Cổ phiếu cần quan tâm ngày 15/6

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 15/6

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 15/6 của các công ty chứng khoán.

MBB: Khuyến nghị mua vào

CTCK BIDV (BSC)

Chúng tôi khuyến nghị MUA cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB – sàn HOSE) với giá mục tiêu là 16.600 đ/cp (upside 19,32%). Cổ phiếu MBB hiện được giao dịch tại mức P/E và P/B lần lượt là 6,51x và 0,94x, khá hấp dẫn so với P/E và P/B của ngành ngân hàng. Hoạt động của MBB có khả năng sinh lời tốt, tỷ lệ trích lập dự phòng cao và tỷ lệ cho vay trên tổng huy động thấp cho phép ngân hàng đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng tín dụng khi nền kinh tế phục hồi.

Lợi nhuận tăng trưởng bền vững và đứng đầu khối NHTMCP. Kết quả kinh doanh 2014 tích cực, lợi nhuận sau thuế đạt 2.449 tỷ đồng (+8,06% yoy), trong khi đó, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cao, đạt 2.019 tỷ đồng, chiếm 39% tổng lợi nhuận trước thuế và trích lập dự phòng. Năm 2015, lợi nhuận sau thuế của MBB được dự báo đạt 2.554 tỷ đồng, (+4,31% so với năm ngoái), tương đương EPS 2015 sau khi loại trừ quỹ khen thưởng phúc lợi là 2.070 đồng/cp. Kết quả kinh doanh tích cực của MBB có được nhờ

Khả năng sinh lời cao. MBB dẫn đầu các NHTM về hệ số sinh lời ROE, ROA. (1) NIM cao nhờ chi phí huy động thấp, danh mục đầu tư trái phiếu Chính phủ với lãi suất cao chiếm tỷ trọng lớn. (2) Chi phí hoạt động thấp hơn so với trung bình ngành.

Chất lượng tài sản tốt do trích lập dự phòng ở mức cao trong ngành từ nhiều năm và chính sách quản trị rủi ro chặt chẽ. Điều này sẽ giúp MBB duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận cao hơn mức trung bình ngành trong bối cảnh tái cơ cấu mạnh mẽ ngành ngân hàng, siết chặt các chính sách phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro.

NKG: Đang giao dịch ở mức hấp dẫn, PE khoảng 4,39x

CTCK BIDV (BSC)

Chúng tôi duy trì giá mục tiêu cổ phiếu của CTCP Thép Nam Kim (mã NKG) như trong báo cáo trước là 19.105 đồng/cp. Trong trường hợp lợi nhuận sau thuế 2015 đạt mục tiêu 120 tỷ đồng, EPS 2015 sẽ tương ứng đạt 3.008 đồng, và cổ phiếu NKG đang được giao dịch với PE FW = 4,39x, mức hấp dẫn so với PE của HSX hiện là 12,75x.

Quý I/2015, lợi nhuận sau thuế của NKG đạt 20,45 tỷ đồng (+102,03% so với cùng kỳ năm ngoái), nhờ thị phần tôn mạ tăng 4%, biên lợi nhuận gộp cải thiện và chi phí lãi vay giảm. (1) Theo thống kê của Hiệp hội Thép, trong 3 tháng đầu năm 2015, sản lượng tiêu thụ ống thép của NKG đạt 10.699 tấn (+15,29% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 3,8% thị phần), sản lượng tiêu thụ tôn mạ đạt 57.670 tấn (+87,29% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 13,3% thị phần – tăng 4%). (2) NKG vẫn duy trì được mức biên lợi nhuận gộp quý I tăng nhẹ, đạt 5,91% so với 4,94% cùng kỳ 2014. (3) Cùng với đó, chi phí lãi vay giảm 61% so với quý I/2014, chỉ còn 13,18 tỷ đồng góp phần cải thiện kết quả kinh doanh quý I.

Biên lợi nhuận gộp của NKG có thể được cải thiện đáng kể từ quý II/2015 nhờ (1) dây chuyền cán nguội và (2) Dây chuyền mạ lạnh đi vào hoạt động. Dây chuyến cán nguội thứ 2 của NKG công suất 200.000 tấn/năm đi vào hoạt động từ tháng 3/2015, nâng tổng công suất cán nguội thiết kế đạt 400.000 tấn/năm. Công suất vận hành của dây chuyền này hiện đạt 80 – 90%. Dây chuyền mới đi vào hoạt động giúp công ty tiết kiệm khoảng 30 USD/tấn sản phẩm cán nguội. Dây chuyền mạ lạnh NOF công suất 100.000 tấn/năm sẽ đi vào hoạt động từ tháng 7/2015. Hiện tại công suất mạ hợp kim nhôm kẽm của NKG là 150.000 tấn/năm. Mặt hàng mạ lạnh có mức biên lợi nhuận cao nhất và chiếm tới 77% trong cơ cấu sản lượng xuất khẩu và 39% sản lượng tiêu thụ nội địa của NKG.

Dự kiến kết quả kinh doanh quý II/2015 khả quan với lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 40 – 45 tỷ đồng, NKG ước tính tổng sản lượng tiêu thụ tôn mạ và ống thép trong Q2 2015 có thể đạt 82 – 83 nghìn tấn. Bên cạnh đó, sức ép giảm biên lợi nhuận cũng sẽ được hạn chế do đà giảm của giá phôi thép dẹt đã có xu hướng chững lại, giá thép dẹt HRC đang giao động khoảng 400 USD/tấn. Ngoài các thị trường xuất khẩu truyền thống, NKG đang xuất khẩu sang Nga, Belarus nhưng số lượng không đáng kể, khoảng 500 tấn / tháng, thuế suất hiện tại là 5% (thuế suất có thể về 0% sau khi Hiệp định FTA Việt Nam với Liên minh kinh tế Á – Âu chính thức có hiệu lực).

RAL: PE tương đương trung bình ngành, ở mức 8,4 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

RAL công bố kết quả kinh doanh quý I/2015 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 818 tỷ và 19,7 tỷ, tăng lần lượt 17% và 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng doanh thu nhờ sản lượng bóng đèn tiêu thụ tốt, đặc biệt doanh thu từ đèn LED đang tăng trưởng tốt. Biên lợi nhuận gộp quý I/2015 tăng 2 điểm phần trăm (ppt) so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 22% do chi phí nguyên vật liệu đầu vào (gas, dầu, nhựa, cát silica, thép dùng cho sản xuất bóng đèn, phích nước) giảm tương đối trong thời gian vừa qua.

Với sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành thì việc giữ vững vị thế đi cùng với duy trì mức lợi nhuận cao không phải là dễ dàng. RAL tăng chính sách khuyến mãi, các chính sách hỗ trợ cho đại lý làm cho chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng mạnh 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế quý I/2015 chỉ tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

ĐHCĐ 2015 của RAL đã thông qua kế hoạch doanh thu 2.678 tỷ, tăng nhẹ 3% và lợi nhuận trước thuế 80 tỷ, giảm 9,9% so với mức thực hiện năm 2014. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế cũng có thể đạt tốt hơn ở mức 95 tỷ, tăng 7% so với năm ngoái. Như vậy trong quý I, RAL đã hoàn thành 31% và 33% kế hoạch doanh thu và  lợi nhuận trước thuế của năm.

Mức cổ tức kế hoạch 2015 là 35% bằng tiền mặt (tương đương 2014). Thời gian thanh toán dự kiến chia làm 2 đợt: 15% chi trả vào tháng 9/2015 (đợt này cũng thanh toán 5% cổ tức tiền mặt còn lại của 2014) và 20% còn lại vào tháng 4/2016. Như vậy, tổng cổ tức tiền mặt mà cổ động được nhận trong 2015 là 2.000 đồng/cp tương ứng lợi suất cổ tức là 4,4%.

Vấn đề nổi bật khác được đề cập trong ĐHCĐ 2015 của RAL là việc thoái vốn của SCIC (đang sở hữu 20,6% cổ phần). Trước việc thoái vốn của SCIC, Công đoàn RAL (đang sở hữu 39,4% cổ phần) sẽ có khả năng mua vào lượng cổ phiếu này bằng hình thức chào bán thỏa thuận trực tiếp hoặc chào bán đấu giá. Nếu việc mua gom thành công thì Công đoàn RAL sẽ nắm giữ tới gần 60% vốn điều lệ. Chúng tôi cho rằng việc này có khả năng ảnh hưởng đến tính thanh khoản cũng như tính minh bạch của cổ phiếu RAL đối với các cổ đông nhỏ lẻ bên ngoài, qua đó giảm tính hấp dẫn của cổ phiếu RAL.

Với kế hoạch lợi nhuận trước thuế như trên EPS 2015 ước đạt 5.426 đồng/cp và PE 2015 ở mức 8,4 lần, tương đương trung bình ngành.

TRA: Khuyến nghị tích cực

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Tái cơ cấu hệ thống phân phối mở rộng kinh doanh theo chiều dọc của chuỗi giá trị đưa TRA của CTCP Trapaco trở thành một trong những nhà phân phối thuốc hàng đầu tại Việt Nam. Trước năm 2014 TRA có khoảng 10.000 khách hàng tập trung nhóm khách hàng bán sỉ với nhiều yếu điểm, trong năm 2014 doanh nghiệp đã tái cơ cấu hệ thống phân phối thành công mở rộng tập khách hàng ra 18.000 khách hàng với gần 80% khách hàng bán lẻ đưa hệ thống phân phối của TRA lớn thứ 2 trên thị trường dược nội địa.

Năng lực sản xuất đang được mở rộng hỗ trợ tăng trưởng doanh thu. Nhà máy dược Việt Nam đi vào hoạt động năm 2017 đẩy mạnh mảng sản xuất tân dược của TRA đặc biệt về dòng thuốc nhỏ mắt nước muối sinh lý với dây chuyền sản xuất BFS công nghệ Mỹ - vòng sản xuất khép kín sẽ tạo nên lực đẩy doanh thu cho TRA từ năm 2017.

Năm 2014 - Hy sinh tăng trưởng để tập trung tái cơ cấu. Sau 3 quý tập trung tái cơ cấu, doanh thu quý IV/2014 tăng mạnh 27.11% so với cùng kỳ với chính sách bán hàng mới “Thành tín – Đồng lợi – Cùng phát triển, cả năm đạt 1.650,5 tỷ đồng, giảm nhẹ 1.89% so với năm 2013. Tuy nhiên với chính sách bán hàng mới, chi phí chiết khấu cũng gia tănglàm giảm hiệu quả hoạt động kinh doanh của TRA. Cụ thể năm 2014 lợi nhuận sau thuế của TRA đạt 163,6 tỷ đồng, giảm 4,43% so với cùng kỳ.

Dự báo năm 2015 đạt mức tăng trưởng doanh thu 13.3%, lợi nhuận tăng 30.8%. Với định hướng kinh doanh tập trung bán lẻ trên nền tảng phần mềm quản lý bán hàng hiện đại, Chúng tôi dự kiến năm 2015 doanh thu thuần của TRA đạt 1.870 tỷ tăng 13,3% so với năm 2014. Dịch chuyển cơ cấu doanh thu giảm tỷ trọng hàng phân phối mang lại tăng trưởng biên lợi nhuận gộp của TRA năm 2015 và là lực đẩy chính của tăng trưởng mạnh lợi nhuận sau thuế. Chúng tôi dự kiến lợi nhuận sau thuế của TRA đạt 214 tỷ đồng tăng 30,8% so với năm 2014.

Với kết quả khả quan từ tái cơ cấu hệ thống phân phối, chiến lược kinh doanh rõ ràng, và năng lực sản xuất đang được mở rộng hỗ trợ tăng trưởng doanh thu, TRA là doanh nghiệp đông dược đáng chú ý nhất trên thị trường dược phẩm Việt Nam hiện nay. Trên cơ sở này, chúng tôi đánh giá OUTPERFORM đối với cổ phiếu TRA trong năm 2015 với giá mục tiêu theo phương pháp định giá DCF là 101,500 đồng/cp, cao hơn 20,8% so với mức giá đóng của ngày 08/06/2015 84.000. Tương ứng với P/E forward dự phóng 2015 là 10,84 lần.

>> Tải báo cáo

Tin bài liên quan