Cổ phiếu cần quan tâm ngày 17/8

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 17/8

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 17/8 của các công ty chứng khoán.

VNC: Khuyến nghị trung lập trong dài hạn

CTCK Rồng Việt (VDSC)

CTCP Tập đoàn Vinacontrol (mã VNC) là doanh nghiệp hoạt động trong ngành giám định - dịch vụ đặc thù gắn liền với hoạt động xuất nhập khẩu. Trước sự lạc quan của tình hình ngoại thương, nhất là khả năng các hiệp định thương mại sớm được ký kết, chúng tôi kỳ vọng VNC sẽ ghi nhận những kết quả tích cực. Cũng cần lưu ý rằng, VNC hiện chỉ đang cung cấp dịch vụcho các doanh nghiệp XNK trong nước và khó tham gia vào khu vực các doanh nghiệp XNK FDI.

Trước sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt trên mảng dịch vụ chủ đạo (cung cấp chứng thư giám định), chiến lược mở rộng mảng kiểm tra chất lượng hàng hóa theo ủy quyền quản lý Nhà nước (cung cấp giấy chứng nhận chất lượng) được đánh giá là phù hợp để giải quyết thực trạng trên. Rủi ro mà chúng tôi quan ngại là sự thay đổi chính sách liên quan đến cơ chế thông quan một cửa có thể ảnh hưởng đến khối lượng công việc của công ty. Tuy nhiên, thời gian áp dụng cơ chế này có lẽ vẫn là vấn đề dài hạn. Theo đánh giá của chúng tôi, với điều kiện kinh doanh hiện tại, VNC có thể duy trì sự tăng trưởng ổn định theo ngành.

Xét về khả năng bứt phá, chúng tôi cho rằng VNC vẫn có cơ hội nếu doanh nghiệp năng động mở rộng chuỗi cung ứng sản phẩm của mình. Chúng tôi kỳ vọng đối tác mới sau khi SCIC thoái vốn sẽ thực hiện định hướng này vì tính khả thi cao của các dịch vụ tiềm năng. Theo kịch bản tốt nhất được xây dựng, đối tác chiến lược nên là một doanh nghiệp nước ngoài cùng ngành. Tuy nhiên, hiện tại, những động thái mới nhất liên quan đến vấn đề thoái vốn của SCIC vẫn chưa được chia sẻ.

Với mức cổ tức bằng tiền tương đối ổn định trong những năm gần đây, chúng tôi cho rằng, cổ phiếu này phù hợp với nhà đầu tư giá trị dài hạn. Nếu loại trừ rủi ro từ yếu tố thanh khoản thấp, chúng tôi khuyến nghị TRUNG LẬP trong DÀI HẠN với mức giá mục tiêu 28.900 VND/cp.

BCI: Giá cổ phiếu đang ở mức cao

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Theo số liệu cập nhật được công bố, hai nhóm cổ đông lớn đang sở hữu BCI gồm: (1) ông Trầm Bê và Ngân hàng TMCP Phương Nam với tỷ lệ sở hữu khoảng 16% (trong đó Ngân hàng TMCP Phương Nam sở hữu 12,93% và ông Trầm Bê sở hữu 3,06%); và (2) nhóm các quỹ thuộc Dragon Capital với tỷ lệ sở hữu 17,2%.

Trong tháng 7/2015 vừa qua, đã có sự thay đổi lớn trong cơ cấu cổ đông của BCI. Đáng chú ý, vào ngày 10/7/2015, cổ đông lớn nhất của BCI là CTCP Đầu tư tài chính nhà nước TP Hồ Chí Minh (HFIC) đã thoái vốn toàn bộ 24,19 triệu cổ phiếu BCI mà HFIC nắm giữ (tương đương 27,9% vốn điều lệ) thông qua giao dịch thoả thuận. Giá trị chuyện nhượng đạt 408,8 tỷ đồng. Hiện nay, thông tin về nhà đầu tư nhận chuyển nhượng số cổ phiếu này vẫn chưa được công bố.

Sau khi các cổ đông lớn thoái vốn, cũng đã có một số thay đổi trọng yếu trong Hội đồng quản trị của công ty với Chủ tịch HĐQT mới. Việc sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam và những thay đổi sau khi sáp nhập có thể có ảnh hưởng nhất định tới phần vốn của Ngân hàng và những người có liên quan tại các công ty có nắm giữ cổ phần như BCI.

KQKD quý I/2015 của BCI không khả quan với doanh thu hợp nhất đạt 22,5 tỷ đồng, giảm 69,6% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế đạt 9,8 tỷ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cổ phiếu BCI hiện cũng ở mức cao so với NAV khoảng 18.000 – 19.000 đồng/cp.

PNJ: Tái cấu trúc đang có kết quả tốt

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã công bố KQKD 6 tháng đầu năm 2015 của công ty Mẹ. Ở khoản mục vay ngắn hạn, PNJ có khoản vay trị giá 126,3 tỷ tại các NHTM cổ phần Á Châu (ACB) được đảm bảo bởi 38,5 triệu cổ phiếu Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB). PNJ hiện nắm 7,7% cổ phần DAB. Đây là khoản đầu tư dài hạn của PNJ với giá trị đầu tư là 395 tỷ, tương đương 10.268đ/cp. Xét về giá trị sổ sách của khoản đầu tư này chỉ còn khoảng 340 tỷ do đã trích lập dự phòng 55 tỷ.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa đưa ra quyết định kiểm soát đặc biệt đối với DAB do ngân hàng này đã có nhiều vi phạm pháp luật về quản lý tài chính, cấp tín dụng và HĐKD khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính và hoạt động trong giai đoạn 2012 trở về trước. Đồng thời NHNN sẽ miễn nhiệm, đình chỉ nhiều chức danh lãnh đạo chủ chốt của DAB và để Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đảm nhiệm một số vị trí lãnh đạo chủ chốt để thực hiện quản trị, điều hành, kiểm soát đối với ngân hàng này. Việc tiến hành cơ cấu lại DAB của NHNN có khả năng làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trên thị trường OTC theo chiều hướng tiêu cực. Qua đó, rủi ro chi phí dự phòng đối với khoảng đầu tư tại DAB sẽ tăng lên đáng kể. Chúng tôi chưa thể định lượng được mức tăng do chưa đầy đủ thông tin.

Xét riêng về HĐKD chính của PNJ đang có những kết quả rất khả quan. Mặc dù doanh thu 6 tháng đầu năm 2015 tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 3.845 tỷ và các chi phí khác tăng (tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu tăng 1 điểm phần trăm lên mức 6% và lỗ ròng tài chính tăng 95% do tăng trích lập dự phòng) nhưng lợi nhuận trước thuế vẫn tăng tốt, +46% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện PNJ đang trong quá trình tái cấu trúc HĐKD - giảm tỷ trọng vàng miếng, tập trung phát triển mạnh KD trang sức cốt lõi, là mặt hàng có biên lợi nhuận gộp cao nhất của Tập đoàn (ở mức 14%). Theo đó, biên lợi nhuận gộp 6 tháng đầu năm 2015 tăng 4 ppt lên mức 14% và lợi nhuận gộp tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2015 của công ty Mẹ đạt 179 tỷ, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Chúng tôi cho rằng quá trình tái cấu trúc của PNJ đang có những kết quả tốt. Tuy nhiên, những việc trích lập dự phòng DAB và những vấn đề liên quan có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến cổ phiếu trong ngắn hạn.

HBC: PE không hấp dẫn, dự phóng 10,1x

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

CTCP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HBC) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2015 với doanh thu thuần hợp nhất đạt 1.290,1 tỷ, tăng 60,6% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 23 tỷ, tăng 198,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận quý II/2015 của HBC tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ nhờ (1) ghi nhận doanh thu tăng 60,6% so với cùng kỳ năm ngoái; (2) chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 64,7% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do quý II/2015 không ghi nhận chi phí dự phòng phải thu trong khi trong cùng kỳ ghi nhận 53 tỷ dự phòng phải thu; (3) ghi nhận 12,9 tỷ thu nhập khác trong quý II/2015 (chưa có thông tin cụ thể về khoản thu nhập khác này trong phần thuyết minh báo cáo và giải trình).

Mặc dù KQKD quý II/2015 tăng trưởng cao, chúng tôi lưu ý một số điểm trong báo cáo tài chính quý II/2015 của HBC như sau:

(1) khoản phải thu tăng gần 1.000 tỷ so với cuối quý I/2015 lên 4.008,1 tỷ. Trong đó, phải thu khách hàng tăng 417 tỷ và phải thu theo tiến độ xây dựng tăng 417,7 tỷ. Hai khoản này, theo đó, chiếm tỷ trong 45,7% tổng tài sản, tăng so với tỷ lệ 40,6% trong quý I/2015; (2) với khoản phải thu tăng đột biến, dòng tiền từ hoạt động SXKD trong 6 tháng đầu năm ghi nhận âm 292,7 tỷ. HBC đã huy động thêm hơn 400 tỷ nợ vay ngân hàng để bổ sung vốn lưu động. Trong khi đó, công ty đồng thời ghi nhận khoảng 1.200 tỷ tiền gửi ngân hàng thời hạn trên 3 tháng.

Chúng tôi giữ nguyên dự báo 2015 với doanh thu 4.003 tỷ, tăng 13,8% so với năm ngoái và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 112,8 tỷ, tăng 59% so với năm ngoái. EPS 2015 ước tính đạt 1.557 đồng/cp. Định giá cổ phiếu HBC theo P/E không hấp dẫn với P/E dự phóng 10,1x.

VSC: Trong dài hạn khá tích cực

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

VSC đã công bố kết quả kinh doanh hợp nhất 6 tháng đầu năm 2015 với 452,5 tỷ đồng doanh thu và 135,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 3,5% và 20,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tốt hơn kết quả ước tính trước đó.

Như đã đề cập trong các phân tích trước, VSC đã bỏ mảng vận tải xà lan (chiếm khoảng 10% doanh thu) từ đầu năm 2015 do hiệu quả hoạt động thấp. Do vậy, doanh thu 6 tháng đầu năm 2015 tăng trưởng chủ yếu nhờ đóng góp từ mảng kinh doanh kho điện lạnh, khoảng 70 tỷ đồng, tương đương 15% doanh thu 6 tháng đầu năm 2015. Hàng lạnh tăng đột biến là do các thay đổi trong chính sách tạm nhập tái xuất của Trung Quốc.

Đây cũng là mảng kinh doanh có biên lợi nhuận gộp cao, khoảng 50%. Nhờ đó, biên lợi gộp 6 tháng đầu năm 2015 của VSC đạt tới 39%, cao hơn mức 32,7% của 6 tháng đầu năm 2014, giúp lãi gộp 6 tháng đầu năm 2015 của VSC đạt 176,4 tỷ đồng, tăng tới 23,4% n/n, cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng của doanh thu (3,5% n/n).

Doanh thu tài chính giảm từ 13 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2014 xuống còn 7,1 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2015. Ngoài ra, công ty cũng có khoản lỗ 2,2 tỷ đồng từ hoạt động khác do thanh lý xà lan hồi đầu năm. Do vậy, lợi nhuận sau thuế chỉ còn tăng 20,4%, đạt 135,7 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2015.

Với kết quả này, VSC đã hoàn thành được gần 57% và 68% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế 2015. Chúng tôi điều chỉnh tăng dự báo doanh thu và lợi nhuận trước thuế 2015 của VSC lên 963 tỷ đồng (+8% so với năm ngoái) và 338,9 tỷ đồng (+12,1% so với năm ngoái), cao hơn 20,4% và 38,3% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế của công ty. Theo đó, EPS ước tính cho 2015 của cổ phiếu VSC là 6.542 đồng/cp, tương đương mức PE gần 9 lần. So với mức PE bình quân ngành khoảng 8 lần, thì định giá của VSC hiện nay có vẻ đã hợp lý do giá cổ phiếu này đã tăng gần 50% tính từ đầu năm đến nay. Triển vọng dài hạn của VSC khá tích cực nhờ giai đoạn 1 của dự án cảng mới dự kiến đi vào hoạt động trong tháng 11/2015, giúp tăng khoảng 50% công suất. Tuy nhiên, theo chúng tôi, động lực tăng giá chính của cổ phiếu này trong thời gian qua là kỳ vọng của thị trường về việc nới room nước ngoài đối với VSC, do đây là một trong những công ty cảng niêm yết được nhà đầu tư nước ngoài khá quan tâm.

CEO: Đang giao dịch ở mức giá hấp dẫn

CTCK MB (MBS)

Kết quả kinh doanh dự kiến 6T/2015: Đại diện Doanh nghiệp cho biết lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2015 ước đạt khoảng hơn 100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 84 tỷ đồng, tương ứng khoảng 50% kế hoạch năm. Lợi nhuận Công ty mẹ dự kiến đạt khoảng 60 tỷ đồng.

Dự án River Silk City – Phủ Lý – Hà Nam, phân kỳ 1 kinh doanh được khoảng 67% kế hoạch. Đây là Dự án có quy mô 126ha gồm 3000 lô đất nền biệt thự liền kề. Phân kỳ 1 của Dự án với quy mô khoảng 4,7ha, gồm 194 căn, trong đó bao gồm 16 căn biệt thự và 178 căn liên kề và nhà phố thương mại, đã hoàn thành xong phần hạ tầng. CEO hiện đã mở bán đất nền phân kỳ này vào đầu năm 2015, tiến độ bán hàng tương đối khả quan. Giá bán tại dự án này dao động trong khoảng từ 6-17 triệu đồng.

Dự án Sunny Garden City kế hoạch bàn giao khoảng 40 căn trong năm 2015 với giá bán dự kiến 16-20 triệu/m2. Công tác pháp lý và cơ sở hạ tầng của Dự án khá tốt, đặc biệt người mua nhà có thể nhận sổ đỏ ngay sau khi bàn giao.

Dự án Novotel Phú Quốc đã hoàn thành phần thô, dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2015. Năm 2016 được coi là năm du lịch của khu vực Tây Nam Bộ, trong đó Phú Quốc được coi là trọng điểm của khu vực này. Với quy mô hiện tại khoảng 2.000 phòng, thấp hơn rất nhiều so với các địa điểm du lịch khác (Nha Trang, Đà Nẵng), tỷ lệ lấp đầy tại Phú Quốc tương đối lớn

Nhận định: Với việc ghi nhận kết quả kinh doanh và tiến độ thực hiện các dự án được thực hiện theo đúng lộ trình và kế hoạch ban đầu, chúng tôi cho rằng khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2015 của Công ty là tương đối khả quan, tương ứng khoảng 167 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, EPS khoảng 2.434 đồng. Tại mức giá hiện tại 13.800 đồng/cổ phiếu, P/E forward 5,7 lần, thấp hơn mức bình quân ngành 22,7 lần, chúng tôi cho rằng cổ phiếu CEO vẫn đang được giao dịch ở mức khá hấp dẫn.

IJC: Khuyến nghị theo dõi

CTCK FPT (FPTS)

Sự phục hồi của thị trường BĐS ngày càng rõ nét hơn và đã lan tỏa mạnh mẽ sang đô thị loại I kế cận như Bình Dương (vốn có lợi thế về hạ tầng phát triển) giúp hoạt động KD BĐS của CTCP Phát Triển Hạ Tầng Kỹ Thuật (HOSE: IJC) ghi nhận kết quả khá tích cực với mức tăng trưởng sau 6 tháng đầu năm. Xin nhắc lại rằng trong năm 2014, IJC đã không hoàn thành KQKD cả năm do hoạt động KD BĐS không đạt như kỳ vọng bởi những khó khăn bán hàng sau sự kiện Biển Đông, trục trặc pháp lý đối với việc bán đất khi chưa có sổ đỏ...

Hoạt động thu phí cầu đường duy trì xu hướng ổn định với mức tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ 2014. Với tiến độ này, chúng tôi tin chắc hoạt động thu phí sẽ đạt được kết quả doanh thu & lợi nhuận như kế hoạch.

Lũy kế 6 tháng đầu 2015 thì IJC chỉ mới hoàn thành lần lượt 26% & 24% chỉ tiêu doanh thu thuần & lợi nhuận sau thuế. Do đó chúng tôi có cơ sở để quan ngại về khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh của IJC. Nếu điều này xảy ra, IJC sẽ chứng kiến thêm 1 năm nữa không đạt chỉ tiêu kinh doanh đề ra.

HĐKD của IJC vẫn chưa cho thấy sự bứt phá, kế hoạch đề ra cho năm 2015 chỉ tăng nhẹ so với 2014. Dòng tiền HĐKD chưa cao, hàng tồn kho cao (cuối quý II/2015 là 4.315 tỷ) và nợ vay tăng mạnh (cuối quý II/2015 tổng nợ vay ngắn + dài hạn là 1.859 tỷ) là những quan ngại chính của tôi đối với IJC. Tuy nhiên, xét theo số tuyệt đối thì mức lợi nhuận sau thuế này đủ để IJC duy trì là 1 trong những doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế cao nhất toàn ngành BĐS niêm yết.

Ở mức giá đóng cửa ngày 13/08/2015 là 10.800 VNĐ/cp, IJC đang giao dịch ở: P/E trailing 11,45x (EPS trailing 12T là 943 đ/cp); P/B trailing 1,02x; P/E forward 11,70x (giả định công ty hoàn thành kế hoạch lợi nhuận sau thuế 2015). Khuyến nghị: THEO DÕI.

Dù chúng ta chưa thể chắc rằng liệu các doanh nghiệp được so sánh trong bảng dưới đây có hoàn thành được kế hoạch kinh doanh hay không, nhưng dường như thị trường đang định giá IJC gần sát với mức trung bình được so sánh.

SFI: Khuyến nghị thêm vào

CTCK FPT (FPTS)

Trong 6 tháng đầu năm 2015, kết quả kinh doanh của SFI đạt mức tăng trưởng cao. Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 279.32 tỷ đồng (-0.8% so với cùng kỳ năm ngoái) và 23.27 tỷ đồng (86.1% so với cùng kỳ năm ngoái). Mức doanh thu sụt giảm chủ yếu do trong đầu năm cước tàu giảm mạnh, dẫn đến hạ giá cước cho khách hàng giao hàng. Tuy nhiên, công ty vẫn đảm bảo gia tăng biên lợi nhuận gộp lên mức 37.7% so với mức 32.19% trong năm trước.

Chi phí bán hàng giảm từ 22.5 tỷ xuống còn 17.84 tỷ, làm biên lợi nhuận hoạt động cải thiện mạnh lên mức 12.69% so với mức 5.23% cùng kỳ. Nguyên nhân sụt giảm chi phí bán hàng là do công ty sử dụng phần quỹ lương đã trích trong năm trước khoảng hơn 7 tỷ đồng. Trong nửa năm còn lại, khoản chi phí bán hàng sẽ không thể thấp như đầu năm.

Nhận định: SFI hiện tại chỉ thuần túy là công ty forwarder hoạt động trong mảng thu gom hàng lẻ. Mức đầu tư vào tài sản cố định như phương tiện vận tải, kho bãi chưa cao.

Trong ngắn hạn, doanh thu của SFI dự báo sẽ không tăng trưởng mạnh, chủ yếu phụ thuộc vào tình hình nhu cầu thị trường. Đồng thời, trong năm 2015, SFI không còn khoản lợi nhuận liên doanh từ Yusen Logistics do đó, mức tiết kiệm chi phí chỉ đủ bù đắp khoản thiếu hụt này.

Doanh thu và lợi nhuận sau thuế 2015 dự phóng tăng nhẹ so với cùng kỳ lần lượt đạt 657.24 tỷ đồng (+8.87% so với năm ngoái) và 48.67 tỷ đồng (+1.92% so với năm ngoái). EPS forward 2015 ước đạt 4,497 đồng/cp, tương ứng với mức giá hợp lý cho cổ phiếu SFI trong năm 2015 là 31,500 đồng/cp. Mức cổ tức dự kiến 2015 là 1,500 đồng/cp. Chúng tôi khuyến nghị THÊM cổ phiếu SFI cho mục tiêu đầu tư trong năm 2015.

Tin bài liên quan