Cổ phiếu cần quan tâm ngày 13/5

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 13/5

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 13/5 của các công ty chứng khoán.

GSP: Khuyến nghị tích lũy trong dài hạn

CTCK Rồng Việt (VDSC)

Khuyến nghị TÍCH LŨY trong DÀI HẠN đối với cổ phiếu của CTCP Vận tải sản phẩm khí quốc tế (GSP-HOSE) với giá mục tiêu 16.600 đồng/cp.

GSP là doanh nghiệp có năng lực vận chuyển hàng đầu Việt Nam và được giao là đầu mối thu xếp dịch vụ vận chuyển LPG cho NMLD Dung Quất và Nhà Máy Xử Lý Khí Dinh Cố. Điểm mạnh lớn nhất của GSP là (1) Tình hình tài chính lành mạnh (2) tỉ lệ đòn bẩy thận trọng và khả năng thanh toán cao (3) tỉ lệ cổ tức đều đặn hàng năm ở mức 10-12%/năm, tương đương tỉ suất cổ tức ~ 10%.

Điều chúng tôi quan ngại nhất đối với GSP là việc giá dầu thế giới duy trì ở mức thấp với diễn biến khó dự báo. Diễn biến này có thể khiến GSP phải tiếp tục điều chỉnh giảm giá cước cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi giá dầu thô duy trì ở mức thấp. Tuy vậy, chi phí đầu vào giảm (dầu DO, FO) có thể giúp biên LNG của mảng vận tải khí duy trì ổn định. Về dài hạn, tăng trưởng nhu cầu sử dụng nguồn năng lượng sạch (khí LPG) cộng với những dự án lọc hóa dầu mới, Nghi Sơn và nhà máy xử lý khí Cà Mau (năm 2017) sẽ kéo nhu cầu vận chuyển LPG tăng.

PVD: Khó vượt kế hoạch kinh doanh năm nay

CTCK MB (MBS)

PVD công bố kế hoạch kinh doanh năm 2015 tại đại hội cổ đông thường niên. Theo đó, lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 1500 tỷ VND, giảm 38% so với năm 2014, mức cổ tức 2015 dự kiến tối thiểu 10% bằng tiền mặt và 10% bằng cổ phiếu.

Giá dầu thế giới giảm mạnh trong thời gian qua đã ảnh hưởng đáng kể đến triển vọng kinh doanh của PVD. Công ty công bố do ảnh hưởng của việc giảm giá dầu từ quý 4/2014 đến nay khối lượng công việc giảm đến 30%, có dịch vụ giảm tới 50%, đơn giá các dịch vụ giảm từ 5-30%.

Nhìn chung, giá dịch vụ của PVD gắn với giá dầu. Nếu giá dầu 50USD/thùng thì giá cho thuê giàn khoan là 125,000 USD/ngày, 65USD/thùng là 140,000 USD/ngày, trên 70 USD/thùng thì về 150,000-155,000 USD/ngày. Kế hoạch doanh thu và lợi nhuận mà ban lãnh đạo đưa ra đã được tính toán cẩn thận trong trường hợp giá dầu còn nằm dưới 70 USD/thùng.

Tổng nhu cầu đầu tư ước tính trong năm 2015 của PVD là 1,978 tỷ đồng để tài trợ cho hai dự án đầu tư giàn khoan PV Drilling VII & VIII.

Chúng tôi đánh giá nhiều khả năng giá dầu thô thế giới sẽ đứng ở mức dưới 70 USD/thùng trong năm 2015 do nguồn cung dầu đá phiến dồi dào và sức cầu dầu thô tăng chậm khi kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu chững lại. Do đó, chúng tôi cho rằng lợi nhuận của PVD khó có khả năng vượt kế hoạch trong năm 2015.

PPC: Xem xét tích lũy

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) báo cáo KQKD quý I/2015 với doanh thu đạt 2.002,2 tỷ, giảm 7,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 51,4 tỷ, giảm 76,8% so với cùng kỳ. Vê hoạt động SXKD điện, doanh thu giảm 7,6% so với cùng kỳ trong khi tổng chi phí tăng 0,7% so với cùng kỳ, kéo tỷ suất lợi nhuận hoạt động giảm xuống 6,5% so với 13,2% trong quý I/2014. Lợi nhuận hoạt động do đó giảm 62% so với cùng kỳ.

Tỷ suất lợi nhuận giảm chủ yếu do giá bán điện thoả thuận với EVN với phần giá cố định được xác định dựa trên chi phí khấu hao bình quân đến hết năm 2031 (đối với nhà máy 2), trong khi PPC không thực hiện kéo dài thời gian trích khấu hao tương ứng nên chi phí khấu hao trong quý I/2015 vẫn ở mức cao là 174,7 tỷ.

Tính đến 31/3/2015, giá trj tài sản cố định hữu hình còn lại của PPC là 681,88 tỷ, trong đó hai mục lớn nhất là nhà cửa 355,1 tỷ (trích khấu hao 11,4 tỷ trong quý I/2015) và máy móc thiết bị 307,3 tỷ (trích khấu hao 160,8 tỷ trong quý I/2015). Với phương pháp và thời gian khấu hao đang áp dụng, giá trị máy móc thiết bị còn lại ước tính sẽ được khấu hao hết trong năm nay. Như vậy, từ 2016 chi phí khấu hao sẽ giảm đáng kể, giúp tỷ suất lợi nhuận cải thiện trở lại.

Về hoạt động tài chính, trong quý I/2015 PPC ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá 108,6 tỷ do tác động kép của việc đồng JPY tăng đôi chút so với VND và việc áp dụng thông tư 200/2014/TT-BTC (như chúng tôi đã lưu ý trong báo cáo chiến lược ngày 15/4/2015). Theo đó, tỷ giá áp dụng đối với các khoản nợ bằng ngoại tệ là tỷ giá bán thay cho tỷ giá mua chuyển khoản áp dụng trước đây (tỷ giá bán luôn cao hơn so với tỷ giá mua chuyển khoản).

Cụ thể, tỷ giá bán JPYVND (ngày 31/3/2015) là 180,4, cao hơn 1% so với tỷ giá mua chuyển khoản. Như vậy, tác động của thông tư 200 đã phản ánh trong báo cáo quý 1/2015 của PPC và lãi/lỗ chênh lệch tỷ giá từ quý II/2015 sẽ chỉ phụ thuộc vào biến động của tỷ giá JPYVND.

Về kết quả kinh doanh 2015, chúng tôi dự báo doanh thu đạt 7.760 tỷ, tăng nhẹ 3,7% so với năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế dự báo đạt 711,4 tỷ, giảm 31,9% so với năm ngoái, chủ yếu do chi phí khấu hao vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi phí. Sau khi khấu hao hết phần máy móc thiết bị, lợi nhuận từ hoạt động SXKD chính của PPC sẽ có sự cải thiện rõ rệt trong năm sau.

Cổ phiếu PPC giao dịch với P/E 2015 là 10x và P/E 2016 khoảng 7x. Theo chúng tôi, các nhà đầu tư dài hạn có thể xem xét tích luỹ cổ phiếu PPC.

PVD: PE dự phóng khoảng 6,4 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

ĐHCĐ đã thông qua kế hoạch kinh doanh 2015 với doanh thu giảm 35,4 % so với năm ngoái còn 13.500 tỷ đồng. Trong đó, giá cho thuê giàn khoan dự kiến giảm từ 10%- 20%. Giá các dịch vụ giếng khoan giảm từ 5% đến 10%. Khối lượng công việc giảm từ 20% đến 30%. Theo đó, lợi nhuận sau thuế giảm 37,4% so với năm ngoái còn 1.500 tỷ đồng. Giả định đối với kế hoạch kinh doanh này là giá dầu Brent >60 USD/thùng (hiện giao dịch quanh 65 USD/thùng).

Trong năm 2015, công ty cho biết sẽ tiếp tục đầu tư vào 1 giàn khoan Tender Barge (PVD VIII). Ngoài ra, PVD cũng đang lên kế hoạch đầu tư vào 1 giàn khác với liên doanh Malaysia (PVD sở hữu 70%). Dự án Lô B Ô Môn (Chevron đã bán lại 50% cho PVN) sẽ mang lại cơ hội lớn cho PVD trong thời gian tới. PVD dự kiến sẽ đưa 1 giàn Tender Barge ( PVD VIII) và 1 giàn tự nâng để phục vụ dự án này. PVD ước tính chi phí đầu tư cho Tender Barge là 120 triệu USD, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2017.

Lợi nhuận quý I/2015 của PVD giảm khoảng gần 19% so cùng kỳ 2014 còn khoảng 485 tỷ đồng. Lưu ý, kết quả này chưa tính đóng góp của giàn khoan PVD VI (đi vào hoạt động cuối tháng 3/15). Giá cho thuê giàn khoan bình quân 4 tháng đầu năm 2015 giảm còn 140.000 USD/ngày từ mức bình quân 159.000 USD/ngày trong năm 2014.

ĐHCĐ cũng đã thông qua kết quả kinh doanh 2014 với doanh thu tăng 40,5% so với năm trước, đạt 20.884 tỷ đồng, vượt 52% kế hoạch kinh doanh 2014. Trong năm 2014, PVD đã thuê ngoài khoảng 6-7 giàn khoan (so với chỉ 3 giàn trong 2013) để phục vụ thị trường trong nước bên cạnh 5 giàn khoan thuộc sở hữu của công ty. Giá cho thuê tăng trung bình khoảng 8% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế tăng 27,4% so với năm trước, đạt 2.419 tỷ đồng, vượt 47% so với kế hoạch 2014.

ĐHCĐ đã thông qua phương án chi trả cổ tức 2014 là 15% tiền mặt (tỷ lệ chi trả cổ tức là 21,5% )và 15% cổ phiếu. Lưu ý, tính đến cuối 2014 PVD có hơn 3.208 tỷ đồng tiền mặt (>10.000 đồng/cp) và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 3.873 tỷ đồng ( >12.780 đồng/cp). PVD sẽ quyết định chi trả cổ tức cho năm 2015 tại đại hội cổ đông thường niên năm 2016. Tuy nhiên, lãnh đạo PVD cho biết cổ tức 2015 có thể sẽ không cao hơn cổ tức 2014.

Hiện PVD đang giao dịch tại P/E trailing là 6,4 lần.

Tin bài liên quan