Nguồn: HOSE

Nguồn: HOSE

Chứng khoán hướng tới mức điểm cao hơn

(ĐTCK) Với các mức kháng cự 580 điểm của VN-Index và 86 điểm của HNX-Index bị phá vỡ trong phiên cuối tuần qua, dự báo các chỉ số chứng khoán sẽ đi lên mức kháng cự mạnh tiếp theo là 600 - 610 điểm với VN-Index, 643 điểm với VN30 và 89 điểm với HNXIndex.

Kinh tế bước vào giai đoạn tăng trưởng mới

Nhiều cuộc hội thảo và trao đổi của các chuyên gia về triển vọng kinh tế 2015 đã diễn ra trong tuần qua. Nhìn chung, các ý kiến đều cho rằng, mặc dù vẫn còn thách thức và rủi ro, nhưng nền kinh tế đã qua giai đoạn lấy đà (2013 - 2014) và đang bắt đầu giai đoạn tăng trưởng mới.

Đặc biệt, việc đàm phán tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể sớm kết thúc, kỳ vọng đem lại những cơ hội lớn cho xuất khẩu. Trong khi đó, nhiều chính sách mới được ban hành và Chính phủ đã và đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh.

Vì thế, năm 2015 được đánh giá sẽ là một năm có nhiều thuận lợi hơn cho hoạt động của doanh nghiệp và dự đoán tăng trưởng kinh tế ở mức 6,2% hay cao hơn là có thể đạt được.

Cổ phiếu xi măng hưởng lợi khi euro giảm

Trong tuần qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu công bố sẽ “bơm” khoảng 60 tỷ euro mỗi tháng, cao hơn ước tính của thị trường, thông qua chương trình mua trái phiếu cho đến tháng 9/2016 để chống lại rủi ro giảm phát trong khu vực. Việc này đã đẩy tỷ giá euro/USD xuống mức thấp nhất trong hơn 1 thập kỷ. Động thái bán tháo đồng euro khiến đồng USD tăng giá so với phần lớn ngoại tệ khác như AUD, CAD, JPY, thậm chí CHF - đồng tiền vừa được gỡ bỏ trần tỷ giá so với đồng euro.

Ở Việt Nam, sự kiểm soát chặt của Chính phủ đối với thị trường ngoại tệ đã khiến một dòng vốn lớn chảy vào thị trường chứng khoán, đặc biệt là những cổ phiếu được hưởng lợi từ việc đồng euro giảm giá khi DN do có dư nợ lớn bằng ngoại tệ này như BCC, HT1, NT2… Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua, giá cổ phiếu HT1 và BCC tăng vọt 6,2% và 10%.

Tuy nhiên, bỏ qua vấn đề tỷ giá, tình trạng thừa cung của ngành xi măng vẫn chưa được giải quyết, chênh lệch cung cầu khoảng 10 triệu đồng/tấn. Doanh thu bán hàng 4 quý gần nhất của BCC tăng 13%, vượt trên mức trung bình ngành, nhưng tăng trưởng của HT1 chỉ ở mức 6%.

Biên lợi nhuận EBITDA có cải thiện trong quý IV/2014 so với quý III, nhờ vào giá xăng dầu trong nước giảm mạnh, nhưng vẫn thấp hơn các công ty xi măng khác trong khu vực Đông Nam Á như Semen Indonesia, PT Holcim Indonesia, Siam City Cement Thái Lan, TPI Polene.

Cuối cùng, chỉ số định giá EV/EBITDA của cả 2 công ty HT1 (8 lần) và BCC (6,2 lần) đã phản ánh giá trị nội tại của doanh nghiệp, khi so sánh với mức trung bình 11,7 lần của các công ty trong khu vực nói trên (có quy mô lớn hơn nhiều lần).

Cổ phiếu ngân hàng tăng giá

Xét diễn biến giá cổ phiếu, tuần qua, nhiều cổ phiếu xi măng tăng yếu hơn so với nhóm cổ phiếu ngân hàng như BID, VCB, CTG khi nhà đầu tư “đặt cược” vào các thương vụ M&A của ngân hàng. Cụ thể, cổ phiếu BID tăng 7,4%, VCB tăng 2,2%, MBB tăng 4,3%, CTG tăng 8,5%. Trong các cuộc “hôn nhân” tiềm năng, BID mua MHB và VCB mua Saigonbank gây nhiều chú ý nhất, trong đó 1 tích cực và 1 trung lập.

Dự báo, MHB với số lượng chi nhánh/điểm giao dịch lớn sẽ giúp mở rộng sự hiện diện của BID ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Hơn thế, kinh nghiệm của MHB trong hoạt động cho vay đối với cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ giúp BID cải thiện mảng bán lẻ, mảng kinh doanh mà chúng tôi kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng lợi nhuận chính cho ngân hàng trong các năm tới. Ngược lại, ở thương vụ thứ hai, Saigonbank có thể sẽ không tác động đáng kể đến VCB khi nhìn vào sự khác biệt lớn giữa quy mô 2 ngân hàng (VCB có tổng tài sản 530.000 tỷ đồng so với 16.000 tỷ đồng của Saigonbank; tương tự, thị phần cho vay 8,07% so với 0,29%).

Triển vọng tăng điểm của thị trường

Trong tuần qua, VN-Index tăng 7,57 điểm, đạt 582,38 điểm; HNX-Index tăng 3,88 điểm, đạt 86,86 điểm. Các cổ phiếu vốn hoá lớn đã dẫn dắt đà tăng của thị trường. Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt trên 11.714 tỷ đồng, tăng 14,3%, dù tổng khối lượng giao dịch trên hai sàn chỉ đạt 745 triệu đơn vị, giảm 13% so với tuần trước đó.

Khối NĐT nước ngoài bán ròng 23,6 tỷ đồng trên sàn HOSE và mua ròng 120 tỷ đồng trên sàn HNX. Những cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất theo thứ tự là CTG, CII, DXG, SHS, VCG, PPC, với tổng khối lượng giao dịch đạt trên 1 triệu cổ phiếu/mã. Trong khi đó, NTP, HAG, VCB, PVS, BID, MSN là những cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất.

Về mặt kỹ thuật, trong tuần qua, chỉ số VN-Index và HNX-Index đã đi xuống mức thấp nhất, lần lượt là 567,82 điểm và 84,12 điểm; VN30 đã đi xuống mức thấp nhất 604,35 điểm trước khi bật lên vào phiên chiều cuối tuần. Khối lượng giao dịch gia tăng trong phiên cuối tuần cho thấy lực mua đang gia tăng. Vì vậy, nhiều khả năng các chỉ số chứng khoán đã hình thành vùng đáy ngắn hạn và đi lên trở lại.

Với các mức kháng cự 580 điểm của VN-Index và 86 điểm của HNX-Index bị phá vỡ trong phiên cuối tuần qua, dự báo các chỉ số chứng khoán sẽ đi lên mức kháng cự mạnh tiếp theo là 600 - 610 điểm với VN-Index, 643 điểm với VN30 và 89 điểm với HNXIndex.

Tin bài liên quan