Cổ phiếu cần quan tâm ngày 1/7

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 1/7

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 1/7 của các công ty chứng khoán.

CHP: EPS 2015 ước tính đạt 1.812 đồng/CP

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

Chúng tôi ghi nhận sản lượng điện sản xuất của CTCP Thuỷ điện Miền Trung (CHP) trong tháng 6 đạt 24,6 triệu kWh tính đến ngày 29/6/2015. Theo đó, ước tính sản lượng điện quý 2/2015 của CHP đạt khoảng 115 triệu kWh, tăng mạnh 56% so với cùng kỳ, tương đương mức tăng trưởng sản lượng trong quý 1/2015.

Với sản lượng đạt được, chúng tôi ước tính doanh thu quý 2/2015 đạt khoảng 129 tỷ với giả định giá bán điện trong quý này giữ ở mức giá bằng mức giá bình quân trong quý 1/2015 (khoảng 1.123 đồng/kWh). Lưu ý rằng giá bán điện theo Hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực ký vào tháng 10/2014 là 962,33 đồng/kWh vào mùa khô và 795,33 đồng/kWh vào mùa mưa.

Kể từ khi tham gia thị trường điện cạnh tranh từ tháng 4/2013, mức giá bán điện bình quân thường đạt cao hơn giá hợp đồng là nhờ việc tham gia thị trường điện cạnh tranh. Trong năm 2014, công ty ghi nhận 47 tỷ doanh thu vượt trội từ thị trường điện cạnh tranh; còn trong quý 1/2015 vừa qua, ước tính doanh thu vượt trội nhờ tham gia thị trường điện cạnh tranh đạt khoảng 11 tỷ.

Trong cơ cấu chi phí, chi phí khấu hao tài sản cố định là khoản mục chi phí lớn nhất chiếm hơn 50% chi phí sản xuất kinh doanh. Ước tính trong quý 2/2015, chi phí sản xuất kinh doanh tăng nhẹ 2% n/n, chủ yếu là ở chi phí nhân công và chi phí thuế tài nguyên nước (tăng do giá bán lẻ điện bình quân - là cơ sở tính thuế - tăng). Do đó, lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính ước tính đạt 65,8 tỷ, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ. Chi phí tài chính ròng, chủ yếu là chi phí lãi vay, ước tính là khoảng 35,7 tỷ. Theo đó, lợi nhuận sau thế quý 2/2015 ước tính đạt khoảng 30 tỷ, so với khoản lỗ 14,4 tỷ trong cùng kỳ năm trước.

Tình hình thuỷ văn trong 6 tháng cuối năm là khó dự đoán do tình trạng hạn hán thiếu nước vẫn diễn ra, chúng tôi giữ nguyên dự báo lợi nhuận sau thế cả năm 2015 khoảng 228 tỷ đồng với giả định sản lượng cả năm đạt 585 triệu kWh và doanh thu đạt 639 tỷ. EPS 2015 ước tính đạt 1.812 đồng/cp. Cổ phiếu CHP giao dịch với P/E dự phóng 9,9x.

HSG: PE đã tương đương bình quân ngành

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

HSG vừa công bố nghị quyết HĐQT ngày 29/06/2015 về chủ trương bán tối đa 4,8 triệu cổ phiếu quỹ nhằm mục đích bổ sung nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Phương thức giao dịch dự kiến là thoả thuận hoặc khớp lệnh với mức giá từ 36.000 – 44.000 đồng/cp. Công ty vẫn chưa công bố thời gian thực hiện cụ thể.

Theo báo cáo tài chính quý 2 niên độ tài chính 2014-2015, số dư khoản mục cổ phiếu quỹ của HSG tại ngày 31/03/2015 là khoảng 81 tỷ đồng, tương đương với mức giá vốn bình quân hơn 18.000 đồng/cp. Với giá bán trung bình giả định là 40.000 đồng/cp, ước tính tổng số tiền mà HSG có thể thu được từ việc bán toàn bộ số cổ phiếu quỹ này là hơn 179 tỷ. Theo đó, khả năng công ty sẽ ghi nhận được khoản thặng dư vốn hơn 98 tỷ đồng.

6 tháng đầu niên độ tài chính 2014-2015, tổng sản lượng tiêu thụ của HSG tăng khoảng 35% so với cùng kỳ năm trước, lên mức gần 484 ngàn tấn. Nhờ đó, HSG đạt kết quả kinh doanh tích cực với doanh thu và lãi ròng tăng mạnh 30,8% và 42,7% n/n, đạt lần lượt 8.685 và 243 tỷ đồng. Với kết quả này, HSG đã hoàn thành 53% và 54% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cho NĐTC 2014-2015.

Theo báo cáo của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), 5 tháng đầu năm 2015, HSG vẫn tiếp tục dẫn đầu thị phần tôn mạ cả nước với 40,8% thị phần, so với mức 37,1% của năm 2014. Ở mảng ống thép, với 19,4% thị phần, HSG vẫn đang đứng vị trí thứ 2, sau HPG với 21,4%.

Cổ phiếu HSG đang giao dịch ở mức PE ước tính cho 2015 khoảng hơn 9 lần, tương đương bình quân ngành, do giá cổ phiếu này đã tăng 16% và 26% trong vòng 1 tháng và 3 tháng gần đây.

DAG: Khuyến nghị MUA

CTCK APEC (APS)

Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư mua cổ phiếu DAG với tầm nhìn đầu tư 1 năm và lợi nhuận kỳ vọng 38%.

Việt Nam là một trong các nước có tốc độ tăng trưởng ngành nhựa nhanh nhất thế giới. Sự tăng trưởng này được thấy rõ qua mức tiêu thụ nhựa bình quân trên đầu người. Năm 1989, mỗi người Việt Nam chỉ tiêu thụ nhựa ở mức 1 kg/năm; năm 2013 con số này là 35 kg/năm. Năm 2020, mức tiêu thụ này sẽ tiếp tục tăng lên 45 kg/năm.

Sự hồi phục của nền kinh tế và ngành bất động sản là điều kiện thuận lợi cho sự tăng trưởng nhanh hơn nữa của nhựa xây dựng và quảng cáo trong những năm tới. Các doanh nghiệp nhựa tập trung vào nhóm sản phẩm này, trong đó có DAG, sẽ là những doanh nghiệp nhựa phát triển

nhanh nhất trong thời gian tới.

Chiến lược kinh doanh phân phối trước - sản xuất sau đảm bảo rằng DAG hiểu rõ về sản phẩm và thị trường trước khi đầu tư lớn vào máy móc sản xuất. Tính thận trọng và an toàn trong kinh doanh luôn được DAG duy trì.

DAG đã dần xây dựng được cho mình một danh mục sản phẩm đa dạng cùng hệ thống phân phối lớn mạnh. Tại Hà Nội, DAG có hơn 30 đại lý và 1 cửa hàng trưng bày. Tại các tỉnh thành khác, DAG luôn có từ 1 đến 2 đại lý phân phối chính thức. Hiện nay, Công ty đang xây dựng và mở rộng hơn nữa hệ thống phân phối của mình tại các tỉnh phía Nam.

DAG đã chiếm được miếng bánh thị phần khá lớn cho nhiều sản phẩm của mình. Thanh profile chiếm 40 - 45% thị phần toàn quốc. Các sản phẩm ốp trần, cửa nhựa, nẹp trang trí chiếm 25 - 30 % thị phần toàn quốc. Các sản phẩm tấm nhôm composite, tấm mica, tấm PP cũng chiếm thị phần lớn nhất tại miền Bắc. Có được thị phần lớn là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của DAG trong tương lai.

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất với hoạt động hiện nay của DAG là các nhà máy của Công ty gần như đã hoạt động tại công suất tối đa.

Các máy sản xuất profile hoạt động 24/7 nhưng vẫn không đáp ứng được đủ nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên khó khăn này sẽ sớm được vươt qua khi DAG hoàn thành kế hoạch tăng vốn hơn 310 tỷ đồng và đầu tư của mình trong năm 2015 và 2016.

Tin bài liên quan