Cổ phiếu cần quan tâm ngày 20/10

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 20/10

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 20/10 của các công ty chứng khoán.

NTP: Khuyến nghị trung lập

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Về các yếu tố cơ bản, chúng tôi đánh giá cao BMP hơn NTP. Năm 2015 là năm rất thuận lợi đối với các doanh nghiệp sản xuất ống nhựa, khi nhu cầu thị trường tăng trưởng mạnh, giá bán có khả năng giữ nguyên trong khi giá nguyên liệu nhựa giảm mạnh theo giá dầu thế giới, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ống nhựa đạt mức tăng trưởng đột biến về doanh thu và lợi nhuận. Tuy nhiên, theo dự báo của chúng tôi, trong khi BMP có thể đạt mức tăng trưởng 42% về lợi nhuận trong năm 2015 thì NTP có thể chỉ tăng trưởng khiêm tốn ở mức 7%.

Nguyên nhân chính là do tỷ lệ chiết khấu cho các đại lý của NTP cũng tăng lên tương ứng làm giảm đi lợi thế về giá nguyên liệu đầu vào giảm. Trong 6 tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ 2014, trong khi BMP có mức tăng chi phí bán hàng (+15%) tương ứng với mức tăng trưởng của doanh thu thuần (+16%) thì NTP tăng đến 43% về chi phí bán hàng trong khi doanh thu thuần cũng chỉ tăng 17%, chủ yếu do công ty tăng chiết khấu cho các đại lý bán hàng, khiến lợi nhuận chỉ tăng trưởng 7,3%, thấp hơn nhiều so với BMP 43%.

Cơ cấu sở hữu của 2 doanh nghiệp này cũng thể hiện phần nào cách đánh giá của nhà đầu tư về hiệu quả hoạt động của NTP và BMP, khi BMP hiện đã kín room khối ngoại (49%) trong khi nhà đầu tư nước ngoài mới chỉ giữ 30,68% cổ phần của NTP.

Tuy nhiên trong ngắn hạn, NTP đang được giao dịch với P/E thấp hơn 16% so với BMP. Với giá đóng cửa ngày 15/10/2015, NTP đang được giao dịch với P/E dự báo 2015 ở mức 8,6 lần, thấp hơn khoảng 16% so với P/E dự báo 2015 của BMP. Trong quá khứ, P/E trailing của 2 doanh nghiệp này tương đối sát nhau do đó nhiều khả năng giá cổ phiếu NTP sẽ tăng trong thời gian tới để tương đồng về định giá P/E với BMP.

SCIC hiện đang nắm giữ 37,1% cổ phần của NTP. Dự kiến trong thời gian tới, SCIC sẽ tiến hành thoái vốn tại công ty này. Việc chuyển đổi cơ cấu sở hữu có thể sẽ giúp NTP vận hành hiệu quả hơn với chính sách bán hàng hợp lý hơn so với hiện tại. Tuy nhiên đây sẽ là câu chuyện tương đối dài kỳ và trong ngắn hạn, chúng tôi cho rằng yếu tố giúp NTP tăng giá chủ yếu là tương quan so sánh P/E 2015 giữa NTP và BMP.

>> Tải báo cáo

ITD: Sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm

CTCK MB (MBS)

ITD hiện nhận được sự tin tưởng của rất nhiều các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực giao thông thông minh để xây dựng và tham gia tư vấn cho các tuyến đường cao tốc của VN hiện nay.

Từ năm 2015, ITD không phải trích lập dự phòng trả nợ cho công ty con QEC. Doanh thu của công ty trong giai đoan 2012-2014 luôn duy trì ở mức 400-500 tỷ đồng. Nhưng lợi nhuận của Công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong (ITD) lại giảm đáng kể so với năm 2011. Lợi nhuận của ITD trong năm 2011 (lợi nhuận sau thuế 45,5 tỷ, EPS = 3900 đồng/cp) , trong các năm tiếp theo công ty phải trích lập dự phòng trả nợ cho công ty QEC hơn 79 tỷ khiến lợi nhuận giảm mạnh.

Việc sáp nhập thành công GLT làm cho nguồn vốn của công ty cao hơn trong thời gian tới. GLT có được lợi thế tài sản về máy móc và công nghệ, nay đã khấu hao hết nhưng vẫn còn giá trị tương đối tốt. Bên canh đó, GLT đang có khoản tiền và tương đương tiền khoảng 40 tỷ đồng, tỉ lệ nợ vay thấp chiếm 12% cơ cấu nguồn vốn.

Trong năm nay ITD kí được nhiều hợp đồng lớn như lắp đặt hệ thống thu phí và biển báo giao thông điện tử cho dự án xây dựng đường cao tốc Bắc Nam(Thành phố HCM-Dầu Giây) với tổng giá trị 219 tỷ đồng, trúng gói thầu EX13 hơn 760 tỷ đồng thuộc dự án cao tốc Hà Nội-Hải Phòng.

Chúng tôi lạc quan về khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2015 của ITD, dự kiến doanh thu năm 2015 có thể đạt hơn 540 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 30 tỷ đồng. Điểm tựa cho dự kiến lạc quan này là phần doanh thu và lợi nhuận được hoạch toán từ những hợp đồng lớn được kí kết trong năm cũng như việc không phải trích lập dự phòng trả nợ cho công ty con. Tính trên phần vốn điều lệ mới là 153 tỷ đồng thì mức EPS dự kiến đạt 2000 đồng/cổ phiếu.

Hiện tại, ITD đang giao dịch với mức PE là 11, PE trung bình ngành là 10, với dự phóng khả năng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cao, PE mục tiêu giữ nguyên là 11, định giá theo phương pháp so sánh, giá hợp lí của ITD rơi vào khoảng 22.000 đồng/ cổ phiếu, cao hơn 36% so với giá hiện tại 16.200 đồng/cp ngày 15/10/2015.

FMC: Khuyến nghị mua vào

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) đã công bố KQKD 9 tháng đầu năm 2015, không khác nhiều so với KQ ước tính của công ty. Mặc dù sản lượng tôm thành phẩm tăng 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái (8.921 tấn) nhưng doanh thu giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 2.096 tỷ (97,8 triệu USD) do giá bán tôm trung bình giảm khoảng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá tôm nguyên liệu giảm mạnh trong khi các đơn hàng xuất khẩu đã ký còn duy trì ở mức giá tốt, nên biên lợi nhuận gộp trung bình tăng 3 ppt và đạt 9%.

Lợi nhuận gộp đạt 191 tỷ, tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù các chi phí có tăng như tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu tăng 1 ppt lên 4,5% và lỗ ròng tài chính tăng mạnh 6,2x (do chênh lệch tỷ giá) nhưng tăng không đáng kể so với mức tăng của lợi nhuận gộp. Theo đó, lợi nhuận từ HĐKD đạt 73,6 tỷ, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thêm vào đó, FMC ghi nhận lãi ròng khác khoảng 10,2 tỷ, tăng 7,7x so với cùng kỳ năm ngoái, từ việc bồi thường thiệt hại cho lô hàng kém phẩm chất (được cung cấp bởi bên thứ 3) xuất khẩu trong 2014 và bị trả lại trong 2015.

Đồng thời, FMC được hưởng ưu đãi thuế TNDN trung bình khoảng 8% kể từ kỳ tính thuế 2015 (theo thông tư số 96/2015/TT-BTC về việc áp dụng thuế suất ưu đãi cho DN hoạt động từ chế biến thủy sản ở địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn), giảm so với mức thuế 22% cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2015 đạt 72 tỷ, tăng 82% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngày 30/10 tới đây là ngày chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức đợt 2/2015 tỷ lệ 35%. Thời gian thanh toán dự kiến vào 20/11/2015. Lợi suất cổ tức 2015 khoảng 14%. Chúng tôi ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế 2015 của FMC lần lượt đạt 2.813 tỷ, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái và 96,6 tỷ, tăng 69% so với cùng kỳ năm ngoái. EPS 2015 khoảng 4.830 đồng/cp, tương đương PE 2015 là 6 lần thấp hơn trung bình ngành khoảng 8 lần. Tiếp tục khuyến nghị MUA với FMC.

DHC: Khuyến nghị mua vào

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

CTCP Đông Hải Bến Tre đã công bố KQKD 9 tháng đầu năm 2015 với kết quả tương đương dự báo của chúng tôi. Theo đó, doanh thu và lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2015 đạt khoảng 467 tỷ và 49,5 tỷ, lần lượt tăng 20% và 48% so với cùng kỳ năm ngoái với biên lợi nhuận ròng ở mức 10,5%, tăng 1,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Mức tăng của biên lợi nhuận ròng nhờ các chi phí được kiểm soát tốt, bao gồm (i) biên lợi nhuận gộp tăng 0,6 ppt, (ii) tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu giảm 1 ppt và (iii) lỗ ròng tài chính giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ chi phí lãi vay giảm.

Xin nhắc lại, ngày 22/10/2015 tới đây là ngày chốt quyền nhận tạm ứng cổ tức 2015 với tỷ lệ 10% bằng tiền mặt, tương ứng lợi suất cổ tức là 4%. Mặc dù DHC chưa có quyết định về tổng mức cổ tức 2015 nhưng với dự báo 2015 khả quan, doanh thu và lợi nhuận sau thuế cả năm ước đạt 687 tỷ và 65,5 tỷ, tăng lần lượt 26% và 52% so với cùng kỳ năm ngoái, chúng tôi kỳ vọng cổ tức 2015 của DHC sẽ ở khoảng 18- 20%, tương ứng với cổ tức 2014.

Thông thường DHC có xu hướng chi trả cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu. Nhiều khả năng phần cổ tức còn lại là cổ phiếu. EPS 2015 ước đạt 3.800 đồng/cp và PE 2015 ở mức 6,9 lần, thấp hơn mức 8 lần trung bình ngành. Tiếp tục duy trì khuyến nghị MUA.

SKG: PE giao dịch ở mức 10,2 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

CTCP Công ty Cổ phần Tàu cao tốc Superdong – Kiên Giang (SKG) hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách và hàng hóa ven biển bằng tàu cao tốc Superdong theo 2 tuyến Rạch Giá - Phú Quốc và Hà Tiên – Phú Quốc và ngược lại. Công ty hiện đang khai thác 8 tàu Superdong và đang đầu tư thêm 2 tàu khác (đưa vào khai thác trong quý IV/2015 và quý I/2016) nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng lên tại các tuyến mà công ty đang khai thác.

Doanh thu 9 tháng đầu năm 2015 tăng 37,9% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng khách du lịch. SKG vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2015 với doanh thu thuần đạt 236,4 tỷ đồng, tăng 37,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu của SKG tăng trưởng ấn tượng một phần do hưởng lợi từ việc số lượt khách đến Phú Quốc tăng trưởng ấn tượng. Theo thống kê, số lượt khách đến Phú Quốc 9 tháng đầu năm 2015 tăng 84,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 1,3 triệu lượt.

Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2015 tăng 72,7% so với cùng kỳ đạt 137 tỷ đồng. Ngoài nguyên nhân chính là doanh thu tăng thì lợi nhuận sau thuế tăng trưởng ấn tượng là do chi phí nhiên liệu – chiếm hơn 50% cơ cấu giá vốn hàng bán – giảm 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái làm cho biên lãi gộp 9 tháng đầu năm 2015 của SKG đạt 58% mở rộng từ 46,3% trong 9 tháng đầu năm 2014.

Tiềm năng tăng trưởng tốt nhờ mở rộng đội tàu. Công ty đang đầu tư mua thêm 2 tàu nữa là Superdong IX và Superdong X với sức chứa 275 khách/tàu với tổng vốn đầu tư là gần 1,5 triệu USD/tàu. Dự kiến 2 tàu Superdong IX và Superdong X sẽ được đưa vào hoạt động vào quý IV/2015 và quý I/2016. Chúng tôi đánh giá đây sẽ là chất xúc tác cho tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của SKG kể từ quý IV/2015 do Phú Quốc đang trên đà trở thành địa điểm hấp dẫn du khách.

Với báo cáo kết quả 9 tháng đầu năm 2015, SKG lần lượt hoàn thành 99% kế hoạch doanh thu và vượt kế hoạch 11% đối với lợi nhuận sau thuế năm 2015. Chúng tôi đánh giá cao khả năng SKG tiếp tục đạt KQKD tốt trong quý IV/2015, do công ty sẽ đưa vào khai thác tàu Superdong IX trong quý IV/2015. Ngoài ra, giá dầu vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục qua đó giúp công ty tiết kiệm chi phí nhiên liệu đầu vào và theo như chúng tôi chi phí nhiên liệu sẽ tiếp tục giảm trong quí cuối năm 2015.

Tỷ suất sinh lợi ROE và ROA của SKG khá cao lần lượt đứng ở mức 40,1% và 37% trong khi hiện tại công ty hầu như không sử dụng vốn vay. Định giá: SKG đang được giao dịch tại P/E lũy kế là 10,2 lần.

VSC: PE xấp xỉ trung bình ngành, ở mức 10 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Hoạt động xuất nhập khẩu cả nước trong 9 tháng đầu năm 2015 sôi động với kim ngạch hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu ước tăng 9,6% và 15,9% so với cùng kỳ, đạt lần lượt 120,7 và 124,5 tỷ USD. Hải Phòng là một trong những nhóm cảng chính, thông thường chiếm hơn 30% tổng sản lượng hàng hoá thông qua cảng cả nước. Ngoài ra, do các thay đổi trong chính sách tạm nhập tái xuất của Trung Quốc trong năm nay, giúp lượng hàng lưu container lạnh tăng đột biến, ước khoảng 90 tỷ trong 9 tháng đầu năm 2015, cùng kỳ doanh thu từ mảng này là không đáng kể. Nhờ các thuận lợi này, kết quả kinh doanh của VSC nhìn chung vẫn tiếp tục tích cực trong 9 tháng đầu năm 2015, với doanh thu kỳ vọng tăng trưởng khoảng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 699 tỷ đồng.

Mảng container lạnh cũng là mảng kinh doanh có biên lợi nhuận gộp cao, khoảng 50%. Do tỷ lệ đóng góp doanh thu từ mảng này trong 9 tháng đầu năm 2015 cao, ước gần 13%, chúng tôi kỳ vọng biên lợi nhuận gộp chung của VSC trong 9 tháng đầu năm 2015 sẽ đạt khoảng 39%, so với mức gần 33% của 9 tháng đầu năm 2014. Theo đó, lợi nhuận sau thuế ước tăng khoảng 22% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 197 tỷ đồng.

So với kế hoạch thận trọng của VSC cho năm 2015 là 800 tỷ đồng (-10,2% so với cùng kỳ năm ngoái) và 191 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (-23% so với cùng kỳ năm ngoái), ước 9 tháng đầu năm 2015, VSC đã hoàn thành hơn 87% kế hoạch doanh thu và vượt 3% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Cổ phiếu VSC đang giao dịch ở mức PE 2015 khoảng 10 lần, xấp xỉ mức bình quân ngành. Triển vọng ngành nhìn chung là tích cực nhờ kỳ vọng hưởng lợi gián tiếp từ TPP cũng như các hiệp định thương mại khác trong thời gian tới.

Trong khi đó, VSC là một trong số ít các công ty cảng đang mở rộng công suất hoạt động. Dự kiến giai đoạn 1 của dự án cảng mới (VIP Green Port) dự kiến đi vào hoạt động trong tháng 11/2015, giúp tăng khoảng 50% công suất. Giá cổ phiếu này đã tăng gần 66%, tính từ đầu năm đến nay.

REE: Khuyến nghị mua vào

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

* Nhận định của MBKE:

REE chuyển từ trạng thái giảm mạnh trong tháng 8 sang di chuyển trong vùng tích lũy suốt thời gian qua.  

Cải thiện của đường giá rất rõ nét và mạnh mẽ trong ba phiên gần đây. Đặc biệt phiên hôm nay đánh dấu đường giá hình thành một nến vượt hoàn toàn khỏi vùng tích lũy.  

Nến hôm nay cũng đồng thời tạo ra vùng đỉnh cao mới và vượt hẳn lên trên MA trung hạn.  

Tất cả những điều này giúp xác nhận REE đã đảo chiều xu hướng thành công, xu hướng cổ phiếu này quay lại trạng thái tăng.  

Thanh khoản trong ba phiên qua cũng liên tục nằm trên mức trung bình 50 ngày, cho thấy dòng tiền trong trạng thái mở rộng.  

Chỉ báo kỹ thuật tích cực. MACD lần đầu tiên sau hơn 4 tháng đã thành công quay lại bên trên đường 0 để cho tín hiệu ủng hộ mạnh cho xu hướng tăng của giá.

* Chiến lược đầu tư  NĐT có thể mua vào REE quanh giá 26.5; Mục tiêu đầu tiên tại: 29.8 (+12,5%); Dừng lỗ tại: 25.3 (-4,5%).

VNM: Khuyến nghị mua vào

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

* Nhận định của MBKE

VNM kể từ sau thông tin SCIC thoái vốn đang cho thấy sự phản ứng tích cực hơn đáng kể.  

Đường giá có 3/4 phiên tăng trong thời gian vừa qua. Phiên tăng mạnh hôm nay giúp VNM thành công tạo lập đỉnh cao mới trong lịch sử của mình.  

Xu hướng tăng trong cả ngắn và trung hạn của VNM vì vậy một lần nữa được xác nhận.  

Thanh khoản liên tiếp tăng mạnh trong những ngày qua đặc biệt trong những phiên giá tăng, cho thấy bên mua đang rất chủ động. Dòng tiền cũng ở trạng thái mở rộng đối với VNM.  

Chỉ báo kỹ thuật tích cực. MACD bật tăng mạnh, kịp thời không cắt xuống đường tín hiệu để báo hiệu điều chỉnh. Các chỉ báo còn lại đa phần cho cái nhìn lạc quan.

* Chiến lược đầu tư:

NĐT có thể mua vào VNM quanh giá 110; Mục tiêu đầu tiên tại: 126 (+14,5%); Dừng lỗ tại: 104 (-6,3%).

PTB: Khuyến nghị mua vào

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

* Nhận định của MBKE:  

PTB chuyển mình từ trạng thái tích lũy sang di chuyển theo xu hướng tăng từ đầu tháng 10, khi đường bứt phá thành công khu vực kháng cự 53.0.  

Gần như không có sự điều chỉnh đáng kể nào sau đó, và tốc độ tăng của giá vẫn duy trì ở mức cao.  

Một vài phiên gần đây PTB có sự “chững lại” trong đà tăng nhưng phiên tăng mạnh hôm nay một lần nữa cho thấy xu hướng tăng của cổ phiếu này hoàn toàn không thay đổi.  

Thanh khoản rất dồi dào và luôn duy trì trên mức trung bình 50 ngày kể từ khi xu hướng tăng được tạo lập. Dòng tiền đang tập trung mạnh vào PTB và điều này đến hiện tại chưa có gì thay đổi.

Chỉ báo kỹ thuật tích cực. MACD đã tăng trở lại và không cắt xuống bên dưới đường tín hiệu, cho thấy PTB sẽ khó có pha điều chỉnh lớn trong hiện tại. Các chỉ báo khác đa phần trong vùng tích cực.

* Chiến lược đầu tư:  NĐT có thể mua vào PTB quanh giá 61.0; Mục tiêu đầu tiên tại 72.0 (+18,0%); Dừng lỗ tại: 55.5 (-9,0%).

PNJ: Khuyến nghị mua vào

CTCK FPT (FPTS)

Qua trao đổi với phía CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ – HOSE), mục đích ban đầu của việc phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu ngoài việc bổ sung vốn lưu động cho mùa kinh doanh cao điểm còn là để tái cấu trúc lại khoản vay nợ ngắn hạn của ngân hàng ACB: vay 210 tỷ vào cuối quý I/2015, đảm bảo bằng 30 triệu cổ phiếu DAB (đáo hạn ngày 20/6/2015); vay 122 tỷ vào cuối quý II/2015, đảm bảo bằng 30 triệu cổ phiếu DAB và bổ sung thêm bằng BĐS tại đường Thủ Khoa Huân, Q.1, Tp.HCM (đáo hạn vào ngày 20/08/2015).

Thống kê trong 2 năm gần đây, tất cả các khoản vay ngắn hạn ngân hàng ACB của PNJ đều được đảm bảo bằng 30 triệu cổ phiếu DAB mà PNJ đang sở hữu. Tuy nhiên, sự kiện Ngân hàng Nhà nước can thiệp vào hoạt động của DAB để tái cấu trúc ngân hàng này trong thời gian gần đây và đình chỉ mọi giao dịch cổ phiếu DAB trên thị trường khiến lượng cổ phiếu DAB mà PNJ dùng làm tài sản đảm bảo không còn an toàn.

Do đó, việc tái cấu trúc khoản vay được đảm bảo bằng cổ phiếu DAB bằng một nguồn tài sản đảm bảo khác là điều tất yếu trong thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, phương án phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu sẽ gây ra tình trạng pha loãng tỷ lệ sở hữu của các cổ đông không mua cổ phiếu phát hành thêm và sẽ làm giảm tỷ suất cổ tức thực nhận của các cổ đông này. Ngoài ra, chúng tôi cho rằng cổ đông lớn thứ 2 tại PNJ là Mekong Capital (thông qua quỹ Vietnam Azalea Fund Limited sở hữu 5.05% vốn cổ phần) cũng sẽ không đồng tình với phương án này khi họ đang trong quá trình thoái vốn khỏi PNJ (quỹ này sẽ đóng vào năm 2016, được gia hạn đến năm 2017) nên sẽ không mua cổ phiếu phát hành thêm và không mong muốn bị giảm tỷ lệ sở hữu.

Do đó, sau khi cân nhắc các phương án, HĐQT PNJ quyết định chuyển sang phương án phát hành trái phiếu nhằm mục đích vừa duy trì lợi ích hiện tại của các cổ đông, vừa đạt được mục tiêu huy động thêm tiền để phục vụ kế hoạch cấu trúc nợ vay ngắn hạn và mở rộng hoạt động kinh doanh.

Chúng tôi vẫn giữ mức khuyến nghị MUA cổ phiếu PNJ trong dài hạn. Trong ngắn hạn, giá mục tiêu cuối năm của PNJ sẽ ứng với 2 trường hợp sau:  Trích lập 131 tỷ cho khoản đầu tư vào DAB, giá mục tiêu là 40,600 đồng/cp, cao hơn 29% so với thị giá hiện tại. Khuyến nghị: MUA; Trích lập 395 tỷ cho khoản đầu tư vào DAB (NHNN mua lại 0 đồng, khả năng này khá thấp), giá mục tiêu là 37,400 đồng, cao hơn 19% so với thị giá hiện tại. Khuyến nghị: MUA.

Tin bài liên quan