Cổ phiếu cần quan tâm ngày 19/12

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 19/12 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 19/12

MWG: Phân đấu là DN niêm yết đạt doanh thu 1 tỷ USD

CTCK Rồng Việt (VDSC)

Tại buổi họp định kỳ hàng tháng của CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG – HSX), ban lãnh đạo Công ty đã chia sẻ kết quả hoạt động trong 11 tháng qua cũng như kế hoạch của Công ty trong năm tới.

Doanh thu tháng 11 của MWG đạt 1620 tỷ, tăng 6,3% so với tháng 10. Tính chung cả 11 tháng, doanh thu MWG đã đạt 14.063 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kì năm trước. Lợi nhuận sau thuế tháng 11 đạt 66 tỷ, nâng tổng lợi nhuận 11 tháng lên 609 tỷ, hoàn thành 140% kế hoạch năm. Trong đó, chuỗi thegioididong.com vẫn là mảng đóng góp lớn nhất cho doanh thu của MWG với khoảng 82% (trong đó doanh thu từ điện thoại thông minh chiếm 85%).

Doanh số của MWG đang được ủng hộ bởi xu hướng chuyển sang sử dụng dòng điện thoại thông minh của người tiêu dùng. Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường TNS, tỷ lệ thâm nhập điện thoại thông minh hiện tại của Việt Nam là khoảng  36%, và con số này được dự báo sẽ tiếp tục mở rộng lên 50% trong năm 2015. Dù chưa kết thúc năm nhưng có thể nói năm 2014 là năm khá thành công với MWG khi mô hình hiệu quả hoạt động theo quy mô tiếp tục mang lại cho MWG kết quả kinh doanh ấn tượng.

Sang năm 2015, Công ty tiếp tục tập trung xây dựng các dịch vụ chăm sóc khách hàng và khuyến mãi để đảm bảo các khách hàng hiện tại của công ty được hưởng các dịch vụ tốt nhất và không chuyển sang chuỗi cửa hàng khác của đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, Công ty tiếp tục đẩy mạnh mở rộng các siêu thị điện máy và thế giới di động để gia tăng thị phần tại khác khu vực còn tiềm năng, đặc biệt là thị trường  tỉnh.

Hình thức kinh doanh online (hiện đang chiếm tỷ trong khá nhỏ trong cơ cấu doanh thu) cũng sẽ được Công ty chú trọng phát triển hơn thông qua việc rút ngắn thời gian giao hàng cùng với chính sách chăm sóc khách hàng tận tình. Công ty cho biết số lượng siêu thị tối thiểu sẽ mở trong năm 2015 là 120 siêu thị, trong đó có khoảng 12 siêu thị điện máy. 

Các siêu thị này sẽ được MWG tập trung mở nhiều vào các tháng đầu năm 2015 để đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao trong các dịp lễ tết.

Bên cạnh đó, Công ty cũng đang xem xét khả năng sẽ mở nhanh chuỗi kinh doanh điện máy thông qua việc mua bán sáp nhập. Với các chương trình hành động trong năm 2015, ban lãnh đạo MWG đang hướng đến mục tiêu đạt được mốc thị phần 40% trong tháng 12/2015, so với mức ước tính hiện tại khoảng 30% về mảng thegioididong.

Cùng với đó, MWG cũng đang phấn đấu ghi tên mình vào danh sách các doanh nghiệp niêm yết đạt mốc doanh thu 1 tỷ USD, tương ứng khoảng 23.590 tỷ đồng (tăng 49,5% so với năm nay). Kế hoạch trên của MWG là hoàn toàn có thể đạt được do thị trường Việt Nam vẫn còn dư địa tăng trưởng.

MWG: PE cao hơn trung bình ngành, ở mức 16 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

MWG công bố kết quả kinh doanh 11 tháng năm 2014 hết sức khả quan khi cả doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, đạt 14.063 tỷ đồng và 609 tỷ đồng, lần lượt tăng 70% và 2,8x so với cùng kỳ năm ngoái.

Chúng tôi giữ nguyên dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế 2014 của MWG lần lượt đạt 15.338 tỷ, tăng 37% năm ngoái và 663 tỷ đồng, tăng 160% so với năm ngoái. Ngoài ra, MWG cũng đã lên kế hoạch kinh doanh cho 2015 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 23.590 tỷ đồng và 886 tỷ đồng, tương ứng tăng 81% và 104% so với kế hoạch 2014.

Ban điều hành MWG đặt kế hoạch như trên dựa trên tham vọng nâng thị phần lên 40% (hiện nay là 28%) thông qua việc gia tăng độ phủ của các cửa hàng ĐTDĐ và điện máy với khoảng 120 cửa hàng mới, tăng 34% so với năm ngoái. EPS 2014 ước khoảng 6.215 đồng/cp, tương đương PE 2014 là 16 lần, cao hơn trung bình ngành trong khu vực khoảng 12x.

PVD: Khuyến nghị mua vào

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

HĐQT thông qua phương án mua cổ phiếu quỹ. PVD vừa công bố nghị quyết HĐQT thông qua phương án mua 2 triệu cổ phiếu quỹ trong thời gian sắp tới tới. PVD chưa công bố giá mua dự kiến và thời gian cụ thể thực hiện việc mua cổ phiếu quỹ.

Việc mua cổ phiếu quỹ của PVD chủ yếu nhằm mục đích bình ổn giá thị trường khi cố phiếu của công ty đã rơi hơn 46% kể từ giữa tháng 9 đến nay theo đà rơi của các cổ phiếu thuộc nhóm ngành năng lượng trên toàn cầu do lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực của giá dầu. Chúng tôi cho rằng, việc mua cổ phiếu quỹ sẽ là một hỗ trợ đáng lưu ý đối với giá cổ phiếu của PVD ít nhất là trong ngắn hạn.

Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 9 tháng đầu năm 2014 tăng 37,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, PVD đã công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2014 khá sát với ước tính của chúng tôi (xem báo cáo). Doanh thu hợp nhất 9 tháng đầu năm 2014 tăng 48,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 15.489 tỷ đồng.

Tất cả các 5 giàn khoan khoan của PVD đã có hợp đồng cho thuê ổn định với giá cho thuê bình quân tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 9 tháng đầu năm 2014 tăng 37,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn đạt 1.923 tỷ đồng (ước tính 1.920 tỷ đồng). Với kết quả trên, PVD đã vượt hơn 13% kế hoạch doanh thu và 16,5% kế hoạch lợi nhuận năm 2014.

Hoạt động cho thuê giàn khoan của PVD ít chịu ảnh hưởng bởi giá dầu ít nhất là đến hết 2015. Nguyên nhân chủ yếu là do các giàn khoan do PVD sở hữu đã có hợp đồng thuê ổn định hết 2015. PVD vừa ký hợp đồng gia hạn cho thuê giàn khoan PVD I, II với các nhà thầu Cửu Long JOC và Lam Sơn JOC lần lượt đến tháng 8 2016 và hết 2015. Trong khi đó, giàn PVD III có hợp đồng thuê dài hạn và thường được tái ký hàng năm. Ngoài ra, giàn khoan đất liền (PVD 11) và giàn TAD (PVD V) lần lượt có hợp đồng thuê hết 2015 và 2016.

Giàn khoan tự nâng - PVD VI đang được đóng đúng tiến độ. PVD dự kiến giàn PVD VI sẽ đi vào hoạt động vào tháng 3/2015 và sẽ là chất xúc tác chính cho tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của công ty trong 2015.

Chúng tôi dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 2014 ước đạt khoảng 19.716 tỷ đồng và 2.421 tỷ đồng, lần lượt tăng khoảng 32,6% và 28,6% so với năm ngoái.

Khuyến nghị. Hiện PVD đang được giao dịch tại P/E 2014 là 7,3 lần khá hấp dẫn so với quá khứ, gần khu vực -2 độ lệch chuẩn. Chúng tôi duy trì khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu PVD.

IMP: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Duy trì đà tăng từ tháng 9/2014, doanh thu của IMP tiếp tục tăng trưởng khá tốt trong tháng 10 và 11/2014 với các mức tăng lần lượt là 18,8% và 20,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết thúc 11T/2014, IMP đạt 764,1 tỷ doanh thu thuần, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái, cải thiện đáng kể so với mức giảm 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái hồi 6 tháng đầu năm 2014.

Lợi nhuận trước thuế 11 tháng năm 2014 tăng mạnh hơn doanh thu, tới 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 107,2 tỷ đồng. Không có số liệu tài chính cụ thể, tuy nhiên, theo chúng tôi, ngoài nguyên nhân chính là thuế suất thuế TNDN 2014 thấp hơn cùng kỳ thì khả năng biên lợi nhuận gộp của IMP có cải thiện.

Như vậy, kết thúc 11 tháng năm 2014, IMP đã hoàn thành được 76,4% và 89,3% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế 2014. Chúng tôi vẫn cho rằng kế hoạch 1.000 tỷ đồng doanh thu cho 2014 là một thử thách đối với IMP. Do vậy, chúng tôi duy trì dự báo doanh thu và lợi nhuận trước thuế 2014 của IMP lần lượt là 951 tỷ đồng (thấp hơn 5% so với kế hoạch của công ty) và 119 tỷ đồng (so với 120 tỷ như kế hoạch).

Trong tháng 11/2014 vừa qua, IMP đã hoàn tất đợt phát hành hơn 1,25 triệu cổ phiếu ESOP. Công ty đang triển khai kế hoạch phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược tỷ lệ 10% vốn điều lệ (trước khi chia thưởng và phát hành ESOP), giá phát hành dự kiến không thấp hơn 30.000 đồng/cp. Mức giá cụ thể sẽ do HĐQT xem xét quyết định dựa trên giá thị trường bình quân 10 phiên liên tiếp trước ngày phát hành và tỷ lệ chiết khấu không quá 20%. Vẫn chưa có thông tin cụ thể về đối tác chiến lược, nhưng IMP đang đẩy mạnh thị trường OTC nên theo chúng tôi khả năng đây sẽ là một công ty chuyên phân phối dược phẩm trong nước có hệ thống phân phối mạnh.

Nếu đợt phát hành chiến lược này thành công, vốn điều lệ của IMP sẽ tăng từ 263 ở hiện tại lên 289,4 tỷ đồng. Tỷ lệ pha loãng tính chung sau các đợt phát hành khoảng 6,6%. Theo đó, room nước ngoài sẽ tăng thêm khoảng 1,9 triệu cp (hiện cp IMP hầu như đã kín room nước ngoài).

Cổ phiếu IMP đang giao dịch ở mức PE 2014 khoảng 12,5 lần, so với mức gần 12 lần bình quân ngành. Tuy nhiên, PB của IMP chỉ ở mức 1,3 lần, thấp hơn mức bình quân ngành là hơn 2 lần. Duy trì khuyến nghị Nắm giữ.

FPT: Mảng công nghệ tăng trưởng mạnh

CTCK FPT (FPTS)

FPT công bố kết quả kinh doanh 11 tháng năm 2014. Theo đó, doanh thu đạt mức 30,857 tỷ VNĐ, tăng 24% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt mức 2,269 tỷ VNĐ, tăng 1% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ tăng 7% so với cùng kỳ, đạt 1.487 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu đạt 4.323 đồng, tăng 7% so với cùng kỳ.

Mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng của FPT đến từ các mảng kinh doanh chính yếu là lĩnh vực Xuất khẩu phần mềm (tăng trưởng 37%), Dịch vụ Viễn thông (tăng 19%), Phân phối (tăng 22%) và Bán lẻ (tăng 80%) so với cùng kỳ.

Doanh thu lĩnh vực bán lẻ tăng 80% so với cùng kỳ nhờ Công ty chính thức phân phối hai sản phẩm iPhone 6 và iPhone 6 Plus từ ngày 14/11/2014. Riêng trong tháng 11 doanh thu phân phối IPhone của FPT tăng lên mức 655 tỷ VNĐ.

Mặc dù doanh thu tăng trưởng ấn tượng song tăng trưởng lợi nhuận của FPT khá khiêm tốn. Nguyên nhân chính là do chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng khá mạnh. Trong 9 tháng đầu năm 2014, chi phí bán hàng tăng 28% so với cùng kỳ; chi phí quản lý tăng 30% so với cùng kỳ.

Chúng tôi nhận thấy FPT đang đầu tư nguồn lực lớn cho mảng sản xuất, phân phối và bán lẻ sản phẩm công nghệ. Mảng này đang tăng trưởng rất mạnh trong các quý gần đây và hiện chiếm 65.4% tổng doanh thu và chiếm 23.4% tổng lợi nhuận trước thuế.

Tin bài liên quan