Cao su tự nhiên đã qua thời gian khó

Cao su tự nhiên đã qua thời gian khó

(ĐTCK) Giá bán mủ cao su tự nhiên đang có dấu hiệu hồi phục sau một thời gian dài nằm trong xu hướng giảm.

Giá bán cao su bình quân tháng 10/2016 của các doanh nghiệp trong nước đạt 31 - 32 triệu đồng/tấn, tăng khoảng 18% so với mức đáy đầu năm. Trên thị trường quốc tế, giá cao su STR20 và RSS3 tăng xấp xỉ 33% và 35% so với đầu năm.

Một số nguyên nhân chính giúp giá cao su hồi phục là do hiện tượng La Nina khiến lượng mưa tăng đột biến, ảnh hưởng đến việc khai thác cao su, làm giảm nguồn cung. Hơn nữa, các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới, tiếp tục tăng trưởng ổn định nên nhu cầu cao su ở mức cao. Ngoài ra, chênh lệch cung cầu cao su quốc tế đã trở về mức cân bằng hơn trong hai năm trở lại đây.

Cao su tự nhiên đã qua thời gian khó ảnh 1

Trong báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (World Bank) về các thị trường hàng hóa, giá cao su tự nhiên được dự báo có xu hướng hồi phục từ nay đến năm 2025. Trong ngắn hạn, năm 2017, chúng tôi cho rằng, khí hậu thất thường sẽ gây áp lực lên nguồn cung cao su thiên nhiên các nước, nhưng giá dầu ở mức thấp khiến cho giá cao su nhân tạo duy trì ở mức thấp nên giá cao su tự nhiên có thể chỉ tăng nhẹ.

Cao su tự nhiên đã qua thời gian khó ảnh 2

Giá bán bình quân đang tăng, nhưng lợi nhuận từ sản xuất kinh - doanh doanh cao su chiếm tỷ trọng chưa cao trong tổng lợi nhuận của các công ty trong ngành 9 tháng đầu năm. Cụ thể, lợi nhuận này của DPR chiếm khoảng 10% lợi nhuận gộp. Tương tự, tại PHR là gần 1/3 lợi nhuận trước thuế (160 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ); tại TRC là 53% lợi nhuận trước thuế (43 tỷ đồng, tăng 25,6%). Nguyên nhân là do chênh lệch giá vốn và giá bán bình quân trong kỳ chỉ khoảng 2 - 3 triệu đồng/tấn. Chúng tôi cho rằng, lợi nhuận từ kinh doanh cao su của các công ty sẽ có sự cải thiện trong năm 2017.

Trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh khác, chủ yếu đến từ thanh lý vườn cây cao su, đóng góp lớn vào lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành. Lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh khác của DPR chiếm xấp xỉ 80% lợi nhuận trước thuế; của PHR chiếm khoảng 70%, đạt 111 tỷ đồng. Với TRC, hoạt động thanh lý vườn cây mang lại hơn 20 tỷ đồng, chiếm 47% lợi nhuận trước thuế.

Cao su tự nhiên đã qua thời gian khó ảnh 3

Giá cao su vẫn còn thấp nhưng các công ty cao su thiên nhiên duy trì chính sách cổ tức tương đối hấp dẫn. DPR dự kiến trả cổ tức năm 2016 ở mức 30% (3.000 đồng/CP), ước tính chi 135 tỷ đồng, lợi suất cổ tức hiện là 8,3%. Chúng tôi cho rằng, mức cổ tức này là khả thi do tính đến thời điểm cuối quý III/2016, DPR có lượng tiền và tương đương tiền 645 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 548 tỷ đồng. Hay PHR, Đại hội đồng cổ đông đã thông qua mức cổ tức năm 2016 không thấp hơn 10%, tương ứng lợi suất cổ tức xấp xỉ 4%. Với kết quả kinh doanh 9 tháng 2016 khả quan và tình hình tài chính lạnh mạnh, PHR có đủ năng lực trả cổ tức cao hơn.

Tin bài liên quan