Cổ phiếu cần quan tâm ngày 15/5

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 15/5

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 15/5 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị tích cực đối với cổ phiếu SBV

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Công ty cổ phần Siam Brothers Việt Nam (SBV) là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và cung cấp dây thừng có thâm niên hơn 20 năm. Công ty dự kiến sẽ niêm yết hơn 20,5 triệu cổ phiếu vào ngày 16/5/2017 trên sàn Hose với giá khởi điểm 40.000 đồng/cp.

Mặc dù BVSC đánh giá khá tích cực về triển vọng doanh thu của SBV trong hai năm tới nhờ triển vọng của thị trường ngư cụ còn tiềm năng và Công ty có cơ hội mở rộng danh mục sang ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, do xu hướng giá nguyên liệu năm nay đang có xu hướng tăng trở lại và chi phí khấu hao cũng tăng thêm khi nhà máy mới hoạt động vào nửa cuối năm do đó BVSC ước tính lợi nhuận năm 2017 sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 10% đạt 125 tỷ đồng, EPS tương ứng gần 7.000 đồng/cp.

Hiệu quả hoạt động cao và triển vọng tăng trưởng khả quan là hai điểm nổi bật đối với CTCP Siam Brothers Việt Nam – SBV. Với mức giá niêm yết là 40.000 đồng/cp, PE trailing là 7x và PE forward (dựa trên ước tính lợi nhuận của BVSC) là 5.7x, mức PE này vẫn còn khá thấp so với giá trị hợp lý của Công ty do đó chúng tôi khuyến nghị OUTPERFORM.

Tuy vậy, nhà đầu tư cần lưu ý tăng trưởng từ 2017 – 2019 khá chắc chắn nhưng để tăng trưởng tiếp thì Công ty cần có đầu tư thêm về năng lực sản xuất. Ngoài ra, hết năm 2019 Công ty cũng không còn được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp.

PVD vẫn khó khăn trong tương lai

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (mã PVD) đặt kế hoạch số giàn khoan trung bình hoạt động trong năm 2017 khoảng 2,5 giàn, trong đó chủ yếu là các giàn tự nâng với giá cho thuê trung bình dao động trong khoảng từ 50.000 – 60.000 USD/ngày.

Chỉ xét riêng việc giàn nước sâu PV Drilling 5 không hoạt động trong năm 2017 cũng sẽ gây ảnh hưởng lớn tới PVD. PV Drilling 5 hiện là giàn khoan đóng góp nhiều lợi nhuận nhất cho PVD trong năm 2016 bởi giá thuê giàn nước sâu thường cao hơn gấp 3-4 lần so với các giàn khoan loại khác. Ước tính mức lợi nhuận đóng góp của giàn PV Drilling 5 trong năm 2016 vào khoảng 250 tỷ, như vậy thì trong năm 2017 PVD sẽ mất khoảng 250 tỷ lợi nhuận so với năm 2016.

Hoàn nhập dự phòng và hoàn nhập quỹ công nghệ có thể giúp kết quả kinh doanh PVD tích cực hơn một cách kỹ thuật. PVD hiện vẫn đang cố gắng thu hồi công nợ khách hàng để cải thiện kết quả kinh doanh, nếu hoàn nhập có thể thu về khoảng 180 tỷ.

Trong khi đó quỹ công nghệ có thể đem lại dòng tiền ròng khoảng 140 tỷ. Tổng hai khoản có thể đem lại cho PVD khoảng 320 tỷ đồng.Trong trường hợp thu hồi công nợ không thành công, PVD có thể lỗ khoảng 700-800 tỷ.

Trong ngắn hạn, triển vọng kinh doanh của PVD vẫn tương đối khó khăn khi nhu cầu các giàn khoan vẫn ở mức thấp cũng như mức giá cho thuê ở dưới giá vốn. Trong khi đó triển vọng giá dầu trong một năm tới cũng chưa có nhiều điểm tích cực, mức giá bình quân trong năm 2017 dự kiến khoảng từ 55 – 60 USD/bbl. Điểm hòa vốn cho hoạt động kinh doanh của PVD tương ứng với giá dầu vào khoảng từ 60 USD/bbl.

Hai khoản hoàn nhập dự phòng phải thu và quỹ khoa học công nghệ nếu thành công sẽ giúp cho PVD bớt lỗ trong năm 2017, khả năng đây sẽ là thông tin tích cực duy nhất với PVD trong 2017.

Ngược lại, trong trường hợp không có hai khoản nêu trên, PVD có thể lỗ từ 800 tỷ đến 1.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, với mức lỗ này thì giá trị sổ sách của PVD vẫn đạt khoảng 27.659 đồng, cao hơn 71% so với giá thị trường.

Trong dài hạn, Cá Rồng Đỏ là dự án rất tiềm năng đối với PVD do cần sử dụng giàn khoan nước sâu PV Drilling 5. Cá Rồng Đỏ dự tính sẽ bắt đầu triển khai vào cuối năm 2018 và kéo dài trong khoảng 2,5 năm, do đó chúng tôi kỳ vọng kết quả kinh doanh của PVD sẽ bắt đầu được cải thiện từ năm 2019.

Khuyến nghị khả quan cổ phiếu VGG

CTCK Vietcombank (VCBS)

Kết thúc năm tài chính 2016, Tổng Công ty cổ phần May Việt Tiến (mã VGG) đã ghi nhận doanh thu đạt 7.526 tỷ đồng (tăng 17,44% so với năm trước, vượt 12,33% kế hoạch) và lợi nhuận trước thuế đạt 482 tỷ đồng (tăng 17,35% so với năm trước, vượt 57,88% kế hoạch).

Đây là một kết quả kinh doanh rất ấn tượng trong bối cảnh các công ty dệt may niêm yết trên thị trường chứng khoán đều gặp khó khăn và không đạt được tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận với 2 chữ số trong năm 2016.

VGG vừa công bố quả kinh doanh quý I/2017 với doanh thu đạt 1.511,9 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,13% so với cùng kỳ năm trước (19,42% kế hoạch), lợi nhuận sau thuế đạt 78 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,90% so với cùng kỳ (hoàn thành 27,46% kế hoạch).

Doanh thu thuần trong kỳ giảm nhẹ là do doanh thu đến từ đối tác chiến lược South Island giảm rất mạnh tới 35,38% so với cùng kỳ.

Mặc dù, lợi nhuận gộp tăng tốt (tăng 7,67% so với cùng kỳ) nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn chỉ ở mức ngang cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận ròng cải thiện nhẹ từ 5,11% lên 5,16%.

VGG đặt kế hoạch doanh thu 2017 khá thận trọng ở mức 7.786 tỷ đồng (tăng 4,92% so với năm trước) và lợi nhuận trước thuế ở mức 350 tỷ đồng (tăng trưởng 1,45%) với giả định chi phí sản xuất (lương, bảo hiểm xã hội và điện) sẽ tăng. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng VGG hoàn toàn có thể vượt kế hoạch đã đặt ra.

Theo đó, doanh thu dự phóng đạt 8.278 tỷ đồng (tăng 10% so với năm trước và vượt 6,32% kế hoạch) và lợi nhuận trước thuế đạt 506 tỷ đồng (giảm 7,48% so với năm trước, vượt 44,57% kế hoạch). EPS forward ước đạt 9.373 đồng/cp, tương ứng với P/E ở mức 6,52 lần.

Chúng tôi cho rằng giá cổ phiếu này đã về mức khá hấp dẫn, do mức P/E nói trên thấp hơn nhiều P/E trung bình các công ty may niêm yết là 7,52 lần. Vì vậy, chúng tôi đưa ra khuyến nghị KHẢ QUAN đối với cổ phiếu VGG cho mức giá mục tiêu là 69.151 đồng/cp.

Tin bài liên quan