Cổ phiếu cần quan tâm ngày 17/2

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 17/2

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 17/2 của các công ty chứng khoán.

EIB: Không mấy khả quan trong 1 năm tới

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (EIB – sàn HOSE) đã công bố kết quả quý IV/2015 không mấy tích cực như trong dự phóng đã điều chỉnh của VPBS sau ĐHCĐ bất thường diễn ra vào tháng 12/2015.

Tổng tài sản của ngân hàng đạt 125.829 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước. Cho vay khách hàng đạt 84.759 tỷ đồng giảm 2,7% so với cuối năm 2014 và chỉ hoàn thành 78% kế hoạch cả năm. Trong khi đó, EIB giảm 80% các hoạt động liên ngân hàng, còn 7.833 tỷ đồng so với 39.463 tỷ đồng trong năm 2014. Như vậy, Eximbank tiếp tục quá trình tái cơ cấu tài sản khi ngân hàng giảm mạnh dư nợ cho vay tín chấp và cho vay các sản phẩm tài chính lãi suất thấp với chính sách cho vay thận trọng.

Trong báo cáo hoạt động 11 tháng của ngân hàng, EIB cho biết đang tập trung vào mảng bán lẻ với các hoạt động kinh doanh được cải thiện.

Huy động từ khách hàng giảm nhẹ 2,9% so với cùng kỳ, đạt 98.430 tỷ đồng. Tổng nợ xấu của ngân hàng đạt 1.575 tỷ đồng với tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,46% trong năm 2014 xuống 1,86%. Sự sụt giảm đáng kể này là do ngân hàng tích cực bán nợ xấu cho VAMC khoảng 2.000 tỷ đồng, thu hồi nợ xấu khoảng 775 tỷ đồng và tăng trích lập dự phòng tới 73,75%.

Thu nhập lãi thuần đạt 3.397 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, thu nhập từ các hoạt động dịch vụ tăng 28%, đạt 292 tỷ đồng. Đáng chú ý hơn cả là hoạt động dịch vụ khác, sau khoản lỗ 260 tỷ đồng năm 2014, EIB trở lại với doanh thu dương 85 tỷ đồng trong năm 2015.

Mặc dù hiện tại EIB chưa có thuyết minh chi tiết về việc thoái thu khoản thu nhập liên quan đến Eximland, chúng tôi cho rằng ngân hàng đã không thoái thu toàn bộ trong năm 2015 mà sẽ trải dần trong 3 năm tới. Với những kết quả trên đây, mặc dù chi phí hoạt động tăng trong năm tăng 12% nhưng lợi nhuận trước dự phòng rủi ro tăng hơn gấp đôi so với năm 2014, đạt 1.523 tỷ đồng.

Được biết, trong phiên họp đại hội cổ đông bất thường diễn ra vào tháng 12 vừa qua, ngân hàng báo cáo tổng lợi nhuận trước thuế đạt 552 tỷ đồng tính đến hết 30/11, tuy nhiên, EIB đã trích lập khoảng 1.434 tỷ đồng trong năm 2015, khiến lợi nhuận trước thuế chỉ còn vỏn vẹn 89 tỷ đồng.

Chúng tôi sẽ sớm phát hành báo cáo cập nhật về ngân hàng TMCP Eximbank. Với kết quả như hiện tại, chúng tôi cho rằng cổ phiếu EIB không mấy khả quan trong một năm tới. Tuy nhiên nếu xét về triển vọng phục hồi dài hạn thì giá cổ phiếu EIB hiện tại tương đối hấp dẫn. Phiên 16/2, giá cổ phiếu ngân hàng EIB đóng cửa ở ngưỡng 10.300 đồng, không thay đổi so với giá phiên trước, giao dịch với hệ số P/B là 0,86 lần.

BCI: Khuyến nghị mua vào

CTCK Maritime (MSI)

Kết quả kinh doanh trong năm 2015 của CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCI – sàn HOSE) ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc trong cả doanh thu lẫn lợi nhuận. Trong đó, chuyển nhượng bất động sản là mảng kinh doanh cốt lõi cho thấy sự tăng trưởng tốt khiến doanh thu chuyển nhượng bất động sản tăng mạnh 79,3% đạt 281,1 tỷ đồng.

Trong năm 2016, Công ty sẽ ghi nhận nhiều khoản doanh thu của dự án Phong Phú 4 cũng như các dự án khác, như 50% doanh thu còn lại từ việc bàn giao 10,3 héc-ta đất thấp tầng tái định cư cho Ban Quản lý khu Nam; doanh thu từ 14 héc-ta đất cao tầng được Ban Quản lý Khu Nam - TP. HCM trả lại nếu được chấp nhận chuyển hoá công năng từ dự án chung cư cao tầng thành đất nền; chuyển quyền sử dụng đất tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân; doanh thu cung cấp dịch vụ, điện nước..; 40 tỷ doanh thu từ liên doanh Big C.

Trong 2015, thị trường bất động sản tiếp tục phục hồi tích cực. Theo đó, lượng giao dịch nhà ở thành công đã tăng khá mạnh, trong đó tại Hà Nội có khoảng 19.350 giao dịch bất động sản thành công, tăng trưởng gần 1,7 lần. Trong khi đó, tại TP. HCM có khoảng 18.700 giao dịch thành công, tăng 1,8 lần.

BCI là công ty bất động sản có quỹ đất sạch lớn tại các vị trí đắc địa, do đó sự phát triển của ngành bất động sản cũng tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh Công ty. Ngoài ra, với kinh nghiệm phát triển dự án của KDH cũng là một yếu tố tích cực ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của BCI trong thời gian tới .

Giá cổ phiếu hiện tại của BCI là khá rẻ so với mức định giá của chúng tôi là 36.700 đồng/cp và tiềm năng tăng trưởng của Công ty. Theo đó, thị giá hiện hành đang thấp hơn 55,5% so với NAV. Bên cạnh đó, cổ phiếu BCI đang ở mức P/E Trailing là 7,0x và P/B là 1,0x, thấp hơn so với mức P/E của thị trường là 11,5x. EPS 2016F dự phóng là 3.913 đồng, tương ứng với P/E 2016F là 6,0x. Do đó, chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì khuyến nghị MUA cổ phiếu BCI với mục tiêu đầu tư trung và dài hạn.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng lưu ý rằng khối lượng cổ phiếu BCI chủ yếu đang được các cổ đông lớn nắm giữ (76,9%), vì vậy tính thanh khoản cổ phiếu BCI không cao. Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh của BCI trong những năm tới sẽ phụ thuộc nhiều vào tiến độ đền bù giải toả và triển khai các dự án.

GMD: Khuyến nghị mua vào

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

CTCP Gemadept (GMD) công bố báo cáo tài chính chưa kiểm toán năm 2015 với chỉ tiêu doanh thu thuần đạt 3.582 tỷ đồng, tăng 18,9% so với năm trước và lợi nhuận gộp tăng mạnh 102,8%.

Mảng khai thác cảng là động lực chính giúp doanh thu thuần và lợi nhuận gộp tăng trưởng. Cảng mới của GMD là cảng Nam Hải Đình Vũ hiện đang hoạt động hết công suất thiết kế là 500.000 TEU/năm, đóng góp phần lớn vào tốc độ tăng trưởng doanh thu của mảng khai thác cảng. Biên lợi nhuận gộp năm 2015 cũng được cải thiện đáng kể, không chỉ nhờ vào sự đóng góp của mảng khai thác cảng mà còn nhờ vào mảng dịch vụ logistics.

Lợi nhuận trước thuế năm 2015 của công ty đạt 501 tỷ đồng, giảm 28,6% so với năm trước do trong năm 2014, GMD có ghi nhận 567 tỷ đồng lợi nhuận từ hoạt động tài chính nhờ việc chuyển nhượng 85% giá trị của tòa nhà Gemadept Tower. Nếu loại trừ khoản mục này, lợi nhuận trước thuế năm 2015 tăng 273,4% so với năm trước.

Với các kết quả trên, GMD đã hoàn thành lần lượt 111,9% và 151,7% kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế năm 2015 của ban quản trị công ty. Tuy kết quả doanh thu thuần và lợi nhuận gộp thực tế của GMD thấp hơn kỳ vọng của chúng tôi nhưng lợi nhuận ròng và biên lợi nhuận gộp của công ty vẫn nằm trong mức dự phóng. Theo đó, chúng tôi duy trì nhận định khả quan đối với cổ phiếu GMD với khuyến nghị MUA dài hạn và giá mục tiêu 46.400 đồng/cổ phiếu.

VHC: Khuyến nghị mua vào

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) công bố kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2015. Theo đó, doanh thu thuần tăng 3,2% so với năm trước, đạt 6.496 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 89,4% chỉ tiêu kế hoạch năm của ban quản trị và 85,6% dự phóng doanh thu của chúng tôi.

Doanh thu tài chính tăng 3 lần so với cùng kỳ (sau khi đã loại bỏ thu nhập bất thường 183 tỷ đồng từ việc bán công ty con VH1 trong năm 2014), và đạt gần 168 tỷ đồng, chủ yếu đến từ khoản lãi do chênh lệch tỷ giá là 114 tỷ đồng. Chi phí tài chính cũng tăng mạnh 217% lên mức 206 tỷ đồng do các khoản lỗ từ chênh lệch tỷ giá của công ty là 161 tỷ đồng.

Lợi nhuận ròng của VHC trong năm 2015 đạt 323 tỷ đồng, giảm 26,4% so với năm trước, hoàn thành 100,9% kế hoạch của công ty và 104,0% dự phóng của chúng tôi.

Chúng tôi duy trì khuyến nghị MUA với giá mục tiêu 12 tháng là 43.200 đồng/cổ phiếu. Giá cổ phiếu hôm nay đóng cửa tại mức 29.200 đồng/cổ phiếu, đang giao dịch tại P/E trượt là 8,4 lần và P/B là 1,3 lần.

VIC: Khuyến nghị mua vào

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

Tập đoàn Vingroup (VIC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất chưa kiểm toán năm 2015: doanh thu thuần đạt 33.829 tỷ đồng tăng 22,6 phần trăm so với năm trước. Mảng bán lẻ hàng tiêu dùng là động lực chính cho sự tăng trưởng của doanh thu thuần trong năm 2015, mảng này có doanh thu thuần tăng từ 401 tỷ đồng lên 4.209 tỷ đồng và chiếm 12,4 phần trăm tổng doanh thu thuần, tuy nhiên biên lợi nhuận gộp của mảng này chỉ đạt 12,7 phần trăm thấp hơn so với các mảng kinh doanh khác, do đó không tác động nhiều đến lợi nhuận gộp của cả công ty. Mảng giáo dục và các dịch vụ khác cũng cho thấy mức tăng trưởng ấn tượng về doanh thu, lần lượt tăng 128% và 356% so với năm trước.

Lợi nhuận ròng giảm 63,3% so với năm trước, chỉ đạt 1.419 tỷ đồng, do chi phí S&GA tăng mạnh (khoảng 150% so với năm trước) chủ yếu đến từ việc VIC mở rộng hoạt động kinh doanh tại các mảng mới như siêu thị Vinmart và điện tử Vinpro. Với kết quả này, VIC chỉ đạt được 47% kế hoạch về lợi nhuận sau thuế do Hội đồng quản trị đặt ra trước đó.

Tại thời điểm 31/12/2015, tổng tài sản của VIC đạt 146.057 tỷ đồng, tăng 62,2% so với cùng kỳ, trong đó nợ vay là 34.576 tỷ đồng, tăng 17,6% so với năm trước. Vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối năm 2015 đạt 37.454 tỷ đồng, tăng 36,4% so với cùng kỳ. Tiền và các khoản tương đương tiền đạt 7.637 tỷ đồng, gần như không đổi so với năm 2014. Năm 2015, tiến độ bán hàng của các căn hộ và biệt thự vẫn đang đi đúng kế hoạch của công ty. Tại thời điểm 31/12/2015, tổng số tiền ứng trước từ khách hàng là 24.506 tỷ đồng, tăng 212% so với cuối năm 2014

Trong năm 2016, chúng tôi kỳ vọng phân khúc chuyển nhượng bất động sản của VIC sẽ tăng trưởng mạnh nhờ ghi nhận doanh thu từ Vinhomes Nguyễn Chí Thanh, Central Park Vinhomes, và Vinpearl Premium Villas. Doanh thu thường xuyên từ các trung tâm mua sắm, bán lẻ, khách sạn và giải trí, bệnh viện, trường học, dự kiến sẽ tăng mạnh. Chúng tôi tin rằng doanh thu của VIC và lợi nhuận ròng sẽ tăng mạnh trong năm 2016 và năm 2017 khi hầu hết các phân khúc sẽ được ghi nhận lợi nhuận. Chúng tôi duy trì khuyến nghị MUA đối với VIC với mức giá mục tiêu là 51.000 đồng/cổ phiếu.

Tin bài liên quan