BVSC: 4 cổ phiếu tốt nhà đầu tư cần lưu ý

BVSC: 4 cổ phiếu tốt nhà đầu tư cần lưu ý

(ĐTCK) Thay vì cố đoán điểm đáy của thị trường, nhà đầu tư có thể lựa chọn các cổ phiếu có triển vọng tốt, đi kèm với định giá hấp dẫn cho mục tiêu đầu tư trung và dài hạn. Báo Đầu tư Chứng khoán giới thiệu bài viết của CTCK Bảo Việt (BVSC) lưu ý nhà đầu tư một số cơ hội đáng xem xét.
PMC - tăng trưởng tốt, định giá hấp dẫn

6 tháng đầu năm 2016, CTCP Dược phẩm Dược liệu Pharmedic (Mã PMC – HNX) đạt 197,7 tỷ đồng doanh thu, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 34,4 tỷ đồng, tăng 19,2% so với cùng thời gian năm ngoái. Lợi nhuận đạt mức tăng trưởng tốt hơn chủ yếu nhờ tiết giảm chi phí. Dự báo cả năm 2016, PMC có thể đạt được 434 tỷ đồng doanh thu và 74,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng lần lượt 12% và 17% so với năm 2015.

Hiện tại, tình hình tài chính của PMC rất lành mạnh khi Công ty hoàn toàn không có nợ vay, tiền và tương đương tiền chiếm đến 48% tổng tài sản.

Cùng với đó, cổ phiếu PMC có định giá hấp dẫn, với mức P/E khoảng 7,5x, khá thấp so với bình quân ngành dược nói chung và so với một doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh, tăng trưởng tốt và tình hình tài chính lành mạnh.

Nhiều sản phẩm của PMC đã được khách hàng tin dùng trong nhiều năm qua nhờ chất lượng tốt và giá thành rất cạnh tranh. Trong đó, có thể kể đến 3 sản phẩm nổi bật là B.A.R, Thuốc nhỏ mắt mũi Natri Clorid 0,9% và thuốc nước phụ khoa Gynofar. Cụ thể, sản phẩm B.A.R là thuốc chuyên trị các bệnh về gan, chiếm khoảng 10% tổng doanh thu. Tuy cùng chức năng điều trị gan nhưng giá bán của B.A.R ước tính thấp hơn khoảng 50% so với các loại thông dụng trên thị trường là Boganic (Trapharco) và Naturenz (DHG Pharma).

Nhóm sản phẩm nước nhỏ mắt, mũi được người dùng ưa chuộng vì an toàn cho trẻ em, thiết kế và liều lượng sản phẩm thuận tiện cho người dùng, cảm giác khi dùng dễ chịu. Nhóm này chiếm khoảng 30%-40% tổng doanh thu. Cuối cùng là sản phẩm thuốc nước phụ khoa Gynofar chiếm khoảng 30% tổng doanh thu. Sản phẩm tiêu thụ tốt chủ yếu nhờ giá thành cạnh tranh.

Hệ thống phân phối của PMC đã phát triển tại 49/63 tỉnh thành, việc tăng độ phủ của mạng lưới phân phối giúp PMC tăng doanh thu kênh OTC. Trong 6 tháng đầu năm 2016, số lượng khách hàng của PMC đã tăng trưởng khoảng 5%.

 

HPG - Lợi thế về nguyên liệu giá thấp, sản phẩm đang đà tăng giá

Năm 2016, sản lượng tiêu thụ thép của HPG được dự báo có thể tăng trưởng mạnh nhờ thuế tự vệ đối với thép nhập khẩu giúp hạn chế lượng thép Trung Quốc nhập vào Việt Nam, đồng thời, lò cao 3 đi vào hoạt động trong vòng 3 tháng đã đạt được 100% công suất, giúp giảm giá thành sản xuất và gia tăng năng lực sản xuất cho toàn Tập đoàn Hòa Phát (HPG – HOSE).

Trong nửa đầu năm 2016, HPG đã tiêu thụ được 780.000 tấn thép xây dựng và 140.000 tấn phôi thép, tăng khoảng 36% so với cùng kỳ năm 2015. Ước tính cả năm 2016, HPG có thể tiêu thụ được 1,6 triệu tấn thép và 300.000 tấn phôi, tăng trưởng 37% so với năm trước.

Ngoài ra, HPG đã tích trữ được một lượng quặng sắt đảm bảo đủ để sản xuất cho cả năm 2016 với mức giá bình quân 40 USD/tấn, thấp hơn khoảng 35% so với giá quặng sắt hiện nay (61,72 USD/tấn), đảm bảo biên lợi nhuận tiếp tục duy trì ở mức cao trong nửa cuối năm 2016.

Theo BVSC, ước tính năm 2016, HPG có thể đạt 31.584 tỷ đồng doanh thu và 5.917 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 15% về doanh thu và 69% về lợi nhuận so với năm 2015.

BVSC: 4 cổ phiếu tốt nhà đầu tư cần lưu ý ảnh 2 

Trong dài hạn, thuế tự vệ đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu sẽ hết hiệu lực vào tháng 3/2020, tuy nhiên, theo quy định của WTO, biện pháp tự vệ có thể kéo dài 4 năm và sau đó có thể gia hạn, với tổng thời gian áp dụng và gia hạn tối đa là 8 năm. Do đó HPG sẽ được hưởng lợi trong ít nhất 4 năm và có thể 8 năm tới, nhờ thuế tự vệ đối với thép nhập khẩu.

Các mảng kinh doanh mới như bất động sản Madarin Garden 2, dự án tôn mạ màu, dự án sản xuất thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi có thể không mang lại lợi nhuận trong ngắn hạn cho HPG, tuy nhiên, tiềm năng từ các dự án này khá tốt khi trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, các doanh nghiệp có quy mô nhỏ lẻ đang giữ đến 40% thị phần toàn ngành. Ngoài ra, rủi ro của ngành cũng không cao khi đặc trưng của ngành là vốn đầu tư nhỏ, dòng tiền quay vòng nhanh và điểm hòa vốn rất thấp (25% - 30% công suất).

Đối với ngành chăn nuôi, BVSC đánh giá đây là ngành hàng rủi ro nhất của HPG do lo ngại từ cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu sau khi TPP có hiệu lực. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ có thời gian chuẩn bị từ 8 - 10 năm sau khi TPP ký kết chính thức và thuế nhập khẩu dần về 0%.

Với việc HPG đầu tư quy mô lớn cũng như tự chủ được nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, có thể hy vọng vào khả năng cạnh tranh của HPG khi thuế nhập khẩu bị dỡ bỏ. Trong trường hợp xấu, không có khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu, thì vốn đầu tư vào hệ thống chuồng trại cho chăn nuôi của HPG cũng chiếm tỷ trọng rất thấp.

VSC - Cảng VIP Green tạo động lực tăng trưởng trong dài hạn

Cảng VIP Green đã giúp Công ty cổ phần Tập đoàn Container Việt Nam (VSC – HOSE) giải quyết được bài toán tăng trưởng bằng việc mở rộng công suất. Với việc đầu tư vào VIP Green, VSC đã nâng công suất khai thác cảng từ 350.000 TEU lên 800.000 TEU, đứng thứ 2 khu vực Hải Phòng về năng lực bốc xếp container. Cảng VIP Green cũng có vị trí đắc địa nhất khu vực Hải Phòng.

Các hiệp định thương mại, đặc biệt là TPP sẽ thu hút thêm nhiều dòng vốn FDI vào khu vực phía Bắc, thúc đẩy giao thương hàng hóa quốc tế của Việt Nam, nhờ đó lượng hàng hóa qua cảng tăng trưởng tích cực.

Hiện tại, VSC có nguồn khách hàng ổn định, thương hiệu mạnh và sức khỏe tài chính lành mạnh. Năm 2016, cảng VIP Green có thể đạt sản lượng bốc xếp 350.000 TEU, tương ứng 70% công suất thiết kế, ghi nhận 401 tỷ đồng doanh thu và 49 tỷ đồng lợi nhuận ròng cho VSC. Kết quả tích cực này dựa trên những lợi thế vượt trội của VIP Green về vị trí và thiết bị cảng, nguồn khách hàng ổn định và tăng trưởng chung tích cực của ngành.

Bên cạnh đó, Cảng Green vẫn đảm bảo sản lượng thực hiện tại ngưỡng công suất toàn dụng. Thực tế, ảnh hưởng của việc khách hàng lớn Evergreen chuyển sang sử dụng VIP Green không quá lớn do tháng 4/2016, cảng Green đã tìm được 3 khách hàng mới thay thế Evergreen. Sản lượng bốc xếp tại cảng Green dự báo đạt 350.000 TEU, đạt doanh thu 376 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 206 tỷ đồng.

Nhìn chung, năm 2016, VSC được dự báo sẽ đạt 1.190 tỷ đồng doanh thu (tăng 28% so với năm trước) và 294 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng 6% so với năm 2015). Lợi nhuận từ VIP Green sẽ bù đắp được phần lợi nhuận đột biến từ container lạnh của năm 2015.

Theo BVSC, VIP Green có thể đạt công suất tối đa 500.000 TEU trong năm 2017. Tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu trong khi chi phí tài chính bắt đầu giảm khiến lợi nhuận của DN có khả năng tăng trưởng vượt trội, dự báo đạt 1.430 tỷ đồng doanh thu và 354 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế vào năm 2017.

DRC -thị phần lớn, thương hiệu lâu năm

Ngành săm lốp vẫn là một trong những nhóm ngành sản xuất mà BVSC đánh giá khả quan trong dài hạn, xét trên dư địa tăng trưởng của mức tiêu thụ ôtô tại Việt Nam. Đại diện tiêu biểu của ngành này là Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC – HOSE), doanh nghiệp thuần về sản xuất, với vai trò là một trong những đối thủ đầu ngành săm lốp, có thị phần lớn và thương hiệu lâu năm, đặc biệt là trong mảng săm lốp tải nặng.

BVSC dự báo kết quả kinh doanh nửa cuối 2016 khả quan với doanh thu thuần đạt 1.781 tỷ đồng (tăng 8,5% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế đạt 225 tỷ đồng (tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước, với giả định (1) giá cao su bình quân chỉ bằng năm 2015 dựa trên những yếu tố chúng tôi đã đề cập ở trên và (2) tiêu thụ lốp Radial cải thiện hơn với cao điểm là quý IV/2016 và qua đó cả năm đạt 230.000 lốp (tăng 31% so với năm trước).

Tin bài liên quan