Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu AAA
CTCK MB (MBS)
Công ty Cổ phần Nhựa và Môi trường Xanh An Phát (mã AAA) đặt kế hoạch kinh doanh năm 2017 với doanh thu đạt 3.300 tỷ đồng (tăng 53,9% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 220 tỷ đồng (tăng 54,9%), tương đương biên lợi nhuận ròng đạt 6,7%. Cổ tức dự kiến chia cho năm 2017 là 30%/năm bằng tiền mặt.
Chúng tôi cho rằng tiềm năng tăng trưởng trong năm 2017 của AAA là rất khả quan. Tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sẽ được ghi nhận khi các nhà máy mới đi vào hoạt động, trong khi các nhà máy cũ đã gần hết khấu hao.
Chúng tôi dự phóng AAA sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra với doanh thu đạt 3.300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 220 tỷ đồng, tương đương EPS năm 2017 đạt 3.713 đồng/cp (giả định AAA không tăng vốn thêm trong năm 2017).
Hiện tại, cổ phiếu AAA đang giao dịch với mức P/E là 9,11 lần thấp hơn P/E các DN cùng ngành (12,22 lần) và P/E sàn HSX (hơn 16,9 lần).
Chúng tôi sử dụng phương pháp so sánh P/E để định giá cổ phiếu AAA với P/E forward năm 2017 là 10 lần, giá hợp lý đối với cổ phiếu AAA là 37.100 đồng/cp. Do đó, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu AAA tại vùng giá hiện tại.
Khuyến nghị quan sát cổ phiếu HCM
CTCK BIDV (BSC)
Xu hướng hiện tại của cổ phiếu Công ty Cổ phần Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (mã HCM) là đi ngang, Chỉ báo xu hướng MACD hội tụ, chỉ báo RSI là trung lập.
Nhận định: Sau khi tạo đỉnh vào tháng 7, HCM đã có nhịp điều chỉnh khá lớn và hiện đang giao dịch xung quanh nền ngưỡng Fibonacci 23.6%. BSC tin rằng đây sẽ là vùng giá giao dịch trong ngắn hạn của HCM và giá cổ phiếu sẽ tiếp tục có xu hướng đi ngang trong thời gian tới.
Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị quan sát cổ phiếu HCM trong giai đoạn tới.
Khuyến nghị mua cổ phiếu HPG
CTCK FPTS (FPT)
Trong 9 tháng đầu năm 2017, tổng doanh thu của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) đạt 33.926 tỷ đồng (tăng 43% so với cùng kỳ năm trước); lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng đạt 5.614 tỷ đồng (tăng 99% so với cùng kỳ năm trước).
Có 2 lý do chính dẫn đến việc kết quả kinh doanh tích cực là sản lượng thép xây dựng tiêu thụ tăng trưởng so với cùng kỳ và giá bán thép xây dựng trung bình tăng khoảng 20% so với cùng kỳ.
Đối với dự án khu liên hợp gang thép Dung Quất, giai đoạn I của dự án sẽ tăng 2 triệu tấn thép dài (+100% công suất hàng năm của HPG), hiện đang trong quá trình xây dựng và dự kiến vận hành từ tháng 2/2019. Dự án này được kỳ vọng sẽ giúp HPG giải quyết vấn đề hạn chế công suất hiện tại.
Giai đoạn II sẽ cung cấp 2 triệu tấn HRC – nguyên liệu sản xuất tôn mạ và ống thép – là bán thành phẩm mà Việt Nam chưa sản xuất được và phải nhập khẩu 100%. Dự án được dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2019.
Theo thông tin từ HPG, tập đoàn Danieli sẽ đảm nhiệm toàn bộ việc tư vấn, sản xuất, lắp đặt các dây chuyền thiết bị công nghệ cho giai đoạn I của khu liên hợp. Đây là đối tác lâu năm của Hòa Phát, và các dự án về thép, ống thép và tôn mạ của Hòa Phát đều sử dụng hầu hết thiết bị công nghệ của Tập đoàn Danieli.
Đáng chú ý, dù đầu tư xây dựng dự án và ứng trước để mua máy móc cho dự án Dung Quất trong quý III/2017, HPG vẫn duy trì được tình hình tài chính tốt, với lượng tiền gửi ngân hàng tăng mạnh đạt 12.000 tỷ VND.
Với dự án nhà máy tôn mạ tại Hưng Yên dự kiến hoạt động vào đầu năm 2018. Dự án nhà máy tôn mạ màu với tổng mức đầu tư 4.000 tỷ, công suất 400.000 tấn/năm tại Hưng Yên. Sản phẩm chủ yếu bao gồm tôn mạ màu, tôn lạnh, và sơn màu, thị trường mục tiêu là ở phía Bắc. Nhà máy dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong đầu năm 2018. Theo BCTC Q3.2017, giá trị xây dựng cơ bản dở dang của dự án này đang ở mức 1.365 tỷ đồng, tương đương 30% tổng giá trị đầu tư.
Với việc các nhà máy sản xuất tôn lớn ít tập trung tại miền Bắc mà chỉ tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam, cộng thêm lợi thế về hệ thống phân phối và thương hiệu của HPG, FPTS cho rằng HPG có thể thâm nhập được nhanh vào thị trường ngay sau khi nhà máy đi vào hoạt động, và có thể đạt 100% công suất sau 2 năm.
Trong khi đó, dự án Mandarin Garden II dự kiến sẽ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận vào 2018. Hiện tại, HPG đã cất nóc tòa tháp cao nhất của dự án Mandarin Garden II trong tháng 5/2017. Theo dự kiến, trong năm 2017, HPG có thể ghi nhận 20% doanh thu khi bàn giao nhà cho khách hàng theo quy định kế toán, ước tính khoảng 400 tỷ doanh thu và 125 tỷ lợi nhuận sau thuế.
Phần doanh thu và lợi nhuận còn lại sẽ được ghi nhận trong năm 2018, ước tính đem lại cho HPG khoảng 1.500 tỷ doanh thu và 400 tỷ lợi nhuận sau thuế.
Với việc chính sách thuế tự vệ thép sẽ còn hiệu lực cho tới 2021, HPG cũng như các doanh nghiệp thép cùng ngành đang gấp rút triển khai các dự án mở rộng công suất để cải thiện năng lực sản xuất. Về dài hạn, HPG sẽ có thể đạt sản lượng thép 6.4 triệu tấn – gấp 3 lần công suất hiện tại vào năm 2020 – 2021 với các dự án tôn mạ ở Hưng Yên (2018) và dự án Dung Quất (2019 – 2020). FPTS cho rằng đây là động lực tăng trưởng chính trong tương lai của HPG.
HPG hiện đang được giao dịch với mức P/E 7.2 lần – khá hấp dẫn cho một doanh nghiệp đầu ngành. Với EPS forward ước tính 5,000 đ/cp, chúng tôi khuyến nghị MUA đối với HPG.