Cổ phiếu cần quan tâm ngày 1/8

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 1/8 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 1/8

RAL: PE dự phóng giao dịch ở mức 10,6x

CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

RAL đã công bố kết quả kinh doanh của quý II/2014 với doanh thu đạt 556 tỷ và lợi nhuận sau thuế đạt 6,7 tỷ. Như vậy, 6 tháng đầu 2014, RAL hoàn thành lần lượt hoàn thành 53% và 54% kế hoạch năm.

Doanh thu quý II/2014 tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng này chủ yếu đến từ sự tăng trưởng của mảng xuất khẩu. Trước bối cảnh các mặt hàng đèn chiếu sáng chủ lực sẽ đến ngưỡng bão hòa và sự cạnh tranh mạnh của các đối thủ lớn như Philips, Osram, Toshiba, Panasonic và Điện Quang tại thị trường nội địa, RAL thúc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu từ cuối 2013 và mục tiêu tăng thị phần xuất khẩu trong các năm tới.

Tuy nhiên, theo số liệu quá khứ thì biên LNG của mảng xuất khẩu thường thấp hơn mảng nội địa do sự cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm đèn chiếu sáng Trung Quốc giá rẻ . Trong khi đó, giai đoạn 2008 - 6 tháng đầu 2013, doanh thu của RAL chủ yếu đến từ thị trường nội địa nên biên LNG trung bình cao và duy trì ở mức 24%. Vì vậy, biên LNG Quý II/2014 giảm 3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu tăng 2 điểm phần trăm do tang chi phí để mở rộng thị phần ngoài nước cao lên. Cộng với lợi nhuận từ hoạt động tài chính giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái nên lợi nhuận sau thuế giảm 69% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 6,7 tỷ đồng. Với sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường đèn chiếu sáng ngày một tăng thì việc giữ vững vị thế dẫn đầu đi cùng với duy trì mức lợi nhuận cao không phải là dễ dàng với RALACO.

NBP: Cổ phiếu không hấp dẫn

CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

Trong quý II/2014, CTCP Nhiệt điện Ninh Bình (NBP) ghi nhận tăng trưởng cao do giá bán tạm tính tăng đáng kể. NBP ghi nhận doanh thu quý II/2014 đạt 336,8 tỷ, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm ngoái mặc dù sản lượng điện thương phẩm giảm 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái do giá bán tạm tính tăng 26,5% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1.944 đồng/kWh do giá than đầu vào cao hơn so với cùng kỳ (sau hai lần điều chỉnh trong tháng 8/2013 và tháng 1/2014).

Lợi nhuận từ hoạt động SXKD điện đạt 10,3 tỷ, tăng 48,7% so với cùng kỳ năm ngoái cao hơn tăng trưởng doanh thu do chi phí quản lý doanh nghiệp chỉ tăng 7,9% n/n.

Trong quý công ty không ghi nhận thay đổi đáng kể trong hoạt động tài chính. Do đó, lợi nhuận sau thuế tăng 49,6% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 8,97 tỷ.

Tuy vậy, tăng trưởng cao trong quý 2/2014 chưa đủ bù đắp sự sụt giảm lợi nhuận trong quý I trước đó do giá bán điện tăng chưa theo kịp giá than đầu vào.

Do vậy, tính 6 tháng 2014 NBP ghi nhận lợi nhuận giảm 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái mặc dù doanh thu tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng điện thương phẩm trong 6 tháng đầu năm 2014 đạt 334,6 triệu kWh, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái tuy nhiên giá bán bình quân tăng 33,7% so với cùng kỳ năm ngoái đã đẩy doanh thu tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tỷ suất lợi nhuận biên gộp giảm từ 9,8% trong 6 tháng đầu năm 2013 xuống 7% trong 6 tháng đầu năm 2014 chủ yếu do sự sụt giảm trong quý I/2014. Chúng tôi nhận thấy tỷ suất lợi nhuận của NBP trong xu hướng giảm kể từ năm 2010.

Ngoài ra, chúng tôi cũng lưu ý rằng giá bán điện 2014 chưa được thống nhất với Tập đoàn điện lực nên giá áp dụng hiện nay vẫn là giá tạm tính. Việc đàm phán giá điện với EVN của một số công ty điện, trong đó có NBP đang vướng mắc xuất phát từ công văn của Bộ Công thương ban hành cuối năm 2013 về việc hướng dẫn cách tính giá bán điện của các công ty điện cổ phần hoá theo hướng không có lợi cho các công ty này.

Kế hoạch SXKD 2014 của NBP đặt ra thấp với sản lượng điện thương phẩm 460,5 triệu kWh, giảm 16% so với năm ngoái và lợi nhuận sau thuế 9,2 tỷ, giảm 71% so với năm ngoái do chi phí SXKD điện tăng. So với kế hoạch, NBP đã hoàn thành 72% sản lượng mục tiêu, 67% doanh thu mục tiêu và 179% lợi nhuận mục tiêu.

Tuy nhiên, theo chu kỳ SXKD của công ty, 6 tháng đầu năm thường đóng góp phần nhiều hơn vào KQKD của công ty do 6 tháng cuối năm là thời điểm mùa mưa và các nhà máy thuỷ điện sẽ được huy động nhiều hơn. Sản lượng điện 6 tháng đầu năm thường chiếm hơn 60% sản lượng điện cả năm.

Theo chúng tôi, NBP không phải là cổ phiếu hấp dẫn để xem xét do (1) rủi ro về giá bán điện; (2) tỷ suất lợi nhuận giảm và (3) định giá không hấp dẫn với PE 4 quý gần nhất 7x.

VSC: PE đang giao dịch khá thấp, khoảng 7x

CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

Hoạt động kinh doanh quý II/2014 của VSC tiếp tục tăng trưởng tốt với doanh thu và lợi nhuận tăng 22,4% và 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt lần lượt 238,3 và 65 tỷ đồng. Lãi ròng tăng thấp hơn doanh thu chủ yếu là do biên lợi nhuận gộp giảm từ mức 36,5% trong quý II/2013 xuống còn 32,9% trong quý II/2014.

Thu nhập tài chính ròng tăng 81% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 10,1 tỷ đồng trong quý II/2014 nhờ ghi nhận khoản cổ tức 5,8 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước VSC không có khoản thu nhập này. Tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý/doanh thu tăng nhẹ từ mức 3,8% trong quý II/2013 lên 4,4% trong quý II/2014. 6 tháng đầu năm 2014, VSC đạt 437 tỷ đồng doanh thu (+20,2% so với cùng kỳ năm ngoái) và 112,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (+10,9% so với cùng kỳ năm ngoái), hoàn thành 55,7% và 60,1% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận 2014.

Theo chúng tôi, kết quả kinh doanh của VSC tốt trong 6 tháng đầu năm 2014 là nhờ 2 trung tâm Logistics mới đi vào hoạt động lần lượt trong tháng 8/2013 và tháng 1/2014. Đây là một trong những hệ thống kho bãi hiện đại nhất Miền Bắc. VSC ước tính trung tâm sẽ hoạt động khoảng 65% công suất và đóng góp khoảng 15% lợi nhuận cho 2014. Ngoài ra, cảng Green port (cảng duy nhất do VSC sở hữu 100%) cũng đã được nâng cấp thêm, mở rộng bãi chứa container,... nhờ đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động cho VSC.

Cảng của VSC gần như đã hoạt động ở mức toàn dụng. Do vậy, ngoài việc đầu tư cổ phần vào các cảng khác như PTSC Đình Vũ, cảng Đà Nẵng,... công ty còn dự kiến đầu tư xây dựng 1 cảng container mới. Tuy nhiên, dự án còn đang trong quá trình chuẩn bị, VSC vẫn chưa tìm mua được đất cho dự án này.

VSC đang giao dịch ở mức PE 2014 khoảng 7x, thấp hơn bình quân ngành khoảng 9x. Ngoài ra, một nền tảng tài chính tốt, ROE luôn duy trì quanh mức 30% và không có nợ vay cũng là điểm cộng của VSC.

PVT: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK Vietcombank (VCBS)

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2014, PVT có doanh thu thuần đạt 1.253 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 79 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do chi phí sản xuất kinh doanh tăng cao. Tính trong 6 tháng đầu năm 2014, doanh thu của PVT đã đạt 2.593 tỷ đồng (+11,6%, hoàn thành 55% kế hoạch năm) và lợi nhuận sau thuế đạt 165 tỷ đồng (+12% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt 21% kế hoạch năm).

Tuy có nhiều sự kiện gây trở ngại cho hoạt động của PVT trong năm 2014 như việc NMLD Dung Quất đi vào sửa chữa hay giàn Đại Hùng ngừng hoạt động giai đoạn cuối năm nhưng chúng tôi kỳ vọng kết quả kinh doanh của công ty sẽ vẫn tăng khá và vượt xa kế hoạch.

Về dài hạn, PVT có tiềm năng tăng trưởng tốt do duy trì được vị thế là công ty vận tải độc quyền chuyên chở hàng cho PVN và đối tác, đặc biệt khi các NMLD Nghi Sơn,Vũng Rô và Long Sơn đi vào hoạt động trong thời gian tới. Tuy nhiên với thị giá hiện tại thì P/E forward đang ở mức 14x, tương đối cao. Do đó chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ đối với cp PVT.

DBC: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK Vietcombank (VCBS)

DBC vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2014 với doanh thu thuần đạt 1.200 tỷ đồng (+9% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 20,7 tỷ dồng (+2,5% so với cùng kỳ năm ngoái). Lũy kế 6 tháng năm 2014, DBC có doanh thu thuần đạt 2.410 tỷ đồng (+7,6% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 42% kế hoạch năm) và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 52 tỷ đồng (+21% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 25% kế hoạch năm).

Chúng tôi cho rằng, mặc dù kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2014 không cao như kỳ vọng nhưng có khả năng công ty sẽ hoàn thành được kế hoạch đề ra. Theo đó DBC có khả năng sẽ đạt 210 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, EPS vào khoảng 3.347 đồng/CP, theo đó P/E forward ở mức 6,3 lần, không quá cao. Chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ với cp DBC.

Tin bài liên quan