Cổ phiếu cần quan tâm ngày 1/9

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 1/9

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 1/9 của các công ty chứng khoán.

FPT: Khuyến nghị tăng tỷ trọng

CTCK KIS Việt Nam (KIS)

CTCP FPT (mã FPT) cho biết, mảng viễn thông tiếp tục duy trì tăng trưởng mạnh nhờ chiến dịch quang hóa và kinh tế trong nước tăng tốc. Lợi nhuận viễn thông sẽ cải thiện do chi phí khấu hao sẽ giảm dần.

Bên cạnh đó, mảng gia công phần mềm sẽ có mức tăng trưởng mạnh ấn tượng trong các năm tới, đặc biệt nhờ thị trường Nhật Bản.

Lợi nhuận lớn từ việc thoái vốn ở mảng phân phối và bán lẻ có thể diễn ra trong năm nay. Cchúng tôi ước tính giá trị phần vốn của 2 mảng này tương ứng vào khoảng 4.5-5 nghìn tỷ đồng và 3-3.5 nghìn tỷ đồng.

Vì vậy, chúng tôi định giá cổ phiếu FPT ở mức 46.200 đồng tại thời điểm cuối 2016 dựa trên phương pháp so sánh. Với tổng mức sinh lợi theo năm là 19%, khuyến nghị TĂNG TỶ TRỌNG tại mức giá thị trường 42.600 đồng/cp.

PVI: Khuyến nghị tăng tỷ trọng

CTCK BIDV (BSC)

Xu hướng hiện tại của cổ phiếu PVI CTCP PVI là vận động đi ngang trong biên độ hẹp (hỗ trợ 28), trung và dài hạn (hỗ trợ 25.1); chỉ báo xu hướng MACD tích cực, RSI đang vận động trong vùng quá mua.

Bên cạnh đó, thanh khoản tuy thấp nhưng không hiếm những phiên giao dịch đột biến, duy trì thông thường dưới 200.000 CP/phiên.

Nhận định: Xu hướng tích lũy đi ngang sau khi vượt ngưỡng kháng cự 28 và tiến hành chinh phục đỉnh mới 29.5 không thành công, thanh khoản yếu đi và giao dịch trong một biên độ hẹp.

Vì vậy, khuyến nghị nhà đầu tư có thể tăng tỷ trọng cổ phiếu PVI khi có dấu hiệu điều chỉnh về ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn vùng giá 28. Chỉ báo kỹ thuật tích cực tuy nhiên cần một sự cải thiện rõ ràng hơn của thanh khoản. Cổ phiếu PVI có thể chinh phục ngưỡng kháng cự ngắn 29.5 trong những phiên tới đây và hướng tới giá mục tiêu vùng kháng cự 31.4.

BFC: Khuyến nghị mua vào

CTCK BIDV (BSC)

Chúng tôi dự báo, tổng sản lượng tiêu thụ năm 2016 của CTCP Phân bón Bình Điền (mã BFC) đạt 647 nghìn tấn NPK, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2016 đạt lần lượt là 6.050 tỷ đồng và 267 tỷ đồng, tăng trưởng 17%, tương đương EPS 2016 là 5.046 đồng/cp. 

Dẫn đầu thị trường phân bón NPK tại Việt Nam với công suất lớn nhất cả nước, đạt 927 nghìn tấn/năm, dự kiến tăng thêm 250 nghìn tấn/năm sau khi hoàn thành giai đoạn 2 của 2 nhà máy tại Ninh Bình và Tây Ninh. BFC chiếm khoảng 28% thị phần miền Nam, 10% tại miền Bắc và 10% tại miền Trung. Điểm mạnh của BFC là hệ thống bán hàng năng động, tận dụng hiệu quả kênh đại lý phủ khắp cả nước và nhận diện thương hiệu tốt. Phát triển thị trường miền Bắc và mở rộng xuất khẩu tạo động lực tăng trưởng cho BFC trong bối cảnh nhu cầu trong nước đã bão hòa. 

Giá nguyên liệu đầu vào giảm nhanh cải thiện biên lợi nhuận của BFC. Cụ thể, chi phí nguyên liệu chiếm 86%-90% chi phí sản xuất kinh doanh từ 2012-2015. Trong 6 tháng đầu năm 2016, giá trung bình các nguyên liệu chính là ure, DAP và Kali giảm lần lượt là 24%, 8% và 14% so với năm 2014 trong khi giá đầu ra giảm khoảng 1,3%. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 10,67% năm 2014 lên 13,93% trong 6T2016. Chúng tôi nhận thấy, tốc độ giảm giá phân NPK thường chậm hơn phân đơn, do vậy, doanh nghiệp có xu hướng duy trì và cải thiện biên lợi nhuận gộp.

CTCP Bình Điền Ninh Bình tiết giảm chi phí cho BFC. Sau khi so sánh giữa chi phí vận chuyển, thuế TNDN tiết kiệm được với chi phí lãi vay và khấu hao tăng lên, chúng tôi dự báo CTCP Bình Điền Bình tiết kiệm khoảng 33 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ BFC trong năm 2016 (tương đương 12% lợi nhuận sau thuế). 

Một điểm nhấn khác tại BFC là cổ tức cao, trong năm 2015, mức chi trả là 28% bằng tiền mặt. Năm 2016, đại hội cổ đông đã thông qua phương án chi trả cổ tức 2016 là 30% tiền mặt. Đồng thời, BFC phát hành 20% cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu trong tháng 9/2016.

Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu BFC với giá mục tiêu 12 tháng tới là 48.000 đ/cp (upsie 17%) theo phương pháp FCFF và P/E. Ngày 30/8, cổ phiếu BFC được giao dịch tại mức giá 41.000 đồng/cp, tương đương P/E FW và P/B lần lượt là 8,13x và 1,85x, tương đối rẻ so với các doanh nghiệp cùng ngành. BFC dẫn đầu ngành về năng lực sản xuất phân NPK tại Việt Nam, được hưởng lợi trực tiếp từ sự giảm giá nguyên liệu đầu vào. Tỷ lệ cổ tức cao. Nhà đầu tư có thể tham khảo các báo cáo cập nhật về BFC tại đây. 

Tin bài liên quan