Cổ phiếu cần quan tâm ngày 20/10

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 20/10

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 20/10 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu GMD

CTCK BIDV (BSC)

Chúng tôi dự báo doanh thu năm 2017 của CTCP Gemadept (mã GMD) đạt 3.322 tỷ (giảm 11% so với năm trước), lợi nhuận sau thuế đạt 2.691 tỷ (năm 2016 chỉ đạt 443 tỷ) tương ứng với EPS 2017 có thể đạt 8.403 đồng/cp.

Tại ngày 17/10/2017 GMD giao dịch tại mức giá 44.300 đồng/cp. Với dự đoá EPS 2017 là 8.403 đồng/cp, GMD giao dịch tại mức P/E fw là 5.27x. Mức trung bình ngành hiện tại vào khoảng 11x.

Tuy nhiên kết quả kinh doanh tăng mạnh đột biến đến chủ yếu từ việc bán tài sản, trong khi hoạt động kinh doanh cốt lõi là cảng biển và logistics được dự báo không có đột biến lớn trong thời gian tới.

Vì vậy chúng tôi cho rằng nhà đầu tư nên tiếp tục theo dõi với GMD và đưa ra khuyến nghị Nắm Giữ với GMD.

Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu DXG

CTCK Bản Việt (VCSC)

Doanh thu quý 3/2017 của CTCP Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh (DXG) tăng mạnh 241% so với quý 3/2016 đạt 797 tỷ đồng, chủ yếu được dẫn dắt bởi doanh thu dịch vụ môi giới cao hơn (tăng 227% do đóng góp tốt từ dịch vụ đầu tư thứ cấp) và ghi nhận doanh thu từ hoạt động phát triển dự án bất động sản (tăng 412% so với mức thấp trong quý III2016). Lợi nhuận sau thuế trừ lợi ích cổ đông thiểu số trong quý III/2017 đạt 257 tỷ đồng so với khoản lỗ ròng 5 tỷ đồng trong cùng kỳ 2016.

Tương ứng, doanh thu thuần 9 tháng 2017 đạt 1,65 nghìn tỷ đồng (tăng 27% so với 9 tháng 2016) và lợi nhuận sau thuế trừ lợi ích cổ đông thiểu số cải thiện đạt 460 tỷ đồng (tăng 219% so với 9 tháng 2016).

Kết quả phù hợp phần lớn với dự báo 2017 của chúng tôi và chúng tôi tin rằng công ty khả thi đạt được ước tính lợi nhuận sau thuế trừ lợi ích cổ đông thiểu số cả năm 2017 là 717 tỷ đồng (+34% so với 2016), chủ yếu do đợt bàn giao đầu tiên của dự án Opal Riverside trong quý 4 (đã bán 100%).

Chúng tôi đánh giá tích cực của các dự án DXG mở bán sắp tới và nhiều khả năng điều chỉnh tăng giá mục tiêu từ mức hiện tại là 22.900 đồng/CP (tổng mức sinh lời 11%) trong báo cáo cập nhật sắp tới. Theo giá đóng cửa hôm nay, định giá của DXG là hấp dẫn với P/E dự phóng 2018 là 7 lần và P/B 1,2 lần.

Giá mục tiêu của cổ phiếu KDC là 32.200 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Doanh thu 9 tháng đầu năm CTCP Tập đoàn Kido (KDC) đạt 5.100 tỷ đồng, tăng mạnh 251% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ hợp nhất CTCP Dầu Thực vật Tường An (TAC) and Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (VOC). Trong đó, tính riêng Quý 3, doanh thu đạt 2.100 tỷ đồng, tăng 359% so với cùng kỳ năm ngoái. TAC bắt đầu được hợp nhất vào KDC vào cuối năm 2016, trong khi VOC bắt đầu được hợp nhất từ tháng 06/2017.

Lợi nhuận sau thuế trừ lợi ích cổ đông thiểu số 9 tháng đầu năm 2017 đạt 489 tỷ đồng, giảm 52% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế trước lợi ích cổ đông thiểu số quý III/2017 là 82 tỷ đồng, giảm 91% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận quý III/2017 và 9 tháng đầu năm 2017 giảm do lợi nhuận bất thường giảm. Trong 9 tháng đầu năm 2016, KDC thu về 1.200 tỷ đồng thu nhập tài chính nhờ đợt thanh toán cuối của Mondelez đối với việc mua lại mảng bánh kẹo.

Trong khi đó, trong 6 tháng đầu năm 2017, KDC ghi nhận 428 tỷ đồng lợi nhuận bất thường từ (1) 240 tỷ đồng lãi nhờ định giá lại 24% cổ phần tại VOC, vốn KDC đã mua trước khi tăng cổ phần tại VOC lên 51% vào tháng 06/2017 và (2) 188 tỷ đồng thu nhập từ đợt thanh toán cuối của Mondelez cho KDC và (3) hoàn nhập dự phòng một số chi phí liên quan đến đợt thoái vốn lĩnh vực bánh kẹo.

So với dự báo của chúng tôi cho doanh thu cả năm 2017 là 7.100 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế trước lợi ích cổ đông thiểu số là 610 tỷ đồng, kết quả 9 tháng đầu năm tỏ ra thấp hơn so với kỳ vọng của chúng tôi.

Chúng tôi hiện đưa ra giá mục tiêu 32.200VND/cổ phiếu dành cho KDC, tổng mức sinh lời - 11,5%, bao gồm lợi suất cổ tức 4,2%.

 

Khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu VNM

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Về cơ bản doanh nghiệp, BVSC đánh giá cao cổ phiếu của CTCP Sữa Việt Nam (mã VNM) với vai trò là một thương hiệu quốc gia, một viên ngọc sáng trong các doanh nghiệp niêm yết và là cổ phiếu tốt nhất trong nhóm ngành hàng tiêu dùng.

Cụ thể, VNM dẫn đầu ngành với lợi thế về quy mô, hiệu quả sản xuất và phân phối mà không đối thủ nào có được;

Bên cạnh đó, quản trị minh bạch và ban lãnh đạo có kinh nghiệm lâu năm trong ngành. Doanh nghiệp rất linh động trong nghiên cứu cải tiến và đưa ra sản phẩm mới, liên tục đổi mới để phát triển thị phần;

Cơ cấu dân số trẻ và tiêu thụ sữa đầu người còn thấp so với khu vực. Chúng tôi đưa ra giá mục tiêu 164.000 đồng/cp đối với VNM và khuyến nghị NEUTRAL, tuy nhiên nhà đầu tư hoàn toàn có thể mua vào VNM cho mục tiêu đầu tư dài hạn ở vùng giá hấp dẫn hơn trong trường hợp giá cổ phiếu có sự điều chỉnh.

Về cuộc đấu giá, những thay đổi mới và quy chế có vẻ đã nới lỏng hơn là một điểm rất tích cực sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Chúng tôi cho rằng toàn bộ khối lượng chào bán lần này sẽ được bán thành công và đánh giá đây là cơ hội tốt để nhóm cổ đông F&N tiếp tục tăng sở hữu tại VNM.

Tin bài liên quan