Cổ phiếu cần quan tâm ngày 16/7

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 16/7

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 16/7 của các công ty chứng khoán.

PVB: Khuyến nghị tích cực

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Chúng tôi dự báo kết quả kinh doanh 2 quý cuối năm 2015 của CTCP Bọc ống Dầu khí Việt Nam (mã PVB) sẽ không cao do giá trị hợp đồng lớn nhất trong năm thuộc về dự án Nam Côn Sơn – GĐ 1 đã được ghi nhận chủ yếu trong 2 quý đầu năm. Tuy nhiên với giá trị hợp đồng đã ký kết, chúng tôi dự đoán PVB sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra với mức doanh thu và lợi nhuận sau thuế 2015 dự báo đạt khoảng 1.017 tỷ đồng và 109 tỷ đồng, tương ứng mức EPS forward khoảng 5.024 đồng/cổ phiếu, P/E ~ 7,7x, vẫn ở mức tương đối hấp dẫn nếu so sánh với P/E các cổ phiếu trong ngành bọc ống tại Châu Á (31,87x). Do đó chúng tôi giữ nguyên mức khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu PVB.

Về dài hạn, chúng tôi đánh giá khả năng trúng thầu bọc ống cho dự án lô B Ô Môn của PVB là tương đối khả quan, đảm bảo khối lượng công trình cũng như doanh thu lợi nhuận cho PVB trong những năm tới. Tuy nhiên, chúng tôi cũng xin lưu ý các nhà đầu tư rủi ro có thể xảy về việc giảm biên lợi nhuận khi phải tham gia đấu thầu cạnh tranh với các doanh nghiệp bọc ống trong khu vực.

PVD: Khuyến nghị tích lũy cho mục tiêu trung hạn

CTCK Rồng Việt (VDSC)

Trong bối cảnh nhiều thách thức hiện nay, CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan dầu khí (PVD – sàn HOSE) là công ty có nhiều lợi thế trong ngành khoan dầu khí trong nước và trên khu vực Đông Nam Á. Đầu tiên là năng lực điều hành giàn khoan trẻ với hiệu suất hoạt động cao.

Thứ hai là khả năng kết nối chương trình khoan để đưa giàn đối tác vào hoạt động trong nước từ đó duy trì được thị phần lớn. Lợi thế quan trọng thứ ba là giá cho thuê giàn và dịch vụ của PVD có độ trễ hơn so với khu vực đồng thời mức độ điều chỉnh giảm giá cũng thấp hơn.

Tuy vậy, chúng tôi lo ngại triển vọng không khả quan của giá dầu thô và nguồn cung giàn khoan trong khu vực đã và đang là áp lực lên hoạt động kinh doanh của Công ty trong năm 2015 và cả năm 2016. Sau năm 2016, chúng tôi lạc quan hơn với triển vọng hồi phục trong hoạt động kinh doanh của Công ty nhờ nhiều dự án khai thác dầu khí trong nước được triển khai.

Chúng tôi ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế cho năm 2015 của công ty đạt lần lượt 16.028 tỷ đồng và 2.041 tỷ đồng (giảm khoảng 16% so với năm 2014).

Trong điều kiện chưa đánh giá được tiềm năng của dự án Lô B – Ô Môn đối với hoạt động kinh doanh của PVD, chúng tôi sử dụng phương pháp định giá tương đối gồm P/E và EV/EBITDA để đưa ra mức giá hợp lý cho cổ phiếu PVD trong trung hạn.

Trong khu vực Đông Nam Á, công ty cạnh tranh trực tiếp với các nhà thầu khoan quốc tế lớn như Seadrill và Transocean nên chúng tôi tính toán mức P/E và EV/EBITDA hợp lý đối với cổ phiếu PVD là khoảng 10,6x và 7,4x.

Dựa trên kết quả dự phóng năm 2015 và 2016, chúng tôi đưa ra mức giá mục tiêu cho cổ phiếu PVD là 61.700 đồng/cp với khuyến nghị TÍCH LŨY cho mục tiêu TRUNG HẠN. Công ty dự kiến sẽ thực hiện chia cổ phiếu thưởng (15%) và cổ tức tiền mặt (15%) của năm 2014 vào ngày 17/07/2015.

DCM: Khuyến nghị mua vào

CTCK MaritimeBank (MSBS)

* Điểm nhấn cơ bản:

CTCP Phân bón dầu khí Cà Mau (mã DCM) là doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, chính thức đi vào hoạt động từ năm 2012 với công suất 800.000 tấn/năm, chiếm gần 8% thị phần phân bón cả nước và 40% thị phần urê nội địa. Ngoài ra, DCM còn chiếm thị phần lớn ở Campuchia (35% năm 2014) - thị trường có tiềm năng phát triển lớn với nhu cầu ngày càng tăng cao.

Năm 2014, DCM đạt doanh thu thuần 6.044 tỷ đồng, giảm 3,5% so với năm 2013. Nguyên nhân là do giá phân bón thế giới và trong nước tiếp tục xu hướng giảm. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại tăng trưởng 54%, đạt 821 tỷ đồng nhờ vào sự hỗ trợ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong việc đảm bảo cho ROE mảng kinh doanh ure ở mức 12% thông qua Hợp đồng mua bán khí.

6 tháng đầu năm, DCM ước đạt tổng doanh thu đạt 3.151 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 584 tỷ đồng. Tính riêng cho giai đoạn chuyển đổi sang công ty cổ phần (từ 15/1/2015), tổng doanh thu đạt 2.903 tỷ đồng, đạt 55% kế hoạch năm 2015 và lợi nhuận trước thuế 440 tỷ đồng đạt 70% so với kế hoạch năm 2015.

DCM đặt kế hoạch 2015 khá thận trọng với mục tiêu DTT đạt 5.488 tỷ đồng, giảm 9% so với thực hiện năm 2014, lợi nhuận trước thuế giảm 22%, đạt 637 tỷ đồng.

Nhận được sự quan tâm từ quỹ đầu tư lớn: Ngày 23/06, PVN đã đăng ký bán 13 triệu cổ phiếu DCM, giảm tỷ lệ sở hữu xuống 73,1%. Theo kế hoạch, PVN sẽ giảm tỷ lệ xuống 51% tại DCM bằng cách bán 24,36% CP cho đối tác chiến lược. Theo đó, Mitsui & Co. Ltd Việt Nam muốn tham gia làm cổ đông chiến lược của DCM.

* Phân tích kỹ thuật:

Cổ phiếu cơ bản tốt thích hợp với phong cách đầu tư giá trị với thời gian từ 6 tháng đến 18 tháng.

DCM là cổ phiếu mới niêm yết từ cuối quý 1/2015 đã được TT test cung – cầu và có giao dịch ổn định từ mức giá 12.700 – 13.900 đ/cp.

DCM đang hình thành mẫu hình Cup with hand với việc kiểm chứng thêm bởi một số phiên giao dịch thanh khoản bùng nổ. (Volume cần thiết để dự báo xu hướng tăng điểm có thể lớn hơn hoặc bằng 2 triệu cổ phiếu/phiên)

Hiệu ứng ”mới lên sàn“ của DCM có thể đồng pha với xu hướng uptrend của TT và cần thêm thời gian tăng điểm mạnh khi VN-Index quay lại xu hướng tăng sau thời gian điều chỉnh sắp tới.

Phân tích sóng Elliot, DCM có nhịp tăng giá mạnh sau giai đoạn tích lũy này.

Tín hiệu MACD, Ichimoku, PSAR cho tín hiệu tăng điểm trong ngắn hạn.

PVT: Khuyến nghị mua vào

CTCK Dầu khí (PSI)

Tổng công ty vận tải Dầu khí – PVTrans là đơn vị vận tải dầu khí lớn nhất Việt Nam hiện nay thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Năng lực quản lý vận hành, năng lực tài chính và năng lực vận tải của PVTrans liên tục được củng cố gia tăng trong những năm qua. Hoạt động kinh doanh đang từng bước phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hoạt động được cải thiện, tăng lên rõ rệt.

Không chỉ tập trung hoạt động vận chuyển dầu khí, PVTrans còn tham gia vào các hoạt động cung cấp dịch vụ kho nổi, đẩy mạnh hoạt động vận tải hàng hóa khác và tham gia thị trường vận chuyển thương mại quốc tế.

Với vị thế và năng lực hoạt động của công ty, chúng tôi đánh giá cơ hội đầu tư vào PVTrans là rất hấp dẫn trong ngắn và dài hạn.

BTP: PE ở mức 15,4x, cao hơn so với các công ty cùng ngành

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

CTCP Nhiệt điện Bà Rịa (BTP) đã sản xuất được khoảng 330 triệu kWh trong quý II/2015, tương đương mức sản lượng trong quý I/2015. So với cùng kỳ năm trước, sản lượng điện quý II/2015 giảm 36%. Tuy nhiên, lưu ý rằng sản lượng điện trong hai quý đầu năm 2014 đã đạt mức cao hơn đáng kể so với cùng kỳ các năm trước đó với mức tăng trưởng 84% so với cùng kỳ và 66% so với cùng kỳ trong quý I/2014 và quý II/2014.

Về giá bán điện, chúng tôi được biết trong quý II/2015 vừa qua doanh thu vẫn sẽ được xác định theo giá bán điện năm trước do chưa hoàn tất thoả thuận giá bán điện năm 2015 với EVN.

Lưu ý, nhà máy nhiệt điện Bà Rịa là nhà máy chạy dịch vụ phụ trợ trong hệ thống nên giá bán điện sẽ được xác định theo Thông tư 21/2015- TT -BCT do Bộ Công Thương mới ban hành cuối tháng 6/2015.

Theo đó, chúng tôi ước tính doanh thu quý Ii/2015 đạt khoảng 427 tỷ, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ suất lợi nhuận hoạt động SXKD chính ước tính vẫn ở mức thấp 1,5% do vẫn tạm thời áp dụng giá bán điện của năm trước.

Trong quý II/2015, tỷ giá bán KRW/VND theo công bố của VCB (được sử dụng để đánh giá khoản lãi/lỗ chênh lệch tỷ giá đối với khoản vay dài hạn bằng KRW của BTP) đã giảm đáng kể 9,4% so với cuối quý I/2015, đứng ở mức 19,6.

Theo đó, chúng tôi ước tính BTP sẽ ghi nhận 65,6 tỷ lãi chênh lệch tỷ giá. Chính khoản lãi chênh lệch tỷ giá này sẽ giúp BTP ghi nhận KQKD quý II năm nay khả quan hơn năm trước.

Trong quý II năm trước, công ty ghi nhận lỗ ròng 7,6 tỷ chủ yếu do khoản lỗ chênh lệch tỷ giá 38,8 tỷ). Trong quý 2 năm nay, chúng tôi ước tính lợi nhuận sau thuế của công ty đạt khoảng 53,9 tỷ.

Tuy nhiên, tính luỹ kế 6 tháng 2015, khoản lợi nhuận trong quý 2 vẫn chưa đủ để bù đắp khoản lỗ ròng 122,9 tỷ trong quý I (do lỗ tỷ giá 125,7 tỷ xuất phát từ việc thay đổi tỷ giá áp dụng để đánh giá lại khoản vay dài hạn từ tỷ giá chuyển khoản sang tỷ giá bán theo Thông tư 200/2014/TT-BTC).

BTP đặt kế hoạch SXKD thấp hơn năm trước với doanh thu 1.815,7 tỷ và lợi nhuận sau thuế 57,8 tỷ. Cổ phiếu BTP giao dịch với P/E 15,4x, cao hơn so với các công ty cùng ngành.

PHR: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

PHR vừa công bố Kết quả SXKD 6 tháng 2015 với tổng doanh thu đạt 333,9 tỷ đồng giảm 40,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản lượng tiêu thụ đạt 9,984 tấn, giảm 19,1% so với cùng kỳ 2014, giá bán mủ cao su bình quân đạt 33,4 triệu đồng/tấn, giảm 26,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 62,3 tỷ đồng, giảm 52,1% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 53,9% kế hoạch lợi nhuận sau thuế 2015.

Lợi nhuận giảm nhanh hơn doanh thu có thể là do hoạt động thanh lý vườn cây chậm hơn năm 2014. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2015, công ty cưa được 622 héc-ta rừng cây cao su thanh lý, giảm 29,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Được biết, giá bán mỗi ha vào khoảng 200 triệu đồng/ha với biên lợi nhuận khoảng 80% (150-160 triệu đồng/héc-ta).

ĐHCĐ của PHR đã thông qua kế hoạch kinh doanh 2015 với doanh thu 1.116 tỷ đồng, giảm 30,5% so với năm ngoái. Trong đó, giá bán bình quân (ASP) dự kiến cho 2015 là 31,5 triệu đồng/tấn, giảm 18,2% so với năm ngoái. Sản lượng tiêu thụ 29.600 tấn, giảm 13,4% so với năm ngoái. Giá thành cho mỗi tấn cao su theo kế hoạch là 30 triệu đồng/tấn.

Theo đó, công ty đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 115,6 tỷ đồng giảm 66,4% so với năm ngoái. Với kết quả 6 tháng đầu năm 2015, chúng tôi kỳ vọng công ty sẽ đạt kế hoạch 2015.

PHR đặt mục tiêu cổ tức tương đối khả thi là 20% mệnh giá, tương ứng lợi tức cổ tức là 10%. Tính đến cuối quý I/2015 lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 480 tỷ đồng (tương đương 5.900 đồng/cp), tiền và tương đương tiền đạt 264 tỷ đồng (tương đương 3250 đồng/cp).

Chúng tôi duy trì khuyến nghị GIỮ với giá mục tiêu 22.000 đồng, dựa trên P/E 2015 là 8,9 lần.

IMP: Khuyến nghị mua dài hạn

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Kênh thương mại (OTC) vẫn là kênh phân phối tạo ra tăng trưởng doanh thu cho IMP. Trong 5 tháng đầu năm 2015, doanh thu từ OTC của IMP vẫn tăng trưởng tốt, trên 34% so với cùng kỳ năm ngoái và đóng góp gần 70% tổng doanh thu của IMP. Chúng tôi kỳ vọng công ty vẫn duy trì được mức tăng trưởng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái cho 6 tháng đầu năm 2015.

Trong khi đó, khó khăn từ hệ điều trị (ETC) vẫn còn tiếp tục, khả năng doanh thu từ ETC sẽ giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, chúng tôi dự báo doanh thu 6 tháng đầu năm 2015 của IMP sẽ tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 429,7 tỷ đồng.

Áp lực cạnh tranh trong ngành ngày càng gia tăng nên biên lợi nhuận gộp 6 tháng đầu năm 2015 khả năng sẽ duy trì hoặc tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, do thị trường OTC đã được đẩy mạnh và phát triển trong 2013-2014, chúng tôi kỳ vọng tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu của IMP sẽ điều chỉnh giảm trong 6 tháng đầu năm 2015 này. Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2015 dự báo sẽ tăng cao hơn doanh thu, khoảng 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 67,1 tỷ đồng.

So với kế hoạch 2015, với kết quả dự báo 6 tháng đầu năm 2015 như trên, dự kiến IMP sẽ hoàn thành được gần 41% và 52% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế.

IMP đang giao dịch ở mức PE kỳ vọng khoảng 12,5 lần, so với mức hơn 20 lần bình quân các thị trường dược mới nổi của Châu Á (Emerging Asia pharmaceutical companies). Duy trì khuyến nghị MUA dài hạn với giá mục tiêu 57.000 đồng (cao hơn mức giá hiện tại khoảng 26%).

DPR: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

CTCP Cao su Đồng Phú (DPR) vừa công bố kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2015. Cụ thể, doanh thu tiêu thụ mủ cao su 6 tháng đầu năm 2015 giảm 36,1% so với cùng kỳ xuống còn 188,3 tỷ đồng. Trong kỳ, công ty tiêu thụ được hơn 5.394 tấn tấn mủ cao su, giảm 15,9% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, giá bán mủ cao su bình quân giảm 23,7% so với cùng kỳ còn 33,7 triệu đồng/tấn. Lợi nhuận SXKD cao su giảm mạnh 73% so với cùng kỳ xuống chỉ còn 14 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do doanh thu tài chính, cây cao su và khác ước tăng gấp 2 lần cùng kỳ, đạt 93,4 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp về sản xuất kinh doanh cao su ước đạt 107,6 tỷ đồng, tăng 17,6% so với cùng kỳ. Cần lưu ý, theo báo cáo của DPR, trong kỳ công ty chưa triển khai thanh lý vườn cây cao su.

Dự án sản xuất nệm bắt đầu cho lợi nhuận trong năm 2015. Nhà máy nệm có công suất khoảng 300 chiếc nệm/ngày (giá bán bình quân (ASP) khoảng 8,5 triệu đồng/chiếc), 600 gối/ngày (ASP khoảng 600.000 đồng/chiếc) hiện đang hoạt động khoảng 30% công suất.

Nhà máy thuộc CTCP kỹ thuật Cao su kỹ thuật Đồng Phú, (DPR sở hữu 76,83%) đang được phân phối trên toàn quốc. DPR kỳ vọng sẽ đạt 80% công suất trong năm trong 2017 với biên lợi nhuận trước thuế khoảng 15%-20%. Việc chuyển từ lỗ từ những năm trước sang lãi sẽ giảm bớt gánh nặng chi phí cho công ty mẹ.

Đầu tư vào các dự án sản xuất mở rộng chuỗi giá trị. DPR lên kế hoạch đầu tư nhà máy găng tay y tế và găng tay dùng trong nông nghiệp (tổng vốn 80 tỷ đồng, góp 49% - 50% vốn đầu tư).

DPR cho biết đang trong quá trình đàm phán với đối tác và dự kiến nhà máy có thể đi vào hoạt động sớm nhất vào cuối 2016. Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn vào khoảng 15%-20%.

Ngoài ra, công ty cũng đang đầu tư nhà máy mủ tờ RSS (Ribbed Smoke Sheet) với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 75 tỷ đồng. Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn khoảng trên 20%. Mặc dù quy mô các dự án chưa lớn nhưng chúng tôi đánh giá việc đầu tư vào các dự án sản xuất các sản phẩm cao su giúp DPR ổn định một phần đầu ra đối với mủ cao su và gia tăng giá trị và biên lợi nhuận trong thời gian tới.

Định giá. DPR đang giao dịch tại P/E 2015 là 8,3 lần. Duy trì Khuyến nghị GIỮ.

PBP: PE thấp hơn trung bình ngành, ở mức 4,2 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

CTCP Bao bì Dầu khí Việt Nam (PBP) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2015. Theo đó, sản lượng tiêu thụ tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái tuy nhiên giá bán trung bình (ASP) sụt giảm nên doanh thu giảm 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 78,5 tỷ.

Nhờ giá nguyên vật liệu đầu vào (hạt nhựa PP) giảm nhiều hơn so với sự sụt giảm của ASP nên biên lợi nhuận gộp tăng nhẹ 0,4 điểm phần trăm (ppt) lên mức 17,6%. Lợi nhuận gộp giảm 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, chi phí vận tải tăng (do cước phí tăng) và chi phí lương tăng nên chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu tăng 2 ppt lên 6% nên lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2015 giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 6,7 tỷ.

Như vậy, trong 6 tháng 2015 công ty đã hoàn thành 53% kế hoạch doanh thu và vượt 41% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm 2015. Công ty thường đặt kế hoạch khá thận trọng.

Xin nhắc lại, trong 2014, lợi nhuận sau thuế của PBP đạt 10,2 tỷ, vượt 175% so với kế hoạch 3,7 tỷ. PBP là công ty con của DCM với sản lượng đầu ra được bao tiêu bởi công ty mẹ nên doanh thu hằng năm được đảm bảo ổn định. Trong 6 tháng vừa qua, PBP đã tích cực đẩy mạnh công tác bán hàng cho các khách hàng bên ngoài để tăng doanh số.

So với năm ngoái, doanh thu của PBP chủ yếu đến từ công ty Mẹ - Đạm Cà Mau (DCM). Điều này cho thấy nổ lực của PBP trong việc cải thiện doanh thu. Chúng tôi kì vọng sản lượng tiêu thụ trong 6 tháng cuối năm tiếp tục tăng tốt nhờ sản lượng bán ra ngoài tăng thêm.

Tỷ lệ cổ tức dự kiến năm 2015 được đưa ra là 9,5%, tương đương 950 đồng/cp và tương ứng tỷ suất cổ tức là 6%. EPS 2015 dự kiến đạt 3.725 đồng/cp, tương ứng PE 2015 là 4,2 lần, thấp hơn trung bình ngành 5,2 lần.

CTD: Cổ phiếu hấp dẫn so với cùng ngành

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Mới đây ngày 10/7/2015, CTD đã ký kết được 5 hợp đồng thi công mới với tổng giá trị hơn 1.800 tỷ, gồm 4 công trình trong khu đô thị Vinhomes Central Park (TPHCM), giá trị 1.422 tỷ với thời gian thi công trong 18 tháng; và Trung tâm thương mại và Khách sạn Vincom Cần Thơ, giá trị 369 tỷ với thời gian thi công 15 tháng.

Như vậy, từ đầu năm 2015 đến nay, giá trị hợp đồng mà CTD đã ký được đạt con số ấn tượng hơn 9.000 tỷ với nhiều dự án có giá trị hợp đồng lớn.

Trong quý I/2015, CTD ghi nhận tăng trưởng cao với doanh thu hợp nhất tăng 30,2% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế tăng 14,9% so với cùng kỳ năm ngoái, lần lượt đạt 1.596,8 tỷ và 73,7 tỷ. Chúng tôi điều chỉnh tăng dự báo kết quả kinh doanh 2015 với doanh thu đạt 9.149 tỷ, tăng 20% và lợi nhuận sau thuế đạt 376 tỷ, tăng 16% so với năm trước.

CTD cũng mới công bố kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cán bộ chủ chốt với số lượng 1,05 triệu cổ phiếu với giá phát hành 35.000 đồng/cổ phiếu và thời gian hạn chế chuyển nhượng 3 năm. Thời gian thực hiện từ 10/7/2015 – 13/8/2015. Việc phát hành số cổ phiếu này theo ước tính chỉ làm tăng 1% số lượng cổ phiếu lưu hành bình quân.

Với lợi nhuận 2015 dự báo đạt 376 tỷ, EPS 2015 ước tính đạt 8.851 đồng/cp. Cổ phiếu CTD giao dịch với P/E dự phóng 8,8x, khá hấp dẫn so với một số công ty cùng ngành.

Tin bài liên quan