Cổ phiếu cần quan tâm ngày 15/7

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 15/7

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 15/7 của các công ty chứng khoán.

CEO: Khuyến nghị tích cực

CTCK Bảo Việt (BVSC)

CTCP Đầu tư C.E.O (mã CEO) là doanh nghiệp BĐS có quy mô vốn trung bình, chỉ khoảng 686 tỷ, tuy nhiên quỹ đất của công ty được khá dồi dào và có vị trí tốt. Tổng quỹ đất của CEO khoảng 764 héc-ta, trong có có 260 héc-ta đất tại Phú Quốc có vị trí hướng biển, thuận lợi để phát triển.

Năm 2014, doanh thu của công ty đạt gần 450 tỷ, tăng 178% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 85 tỷ, tăng hơn 4 lần so với năm 2013. Quý I/2015, CEO đạt doanh thu 174 tỷ, lợi nhuận sau thuế 37 tỷ, tăng lần lượt 4,5 và 6 lần so với cùng kỳ. Kế hoạch 2015 của công ty là 1.000 tỷ doanh thu và 167 tỷ lợi nhuận sau thuế được BVSC đánh giá khả quan.

Dự án River Silk City. Đây là dự án nằm ở cửa ngõ thủ đô và thuộc trục phát triển của Hà Nam, cơ sở hạ tầng về giao thông, bệnh viện, trường học, dân cư đã và đang được hoàn thiện. Giá bán dự án dao động từ 6-16 triệu đồng tùy vị trí. Trung bình khoảng 11 triệu/m2. Kế hoạch tiêu thụ hết phân k ỳ 1 dự án của CEO là khả quan. Sau phân kỳ 1, quỹ đất dự án còn khoảng 96% đảm bảo doanh thu và lợi nhuận cho CEO trong ít nhất 5 năm tới.

CEO trong nhiều năm qua đã âm thầm tích lũy quỹ đất khá lớn tại Phú Quốc, với khoảng trên 260 ha, đều ở các vị trí tốt như ven biển hay cạnh các trục giao thông chính. Trong năm 2015 và các năm tới, CEO sẽ tập trung triển khai khai thác quỹ đất này. Cuối năm 2015, CEO sẽ đưa vào khai thác resort 5 sao Novotel Phú Quốc. Các căn biệt thự biển đầu tiên thuộc dự án Sonasea Resort& Villa cũng sẽ được mở bán trong năm 2015.

Với KQKD tăng trưởng mạnh, P/E hiện tại của CEO chỉ ở mức 6,2x; rất hấp dẫn với một doanh nghiệp BĐS đang trên đà phát triển và có quỹ đất dồi dào đang bước vào giai đoạn khai thác. Triển vọng kinh doanh 2015 và các năm sau của CEO được đánh giá rất khả quan nhờ danh mục dự án BĐS đa dạng trên nhiều phân khúc, được đầu tư và mở bán đúng thời điểm thị trường bất động sản hồi phục. Tình hình tài chính và cơ cấu nguồn vốn của công ty khá ổn định, giảm thiểu rủi ro nợ vay và pha loãng cho cổ đông. Với định giá khoảng 17.184 đồng/cổ phần, cao hơn 21% so với giá hiện tại, chúng tôi khuyến nghị OUTPERFORM với cổ phiếu CEO.

CSM: PE giao dịch ở mức 8,2 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

CTCP Công nghiệp cao su miền Nam (CSM – sàn HOSE) ước tính lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2015 giảm 5,5% bất chấp lợi nhuận từ các dự án bất động sản. Tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2015 ước đạt 1.954 tỷ đồng, tăng 33,1% so với cùng kỳ. Trong đó, các dự án Bất động sản đóng góp 402 tỷ đồng; doanh thu xuất khẩu đạt 427 tỷ đồng. Trong kỳ, CSM tiêu thụ được khoảng 40-42 nghìn chiếc lốp radian toàn thép (tương đương 7000 chiếc lốp/tháng, tăng từ mức 4.000 chiếc lốp/tháng trong quý IV/2014). Giá bán bình quân 6 tháng đầu năm 2015 giảm 14% so với cùng kỳ làm cho biên lợi nhuận của cả lốp Bias và Radian thu hẹp. Mặc dù CSM ghi nhận 67 tỷ đồng lợi nhuận từ các bất động sản nhưng lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2015 vẫn giảm 5,5% so với cùng kỳ 2014, còn 205 tỷ đồng.

CSM cho biết giá bán bình quân có thể tiếp tục giảm trong nữa cuối 2015 trong khoảng từ 2%-4%. Công ty ước tính lợi nhuận trước thuế cả năm có thể ghi nhận được khoảng 400 tỷ đồng, giảm 6,1% so với cùng kỳ dù có đóng góp từ các dự án Bất động sản.

CSM đã thông báo ngày 20/08 sẽ trả cổ tức 2014 bằng tiền mặt tỷ lệ 25% và trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10:1 (ngày giao dịch không hưởng quyền là 22/07/2015). Như chúng tôi đã thông báo trước đó ĐHCĐ của CSM đã thông qua tỷ lệ cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu cho năm 2014 lần lượt là 25% mệnh giá (cao hơn mức cổ tức theo kế hoạch là 12%) và 10% VĐL. Tỷ lệ cổ tức tiền mặt/EPS ở mức 52,3%. Tính đến cuối quý I/2015, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của CSM đạt 530 tỷ đồng (gần 7.900 đồng/cp).

Định giá. CSM đang giao dịch tại P/E 2015 là 8,2 lần.

PVD: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PVD – sàn HOSSE) vừa công bố kết quả kinh doanh sơ bộ 6 tháng đầu năm 2015 với Doanh thu ước đạt trên 8.000 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ. PVD cho biết giá cho thuê bình quân các giàn khoan sở hữu giảm khoảng 7% so với cùng kỳ. Ngoài ra, số ngày hoạt động ít hơn (giàn PV DRILLING I & III thực hiện bảo trì nhỏ theo định kỳ trong tháng 3 và tháng 5). Lợi nhuận sau thuế dành cho cổ đông đạt 1.100 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ 2014. bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2015 của PVD giảm không làm chúng tôi ngạc nhiên trong bối cảnh giá cho thuê giàn trong khu vực giảm theo giá dầu. Các giàn khoan sở hữu duy trì hoạt động ổn định. Tuy nhiên, các hợp đồng của giàn khoan sở hữu được duy trì ổn đinh cùng với hiệu suất hoạt động bình quân trên 99%. Ngoài ra giàn PV DRILLING VI được đưa vào hoạt động từ đầu tháng 3 phần nào bù đắp cho sự giảm sút về doanh thu và lợi nhuận do giá cho thuê và số giàn khoan thuê ngoài giảm.

Đầu tư thêm giàn khoan mới. Như chúng tôi cũng đã lưu ý trước đó, PVD đang triển khai đầu tư thêm 2 giàn khoan mới. PV Drilling đang trong quá trình nghiên cứu dự án đầu tư giàn khoan tự nâng PV DRILLING VII (Supper Class Jackup) và giàn khoan PV DRILLING VIII (Tender Barge). Dự án Tender Barge được đầu tư để phục vụ chiến dịch khoan tại Lô B Ô môn dự kiến kéo dài từ 15-20 năm.

Định giá. PVD đang giao dịch tại P/E là 9,2 lần. Khuyến nghị GIỮ

HBC: Mức định giá không hấp dẫn, PE dự phóng 11,2 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Ngày 10/7/2015, tại công trường dự án Saigon South Office – SC Vivo City (quận 7, TPHCM) mà CTCP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình (mã HBC) là nhà thầu chính đã xảy ra vụ việc sập giàn giáo và đã có thiệt hại về người. Sau sự việc này, dự án đã bị đình chỉ thi công để giám định công trình và điều tra nguyên nhân. Đây là dự án mà HBC mới trúng thầu và triển khai thi công từ cuối tháng 5/2015 với giá trị hợp đồng 440 tỷ và thời gian thi công dự kiến trong 415 ngày.

Chúng tôi cho rằng vụ việc xảy ra có thể ít nhiều đem lại một số khó khăn đối với hoạt động của HBC: (1) chi phí bồi thường cho những người bị thiệt hại và các chi phí liên quan khác; (2) ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình; (3) uy tín có thể bị ảnh hưởng trong khi nguyên nhân chưa được làm rõ.

Với các chi phí sẽ phát sinh liên quan đến vụ việc này, chúng tôi điều chỉnh dự báo lợi nhuận 2015 xuống còn 112 tỷ. Theo đó, EPS 2015 điều chỉnh (sau khi phát hành thêm cổ phiếu thưởng 30%) còn 1.557 đồng/cp. Cổ phiếu HBC giao dịch với P/E dự phóng 11,2 lần, mức định giá không hấp dẫn so với các công ty cùng ngành và so với thị trường chung.

EIB: Khuyến nghị mua vào

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

* Nhận định của MBKE

- Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (EIB – sàn HOSE, tương như như phần lớn các cổ phiếu ngân hàng khác, cho thấy mức hoạt động tốt trong thời gian gần đây.

- Quan trọng hơn, đường giá trong hôm nay đã chính thức tăng mạnh, vượt mạnh cả vùng kháng cự ngắn hạn (khu vực 14.0) và trung hạn (vùng 14.3) để tạo đỉnh cao mới.

- Xu hướng của EIB chuyển sang trạng thái tăng trong cảngắn và trung hạn.

- Thanh khoản có cải thiện rõ nét từ giai đoạn tháng 6 đến nay. Đặc biệt phiên bứt phá kháng cự hôm nay đi kèm với thanh khoản cao nhất trong 5 năm qua, một sự xác nhận quan trọng cho xu hướng tăng của giá.

- Chỉ báo kỹ thuật tích cực. MACD trước đó quay lại kiểm tra thành công việc vượt đường 0 và đồng thời sau đó vượt lên trên đường tín hiệu để xác nhận xu hướng tăng. Các chỉ báo khác đều trong vùng tích cực.

* Chiến lược đầu tư: NĐT có thể mua vào EIB ở vùng giá hiện tại quanh 14.9; Mục tiêu đầu tiên tại: 17.4 (+16,8%); Dừng lỗ ngắn hạn tại: 13.8 (-7,4%).

PVD: 6 tháng cuối năm, hoạt động kinh doanh sẽ cải thiện mạnh

CTCK MB (MBS)

PVD công bố kết quả kinh doanh ước tính trong 6 tháng đầu năm 2015. Theo đó, doanh thu của PVD ước đạt 8,000 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế dành cho cổ đông của công ty ước đạt 1,100 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ.

Việc giá dầu thô giảm mạnh so với năm ngoái đã ảnh hưởng đáng kể đến giá cho thuê giàn khoan của PVD. PVD cho biết, trong 6 tháng đầu năm bình quân giá cho thuê các giàn khoan sở hữu giảm khoảng 7% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, số ngày hoạt động của giàn khoan ít hơn do giàn PV Drilling I và III thực hiện bảo trì nhỏ theo định kỳ trong tháng 3 và tháng 5.

Mặc dù vậy, PVD cũng cho biết, các hợp đồng của giàn khoan Công ty sở hữu được duy trì ổn định với hiệu suất hoạt động bình quân trên 99%. Ngoài ra, giàn PV Drilling VI đã được đưa vào hoạt động từ đầu tháng 3 đã bù đắp cho sự giảm sút về doanh thu và lợi nhuận của PVD.

Chúng tôi đánh giá, hoạt động kinh doanh của PVD sẽ khó có sự cải thiện mạnh trong 6 tháng cuối năm 2015, khi triển vọng giá dầu thô vẫn đứng ở mức thấp khiến giá cho thuê giàn khoan trung bình và số lượng giàn khoan thuê ngoài của Công ty nhiều khả năng sẽ giảm.

Tin bài liên quan