lợi nhuận chênh lệch tỷ giá trong ngắn hạn, đặc biệt là thời điểm cuối năm 2014 khi đồng EUR giảm mạnh trong nửa cuối năm nay.

Sử dụng phương pháp định giá so sánh so với các doanh nghiệp niêm yết trên sàn trong khu vực, chúng tôi ước tính mức giá hợp lý của doanh nghiệp này dao động ở mức 18.000-21.000 VND, mức giá này tương đối cao so với mức giá hiện tại trên thị trường, chúng tôi đưa ra khuyến nghị Mua đối với mã cổ phiếu cho đầu tư ngắn và trung hạn. Tuy nhiên, do đặc điểm thanh khoản của mã cổ phiếu trên sàn UPCOM nên chúng tôi lưu ý nhà đầu tư cần lưu tâm tới tính thanh khoản của cổ phiếu khi đầu tư vào mã này.

DHG: Khuyến nghị mua vào

CTCK Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

Kết quả kinh doanh của DHG trong 9 tháng đầu năm 2014 về bản chất là khá tương đồng với dự đoán của chúng tôi. Doanh thu 9 tháng đầu năm 2014 đạt 2.601 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ, hoàn thành 67% so với kế hoạch cả năm của ban điều hành và 66% so với dự phóng cả năm của chúng tôi.

Lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm 2014 đạt 516 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ, do quý 3 năm 2013 có ghi nhận 127 tỷ đồng lợi nhuận từ việc chuyển nhượng dòng sản phẩm Eugica cho Mega Lifesciences Limited (Nếu loại trừ khoản này, lợi nhuận trước thuế trong 9T2014 sẽ tăng 13% so với cùng kỳ). So với kế hoạch cả năm của ban điều hành và dự phóng của VPBS, lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm 2014 lần lượt đạt 75% và 72%.

Chúng tôi dự phóng EPS năm 2014 sẽ đạt 6.303 đồng. Chúng tôi giữ khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu này với giá mục tiêu trong 12 tháng tới là 115.000 đồng/cổ phiếu. Giá cổ phiếu DHG hôm nay không đổi và đóng cửa tại mức 91.500 đồng/cổ phiếu, đang giao dịch tại mức P/E là 14,5 lần và P/B là 3,7 lần.

>> Tải báo cáo

HRC: P/E giao dịch tại 12,6 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Hoạt động kinh doanh 9 tháng đầu năm 2014 lỗ thuần 404 triệu đồng. CTCP Cao Su Hòa Bình công bố BCTC 9 tháng đầu năm 2014 với doanh thu thuần giảm 62% so với cùng kỳ năm ngoái chỉ còn 121,9 tỷ đồng. Giá bán ước giảm khoảng 30% so với cùng kỳ 2013, hiện chỉ còn 32-33 triệu đồng/tấn. Ngoài ra, sản lượng tiêu thụ 9 tháng đầu năm 2014 ước tính giảm ở mức xấp xỉ 30% so với cùng kỳ năm.

Biên lợi nhuận gộp thu hẹp từ 4,7% trong 9 tháng đầu năm 2013 xuống chỉ còn 4,1% trong 9 tháng đầu năm 2014. Chi phí tài chính ròng 9 tháng đầu năm 2014 tăng lên mức 0.5 tỷ đồng từ mức lãi 1,4 tỷ đồng chủ yếu là do chi phí tài chính tăng 100% lên 2,6 tỷ đồng.

Mặc dù HRC đã kiểm soát tốt chi phí hoạt động 9 tháng đầu năm 2014 (Tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/Doanh thu giảm từ 4,4% trong 9 tháng đầu năm 2013 xuống còn 4,1% 9 tháng đầu năm 2014), công ty vẫn lỗ thuần 404 triệu đồng, so với mức lãi 2,1 tỷ đồng 9 tháng đầu năm 2013.

Hoạt động thanh lý giảm góp phần làm lợi nhuận sau thuế giảm 24,1% so với cùng kỳ năm. Thu nhập khác giảm 20,5% so với cùng kỳ năm xuống chỉ còn 47,2 tỷ đồng chủ yếu là do hoạt động thanh lý vườn cây cao su giảm so với cùng kỳ 2013. Lợi nhuận sau thuế giảm khoảng 24,1% so với cùng kỳ năm chỉ còn 36.6 tỷ đồng.

Giá mủ cao su thế giới vẫn trong xu hướng giảm. Mặc dù được hỗ trợ bởi thông tin các nước sản xuất chủ chốt cam kết không bán giá thấp, giá cao su trung hạn vẫn trong một xu hướng giảm. Hiện giá mủ tờ RSS3, giảm khoảng 35% so với cùng kỳ 2013 hiện chỉ còn giao dịch ở mức 1.590 USD/tấn. Giá cao su giảm là do hiện tượng dư cung trên thế giới và hiện tượng này được dự báo có thể kéo dài đến hết 2015. Cụ thể, tổ chức Nghiên cứu Cao Su Thế giới (IRSG) dự báo dư cung năm 2014 đạt 371.000 tấn, năm 2015, sẽ là 202.000 tấn.

Khó hoàn thành Kế hoạch kinh doanh 2014. Tính đến thời điểm hiện tại, HRC chỉ mới đạt 46,3% và 52,1% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2014 đã được ĐHCĐ thông qua. Với việc giá cao su vẫn tiếp tục nằm trong xu hướng giảm, chúng tôi cho rằng HRC khó có khả năng đạt được kế hoạch năm đã đề ra.

Định giá cao. HRC đang được giao dịch tại P/E 12,6 lần, cao hơn so với trung bình ngành khoảng 6,9 lần.

SBA: Lợi nhuận năm nay dự phóng khoảng 86 tỷ đồng

CTCK MB (MBS)

SBA báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 năm 2014 khả quan. Theo đó, doanh thu đạt mức 66.9 tỷ VNĐ, tăng 19.6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 25.9 tỷ VNĐ, tăng 17.7% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2014, lợi nhuận sau thuế của SBA đạt mức 41.9 tỷ VNĐ, tăng hơn 4 lần cùng kỳ.

Sản lượng điện quý 3 tăng 16% so với cùng kỳ và giá bán điện được giữ ổn định là tiền đề để SBA đạt được kết quả kinh doanh khả quan trên. Tính đến ngày 19/10/2014, SBA đã sản xuất 126.295 triệu Kwh điện trong đó nhà máy Khe Diên sản xuất 20.295 triệu Kwh và nhà máy Krong Hnang sản xuất 106 triệu Kwh.

Chi phí chủ yếu của SBA là chi phí khấu hao (khoảng trên 40 - 45 tỷ/năm) do đó dòng tiền thực tế từ hoạt động kinh doanh của Công ty thường cao hơn nhiều so với lợi nhuận danh nghĩa. Nhờ đó, SBA có thể trả cổ tức cao cho cổ đông và trả bớt nợ vay. Chi phí lãi vay của Công ty có xu hướng tiếp tục giảm nhanh qua đó hỗ trợ cho sự tăng trưởng chắc chắn của lợi nhuận trong các năm tới. Chúng tôi dự phóng SBA sẽ đạt mức lợi nhuận khoảng 86 tỷ VNĐ trong năm 2014.

Tin bài liên quan