Cơ hội với cổ phiếu NT2, HT1, BCC

Cơ hội với cổ phiếu NT2, HT1, BCC

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán Việt Nam những phiên đầu tuần qua giao dịch trong trạng thái phân vân, chỉ số VN-Index dao động trong khu vực 620 - 630 điểm, thanh khoản sàn HOSE duy trì trên nền thấp, dưới mức trung bình của 20 phiên gần nhất. 

Thị trường tỏ ra thận trọng trước sự kiện Anh trưng cầu dân ý về việc ở lại hay rời khỏi Liên minh châu Âu (sự kiện Brexit) trong ngày 23/6 theo giờ địa phương.

Nhiều dự đoán cho rằng, xác suất Brexit thành công chỉ là 1/4, nhưng kết quả cuối cùng đã gây bất ngờ cho giới tài chính. Hiện mối lo ngại về khả năng nhiều nước khác sẽ nối gót Anh rời EU khiến liên minh này có nguy cơ sụp đổ và những hệ lụy sau khi Anh rời khỏi EU đang bao trùm lên thị trường tài chính thế giới.

Thị trường chứng khoán trong nước ngay từ khi mở cửa phiên giao dịch cuối tuần đã phản ánh trạng thái tiêu cực trước thông tin số lựa chọn rời khỏi châu Âu luôn cao hơn số người dân lựa chọn ở lại. Ngay trong giờ nghỉ trưa 24/6, kết quả cuộc bỏ phiếu Brexit ở nước Anh được định đoạt với 17,41 triệu phiếu ủng hộ cho phương án ra đi, tương đương 51,9%, trong khi đó phương án ở lại nhận được 16,14 triệu phiếu ủng hộ, tương đương 48,1%.

Đà bán tháo đã diễn ra trên diện rộng với hơn 270 triệu cổ phiếu được khớp lệnh trong phiên sáng 24/6. Đây có thể coi là phiên hoảng loạn chưa từng có kể từ sau sự kiện Biển Đông tháng 5/2014. Chỉ số VN-Index ngày 24/6 có thời điểm giảm kỷ lục 34 điểm, đánh mất mốc 600 điểm, với hơn 122 mã giảm sàn. Thị trường “bốc hơi” hơn 50.000 tỷ đồng giá trị vốn hóa chỉ trong vài giờ.

Phản ứng tệ hơn thị trường chứng khoán Việt Nam, thị trường chứng khoán Nhật Bản đã phải tạm dừng giao dịch.

Đồng Bảng Anh giảm xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 31 năm qua. Ngay sau kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy phe ủng hộ Brexit thắng thế, đồng Bảng Anh đã giảm 10%, giao dịch ở mức 1,3408 USD/1 Bảng Anh, so với mức 1.4871 USD/1 Bảng Anh trong phiên thứ Năm. Đây cũng là mức sụt giảm mạnh nhất kể từ khi đồng tiền này được phát hành năm 1999. Giá dầu thô giảm xuống 48 USD/thùng. Hợp đồng tương lai chỉ số FTSE 100 và S&P500 cũng như chứng khoán châu Á giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm qua.

Trong khi đó, nhà đầu tư đổ xô đến các tài sản an toàn; trong đó có đồng Yên Nhật, đồng tiền này ngay lập tức vượt ngưỡng 100 Yên/USD lần đầu tiên kể từ năm 2013. Vàng và trái phiếu Mỹ cũng là lựa chọn hàng đầu của nhà đầu tư.

Kinh tế Việt Nam có thể sẽ chịu tác động tương đối lớn việc Anh rời khỏi EU khi thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam là EU, với kim ngạch đạt trên 30 tỷ USD và xuất siêu với giá trị lớn, trên 20 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu vào EU (trong đó có Anh) chiếm 20,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, triển vọng tăng trưởng của khu vực này kém đi sẽ khiến cho xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng. Thêm vào đó, đồng Euro giảm giá so với USD khiến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam vào thị trường EU suy giảm.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, VN-Index đóng cửa trên mốc 620 điểm, mốc này về mặt kỹ thuật được coi là tương đối nhạy cảm. Ngoài là mốc hỗ trợ chẵn, nếu như chỉ số đóng cửa dưới mốc 620 điểm, mô hình hai đỉnh sẽ được hoàn thành và kịch bản tiếp theo của VN-Index là rơi vào xu hướng điều chỉnh. Quan sát trong phiên, lực cầu bắt đáy khi nhà đầu tư hoảng loạn gia tăng khi đồng loạt nhiều mã giảm sàn. Trong những lúc tâm lý bị tiêu cực quá đà như hiện tại, đây là cơ hội để thu mua những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt.

Tuy nhiên, nhà đầu tư nên thận trọng trong những phiên đầu tuần này. Trường hợp thị trường tiếp tục đà giảm, mốc 610 điểm sẽ là mốc hỗ trợ tiếp theo. Nhà đầu tư ưa thích rủi ro có thể lựa chọn những cổ phiếu đi ngược thị trường, các mã được hưởng lợi từ sự kiện Brexit. Đồng Euro giảm giá sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp vay nợ bằng ngoại tệ thu được lợi nhuận đột biến từ chênh lệch tỷ giá như NT2, HT1, BCC...

Tin bài liên quan