Cổ phiếu cần quan tâm ngày 12/5

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 12/5 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 12/5

RAL: Khuyến nghị tích cực

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Về kế hoạch kinh doanh năm 2015: chúng tôi đánh giá RAL đã đề ra kế hoạch kinh doanh tương đối thận trọng cho năm 2015. Lo ngại của công ty là thị trường sẽ chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các sản phẩm của các nước trong ASEAN tràn vào. Tuy nhiên, với thị phần chủ yếu từ phân khúc bình dân, phân khúc chiếm phần lớn trong thị trường bóng đèn tại Việt Nam, cùng với thương hiệu đã được xây dựng gần 60 năm, vị trí thống lĩnh của RAL sẽ khó bị thay đổi (thị phần hiện tại của RAL chiếm khoảng 36% toàn thị trường). Bên cạnh đó còn một số yếu tố khác cũng sẽ tác động tích cực đến hoạt động của RAL trong năm 2015:

- Chi phí sản xuất trong năm nay sẽ được giảm 1 phần nhờ vào giá cát silica dùng cho sản xuất thủy tinh giảm tương đối trong thời gian vừa qua.

- Bất động sản hồi phục: hơn 80% doanh thu RAL đến từ thị trường nội địa, chiến lược của RAL là tập trung thị trường nội địa, vì vậy khi thị trường bất động sản Việt Nam hồi phục, RAL sẽ được hưởng lợi.

- Xu hướng thâm nhập của đèn LED vào Việt Nam: RAL có trình độ công nghệ cao, đặc biệt với công nghệ LED. Hiện tại thị trường LED Việt Nam đang phải cạnh tranh với đèn LED xuất xứ từ Trung Quốc giá thấp và chất lượng không cao, RAL có nhiều lợi thế hơn nhờ công nghệ, chính sách bán hàng và khuyến mãi tốt hơn, vì vậy thương hiệu đèn LED của RAL có nhiều triển vọng hơn.

Chúng tôi ước tính doanh thu 2015 của RAL có thể đạt 3.140 tỷ đồng, tăng 20,7% yoy, LNST có thể đạt 78 tỷ đồng, tăng 21,8% yoy. EPS 2015 vào khoảng 6.837 đồng/cổ phiếu tương ứng với P/E forward 2015 vào khoảng 6,6 lần.

Khuyến nghị đầu tư: RAL có vị thế là một trong 2 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường, hoạt động kinh doanh tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi – ngành thiết bị chiếu sáng với triển vọng tăng trưởng trong trung hạn và dài hạn. Với những kế hoạch của doanh nghiệp cũng như sự phục hồi của thị trường thiết bị chiếu sáng trong nước, chúng tôi đánh giá tích cực về khả năng tăng trưởng trong tương lai của RAL. Mức giá kỳ vọng cho cổ phiếu RAL chúng tôi dự báo vào khoảng 55.000 đồng/cổ phiếu.

>> Tải báo cáo

PLC: Sẽ hoàn thành kế hoạch năm

CTCK MB (MBS)

PLC công bố kế hoạch kinh doanh năm 2015. Theo đó, Doanh thu phấn đấu đạt mức 6,052 tỷ VND, giảm 11.1% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế theo kế hoạch phấn đấu đạt 273 tỷ VND đồng; giảm 2,25% so với cùng kỳ.

Lĩnh vực nhựa đường và dầu mỡ nhờn vẫn là hai trụ cột chính đem lại doanh thu và lợi nhuận cho Công ty trong khi đó mảng hóa chất tiếp tục có lợi nhuận thấp do cạnh tranh ác liệt.

Trong năm 2015, không còn nhiều dự án giao thông đang được hoàn thành, nên ngành hàng nhựa đường dự báo sẽ không tăng trưởng mạnh như năm 2014.

Ngành hàng dầu nhờn vẫn đang trong giai đoạn phát triển thị trường nội địa và mở rộng ra các nước trong khu vực do đó dự kiến chi phí bán hàng sẽ tăng cao làm giảm biên lợi nhuận.

Công ty cũng công bố kế hoạch lợi nhuận dự kiến cho các mảng kinh doanh chính như sau:

Mảng nhựa đường: 130.5 tỷ; Mảng dầu nhờn: 220 tỷ; Mảng hóa chất: 1 tỷ. Kế hoạch lợi nhuận trên được xây dựng dựa trên giả định giá dầu ở mức 50 USD/ thùng.

Công ty cũng dự kiến tăng vốn lên mức 800 tỷ VNĐ, bằng cách phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 15%.

Chúng tôi đánh giá, PLC nhiều khả năng sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2015.

DPM: Lợi nhuận 2017 kỳ vọng 600-700 tỷ

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Ngày 26/5/2015 là ngày chốt quyền chi trả cổ tức đợt 2 năm 2014 với tỷ lệ 15% bằng tiền mặt của Tổng Công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí Đạm Phú Mỹ (DPM). Ngày thanh toán là 24/6/2015. Tổng mức cổ tức năm 2014 của DPM là 30% trong đó đã tạm ứng 15% trong 2014.

Theo số liệu lịch sử, trong năm tài chính DPM thường chi trả phần cổ tức còn lại của năm trước đó vào quý II và tạm ứng đợt 1 của năm hiện tại ở Q3. Tại ĐHCĐ 2015, DPM cũng đưa ra KH cổ tức 2015 là 25%. Như vậy, chúng tôi dự báo tổng mức cổ tức tiền mặt mà cổ động thực nhận trong 2015 là 3.000 đồng/cp (giả sử tạm ứng cổ tức đợt 1/2015 là 15%). Với mức giá đóng cửa hôm nay là 30.300 đồng thì lợi suất cổ tức 2015 khoảng 10%, cao hơn so với mức lãi suất tiền gửi.

Tại ĐHCĐ 2015, DPM đã công bố nhà thầu EPC cho dự án NH3 – NPK và dự tính trong quý II/2015 sẽ bắt đầu khởi công. Tổng chi phí đầu tư cho dự án ước khoảng 5.000 tỷ, thời gian xây dựng là 2 năm và công suất thiết kế là 90.000 tấn NH3 và 250.000 tấn NPK mỗi năm. Hệ số IRR và ROE của dự án ước tính là 14,1% và 25%. Kỳ vọng từ cuối 2017, nhà máy sẽ bắt đầu đi vào sản xuất và đóng góp khoảng 4.500 tỷ vào tổng doanh thu và khoảng 600-700 tỷ vào lợi nhuận trước thuế.

VSC: Duy trì nắm giữ

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

CTCP Container Việt Nam (VSC) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2015 tốt với doanh thu và lãi ròng tăng lần lượt 14,2% và 20,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cổ phiếu VSC đã tăng 3,8% trong phiên giao dịch hôm nay (11/05/2015), đóng cửa ở mức 54.000 đồng/cp.

Doanh thu quý I/2015 tăng khá tốt 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái. VSC đã ngưng hoạt động vận tải xà lan - mảng kinh doanh chiếm khoảng 10% tổng doanh thu của công ty từ đầu năm nay do khách hàng chính không còn và hiệu quả hoạt động cũng không cao. Mặc dù vậy, doanh thu quý I/2015 vẫn tăng 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 226,8 tỷ đồng, chủ yếu nhờ các mảng kinh doanh chính như cảng và kho tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, khác với năm trước, trong quý I/2015, VSC có thêm khoảng 30 tỷ doanh thu từ container lạnh.

Lãi ròng quý I/2015 tăng mạnh 20,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 57,4 tỷ đồng. VSC lỗ 2,1 tỷ đồng từ hoạt động khác trong quý I/2015 do thanh lý 2 xà lan hồi đầu năm nay. Tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý/doanh thu cũng tăng nhẹ 0,5 điểm % so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiện đáng kể từ mức 32,5% trong quý I/2014 lên 36,4% trong quý I/2015, lợi nhuận sau thuế quý I/2015 của công ty đã ghi nhận mức tăng trưởng tốt, cao hơn mức tăng của doanh thu.

Quý I hàng năm thường là quý có tỷ lệ đóng góp doanh thu và lợi nhuận thấp nhất trong năm của VSC, lần lượt khoảng 22% và 19%. Như đã đề cập trong các phân tích trước, chúng tôi đánh giá kế hoạch 800 tỷ đồng doanh thu (-10% so với cùng kỳ năm ngoái) và 245 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (-19% so với cùng kỳ năm ngoái) của VSC là khá thận trọng. Với mức hoàn thành 28,4% và 29,1% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận 2015 của quý I/2015, chúng tôi cho rằng VSC có khả năng vượt kế hoạch đề ra.

Dự kiến cầu bến đầu tiên của dự án cảng mới VIP Green Port (VGP) sẽ đi vào hoạt động trong tháng 11/2015. Để đảm bảo nguồn hàng cho cảng mới, VSC dự kiến phát hành tăng vốn thêm 22% tại CTCP Cảng Xanh VIP (VIP GreenPort) cho đối tác chiến lược là khách hàng của công ty. Dự kiến sau phát hành, tỷ lệ nắm giữ của VSC tại VGP sẽ giảm từ mức 65% hiện tại xuống còn hơn 53%.

Với vị trí tương đối thuận lợi của cảng mới VGP, cộng với lợi thế về mặt thương hiệu cũng như thâm niên hoạt động trong ngành của VSC, chúng tôi tương đối lạc quan về triển vọng dài hạn của VSC, đặc biệt là từ 2016 trở đi khi cảng mới đã có thể đi vào vận hành.

Duy trì khuyến nghị nắm giữ với giá mục tiêu 57.500 đồng/cp. VSC đang giao dịch tương đối hợp lý ở mức 7,5 lần PE 2015 và 1,8 lần PB, so với mức 8,1 lần PE và 1,7 lần PB của bình quân ngành.

GMD: PB giao dịch ở mức 0,7 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Gemadept (GMD) vừa công bố tài liệu họp ĐHCĐ thường niên 2015, dự kiến tổ chức vào sáng ngày 26/05/2015. Trong phương án phân phối lợi nhuận 2014 được đề xuất, ngoài việc trích lập các quỹ như thông lệ, GMD đề xuất mức cổ tức chi trả cho 2014 bao gồm: (1)cổ tức tiền mặt 2.000 đồng/cp, tương đương tỷ suất cổ tức khoảng 5%; và (2)chia cổ phiếu thưởng, tỷ lệ 2:1. Giá cổ phiếu GMD đã có 4 phiên tăng liên tiếp trước phiên điều chỉnh ngày hôm nay.

Theo chúng tôi, với mức EPS đạt được trong 2014 là 4.598 đồng/cp, thì mức cố tức tiền mặt dự kiến chi trả 2.000 đồng/cp sẽ tương đương với tỷ lệ chi trả/EPS (payout ratio) khoảng 43%, tương đối hợp lý. Theo báo cáo tài chính 2014 đã kiểm toán, khoản mục thặng dư vốn cổ phần của GMD tại ngày 31/12/2014 là 2.471 tỷ đồng, so với mức 1.161 tỷ đồng của vốn điều lệ.

Theo đó, GMD có khả năng thực hiện việc chia cổ phiếu thưởng như dự kiến. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tình trạng thặng dư vốn lớn của GMD đã tồn tại rất nhiều năm qua và đề xuất chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 1:1 của SCIC trong ĐHCĐ thường niên 2014 cũng đã không được thông qua.

Về kế hoạch kinh doanh 2015, GMD dự kiến trình đại hội thông qua các chỉ tiêu 3.200 tỷ doanh thu (+7,1% so với năm ngoái) và 330 tỷ lợi nhuận trước thuế (-53% so với năm ngoái).

Hai lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của GMD là cảng và logistics vẫn duy trì mức tăng trưởng khá tốt. Do vậy, công ty định hướng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này, đồng thời thoái vốn khỏi các khoản đầu tư ngoài ngành như đã thực hiện trong thời gian qua.

Cho 2015, chúng tôi dự báo doanh thu của GMD sẽ tăng khoảng 10% so với năm ngoái, đạt 3.288 tỷ đồng. Do không có khoản lợi nhuận bất thường lớn như 2014, lãi ròng 2015 ước đạt 194 tỷ đồng, giảm 64% so với năm ngoái. Theo đó, EPS 2015 ước đạt 1.648 VND/cp, tương đương với mức PE kỳ vọng gần 18,4 lần, so với mức 8,1 lần bình quân ngành. Tuy nhiên, nếu xét theo chỉ tiêu PB, GMD chỉ đang giao dịch ở mức 0,7 lần, so với 1,7 lần của bình quân ngành.

Tin bài liên quan