Lo sợ vô căn cứ khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ đánh mất nhiều cơ hội

Lo sợ vô căn cứ khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ đánh mất nhiều cơ hội

Chứng khoán cuối năm: Đà tăng vẫn còn

(ĐTCK) Chỉ số VN-Index đã mất tới 40 điểm kể từ khi lập đỉnh vào ngày 4/12, đóng cửa phiên cuối tuần qua ở mức 935,16 điểm. 

Tâm lý lo sợ thị trường quá nóng sau hai tháng tăng liên tục là một trong những nguyên nhân kéo thị trường giảm điểm. Nhưng, có nhiều lý do để củng cố cho niềm tin thị trường sẽ tăng trưởng mạnh trong trung và dài hạn, thậm chí có thể lấy lại đỉnh 1.170 điểm ngay trong những ngày cuối năm này.

Dòng tiền chảy mạnh vào thị trường

Chỉ số VN-Index đang đi ngang quanh vùng 920 điểm, ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn cũng tại vùng này quanh đường trung bình 20 ngày. Dẫu thị trường đang chịu tác động của nhiều yếu tố tiêu cực như tâm lý phân vân, lo sợ ở các nhà đầu tư nhỏ lẻ, lượng margin khá căng tại các công ty chứng khoán lớn, các quỹ ETF tái cơ cấu danh mục, nhưng điểm tích cực là chưa xuất hiện dấu hiệu bán tháo trên toàn thị trường và lực cầu bắt đáy rất mạnh mỗi khi chỉ số rơi sâu.

Xét về yếu tố cơ bản, một nhịp điều chỉnh trong ngắn hạn sau khi chỉ số VN-Index tăng liên tục trong vòng gần 2 tháng lên mức trên 970 điểm, P/E toàn thị trường lên tới 19 lần, là điều hợp lý. Sự gia tăng quá nóng về mặt chỉ số sẽ gây tâm lý hoang mang trên thị trường và niềm tin của nhà đầu tư giảm xuống. Nhưng ảnh hưởng của yếu tố tâm lý này sẽ qua nhanh, nếu thị trường không xuất hiện thêm những yếu tố tiêu cực khác.

Về ảnh hưởng của dòng vốn margin, tính tới hết quý III, lượng tiền margin từ các công ty chứng khoán chảy vào thị trường đạt khoảng 36.155 tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm ở mức 29.688 tỷ đồng. Tuy nhiên, có một thực tế là tại những thời điểm trước khi chốt báo cáo quý, lượng margin của các công ty chứng khoán căng hơn mức này rất nhiều.

Quan sát các thời điểm đầu tháng 3, 6, 9, có thể thấy, thị trường thường lình xình hoặc điều chỉnh nhẹ. Tương tự, trong nửa đầu tháng 12 này, các công ty chứng khoán có thể giảm dần lượng cho vay margin để chốt số liệu báo cáo quý IV và cả năm 2017 đẹp hơn.

Điều cần lưu ý là nguồn tiền đổ vào thị trường rất đa dạng, từ nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư cá nhân, quỹ đầu tư, doanh nghiệp, tự doanh của công ty chứng khoán, margin chỉ là một phần trong số đó và nó không quyết định được xu hướng dài hạn của thị trường. Bản thân dòng tiền margin cũng mang yếu tố ngắn hạn, ra vào thị trường rất nhanh, tạo thanh khoản cao cho cổ phiếu và khiến thị trường trở nên sôi động hơn.

Một câu chuyện đang rất nóng trên thị trường chứng khoán hiện tại là sóng thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Sau thành công lớn tại phiên đấu giá cổ phần  Tổng công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk), SCIC lại thất bại trong thương vụ bán cổ phần tại Vinaconex, làm giảm sút niềm tin của các nhà đầu tư vào sóng thoái vốn này.

Tuy nhiên, thị trường đang chờ đợi kết quả của phiên đấu giá cổ phần của Bộ Công thương tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn với giá khởi điểm 320.000 đồng/cổ phiếu diễn ra vào sáng 18/12.

Phiên đấu giá nếu diễn ra thành công sẽ củng cố thêm niềm tin ngắn hạn cho nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, có những cơ sở khác để tạo dựng niềm tin vào đà tăng trưởng bền vững của thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn.

Vốn ngoại, luôn được xem là trụ đỡ cho đà tăng của thị trường, vẫn đang diễn biến tích cực. Tính từ đầu năm tới hết tháng 11, giá trị mua ròng của khối ngoại đạt 1,77 tỷ USD, tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2016.

Giá trị thị trường danh mục nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài tăng mua ròng mạnh các cổ phiếu lớn, tổng giá trị thị trường danh mục nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài đạt 32,5 tỷ USD, tăng 59% so với cùng kỳ.

Điều này chứng tỏ khả năng hấp thụ vốn gián tiếp nhờ quy mô của thị trường gia tăng (hiện chiếm 66% trên tổng GDP), quyết tâm cải cách của Chính phủ vào các chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân. Đáng chú ý, nhà đầu tư đã trở lại mua ròng mạnh trong những phiên giảm điểm vừa qua.   

Triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp tốt

Chính sách kích cầu vẫn là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Mặt bằng lãi suất thấp, thậm chí có thể giảm tiếp trong các năm tới, cùng với tăng trưởng tín dụng tốt, lạm phát kiềm chế ở mức rất thấp (lạm phát cơ bản 11 tháng đầu năm là 1,42%, thấp hơn mức kế hoạch 1,6 - 1,8%).

Tỷ giá tiếp tục ổn định và giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm do tình hình cán cân thương mại tiếp tục thặng dư, xuất siêu 2,8 tỷ USD trong 11 tháng, dự trữ ngoại hối dồi dào đạt 46 tỷ USD khiến Ngân hàng Nhà nước luôn ở thế chủ động trong việc ổn định tỷ giá, vốn FDI thực hiện đạt 16 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ.

Như vậy, ưu tiên hàng đầu của Chính phủ hiện tại và trong trung hạn vẫn hướng tới là ổn định vĩ mô, tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát, tỷ giá đều nằm trong tầm tay của Ngân hàng Nhà nước.

Chứng khoán cuối năm: Đà tăng vẫn còn ảnh 2

Một điểm tích cực nữa là tín dụng ưu tiên đã và đang được nắn vào lĩnh vực sản xuất, công nghiệp và có phần giảm trong lĩnh vực bất động sản và chứng khoán. Điều này tạo sự khác biệt căn bản so với giai đoạn thị trường sụp đổ vào cuối năm 2017, nguyên nhân từ bong bóng bất động sản và tín dụng chảy quá nóng vào thị trường chứng khoán, hệ số P/E thị trường thời điểm đó lên tới 40 lần, rất nhiều cổ phiếu có giá vài trăm nghìn đồng tới gần cả triệu đồng.

Nền tảng căn bản của thị trường chứng khoán là hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp vẫn đang tăng trưởng tích cực nhờ đà phục hồi ổn định của nền kinh tế trong nước và thế giới. Quý III vừa qua, hàng loạt doanh nghiệp niêm yết báo lãi lớn, có doanh nghiệp đã hoàn thành hoặc vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực tập trung vào các ngành chủ chốt như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, thép, xây dựng, cao su thiên nhiên, bán lẻ, dầu khí, điện nước… Dự báo, những ngành này tiếp tục sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý cuối năm.

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), tổng lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng của hầu hết các công ty niêm yết (678/721) là 114.300 tỷ đồng, tăng 22,2% so với cùng kỳ 2016. Có 29 doanh nghiệp trong nhóm VN30 báo lãi, chỉ Tổng công ty Khoan và dịch vụ khoan dầu khí (PVD) báo lỗ, nhưng doanh nghiệp này đã lãi trở lại trong quý III). Tổng lợi nhuận sau thuế của nhóm VN30 tăng 9,4% so với cùng kỳ 2016.

Tất nhiên, một số ngành khác vẫn đang diễn biến khó khăn dư cung, cạnh tranh cao như phân bón, mía đường, nhựa, giấy, chế biến gỗ… nhưng đây cũng là điều bình thường. Khó khăn của ngành này luôn là cơ hội cho ngành khác và ngược lại.

Định giá cổ phiếu vẫn còn hấp dẫn

Tính tới hết quý III, Việt Nam là thị trường được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhiều nhất trong khu vực. Tại sao một lượng vốn nước ngoài lớn như vậy lại đổ vào thị trường Việt Nam, trong khi P/E đã khá cao, dao động quanh mức 18 lần, không còn hấp dẫn nếu so sánh với các thị trường trong khu vực (Phillipines 22 lần, Indonesia 20 lần, Thái Lan 16 lần, Singapore 13 lần, Malaysia 17 lần…)? Câu trả lời nằm ở triển vọng phía trước của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo thống kê của một số công ty chứng khoán, tới hết quý III, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) thị trường chứng khoán Việt Nam đang đạt xấp xỉ 15%, các quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Phillipines đạt quanh 11 - 12% và mức P/B, ROA của Việt Nam cũng xấp xỉ bằng họ.

Một điểm đáng chú ý nữa, chỉ số VN-Index bị ảnh hưởng lớn bởi một số cổ phiếu vốn hóa lớn ROS (P/E 217 lần), SAB (P/E 40 lần), VIC (P/E 104 lần), VNM (P/E 26 lần), MSN (P/E 29 lần), VCB (P/E 20 lần). Loại trừ tác động của ROS, SAB, VIC thì P/E đang ở quanh mốc 16 lần, vẫn ở mức chấp nhận được. Nhà đầu tư không nên quá lo lắng về một đợt điều chỉnh mạnh hoặc thị trường đang ở trong giai đoạn bong bóng có thể “nổ” bất kỳ lúc nào.

Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp sẽ công bố kết quả kinh doanh quý IV và lưu ý rằng thường quý IV cũng sẽ là quý “book” lợi nhuận cao nhất của các doanh nghiệp, mức P/E thị trường cũng sẽ được điều chỉnh xuống hấp dẫn hơn.

Lo sợ không có căn cứ đã khiến nhà đầu tư bỏ lỡ cơ hội. Nhìn thị trường đi lên một mạch mà không có đợt điều chỉnh nào đáng kể, nhà đầu tư thường suy nghĩ rằng chỉ số tăng cao quá sẽ phải điều chỉnh mà không có bất kỳ lý do nào. Trong khi đó, những nhà đầu tư có kiến thức, các tổ chức nước ngoài lại trở nên tham lam và luôn tích lũy cổ phiếu khi nhận thấy doanh nghiệp còn tiềm năng, định giá còn hấp dẫn.

Tập trung vào cổ phiếu giai đoạn này bao giờ cũng tốt hơn, vì sớm hay muộn thì thị trường cũng tự vượt qua các đợt điều chỉnh ngắn hạn một khi triển vọng trong trung và dài hạn còn tốt. Chỉ số VN-Index vẫn có khả năng chinh phục đỉnh cũ 1.170 điểm trong ngắn hạn.

Tin bài liên quan